Câu chuyện về 'Charlie' và chuỗi tiệm nail khổng lồ tại Mỹ

05/09/2012 09:26 AM |

Tôi hỏi anh có làm ăn gì ở Việt Nam? Anh chỉ về nước một lần, nhưng lối làm việc và cách giao tiếp của họ không phù hợp lắm với nhu cầu về chất lượng và tiếp liệu.

Nghịch cảnh thường thể hiện nhân tài; trong khi thịnh vượng lại che giấu nó (Adversity is wont to reveal genius, prosperity to hide it.) Horace

Một thú vui của tôi trong thời gian rảnh rỗi giữa các cuộc họp khi đi công tác là gặp các doanh gia Việt để tìm hiểu thêm về con người họ: yếu tố thành công hay thất bại, môi trường kinh doanh và những trải nghiệm thú vị. Kỳ về Mỹ vừa qua, một bạn trẻ giới thiệu tôi với một đại gia Việt kiều khá thành công và nổi tiếng trong cộng đồng: anh Charlie Tôn Quý.

Sáng tạo để vượt khó

Anh Quý đến Mỹ một mình năm 14 tuổi và cư ngụ tại bang Louisiana từ 1986. Vừa đi học vừa đi làm anh tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại LSU và lập gia đình vào giữa thập niên 1990s. Vợ anh kinh doanh tiệm nail ở đây nên anh không đi làm mà mở một tiệm cung cấp linh kiện và hóa chất cho các tiêm nails khác.

Cuộc sống tạm ổn định cho đến khi anh quan sát khách hàng thăm viếng chuỗi siêu thị Wal Mart (có hơn 70% là phụ nữ) và nảy ra ý tưởng xin Wal Mart cho phép anh mở các tiệm nails ngay trong khu thương mại của họ. Phải mất hơn 2 năm để thuyết phục Wall Mart và cho đến năm nay, các cửa hàng Regal Nails làm theo phương thức "nhượng quyền" (franchise) đã lên đến con số hơn 1,100 tiệm. Tại California, người Việt làm chủ đến 80% các tiệm nails và tỷ lệ cho toàn quốc là 44%.

Con số thực của đại gia thực

Vì là công ty tư nhân nên Regal Nails không thông báo số liệu tài chính. Nhưng nếu tính mỗi tiệm nail có doanh thu trung bình là 34,000 đô la một tháng (theo tạp chí Nails), thì đế chế Regal Nails của anh Quý có doanh thu hàng năm khoảng 450 triệu đô la.

Mức lời của công ty dịch vụ thường cao gấp đôi công ty sản xuất nên nếu Regal Nails niêm yết trên sàn HOSE, đây sẽ là một cổ phiếu blue chip "hot" nhất vì lý do thứ hai: Regal Nails gần như không có nợ.

Trước khi gặp anh, tôi đã ấn tượng với thành quả và con số. Sau khi gặp anh, tôi hưng phấn và lạc quan hơn vể thế hệ doanh nhân trẻ của chúng ta. Ngoài mái tóc bềnh bồng dải như một hippie thời 60s, vị đại gia 41 tuổi này trông thật bình dị và dễ thương với chiếc áo thun trắng và chiếc quần jean đã bạc mầu.

Chuỗi Regal Nail tại Mỹ.

Để tiện việc, tôi đến gặp anh một buổi trưa hè khá mát ở khu Wal Mart mới xây tại Foothill Ranch, California. Anh Quý đang khởi công xây dựng một chuỗi tiệm nail và spa cao cấp lấy tên là Isis. Đây là tiệm đầu tiên và kế hoạch là sẽ hoàn tất thêm 5 tiệm trước cuối năm, kể cả 2 tiệm ở Australia.

Tôi ái ngại nhìn anh đầu tắt mặt tối với đám nhân công xây dựng, bò ra dưới sàn giúp họ từng vít nối để bảo đảm an toàn cho các kệ tủ; rồi quay qua làm việc với nhóm IT về hệ thống vận hành và khuyến mãi gắn trên mỗi Ipad cho từng khách hàng; sau dó chỉ dẫn nhóm quay phim về cuốn video huấn luyện nhân viên. Và trăm công việc khác, qua phone hay qua Emails.

Góc nhìn sâu hơn

Sau 1 tiếng, anh chở tôi ra một tiệm phở gần đó để anh em có không gian riêng tâm sự. Giống tôi, anh thuê một chiếc xe Nissan cỡ nhỏ và tự lái như một nhân viên trung cấp. Không gì để thể hiện và khoe khoang. Câu chuyện giữa hai người cũng bộc trực, thành thực và đi ngay vào các vấn đề anh đang trực diện và nhờ tư vấn. 

Anh không nói gì đến thành quả đã đạt được mà chỉ về những mục tiêu phải đạt đến trong 1 năm, 5 năm và 10 năm. Anh cũng cho thấy một người đàn ông yêu vợ con và gia đình, không thích nhậu nhẹt hay lăng nhăng. Tôi nói ở điểm này anh giỏi hơn tôi nhiều vì khoảng tuổi anh, hồi xưa tôi cũng thích "nổ" và "hư hỏng" lắm. Anh cười hiền, nói không có thì giờ.

Tôi hỏi anh có làm ăn gì ở Việt Nam? Anh chỉ về nước một lần, được vài ngày, muốn tìm đối tác để gia công cho họ vài linh kiện cho nhà máy của anh bên Mỹ, nhưng lối làm việc và cách giao tiếp của họ không phù hợp lắm với nhu cầu về chất lượng và tiếp liệu. Anh cũng nói là anh có gặp vài quan chức và họ làm anh ngại.

Ba công thức của thành công

Tôi hỏi điều anh quan tâm nhất trong kinh doanh là gì? Anh nói "sự thỏa mãn của khách hàng". Anh chứng tỏ điều này khi lăn ra đất để đo độ mềm của chỗ để chân, thử đi thử lại menu của Ipad (gắn trên ghế ngồi khi khách đợi hay ngồi cho thợ làm), chọn chương trình các video trên màn ảnh siêu phẳng để khách thưởng thức, loại rượu vang hay sâm banh mời khách khi họ bước vào tiệm, độ nóng chiếc khăn ấp mặt, những loại hóa chất hữu cơ và thân thiện môi trường đang được nghiên cứu....

Điều quan tâm thứ hai của anh là "đội ngũ nhân viên". Bao quanh anh là nhóm quản lý, toàn người trẻ, tốt nghiệp đại học, chuyên sâu về IT, năng động sáng tạo và được huấn luyện ít nhất 6 tháng về nghệ thuật làm thỏa mãn khách hàng và xử lý các tình thế khó khăn.

Điều quan tâm thứ ba của anh là làm sao tiếp tục xây dựng và "bảo tồn hai thương hiệu" Regal và Isis để giữ vững vị thế trên một thị trường rất cạnh tranh. Muốn bám trụ, phải đi trước thiên hạ vài năm qua sản phẩm "xanh", qua tiếp thị mạng xã hội, qua phần mềm quản lý, qua huấn luyện và đào tạo. Anh cho biết kỹ nghệ nail tại Mỹ đạt 6 tỷ đô la năm rồi và khoảng 1.5 tỷ đô la tại Âu và Úc. Trong 10 năm tới, anh muốn nắm 20% thị phần.

Con đường trước mặt

Tôi nói với anh về những thất bại của mình trong quá khứ. Anh kể lại những khó khăn chật vật khi đến Mỹ với hai bàn tay trắng. Sự cố gắng tột cùng để nhoi lên từ vũng bùn là mẫu số chung của hai đứa. Tôi tin là anh còn tiến xa hơn nữa vì ngọn lửa trong anh vẫn bùng cháy, ham muốn học hỏi cầu tiến vẫn đầy ắp; và tuổi trẻ, môi trường cùng đạo đức kinh doanh của anh sẽ là vũ khí vô cùng bén nhọn.

Trong những năm tháng bôn ba, tôi gặp rất nhiều nhân vật cũng như đã nếm thử đủ loại ẩm thực của thế giới. Từ những món trông thật đẹp mắt nhưng ăn vào là muốn ọe ra, đến những món coi tầm thường mà vô cùng ngọt ngào. Charlie Tôn Quý là một bữa cơm quê hương thật giản dị nhưng quá tốt cho một ngày hè nóng nực.

Một tự hào đúng nghĩa của người Việt.

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Theo Alan Phan
Tuần Việt Nam

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM