CEO Xiaomi: Cạnh tranh càng đẫm máu càng tốt

02/10/2015 14:41 PM |

Càng cạnh tranh càng có lợi bởi Xiaomi có lợi thế là người đi đầu và kích thước lớn. Nhiều người có thể sợ cạnh tranh, nhưng với tôi, cuộc chiến càng đẫm máu, càng tốt.

Nhanh chóng vươn lên thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc chỉ sau 4 năm, tới nay Xiaomi đang cho thấy tốc độ phát triển chậm lại và đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Dù đang thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại liệu mô hình kinh doanh của công ty có thể bền vững hay không? Và liệu thành công tại Trung Quốc có được lặp lại ở những thị trường khác không?

Dưới đây là bài phỏng vấn Lei Jun, CEO kiêm đồng sáng lập Xiaomi với tờ WSJ:

Q: Xiaomi đã đạt được khá nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Vậy đâu là thách thức lớn nhất với công ty?

A: Đầu tiên, chúng tôi phải đối mặt với kỳ vọng quá cao của mọi người, ở cả bên trong và ngoài công ty. Chúng tôi từng phát triển lớn hơn gấp 7 lần chỉ trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hỗn loạn, trong nửa đầu năm 2015, Xiaomi đạt tăng trưởng 33%. Tuy nhiên, mọi người lại cho rằng: “Tốc độ phát triển như vậy là chưa đủ nhanh”. Điều này thật vô lý. Chúng tôi vẫn chỉ là một công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi. Kỳ vọng vào chúng tôi như vậy là quá lớn.

Chỉ 5 năm trước, Xiaomi hoàn toàn bắt đầu bằng con số 0. Hiện tại, gánh nặng đang đè trên vai và chúng tôi cảm thấy như mình cần phải chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Tôi không nghĩ đây là là những gì công ty cần. Xiaomi vẫn có thể thua cuộc. Điều quan trọng là cần phải biến Xiaomi trở thành một công ty “quyền lực hơn” thay vì chỉ “to xác” trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh.

Chính bởi vậy, thay vì chạy theo để đáp ứng kỳ vọng của mọi người, Xiaomi cần theo đuổi mục tiêu của chính mình. Điểm cốt lõi là duy trì được những điều căn bản bao gồm tạo ra trải nghiệm người dùng tốt và sáng tạo sản phẩm.

Thứ hai, tôi có thể khẳng định mô hình kinh doanh của Xiaomi có thể thành công trên thế giới, ít nhất là ở một thị trường. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để có thể thành công tại những thị trường mới nổi.

Xiaomi tự đặt ra thời hạn 3 năm để có thể lọt vào top 3 và thậm chí là vị trí số 1 thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ. Để có thể tạo ra doanh thu, Xiaomi cần phải trở thành người chơi có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại một đất nước hoặc khu vực.

Ví dụ, Xiaomi vẫn đang hoạt động tại Đài Loan và Hong Kong, tuy nhiên dân số tại đây quá ít vì thế rất khó kinh doanh trực tuyến. Cốt lõi của hoạt động trực tuyến là lượng dân số. Bởi vậy, thay vào đó, bán cho 10 hay 20% dân số tại Ấn Độ hay những quốc gia lớn sẽ tốt hơn.

Nhìn chung, thử thách mà Xiaomi phải đối mặt là kỳ vọng của mọi người quá lớn. Chưa kể đến việc, các đối thủ cạnh tranh của khác cũng đang ngày một mạnh hơn.

Q: Chủ tịch Xiaomi Bin Lin nói rằng trong 5 năm tới sẽ rất khó có những đột phá trong thị trường điện thoại thông minh. Vậy Xiaomi sẽ cải tiến như nào? Làm sao để thắng đối thủ cạnh tranh?

A: Ngành công nghiệp điện thoại thông minh là một sàn đấu sinh tử. Điện thoại di động luôn là thị trường có mức độ cạnh tranh cao hàng đầu. Không thể tin được là hiện nay vẫn có hàng tá công ty sản xuất điện thoại tại Trung Quốc. Trận đấu sinh tử này có thể sẽ tồn tại trong khoảng 2 đến 3 năm tới.

Hiện Xiaomi tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm tốt và tăng gấp đôi thị phần. Chúng tôi vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Càng cạnh tranh càng có lợi bởi Xiaomi có lợi thế là người đi đầu và quy mô lớn. Nhiều người có thể sợ cạnh tranh, cho rằng nó quá tàn khốc nhưng với tôi, cuộc chiến càng đẫm máu, càng tốt.

Về vấn đề cải tiến, khó tạo ra bước đột phá không có nghĩa là không thể hoặc không cần thiết. Còn có rất nhiều thứ khác như đột phá về trải nghiệm người dùng. Trước đây, Xiaomi từng có tham vọng sản xuất điện thoại để có thể bán cho hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều này bây giờ là không thể.

Bạn cần phải thiết kế được những chiếc điện thoại khác biệt, cho những nhóm khách hàng riêng việt và tại những thị trường khác biệt. Rất khó để tạo ra một cải tiến mới cho tất cả người dùng. Nhưng cải tiến cho từng nhóm người dùng khác nhau thì có thể.

Q: Anh có thể nói chi tiết hơn về mô hình kinh doanh của Xiaomi được không? Nếu không tạo ra lợi nhuận từ phần cứng, vậy công ty kiếm tiền từ đâu?

A: Tôi đã giải thích vấn đề này rất nhiều lần. Sau khi quan sát cách Tencent, Baidu, Google và Facebook tạo lập nên nền tảng của họ, Xiaomi nhận ra rằng điện thoại cũng có thể tạo được một nền tảng trực tuyến.

Về kích thước, hiện nay có 130 triệu người Trung Quốc dùng điện thoại Xiaomi, tức là khoảng 10% dân số. Hầu hết người dùng đều trẻ, vì vậy chúng tôi có ảnh hưởng tới khoảng 20 – 25% dân số trẻ. Họ xem ti vi, nghe nhạc và đọc sách, tin tức. Xiaomi cung cấp tất cả những điều này. Nó tạo ra một kênh nội dung khổng lồ. Mỗi ngày, người dùng của chúng tôi sử dụng điện thoại 115 lần và dành 4-5 giờ trên điện thoại. Đây là một nền tảng cực kỳ rộng lớn.

Q: Xiaomi có bổ nhiệm 2 vị trí quan trọng vào năm nay đó là Giám đốc quản trị tài sản trí tuệ (IP) và Giám đốc tài chính. Anh có thể nói thêm về quyết định này được không? Liệu Xiaomi có ý định IPO chưa?

A: Cựu phó chủ tịch toàn cầu của Qualcomm là Wang Xiang đã gia nhập Xiaomi vào tháng 7 vừa qua. Anh ấy chịu trách nhiệm về IP. Đã đến lúc Xiaomi phải có một quy trình chính thức cho vấn đề này. Xiaomi rất chú trọng đến đổi mới. Năm ngoái, chúng tôi đã nộp đơn xin cấp 2.700 bằng sáng chế, con số dự kiến năm nay sẽ tăng lên 4.000.

Về IPO, sau 5 năm nữa chúng tôi mới có thể cân nhắc tới việc này. Lý do rất đơn giản, tôi hiện đang mua cổ phiếu của 5 công ty và hiểu những khó khăn và thách thức của việc IPO. Tôi tin sau 5 năm nữa sẽ là thời điểm hợp lý để Xiaomi cân nhắc tới việc này.

Q: Liệu những vấn đề kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng tới Xiaomi không?

A: Dĩ nhiên là có. Đồng nhân dân tệ mất giá rồi sau đó là đồng nội tệ của Ấn Độ, Indonesia và cả Brazil cũng giảm. Nếu không điều chỉnh giá, chúng tôi có thể sẽ bị thua lỗ. Thật may mắn, hoạt động trên toàn cầu của chúng tôi còn nhỏ và chỉ chiếm 10% doanh thu.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM