“Cha đẻ“ của thương hiệu tã giấy Goo.n sụp đổ vì cờ bạc

14/10/2012 08:38 AM |

Mototaka Ikama đã đẩy chính mình và gia đình vào tấn bi kịch bởi thói cờ bạc. Ông ta là nhân vật VIP nhẵn mặt tại các sòng bạc lớn ở Macau, Singapore.

Những người sáng lập và có công tạo dựng ra Daio Paper - một thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản về các phẩm giấy dùng trong gia đình (trong đó có tã giấy Goo.n rất được người Việt Nam tín nhiệm - chắc sẽ không thể ngờ được một ngày họ sẽ mất hết quyền lực ở tập đoàn chỉ vởi thói cờ bạc của người thừa kế.

Mototaka Ikama đã đẩy chính mình và gia đình vào tấn bi kịch bởi thói cờ bạc. Ông ta là nhân vật VIP nhẵn mặt tại các sòng bạc lớn ở Macau, Singapore. Mototaka có thâm niên 10 năm đánh bạc sau một lần “ăn”lớn tại Las Vegas (Mỹ) – thủ đô của làng cờ bạc thế giới. Những năm gần đây, do thua lỗ trong việc kinh doanh tiền tệ và chứng khoán, Mototaka lại càng lao đầu vào cơn đỏ đen với hy vọng gỡ gạc. Tuy nhiên, nợ nần ngày một chồng chất, tiền thì hết nên người cháu thừa kế của gia đình Ikawa đâm liều.

Là người đứng đầu một tập đoàn lớn nhưng điều hành theo kiểu gia đình, Mototaka Ikawa đã không ngần ngại dùng ảnh hưởng và quyền lực để tìm lối thoát. Ông ta ra lệnh cho các công ty con trong nhóm do ông mình lập ra cung cấp tiền mặt về tài khoản cá nhân để ông ta đi đánh bạc ở Macau, Singapore và thanh toán các khoản nợ cá nhân ngày một phình ra như núi Ikawa bắt đầu vay tiền từ tháng 5/2010 để trả các khoản nợ đánh bạc, trước tiên là từ nhà sản xuất khăn giấy vệ sinh hiệu Elleair. Trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 9/2011, Ikawa vay nợ từ 7 công ty con không hề có thế chấp hay sự phê chuẩn của ban quản trị của các công ty này. Chỉ riêng ba tháng mùa hè 2011, có tới 500 triệu yên được chuyển từ các công ty con của Diao vào một tài khoản mà Ikawa dùng để chi trả tiền đánh bạc. Ông ta là khách hàng VIP thường xuyên của sòng bạc mới mở tại Singapore. Khi bị bắt trong tài khoản đánh bạc của Mototaka vẫn còn 1 tỷ yên.

Dĩ nhiên, không phải các giám đốc điều hành các công ty con không hiểu rằng có điều bất ổn khi chuyển những khoản tiền lớn vào tài khoản cá nhân của vị chủ tịch tập đoàn, thế nhưng họ vẫn thực hiện lệnh của “ông chủ”.

Goo.n là một trong những sản phẩm đắt khách của Daio Paper
Goo.n là một trong những sản phẩm đắt khách của Daio Paper
Trường hợp của Daio Paper cho thấy thậm chí cả khi đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì các lãnh đạo của một công ty gia đình vẫn có thể vượt qua các hệ thống kiểm soát. Các giám đốc điều hành các công ty con của Daio hẳn đã phải đặt dấu hỏi khi cho Mototaka vay những khoản tiền lớn mà chẳng có gì đảm bảo và cũng không buồn hỏi ý kiến ban quan trị của từng công ty.
Kiểu quản lý của doanh nghiệp gia đình khiến bản thân ban quản trị của Daio Paper không thể ra được bất cứ quyết định nhân sự nào nếu không được ông Takao Ikawa – cha của Mototaka - đương chức cố vấn đồng ý.

Dư luận khá ngạc nhiên về thái độ của Daio. Có tin cho rằng vào tháng 3/2011 Ikawa đã bị cha mình, lúc đó đang đảm nhiệm chức vụ cố vấn của tập đoàn, quở trách nặng nề nhưng ông ta vẫn tiếp tục mượn tiền. Không rõ lúc đó ông Takao có biết con trai mình mượn tiền các công ty con hay không nhưng mãi tới đầu mùa thu Daio mới bắt đầu kiểm tra nội bộ sau khi nhận được một bức thư điện tử tố cáo từ trong nội bộ đề ngày 7/9.

Thực ra văn phòng Công tố Tokyo đã để mắt đến Mototaka Ikawa từ hồi đầu năm 2011, họ đã lập hẳn một nhóm điều tra đặc biệt. Sau khi từ chức, Mototaka bị bắt giam nhưng sau đó được tại ngoại nhờ nộp 5 triệu USD tiền bảo lãnh.

Trong phiên xét xử kết thúc ngày 10/10/2012, thẩm phán Hotta nhận định : “Mototaka lo sợ rằng nếu buộc phải bán cổ phần của gia đình trong công ty để trả nợ, vị thế của gia đình sẽ bị tổn hại”. Vì thế mặc dầu có những cơ hội để Mototaka ngưng lại nhưng Ikawa đã gây tổn hại cho các công ty con vốn bị phụ thuộc vào gia đình ông ta.

Vụ bê bối đã khiến cả gia đình Ikawa bối rối. Sau khi Mototaka từ chức vào tháng 9/2011, tập đoàn đã đẩy cha và em trai của Ikawa ra khỏi chức vụ cố vấn và uỷ viên hội đồng quản trị.

Để cứu Mototaka khỏi một bản án nặng nề, gia đình Ikawa đành phải làm việc mà ông ta cố tránh : Bán cổ phần của họ tại Daio để trả nợ. Tranh thủ vụ bê bối, hồi tháng 8 vừa qua, Hokuetsu Kishu Paper Co.- một công ty nhỏ nhưng là đối thủ trong ngành với Daio – đã dàn xếp để gia đình Ikawa bán lại cổ phần cho họ. Hiện thời Hokuetsu Kishu là cổ đông lớn nhất của Daio.

Vì lý do đó, khi các công tố viên đề nghị phạt Mototaka 6 năm tù vì tội biển thủ 5,5 tỷ yên (tương đương 70 triệu USD), Toà án đã hạ mức phạt xuống còn 4 năm.

Vụ bê bối Daio Paper cũng tương tự những gì đã xảy ra với tập đoàn Seibu hồi giữa những 2000. Lúc đó, Yoshiaki Tsutsumi – Chủ tịch của Kokudo Corp., công ty lớn nhất trong tập đoàn, đã “chia” khoản tiền thuê nhà mà ông ta sử dụng riêng. Tiếp nhận quản lý công ty từ người cha quá cố vào năm 1964, khi mới 30 tuổi, Yoshiaki Tsutsumi đã phát triển Seibu trở thành một công ty lớn mạnh và từng một thời gian ngắn cuối những năm 80 thế kỷ trước từng được coi là người giâù nhất thế giới về bất động sản. Ông từng đứng sau cuộc vận động để thành phố Nagano được chọn tổ chức Thế Vận hội Mùa Đông 1998. Năm 2005, Tsutsumi bị bắt vì tội vi phạm các quy định về mua bán chứng khoán và sau đó bị Tòa án Tokyo tuyên phạt 30 tháng tù giam và phạt 5 triệu yên.

Cả Daio và Seibu đều là các công ty gia đình. “Những người điều hành các doanh nghiệp này thường nắm giữ phần hùn trong đó. Vì thế, chúng khó có thể được quản trị tốt và những người điều hành thường tìm cách kiếm lợi riêng”, giáo sư Hideaki Miyajima của Đại học Waseda nhận định. Ở Seibu, các cổ đông chính theo báo cáo năm giữ 64% số cổ phần nhưng cơ quan điều tra phát hiện con số thực tế là 88%, trong khi theo quy định cổ đông lớn của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán không đựợc nắm giữ quá 80% cổ phần công ty. Thậm chí công ty kiểm toán cho Daio cũng không biết chính xác gia đình Ikawa nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu ở các công ty con.
Theo Huy Phương
PhapluatTP.HCM

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM