Các tỷ phú công nghệ của Forbes 400 học đại học ở đâu?

15/10/2012 21:30 PM | Nhân vật

1% tỷ phú chính nằm trong danh sách 1% thiên tài trí tuệ của thế giới.

"Không ai khác, người sẽ thừa hưởng thế giới này chính là những thiên tài" – Chủ bút Tạp chí Forbes Richard Karlgaard.

Ngay từ khi còn nhỏ, tỷ phú Jeff Bezos – người sáng lập kiêm CEO website thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon.com đã cho thấy tài năng thiên bẩm về máy móc. Cậu bé Jeff Bezos vừa mới biết đi đã biết cầm tua vít mày mò tháo tung chiếc giường cũi. 

Lớn lên, cậu đã tự thiết kế một hệ thống báo động vì không muốn cho anh chị em tự tiện vào phòng ngủ của mình. Khi đã thành danh, vị CEO này bỏ ra một số tiền không nhỏ để xây dựng tháp đồng hồ quả lắc vĩnh cửu như một di sản cá nhân để bất cứ ai cũng có thể đến thăm.

Ở tuổi 14, nhà sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey đã tìm thấy niềm đam mê của mình trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và bắt tay vào việc viết một phần mềm lập ra trên mã nguồn mở hiện vẫn còn được nhiều hãng taxi sử dụng. 

Trong khi đó, Michael Dell – ông chủ tập đoàn sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới Dell đã đăng ký thi vào trường trung học cơ sở và bắt đầu học lập trình từ khi mới 8 tuổi. 

Thế nhưng, Dorsey và Dell vẫn chậm chân hơn Sean Parker bởi ngay từ khi lên 7, người sáng lập công ty dịch vụ nhạc số Napster tương lai đã tự mày mò mật mã trên máy tính. Jack Dorsey, Michael Dell và Sean Parker hiện đang sở hữu gia tài kếch xù lên tới 10 con số.

Lý giải hiện tượng này, chủ bút Tạp chí Forbes Richard Karlgaard nói: “Không ai khác, người sẽ thừa hưởng thế giới này chính là những thiên tài. Ngày nay, nếu muốn trở thành tỉ phú, một người cần có chỉ số IQ 150 và 800 điểm toán SAT. Hầu hết những nhân vật cừ khôi trong lĩnh vực Internet, công nghệ sinh học và thuật toán tài chính đều sở hữu trí tuệ thiên bẩm.” 

Có thể thấy, 1% số người sở hữu nhiều tài sản nhất lại cũng là những cái tên nằm trong số 1% thiên tài trí tuệ với những cái tên lừng danh như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Sergey Brin.

Ấn bản mới nhất công bố danh sách 400 tỉ phú Mỹ (The Forbes 400) đã vinh danh 48 tỉ phú công nghệ. Đáng chú ý, những con người xuất chúng này đều từng theo học các trường đại học danh tiếng với số điểm đầu vào đáng ngưỡng mộ.

Trong số 48 tỉ phú công nghệ giàu nhất nước Mỹ, có 26 người theo học top 12 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng U.S. News & World Report như:

54% các tỷ phú học ở các trường đại học danh tiếng nhất:

- Stanford (Jerry Yang, Ray Dolby, Reid Hoffman, Larry Page, Sergey Brin, Jeffrey Skoll and David Filo); 

- Harvard (Steve Ballmer, Dustin Moskovitz, Bill Gates, Mark Zuckerberg):

- Princeton (Jeff Bezos, Eric Schmidt, Meg Whitman):

- Oxford (Michael Moritz);

- MIT (Irwin Jacobs),…

17% từng theo học các trường đại học và học viện tên tuổi khác với học vị danh giá như: 

- Đại học California, Los Angeles (Henry Samueli and Henry Nicholas II – Tiến sĩ);

- North Carolina State (James Goodnight);

- Đại học Illinois, Urbana (Thomas Siebel – Cử nhân);

- Đại học Utah (James Clark)… 

27% còn lại đã nhận bằng cử nhân từ những cơ sở đào tạo có tiếng khác như:

- Tufts (Pierre Omidyar);

- Vanderbilt (Henry Ross Perot Jr.);

- Đại học Baltimore (Bob Parsons);

- Colorado State (Walter Scott Jr.);

- Đại họcTatung (David Sun);

- Đại học Nam California (Marc Benioff);

- Technische Universitat Darmstadt (John Tu);

- Học viện Hải quân Mỹ (Henry Ross Perot Sr.);

- Cao đẳng Beloit (John Sall);

- Đại học Texas, Austin (Michael Dell);

- Washington State (Paul Allen);

- Texas A&M (Graham Weston);

- Đại học New York (Jack Dorsey). 

Trong số 48 tỉ phú giàu nhất nước Mỹ, chỉ duy nhất Sean Parker là không theo học bất cứ trường đại học nào, song tài năng của người sáng lập công ty dịch vụ nhạc số Napster thì không ai có thể phủ nhận.

Theo một nghiên cứu về những người trẻ tuổi xuất chúng về mảng toán học, những người nằm trong số 1% sở hữu trí tuệ thiên tài này có nhiều khả năng sở hữu học vị tiến sĩ, bằng sáng chế, xuất bản sách và nhận được mức thu nhập cao hơn người bình thường. 

Chính trí tuệ của họ cũng có những tác động nhất định tới sự giàu mạnh của một quốc gia, bởi khi một thiên tài công nghệ sáng chế ra một thiết bị số hay chương trình máy tính có khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống hay cứu sống nhiều sinh mạng thì chính họ đã tạo ra những điều tốt đẹp cho cả thế giới. 

Bởi vậy, sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn tới 1% thiên tài trí tuệ thay vì 1% sở hữu nhiều của cải của thế giới.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM