CEO ACB: 'Chia bớt việc để về nhà ăn tối với gia đình'
19/09/2012 09:25 AM
|
Sự cố xảy ra tại ACB cũng ít nhiều khiến cuộc sống gia đình tân CEO xáo trộn. Cả tháng nay, Đỗ Minh Toàn về nhà lúc 22h-1h đêm.
- Là người trực tiếp điều hành con thuyền ACB trong những ngày qua, “cơn lốc” ập đến có gây sốc cho cá nhân anh? Những trải nghiệm nào anh cho là quý nhất với đội ngũ ACB nói chung và riêng anh?
- ACB là một tổ chức lớn, với hơn 10.000 nhân viên, điều gì xảy ra nếu tình hình xấu đi? 10.000 con người đó sẽ thế nào? Nếu ACB không vượt qua được sự cố thì hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ như thế nào? Những câu hỏi đó đã khiến cho các thành viên Ban Điều hành đều cảm thấy phải bằng mọi giá gìn giữ được uy tín, sức mạnh vốn có của tổ chức. Được sự tín nhiệm của HĐQT và sự ủng hộ của đồng nghiệp, tôi thấy tự tin và mạnh mẽ hơn bao giờ khi nhận nhiệm vụ mới.
Sự cố một lần nữa cho thấy yếu tố tinh thần là quyết định. Niềm tin vào sức mạnh nội tại, vào thành quả của ACB trong 20 năm qua, cùng với sự chuẩn bị một cách chi tiết kế hoạch ứng phó tình trạng khẩn cấp, đã giúp chúng tôi có được sự bình tĩnh, tự chủ, để ứng phó linh hoạt, minh bạch, kịp thời. Khi sự cố xảy ra, mọi người đều quên đi lợi ích cá nhân, quên đi mọi hơn thiệt, để hết mình vì cái chung. Đó chính là văn hóa ACB, làm nên sự khác biệt của một tổ chức.
Niềm tin của người dân vào ACB trong và sau sự cố rất đáng quý, có người đến nghe giải thích rõ ràng rồi đi về, có người rút tiền ra vài ngày rồi gửi lại. Hành động người dân ôm tiền gửi lại làm chúng tôi rất xúc động. Đồng tiền người dân lúc này rất đáng trân trọng, vì đó là cả cơ nghiệp của mỗi gia đình. Niềm động viên tinh thần lớn lao ấy khiến cho tôi và mọi người phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa để phân tích sự cố, tìm ra những giải pháp gia tăng niềm tin.
- Sự cố này có làm tổn thương chiến lược của ACB trong 10 năm tới?
- Mục tiêu của ACB trong những năm tới là giữ vững vị thế ngân hàng mạnh, hàng đầu trong thị trường Việt Nam. Sự cố vừa rồi có thay đổi một chút về cấu trúc tài chính, tuy nhiên đó chỉ và vấn đề trong ngắn hạn, không ảnh hưởng gì đến chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới.
Dự kiến đến đầu năm 2013 sẽ phục hồi số dư tiền gửi trở lại ở mức trước sự cố. Trong thời gian tới, ACB vẫn xác định con người là yếu tố quyết định. Cần xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng, đào tạo bổ sung, biến mỗi nhân viên thành một hạt nhân kinh doanh hiệu quả.
- Trong giới kinh doanh, anh được biết đến như một người luôn đổi mới kỹ thuật và công nghệ, phải chăng những kinh nghiệm quản trị từ ngân hàng nước ngoài đã giúp anh tạo được những bước đột phá, mở ra thị trường mới là khối doanh nghiệp?
- Bắt đầu khởi nghiệp từ một ngân hàng nước ngoài hoạt động theo mô hình văn phòng đại diện, về ACB từ năm 1995, trải qua rất nhiều vai trò khác nhau đã giúp tôi hiểu rõ hoạt động ngân hàng ở cả diện rộng và chiều sâu, sự linh hoạt khi áp dụng các học thuyết, lý thuyết quản trị ngân hàng hiện đại.
Khi được giao phụ trách mảng kinh doanh phục vụ khách hàng doanh nghiệp, từ 2003 đến 2006, tôi quan sát thị trường, tìm hiểu khách hàng và bối cảnh cạnh tranh, để xây dựng những sản phẩm phù hợp nhu cầu. Nhờ chuyển hóa môi trường kinh doanh tập trung đã làm năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Đơn cử việc thành lập Trung tâm Thanh toán Quốc tế tại Hội sở đã giúp ACB kiểm soát được rủi ro, số lượng nhân viên giảm từ 240 còn 75, doanh số tăng gấp đôi.
Từ năm 2003 đến nay, việc xây dựng được Trung tâm Tín dụng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ công tác phân tích tín dụng và xét duyệt tập trung đối với mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa doanh thu từ 10% tăng lên 50% trong tổng doanh thu của ngân hàng.
- Anh nghĩ gì về tính thời cơ và sự bảo thủ trong kinh doanh ngân hàng?
- Kinh doanh muốn khác biệt phải đột phá, phải nhận biết cơ hội, nhưng hoạt động ngân hàng về cơ bản mang tính bảo thủ cao vì đầy rủi ro. Người lãnh đạo phải biết quy trình hóa nó. Trước mỗi cơ hội phải nhìn thấy nó có phù hợp với chiến lược kinh doanh, phù hợp với pháp luật và các chuẩn mực kinh doanh không?
Khi kiếm được tiền phải có trách nhiệm với nhân viên, cổ đông, xã hội, môi trường. Đồng tiền làm ra phải chính đáng, đó là tính nhân văn trong xử lý hàng ngày. Trước khi làm gì phải nghĩ đến tổ chức được lợi gì, hậu quả mà cá nhân, gia đình phải đối mặt?
Trả lời được những câu hỏi đó thì tâm mình thanh thản. ACB là một tập thể lớn, là nơi sẵn sàng đưa ra vấn đề tranh luận, dẫn đến quyết định sẽ tốt hơn.
- Tốt nghiệp với ba bằng đại học và một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, tính cách nào giúp anh luôn chinh phục tri thức? Thăng tiến rất nhanh trong hệ thống ACB, anh có phải là một người tham vọng?
- Điều quan trọng là tôi luôn sẵn sàng. Chăm chỉ học giúp tôi làm tốt từng công việc nhỏ, dẫn đến công việc lớn hơn. Trong một thời gian dài, được làm việc với nhiều lãnh đạo cao cấp của ACB, những người đã thành công trong công việc và xã hội, đặc biệt được làm việc cùng với anh Trần Mộng Hùng, một người thận trọng, chính xác, đòi hỏi tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị rất kỹ, văn bản luôn chỉn chu, thông tin nhanh. Từ đó dẫn tới niềm tin lãnh đạo, khi có nhu cầu công việc mới, họ nghĩ đến mình.
Tham vọng hiểu như một áp lực cá nhân cũng đúng, nếu làm được mình thực sự trưởng thành. Học giúp công việc tốt hơn, giúp tôi tư duy, tự trả lời các câu hỏi với những suy luận logic của riêng mình. Đó là một quá trình chuyển dần từ lượng thành chất.
- Con người quá logic như anh có bao giờ mâu thuẫn với tình cảm của mình trước khi đưa ra quyết định?
- Có đấy. Vì thế mình phải cân nhắc, phải đọc, học nhiều lắm, để có thể nhìn thấy trước sự việc, thực thi nghiêm túc, đúng thời gian. Tôi có một nguyên tắc: cái gì trả lời được trong 24 giờ phải trả lời ngay; cái gì cần suy nghĩ thêm thì trả lời trong 48 giờ; cái gì còn mơ hồ phải đưa ra thảo luận thì liên tục suy nghĩ về điều đó, tìm lời khuyên bên ngoài, không thể trì hoãn vì mình là người ra quyết định.
- Điểm tựa tinh thần nào đã giúp anh tìm được sự cân bằng?
- Chính là gia đình, là tương lai của hai đứa con. Con người có bốn cực: danh vọng, tiền tài, sức khỏe và gia đình, làm thế nào để ở giữa bốn cực đó là cả một nghệ thuật. Mấy ngày nay, sinh hoạt gia đình bị xáo trộn nhiều, vì bình thường, 7h tối là tôi về nhà ăn cơm với gia đình.
Cả tháng nay, đến 10h tối, có hôm đến 1h sáng tôi mới về đến nhà. Phải điều chỉnh lại, phân bớt công việc cho người khác để có thời gian cho gia đình, nhất là giữ được thói quen ăn cơm tối với gia đình. Với cha mẹ, cũng phải gần gũi động viên, tâm tình, để cha mẹ hiểu hơn công việc của mình.
- Dù đang trải qua những ngày khó khăn, nhưng gương mặt anh thấy rất tự tin, thanh thản?
- Vượt qua áp lực cũng là một niềm vui. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì tất cả mọi người đều đứng về một phía, chia sẻ với nhau dù vất vả, điều đó làm mình cảm thấy tự tin hơn, đón nhận và xử lý khó khăn một cách nhẹ nhàng hơn.
- Sau những sự việc vừa qua, anh nghiệm ra điều gì quý nhất trong nghiệp kinh doanh?
- Sự đồng lòng, đoàn kết, tin tưởng vào tổ chức và biết tương trợ lẫn nhau.
- Điều gì giúp anh giữ được niềm tin?
- Sự minh bạch và đạo đức kinh doanh đặt ra với người quản lý ngân hàng ở mực độ cao, đó là nguyên tắc mà mỗi con người luôn phải ý thức trong thực thi công việc của mình. Gia đình tôi luôn tâm niệm sống làm sao để cảm thấy mọi người xung quanh hài lòng, làm gì đó không phương hại đến người khác, đó là hạnh phúc.
Đỗ Minh Toàn sinh năm 1971, quê ở Phú Yên, bắt đầu làm việc tại ACB từ năm 1995. Tốt nghiệp Đại học Ngân hàng TP.HCM, cử nhân luật đại học Luật TP.HCM, cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM, Thạc sĩ quản trị kinh doanh đại học Columbia Southern (Mỹ). Có 17 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tốt nghiệp 3 bằng đại học ở 3 chuyên ngành: ngân hàng, kinh tế và luật, tiếp xúc với môi trường ngân hàng quốc tế từ rất sớm, kinh nghiệm từ ING Barings Hà Lan đã giúp anh có được những giải pháp hữu hiệu cho quản trị ngân hàng hiện đại, phù hợp với chuẩn quốc tế. |
Theo Doanh Nhân Sài Gòn