Cha con 'hai lúa' nuôi giấc mơ lớn chế tạo máy bay Việt
“Nhà mình nghèo lắm, ráng học nhe con. Nghèo không xấu, lạc hậu mới xấu. Ai thích lạc hậu thì lạc hậu, chứ cha con mình thì không!”- câu nói của Quốc Hải mà Quốc Thanh đã đưa lên làm phương châm sống. Họ là cặp cha con đoạt giải trong Men of the year 2014.
Hai cái tên ấy không còn xa lạ gì với người Việt Nam nữa. Anh Trần Quốc Hải và con trai Trần Quốc Thanh không chỉ là những anh hùng của tỉnh Tây Ninh mà còn là niềm tự hào của Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Hai huân chương Đại tướng quân do Quốc vương Campuchia trao tặng cho những phát kiến xuất sắc về khoa học kỹ thuật, hai chiếc máy bay được trưng bày ở hai bảo tàng lớn tại Mỹ và Hàn Quốc cùng hàng trăm những ứng dụng khoa học khác vào đời sống là một di sản đáng mơ ước với bất kỳ người làm khoa học nào.
Nhưng chuyến đi đến tư gia Trần Quốc Hải của chúng tôi không nhằm mục đích tìm hiểu thêm về những phát minh, mà chỉ muốn nghe anh kể chuyện về “phát minh vĩ đại nhất” của đời anh: người con trai duy nhất Trần Quốc Thanh và tình cha con nồng ấm giữa họ.
Cha con "chống lại thế giới"
Search nhanh cái tên “Trần Quốc Hải” trên Google, bạn sẽ có ngay gần một triệu kết quả. Tuyệt đại đa số đều gắn tên anh với khái niệm “Hai lúa.”
Nhưng được anh đón tiếp tại nhà, được tiếp xúc trực tiếp với anh thì mới thấy nhân vật ấy không hề “lúa” chút nào.
Một con người đã đọc qua tứ thư ngũ kinh, đã nghiền ngẫm “tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc và mê mẩn truyện Kim Dung dứt khoát không thể là con người “Hai lúa” như chúng ta vẫn mường tượng.
Anh Hải, cùng với con trai anh, là những ví dụ điển hình cho thấy đại học không phải là con đường lập thân duy nhất của thanh niên Việt Nam.
“Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức," Albert Einstein từng nói. Trí tưởng tượng của anh Hải khởi đầu từ những buổi chiều nhìn máy bay cất cánh và hạ cánh ở sau lưng nhà.
Nghe người lớn nói “Máy bay đó do Mỹ chế chứ làm sao mình chế được” đã hình thành trong đầu óc non nớt và lãng mạn của anh quyết tâm phải tự mình làm ra một chiếc máy bay “made in Việt Nam."
Không đánh giá cao VAM 1 và VAM 2 vì đấy vẫn là một sản phẩm có gốc tích từ Canada, anh Hải đã thành công trong việc chế một chiếc bay thuần túy của Việt Nam dù không học qua một trường lớp chính quy nào.
Ngày chiếc máy bay của cha bị cấm bay ở trong nước, cậu bé Trần Quốc Thanh khi ấy mới học lớp năm đã chỉ vào những người lớn tuổi hơn anh mà nói: “Sau này các chú sẽ phải hối hận vì đã cấm ba cháu bay."
Hơn 10 năm sau, khi đến dự đám cưới của chàng thanh niên Quốc Thanh, những “người lớn” ngày ấy đã buộc phải thừa nhận là cậu đã đúng.
Cậu còn nói những câu nói nhức nhối: “Ngày ấy các bác, các chú mà bảo vệ ba con thì bây giờ đã được cái tiếng. Bây giờ thì mấy bác, mấy chú có cái gì đâu."
Cũng như bố, Quốc Thanh không xem đại học là con đường duy nhất để lập thân. Anh Hải nhớ lại câu nói của cậu con trai khi đang học lớp 12: “Nhân loại đã chế máy bay từ hàng trăm năm. Bây giờ đã là thế kỷ 21 mà vẫn còn giữ tư duy ấu trĩ như thế. Vậy thì còn đi học đại học làm gì nữa."
Nếu mâu thuẫn, khó làm việc lớn
Một cánh cửa khép lại, luôn có một cánh cửa mới mở ra. Và cánh cửa mở ra với cha con anh Hải thậm chí là một cánh cửa rộng lớn hơn, mang họ đến với một khung trời bao la hơn.
Cha con anh Hải đã sửa chữa thành công xe bọc thép của quân đội Campuchia, một điều mà những chuyên gia trước đó của Nga, Ukraine đều phải bó tay.
Hai cha con anh quyết định tự bỏ tiền túi (25.000 USD) ra để chứng minh năng lực. Đấy là một công việc mà nhiều người đã gọi là phiêu lưu, nhưng anh Hải nói: “Chúng tôi không nghĩ vậy là phiêu lưu. Vì mình hiểu rõ bản chất máy móc. Thật ra máy móc cũng chỉ chừng ấy thôi, nó chỉ luân chuyển từ dạng này sang dạng khác”.
Từ ấy trở đi, người Campuchia đã xem anh như thượng khách. Những cơ hội làm việc, nghiên cứu liên tục mở ra trước mắt cha con anh.
Hai cha con anh Hải cùng sống một nhà, cùng giải quyết mọi công việc trong xưởng và cùng nghiên cứu những dự án lớn.
Nhưng giữa họ gần như không xảy ra bất kỳ một mâu thuẫn nào, thậm chí cả sự xung đột thế hệ thường thấy cũng gần như không tồn tại.
“Nếu có mâu thuẫn thì khó làm việc lớn.” anh Hải nói.
“Hai cha con làm việc gì cũng có nhau, từ chế máy bay, xe bọc thép cho đến những máy móc công cụ. Khi có cùng niềm đam mê, người ta sẽ nhìn nhận vấn đề gần như chung nhất. Khi nghiên cứu, có những vấn đề mới lạ nảy sinh và tôi cũng phải lắng nghe ý kiến của con trai. Giữa chúng tôi chưa một lần nào cãi nhau."
Anh chia sẻ thêm: "Khi xảy ra sự khác biệt trong tư duy thì có hai cách giải quyết. Chúng tôi cùng nhau điều chỉnh quan điểm cho đến khi đạt được sự thống nhất. Nếu không tôi sẵn sàng nhường cho con trai làm trước, mình đứng ở một bên quan sát. Mục đích cuối cùng là hiểu nhau, giải bí cho nhau. Chứ làm việc lớn mà cãi nhau thì không bao giờ thành tựu được."
Khi được hỏi con trai đã đạt được mấy “thành công lực” của mình, anh Hải mỉm cười: “Nó cũng có nhiều trải nghiệm rồi, cũng có tài năng, cộng thêm sự nhạy bén của tuổi trẻ, nhưng những cái sâu sắc thì tất nhiên vẫn chưa bằng mình được. Khi làm một đề tài lớn cấp quốc gia và thế giới, cần có một sự ưu tư, lắng đọng. Tuổi trẻ nó chưa có được điều ấy."
Anh tự hào cho biết: "Nhưng nếu sau này nó giỏi hơn cả tôi, chuyên gia thế giới chỉ mời nó mà không mời tôi nữa thì tôi càng vui. Con hơn cha thì nhà có phúc thôi. Hiện tại cũng đã có nhiều người mời nó ra nước ngoài nghiên cứu, vấn đề là đồng ý hay không mà thôi. Bây giờ Thanh nó đã là một chuyên gia nước ngoài, chứ không còn là chuyên gia Việt Nam nữa."
Con nhà tông
Mới học lớp năm, cậu bé Thanh đã tự chế chiếc xe đồ chơi đầu tiên. Ngày ấy, khi nhìn thấy những chiếc máy bay trong viện bảo tàng, Thanh đã có thể bàn luận về những chi tiết kỹ thuật với bố.
Năng khiếu sớm phát lộ, Thanh dần dần trở thành “cánh tay phải” của bố trong mọi cuộc phát minh. Anh Hải hạnh phúc nhìn đứa con tiếp nối niềm đam mê lớn nhất đời mình.
Đấy là điều mà anh không có được khi còn bé cho dù cha của anh cũng là một người rất say mê về chế tạo máy.
“Ngày ấy, tôi hay bị la vì quần áo lúc nào cũng dính đầy dầu nhớt,” anh Hải, người con thứ tư trong một gia đình gồm tám người con, nhớ lại. “Thanh nó sướng hơn tôi hồi nhỏ nhiều. Nó là con một, điều kiện nuôi nấng, chăm sóc tôi dành cho nó cũng tốt hơn. Máy móc trong nhà có sẵn tôi cũng để cho nó tự mày mò, nghiên cứu, vừa chơi vừa học."
Anh vui vẻ kể: "Còn ngày xưa người lớn đâu có nghĩ tôi bộc lộ năng khiếu hay thông minh gì, chỉ nghĩ là tôi phá phách mà thôi. Chiếc áo vừa mới mặc trắng tinh một lát sau đã dính đầy dầu máy, lắm lúc còn bị ăn đòn."
Trong nhà tám anh chị em chỉ có mỗi mình mê cơ khí, nhưng anh Hải tiết lộ niềm đam mê ấy cũng không hẳn từ trên trời rơi xuống.
Anh nói: “Ba tôi (ông Trần Văn Thử, sinh năm 1932) là một y sĩ có tiếng trong vùng, nhưng lại rất mê cơ khí. Tôi nghĩ mình đã thừa hưởng được cái gene cơ khí ấy của ông già. Thời ấy người ta phát cỏ bằng tay, bố tôi đã chế được một chiếc máy phát cỏ. Khi thợ máy đến sửa chữa máy móc trong nhà, ông cũng chú tâm theo dõi rất say mê."
Anh cho biết thêm: "Khi tôi và Thanh thành công với ngành cơ khí, tôi nghĩ chính ông cũng cảm thấy rất vui vì niềm đam mê của mình đã được con cháu mình phát huy. Có lẽ nhờ vậy mà ông sống dai hơn (cười)."
Người cha, người thầy, người bạn
Cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên sôi nổi khi có sự góp chuyện của chính con trai anh. Khi Quốc Thanh kể chuyện công việc và cuộc sống, anh Hải ngồi nghe, mỉm cười đầy vẻ trìu mến và hài lòng.
Có lẽ anh nhìn thấy nơi người con trai hình ảnh của chính mình những năm tháng thanh niên, đầy hoài bão, đam mê và cũng không thiếu những bốc đồng.
Về phần mình, Thanh nhìn thấy ở cha vừa là một người bạn, vừa là một người thầy, vừa là một thần thượng.
Khi học lớp năn, Thanh đã chế được chiếc xe đồ chơi đầu tiên, khởi đầu cho một cuộc đời gắn liền với khoa học.
Anh nói: “Hồi đó xe chạy bằng điều khiển từ xa rất đắt tiền, nhà đâu có tiền mua. Bạn bè trong xóm ai có xe đồ chơi hư mang lại cho mình, mình mày mò sửa lại thành chiếc xe của mình. Sau đó cũng bắt chước theo ba làm máy bay mô hình. Những người nước ngoài vào nhà thấy máy bay của tôi đã chụp hình lại. Họ cũng rất là khen. Ông nội thỉnh thoảng sang chơi thấy tôi chế được món gì cũng rất vui."
Chàng trai 26 tuổi cũng nói khá nhiều về sự nổi tiếng với tâm niệm “phải có danh gì với núi sông” như cha anh đã dạy.
Trước những đề nghị sang Mỹ nghiên cứu, anh nói: “Nếu mình làm việc trong điều kiện thuận lợi thì làm sao nổi tiếng? Làm trong điều kiện khó khăn, không có nhà xưởng thì mới có thể vang danh. Năng lực vẫn là chính, công nghệ chỉ là phụ trợ thôi. Sống trên đời quan trọng không phải là tiền, mà là được lưu danh đời đời. Tôi tin lịch sử đã buộc phải công nhận ba tôi."
Khi được hỏi có đặt mục tiêu phải… vượt qua cái bóng của cha mình hay không, Quốc Thanh mỉm cười là anh không bao giờ nghĩ đến việc vượt qua trưởng bối.
Anh nói: “Ba tôi vừa là ba, là thầy, là thần tượng. Hai cha con đi đâu, làm gì cũng có nhau. Trên quan điểm cá nhân tôi, tôi cho ba thang điểm 10 trên cả tư cách một nhà phát minh lẫn một người cha."
Anh chia sẻ: "Tôi thật may mắn vì có một người cha có ý chí phấn đấu, không bao giờ bỏ cuộc. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ hơn ba, tôi thấy mình còn thua ba mình một cái đầu."
Có một câu nói của cha mà Quốc Thanh đã đưa lên làm phương châm sống. Đấy cũng sẽ là câu nói kết lại bài viết này, hy vọng cũng sẽ là câu răn mình cho mọi người. “Nhà mình nghèo lắm, ráng học nhe con. Nghèo không xấu, lạc hậu mới xấu. Ai thích lạc hậu thì lạc hậu, chứ cha con mình thì không!"
Nhân vật quốc tế
Tên tuổi của cha con Trần Quốc Hải từ lâu đã vượt xa ra khỏi biên giới Việt Nam. Trong vòng có vài tháng, anh Hải đã phải tiếp hàng trăm phái đoàn báo đài từ trong nước cho đến nước ngoài tại tư gia, không tính vô số những cuộc nói chuyện qua điện thoại.
Có ngày anh phải tiếp đến năm nhóm khác nhau và cuộc nói chuyện chỉ kết thúc lúc… 11 giờ đêm. Từ CNN, VOA, BBC cho đến những cơ quan thông tấn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới đều dành cho cha con anh một sự quan tâm đặc biệt.
Trên tường nhà anh không treo những tấm bằng như chúng tôi vẫn tưởng tượng vì chúng… nhiều quá. Anh cẩn thận xếp chúng lại rồi bỏ vào tủ.
Anh đang chế chiếc máy bay thứ ba trong sự nghiệp, nhưng lần này câu hỏi “bay ở đâu” không còn làm đau đầu nhà phát minh nữa. “Chỉ cần mang qua biên giới Campuchia là tha hồ vùng vẫy," anh Hải nói.
Không rời mảnh đất quê hương
Quốc vương Campuchia xây cho gia đình anh Hải một căn nhà ngay tại thủ đô Phnôm Pênh cùng với 18 hecta xoài và một chiếc xe du lịch.
Người Mỹ cũng mời con trai anh sang học tập và nghiên cứu khoa học, Hiệp hội Hàng không Texas đã hai lần mời gia đình anh sang định cư, các phái đoàn khoa học từ Trung Quốc, Canada cũng mời sang nghiên cứu khoa học nhưng anh đều đã từ chối.
“Ở đây mình cũng có nhà, cũng có xe đi, tuy xấu hơn chút mà thoải mái," anh Hải nói. “Còn nếu mình đã nhận tài sản của người ta thì phải phục vụ cho người ta."
Con trai anh cũng không hề thích ra nước ngoài làm việc. Anh Hải nói: “Ở đây có xưởng, có nhà, nó thích nghiên cứu thì thì nghiên cứu, làm gì thì làm. Sang nước ngoài vào xưởng người ta phải làm theo người ta, nó cũng không thích."
Những phát ngôn đáng nhớ
Trần Quốc Hải
“Tôi dạy con trai mình: Là một người nghiên cứu khoa học, tình cảm dứt khoát phải đàng hoàng, rõ ràng. Ngoài ra còn phải làm một người có ích cho xã hội, phải biết chọn bạn tốt mà chơi. Còn chuyện tình cảm cá nhân thì tôi không hề cấm đoán. Tôi hơi bị… tây trong cách dạy con. Tôi đọc sách và chọn lọc những điều tốt nhất. Tôi đọc sách Tàu nhưng không lậm văn hóa Tàu."
“Đã có lúc tôi mang tâm trạng của một người sinh bất phùng thời. Tôi cứ tự hỏi hoài: trên thế giới liệu còn có nơi nào cấm người ta nghiên cứu khoa học không? Có một quốc gia nông nghiệp nào mà không có nổi nhà máy chế tạo máy nông nghiệp nào cho ra hồn không? Nhưng khi hiểu rõ bản chất vấn đề, tôi đã quyết định là… đường ai nấy đi, chuyện anh anh làm, chuyện tôi tôi lo. Không cho bay ở đây thì tôi mang máy bay sang nơi khác mà bay. Đến giờ thì không còn trăn trở gì nữa."
“Tôi đang nghiên cứu chế tạo một chiếc máy bay mà khi nó rơi, phi công và phi hành đoàn không chết. Có khả thi không ư? Tất cả mọi thứ trên đời đều đến từ trí tưởng tượng của con người. Mình suy nghĩ đúng, giải quyết vấn đề đúng thì sẽ ra một sản phẩm đúng thôi."
Trần Quốc Thanh
“Khi ba cho đi Mỹ học, tôi nghĩ: học ở nước ngoài cũng học của người ta, đọc sách nước ngoài cũng là đọc chuyện đã rồi, nên tôi quyết định về Việt Nam, làm cái thực tế hơn, làm cái của mình. Trong nước thực ra chỉ thua nước ngoài ở cơ chế, một cơ chế không tạo điều kiện cho cá nhân và nhân tài được phát triển. Chứ còn trình độ tôi không nghĩ là Việt Nam thua bất kỳ nước nào. Như nước Nhật đấy, họ cũng châu Á, cũng ăn cơm như mình, họ không thể hơn mình được."
>> Nông dân Thái Bình chế tạo lò đốt rác thành 'nhà máy điện', cạnh tranh EVN
Theo