CEO SurveyMonkey: Thành công không dễ như mọi người tưởng

03/05/2015 10:12 AM |

Dave Goldberg - CEO của SurveyMonkey và đồng thời là chồng của COO Facebook Sheryl Sandberg đã đột ngột qua đời vào tối thứ 6 vừa qua ở tuổi 47.

Nội dung nổi bật:

- Dave Goldberg, CEO của SurveyMonkey có cuộc đời hạnh phúc và thành đạt đáng mơ ước. Tuy nhiên, thành công không đến với ông dễ dàng như mọi người tưởng.

- Ông từng bỏ học trường luật để tìm ra hướng đi mới, thành lập công ty riêng và gặp nhiều khó khăn trước khi trở thành CEO của SurveyMonkey.


Dave Goldberg - CEO của SurveyMonkey và đồng thời là chồng của COO Facebook Sheryl Sandberg đã đột ngột qua đời vào tối thứ 6 vừa qua ở tuổi 47.

Dave Goldberg cùng Sheryl Sandberg là một trong những cặp đôi quyền lực nhất thung lũng Silicon. Dù xét trên góc độ nào thì ông cũng có một cuộc sống vô cùng tuyệt vời.

CEO của SurveyMonkey cùng vợ Sheryl Sandberg, COO Facebook

Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì Dave Goldberg thông minh, dí dỏm nhưng tính tình rất thoải mái. Ông là mẫu người có thể vừa lúc trước pha trò, lúc sau đã chuyển sang tranh luận những vấn đề kinh tế hàng đầu. Tuy nhiên, thành công không phải lúc nào cũng đến với Goldberg dễ dàng như mọi người tưởng.

Bỏ học trường luật

Dave Goldberg lớn lên tại Minneapolis, là con trai của một giáo sư trường luật. Ông nhận bằng cử nhân tại Đại học Havard. Goldberg dự định vào trường luật sau hai năm tạm ngừng học để làm cố vấn cho Bain và du lịch thế giới.

Nhưng chỉ hai tuần trước khi nhập học, ông đã thay đổi quyết định. Ông chia sẻ: “Tôi nhận ra mình không thật sự muốn trở thành luật sư. Đôi khi những thứ bạn quyết định không làm lại là điều vĩ đại nhất trong sự nghiệp”.

Khi ông còn đang phân vân về bước đi tiếp theo, một người bạn đã gọi đến và đề xuất cho ông công việc tại Capitol Records ở Los Angeles. Với đam mê và vốn kiến thức phong phú về âm nhạc, ông nhận lời.

Goldberg thuyết phục công ty bán catalog của The Beatles trên CD, khiến doanh số hãng này tăng gấp đôi. Ông cũng hợp tác với phó tổng giám đốc Starbucks để bán CD tại cửa hàng của họ và rất thành công. Tuy vậy, ông không hoàn toàn hài lòng với công việc này. Ông giải thích: “Có rất nhiều thứ bất ổn trong cách vận hành của các công ty thu âm”.

Đam mê bán quảng cáo trên máy tính

Goldberg chia sẻ: “Tôi quyết định phải bắt tay làm gì đó. Không hẳn là tôi nghĩ ra sáng kiến tuyệt vời nào mà vì động lực mở công ty riêng thôi thúc. Tôi có động lực trước, sau đó ý tưởng mới đến”.

Chính công việc trước đó với Stabucks – giúp mọi người tìm được những bài hát không có trên đài hay MTV – đã giúp ông hình thành ý tưởng. Nhận thấy máy tính sẽ khiến việc tìm kiếm thuận tiện hơn, ông cùng người bạn thân bỏ việc, tìm mọi cách huy động vốn để thành lập công ty riêng: Launch Media.

Ý tưởng của Goldberg thực sự rất mạo hiểm khi thời đó, máy tính còn mới lạ, Internet thậm chí chưa phát triển. Ban đầu, Launch Media là một loại tạp chí điện tử được phân phối hàng tháng bằng CD ROM. Chúng gồm các cuộc phỏng vấn và nhạc sống, nhưng không hẳn là bán nhạc mà nhằm quảng cáo.

Chứng kiến 285 triệu USD tiêu biến

Launch Media nhanh chóng mở rộng từ CD ROM sang Internet. Công ty chưa đem lại lợi nhuận nhưng vẫn đang làm ăn khá ổn nên Goldberg cho rằng họ sẽ sớm có lãi. Vì vậy, giống nhiều công ty Internet thời đó, ông cổ phần hóa Launch Media. Sau IPO, công ty có giá trị khoảng 300 triệu USD.

Năm 2001, Yahoo mua lại Launch Media. Sau đó, kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Cổ phiếu của Launch Media giảm 91%, cổ phiếu Yahoo cũng giảm tới 94%. Tuy nhiên, cuối cùng Yahoo cũng lấy lại được vị thế của mình.

Thời kỳ khó khăn

Ông cùng các đồng nghiệp đã rất thành công tại Yahoo. Ông kể lại: “Chúng tôi xây dựng website âm nhạc lớn nhất thế giới lúc đó với 60 triệu người dùng”. Nhưng rồi Yahoo quyết định đầu tư vào công cụ tìm kiếm, nghĩa là dừng đổ tiền cho mảng truyền thông, trong đó có website âm nhạc. Do đó, phần lớn đội ngũ của Goldberg quyết định rời Yahoo.

Thời điểm làm việc cho Yahoo cũng là lúc ông bắt đầu hẹn hò với Sheryl Sandberg. Ông yêu quý Los Angeles và cũng đang làm việc tại đây, nhưng Sheryl Sandberg lại chuyển đến Thung lũng Silicon. Ông quyết định cũng chuyển tới đó, chấp nhận đi đi về về giữa Thung lũng và Los Angeles.

Năm 2007, Goldberg nghỉ việc tại Yahoo. Một lần nữa, ông lại rơi vào tình trạng mất phương hướng. Tuy nhiên, ông không muốn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực âm nhạc và cũng không muốn bán quảng cáo nữa.

Đến với SurveyMonkey

Trong tình trạng đó, Goldberg nhận một vị trí tạm thời tại Benchmark. Dù không muốn nhưng cuối cùng ông cũng quyết định điều hành một công ty không phải của mình.

Ông kể lại khi được giới thiệu vào SurveyMonkey: “Tôi có biết đến SurveyMonkey. Đội ngũ làm việc của tôi tại Yahoo từng sử dụng nó, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như một doanh nghiệp cả”.

“Hóa ra SurveyMonkey lại là một doanh nghiệp tuyệt vời với thương hiệu tốt, chỉ số trung thành của khách hàng cao đến khó tin, mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận và không có các tổ làm việc. Thật vậy, chỉ có 12 người và 7 trong số đó làm ở bộ phận hỗ trợ khách hàng”, ông cho biết.

Ban đầu, Goldberg cảm thấy hơi e ngại vì không ai có thể giải thích tại sao SurveyMonkey lại thành công đến thế chỉ với nhân lực ít ỏi. Do đó, ông làm việc với phương châm không phá hỏng một thứ đang hoạt động tốt.

Nhận được 1,2 tỷ USD

Doanh thu năm 2012 của SurveyMonkey chạm ngưỡng 113 triệu USD, lợi nhuận đạt 62 triệu USD. Trong năm 2013 và 2014, công ty nhận được rất nhiều vốn đầu tư mạo hiểm: 450 triệu USD trong một đợt, vài tháng sau thêm 250 triệu USD nữa, cuối cùng tổng cộng lên đến 2 tỷ USD.

Cân bằng giữa nợ và tài sản, SurveyMonkey có khoảng 1,2 tỷ USD tiền đầu tư. Ông quyết định không dùng số tiền đó để thực hiện IPO. Goldberg giải thích thêm: “Tôi không nói sẽ không bao giờ cổ phần hóa công ty, nhưng chúng tôi không làm vậy chỉ để đem lại tiền mặt cho mọi người. Ngày nay thị trường tư nhân đã có lượng tiền mặt rất lớn rồi”.

Từ khảo sát đến Big data

Từ những ngày đầu với chỉ 14 nhân viên, SurveyMonkey hiện có tới 500 người, tạo 90 triệu khảo sát mỗi tháng bằng 60 ngôn ngữ và có 25 triệu khách hàng, bao gồm cả những người dùng miễn phí.

Đầu tháng này, hãng vừa tung ra dịch vụ Big data mới với tên Benchmarks, cho phép các khách hàng so sánh kết quả khảo sát của mình với những người có cùng câu hỏi. Nhờ đó, một công ty có thể so sánh mức độ hài lòng của khách hàng hay nhân viên với các hãng khác.

Goldberg tỏ ra rất hạnh phúc với công việc mình đang làm. Ông chia sẻ: “Tôi thật sự thích sứ mệnh ở SurveyMonkey: Giúp mọi người đưa ra những quyết định tốt hơn. Đó là một điều tuyệt vời”.

>> Vợ cũ Elon Musk nói gì về những người thành công?

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM