Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen: Có qua bĩ cực mới thấy thái lai
Đằng sau thành công tưởng chừng như đã "thái lai" này là không ít thăng trầm bĩ cực, thậm chí Hoa Sen của ông Vũ từng đứng trước nguy cơ phá sản.
Khởi nghiệp với hơn 2 chỉ vàng nhưng chỉ sau 20 năm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã bước vào nhóm 10 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, đoạt giải thưởng cao nhất của giải thưởng "EY- Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014" và đại diện doanh nhân Việt Nam tham gia Giải thưởng EY thế giới tại Monaco năm 2015... Song, đằng sau thành công tưởng chừng như đã "thái lai" này là không ít thăng trầm bĩ cực, thậm chí Hoa Sen của ông Vũ từng đứng trước nguy cơ phá sản. "Nhưng nghĩ đến trách nhiệm với đứa con mà mình khổ cực mới tạo dựng được và khát vọng vươn lên đã giúp tôi vượt qua sóng dữ", ông Lê Phước Vũ chia sẻ.
Ông Phước Vũ gắn với nghiệp sản xuất tôn thép tình cờ khi nhận cơ hội làm đại lý phân phối cho Tôn Nipponvina vào năm 1994. Thời điểm đó, do nguồn vốn ít ỏi nên rất khó để tạo được uy tín đối với nhà cung cấp để mua hàng trả chậm và tiết giảm chi phí quản lý.
"Đó là thời điểm lúc nào tôi cũng trong trạng thái căng thẳng để tìm giải pháp kinh doanh, thậm chí phải cùng lúc kiêm nhiệm rất nhiều việc như: quản lý, điều hành, và kiêm luôn cả việc lái xe ba gác đi giao hàng", ông Vũ nói.
Nhờ căn cơ và nhanh nhạy, ông Vũ có cơ hội mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ. Đến năm 2001, ông đã kêu gọi được cổ đông, thành lập Công ty CP Hoa Sen với vốn đầu tư ban đầu 30 tỷ đồng và xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bình Dương.
Năm 2007, Hoa Sen đã đầu tư được 2 dây chuyền mạ kẽm và một dây chuyền cán nguội, tạo đà cho những năm sau đó, dù ngành vật liệu gặp khó khăn nhưng doanh thu của Hoa Sen vẫn tăng trưởng ấn tượng từ mức 3.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 11.700 tỷ đồng vào năm 2013, dự kiến năm 2014 sẽ đạt doanh thu 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện với ông Vũ không xoay quanh những thành tích của Hoa Sen, mà lại chuyển sang những chia sẻ về cuộc sống, về vai trò và trách nhiệm của một doanh nhân với đất nước, góc nhìn của một doanh nhân đi trước với thế hệ trẻ kế thừa...
* Xin hỏi, một người ăn chay trường, mộ đạo như ông thì giữa "đạo" của triết lý nhà Phật với "luật" thương trường có mâu thuẫn?
- Triết lý nhà Phật luôn khuyên con người phải sống thiện và làm thiện. Đạo kinh doanh của bậc tiền nhân Lương Văn Can cũng đề cao tính trung thực và hiếu nghĩa nên người kinh doanh nếu biết đặt chữ Tâm lên hàng đầu thì không có mâu thuẫn gì.
Khi bước vào kinh doanh, tôi đã giác ngộ đạo Phật nên luôn tâm niệm "Kinh doanh là làm giàu cho mình và xã hội nhưng sống phải trung thực và đồng tiền làm ra phải chân chính thì mới có giá trị”.
Suốt 20 năm kinh doanh, tôi phải luôn đối mặt với những áp lực, làm sao làm ăn trung thực mà Công ty vẫn phát triển bền vững, làm sao với số vốn ít ỏi mà vẫn cạnh tranh được trong thị trường đầy khắc nghiệt và luôn thay đổi.
Nhờ tinh thần "lợi mình, lợi người" nên vào thời điểm thuận lợi cũng như khó khăn, tôi luôn răn mình trước mọi cám dỗ của thương trường, vượt lên trên các áp lực. Đơn cử, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành tôn thép, muốn lợi nhuận cao thì nhà sản xuất chỉ cần bớt chất lượng để hạ giá thành, nhưng tôi không làm cách đó mà chọn chiến lược linh hoạt, chuyển sang xuất khẩu.
Hiện, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 40 quốc gia, thuyết phục được nhiều thị trường khó tính như Úc, Dubai, Nam Mỹ, và đang thâm nhập thị trường Mỹ, Mexico, Canada... để đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với chiến lược này, doanh thu xuất khẩu của Hoa Sen đã đạt gần 300 triệu USD trong năm 2014.
* Kinh doanh đang thuận lợi như vậy nhưng nghe nói, ông "nghỉ hưu"?
- Về tuổi tác và sức khoẻ đương nhiên tôi không thể như ngày xưa, nhưng tôi tự tin tinh thần vẫn còn tràn đầy năng lượng. Hơn nữa, Hoa Sen bây giờ đã lớn mạnh, đội ngũ nhân sự cũng đã trưởng thành, đủ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để làm tốt công việc nên tôi chỉ còn tập trung cho các chiến lược và hướng đi cho tương lai của Công ty.
Thật ra, cũng có đôi lúc tôi rất mệt mỏi, muốn an phận vì thấy môi trường xã hội và kinh doanh còn tồn tại nhiều tiêu cực, thiếu minh bạch, nhiều người sử dụng nguồn vốn và nguồn lực quốc gia cho lợi ích cá nhân bất chấp hậu quả gây ra cho cộng đồng...
Đặc biệt là từ năm 2008 cho đến nay, nước ta đã hứng chịu hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới, như một cú đánh chí mạng vào nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp còn non trẻ của Việt Nam.
Bản thân tôi cũng phải đối mặt với những khó khăn dồn dập như giá nguyên liệu trồi sụt thất thường, lãi suất tăng vọt, đồng nội tệ mất giá, thiếu điện, nhu cầu của thị trường sụt giảm nghiêm trọng, một số cá nhân trong đội ngũ quản trị tham nhũng, tinh thần của người lao động bị ảnh hưởng...
Nhưng nhờ trải nghiệm vượt qua nghèo khó lúc lập nghiệp cũng như sự giác ngộ đạo Phật đã giúp tôi luôn kiên định với quan điểm làm ăn chân chính, cũng như đã rèn cho tôi một ý chí không ngừng vươn lên.
Sự đồng cảm với những người nghèo, khát vọng vươn lên và tinh thần của đạo Phật đã trở thành chỗ dựa tinh thần giúp tôi vượt qua những dao động trong khó khăn. Nhiều năm đem tâm đạo vào đời, vào công việc, tôi ngộ ra giá trị tinh thần là chỗ dựa vững vàng nhất khi phải đối mặt với vấp ngã, trắc trở trong cuộc sống.
* Trong vô vàn khó khăn của thị trường, Hoa Sen vẫn phát triển bền vững, theo ông là do yếu tố nào?
- Đó là tầm nhìn xa, khả năng ứng phó linh hoạt trước biến động của thị trường mà Ban lãnh đạo của Hoa Sen đã tạo dựng được. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tôi luôn ý thức những cơ hội thuận lợi của những năm đầu mở cửa và đổi mới sẽ sớm khép lại nên luôn nỗ lực hết sức mình để đuổi bắt nhiều nhất các cơ hội dù nhỏ, đồng thời luôn chuẩn bị chấp nhận những khó khăn ập đến.
Chính vì vậy, trong các quyết định về chiến lược và điều hành, tôi luôn phải nghĩ xa, chuẩn bị đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Việc cùng một lúc vừa xây dựng hệ thống bán lẻ và quản trị, xây dựng thành công thương hiệu, đầu tư các nhà máy lớn và hiện đại, hoàn thiện đội ngũ quản trị trong điều kiện nguồn nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế từ cách tư duy, thói quen và thiếu chuyên nghiệp là một minh chứng.
Song, điều trăn trở lớn nhất của tôi là người lao động còn nghèo khó, thiếu nhà ở, thiếu việc làm, thu nhập thấp, năng suất lao động kém, vẫn còn nhiều người làm ăn chụp giật, làm giàu bất chính...
Với những yếu kém này, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội tận dụng được lợi thế của các quốc gia đi sau, như vậy các thế hệ đi trước có lỗi với thế hệ tương lai và kinh tế đất nước.
Tôi luôn mong mỏi cộng đồng doanh nhân Việt Nam và những nhà lãnh đạo ý thức được sứ mạng của mình để đặt lợi ích của bản thân, gia đình, doanh nghiệp trong lợi ích của đất nước; luôn hành xử minh bạch, có trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào sự thật hoặc sai lầm để dẫn dắt đất nước phát triển, dân tộc Việt Nam vươn lên.
* Khi tham gia giải thưởng EY- Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp, mong mỏi của ông là muốn có cơ hội để chia sẻ trải nghiệm với thế hệ trẻ Việt Nam và cộng đồng doanh nhân thế giới. Ông sẽ chia sẻ điều gì?
- Tôi muốn nói với các bạn doanh nhân thế giới rằng, doanh nhân Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp hơn nhưng tinh thần và ý chí rất cao. Chúng tôi đã có cách đi lên của riêng mình và đã đạt được nhiều thành quả. Trên con đường đó, chúng tôi biết học hỏi, biết điểm mạnh, thế yếu, kể cả những sai lầm để sửa sai và vượt lên đối thủ.
Với Hoa Sen, từ một doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như không có gì, nhưng với tinh thần làm ăn liêm chính và đầy trách nhiệm đã trở thành một trong những tên tuổi dẫn đầu ngành hàng tại Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả những tập đoàn của Trung Quốc trị giá vài chục tỷ USD, giành hạng nhất giải thưởng "Công ty quản lý tốt châu Á 2014" trong lĩnh vực khai khoáng, kim loại do Tạp chí Euromoney (Anh) trao tặng.
Qua đó, tôi sẽ chứng minh một cách thuyết phục để các đồng nghiệp thế giới thấy rằng: Nếu có ý thức làm ăn chân chính và thực hiện trách nhiệm xã hội với tấm lòng nhiệt thành thì doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng ủng hộ và sẽ phát triển bền vững.
* Nhiều doanh nhân cho rằng, tinh thần doanh nhân Việt là yếu tố quan trọng để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, song vẫn cần những bệ đỡ. Theo ông đó là bệ đỡ gì?
- Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi của doanh nhân sẽ chưa đủ mạnh nếu cộng đồng doanh nhân chưa có được môi trường kinh doanh lành mạnh, cũng như sự hỗ trợ, giúp sức nhiều hơn của các chính sách. Nếu có được nhiều thêm các bệ đỡ này, tôi tin rằng chỉ một thời gian nữa, doanh nhân Việt Nam sẽ làm cho thế giới tôn trọng và sẽ nhìn Việt Nam bằng lòng cảm phục.
* Một doanh nhân từng chia sẻ: "Ngồi trên đỉnh núi bao giờ cũng thấy lạnh", ý nói doanh nhân càng đạt vị trí cao, thành đạt cao, càng cô đơn". Ông có đồng cảm với chia sẻ này?
- Tôi chưa ở "đỉnh cao" nên không thấy... lạnh. Tuy nhiên, quan điểm sống của tôi là dù ở đâu mà mình giúp được người thì đó là sự ấm áp và sẽ không bao giờ thấy cô đơn. Đó cũng là lý do nhiều năm qua, tôi tổ chức nhiều hoạt động với trẻ em đường phố. Vì các em vui, mình cũng vui.
Tôi còn có nhiều bạn bè, nhận được nhiều tình thương yêu, quý mến của khách hàng và ấm lòng khi đọc những lá thư nguệch ngoạc bày tỏ tình cảm của các em ở các mái ấm, của những mảnh đời nghèo khó bất hạnh dành cho tôi.
Hơn 20 năm qua, hạnh phúc lớn hơn cả mà tôi đã tạo được, đó là nhắc đến Hoa Sen, ngoài tôn và thép, người ta còn nghĩ đến một thương hiệu nhân văn với nhiều hoạt động xã hội như chương trình Mái ấm gia đình Việt, Vượt lên chính mình, đặc biệt là việc tôi mời Nick Vuijicic đến Việt Nam giao lưu đã thổi bùng lên những nghị lực mới, khích lệ được rất nhiều tinh thần vượt khó, vượt lên số phận của những người bất hạnh.
* Gần đây, các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, chắc ông cũng đang có những bước chuẩn bị?
- Mục tiêu đầu tiên của người làm kinh doanh là lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, khi đã có sự nghiệp thì ai cũng muốn để lại tài sản thương hiệu và công ty cho con cháu. Nhưng Hoa Sen không phải là tập đoàn gia đình, nên người nào có tâm, sự chính trực và trí tuệ, có trách nhiệm, đóng góp nhiều nhất cho Công ty sẽ được giao quyền cao nhất và xứng đáng thừa hưởng tài sản của Hoa Sen.
* Giai đoạn năm 2008-2010, lúc có tin đồn Hoa Sen sắp phá sản, thấy ông mệt mỏi lắm. Vậy mà ông vẫn đang đặt mục tiêu Hoa Sen đạt sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn sản phẩm và doanh thu 1 tỷ USD, ông không sợ lại... bơ phờ?
- Chính những lúc khó khăn mới thấy bản lĩnh kiên cường của người lãnh đạo, và tôi tự hào là người không chỉ chèo lái con thuyền Hoa Sen vượt qua cơn sóng to gió cả mà còn đi đến bờ thành công một cách ngoạn mục.
Với tôi, kinh doanh là sự dấn thân, là sứ mạng luôn phải nỗ lực để gìn giữ uy tín thương hiệu cũng như đền đáp sự đóng góp cho hàng ngàn nhân viên đang gắn bó, đi theo mình. Với những mục tiêu đặt ra cho Hoa Sen thời gian tới, chúng tôi không tham vọng mà dựa trên nền tảng đã được chuẩn bị, như một cây trồng sắp tới ngày ăn quả.
Hiện, chiến lược chúng tôi đang chọn là tránh đối đầu cạnh tranh và tăng lợi thế, tiếp tục phát triển mạnh hệ thống phân phối, xây dựng chiến lược để trở thành nhà phân phối vật liệu hàng đầu tại Việt Nam.
* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
>> Ông Lê Phước Vũ: Cơ hội kinh doanh rất lớn khi Việt Nam trở thành “Người chiến thắng”
Theo Lữ Ý Nhi