Bạc Hy Lai ra ký hiệu lạ ở 'phiên tòa thế kỷ'

22/08/2013 16:03 PM | Nhân vật

Ngày 22/8, Tòa án nhân dân Tế Nam bắt đầu "phiên tòa thế kỷ" xét xử cựu chính trị gia lừng lẫy một thời Bạc Hy Lai.

Nội dung nổi bật:

- Tại phiên tòa xét xử Bạc Hi Lai diễn ra sáng nay 22/8, trong một bức ảnh về Bạc Hy Lai , một điểm kỳ lạ ở bàn tay nhân vật này đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc, chúng dường như thể hiện một dấu hiệu nào đó. Một số cho rằng đó là ký hiệu của chữ OK.

- Ông Bạc không bị còng tay và được hai cảnh sát kèm hai bên. Chiều cao “khủng” (đến 1,9m) của hai viên cảnh sát đứng hai bên ông Bạc cũng là chủ đề gây bàn tán. Có ý kiến cho rằng, đó là ý đồ của nhà chức trách Trung Quốc muốn ông Bạc trông có vẻ bé nhỏ trước tòa.



Phiên tòa thế kỷ

Theo thông báo của tòa án Tế Nam, Phó viện trưởng pháp viện (tòa án) Tế Nam Vương Húc Quang sẽ đảm nhận vai trò chủ tọa phiên tòa. Đại diện của viện kiểm sát là viện phó viện trưởng Viện kiểm sát Dương Tăng Thắng, Kiểm sát viên Quách Nhất Tinh, Thịnh Văn.

Phiên tòa gồm 5 người thân của bị cáo Bạc Hy Lai, 2 trợ lý, 19 nhà báo và 84 người dân.

7h10 sáng ngày 22/8 (6h10 giờ VN), một đoàn xe tải nhỏ (có thể chở ông Bạc Hy Lai) tiến vào tòa án. Cảnh sát mở đường chốt chặt con đường dẫn đến nơi diễn ra phiên tòa xử ông Bạc Hy Lai, và chắn ngay tại hai cánh cổng dẫn vào tòa.

Hàng chục phóng viên luôn trong tư thế sẵn sàng tại khu vực bên kia đường dành cho truyền thông.

Đây là bê bối chính trị lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sự sụp đổ của “Tứ nhân bang” vào năm 1976.

Theo bản cáo trạng vừa mới được công bố trên Weibo của TAND trung cấp thành phố Tế Nam, từ năm 1999 đến năm 2006, bị cáo Bạc Hy Lai lợi dụng chức vụ thị trưởng thành phố Đại Liên, bí thư thành ủy Đại Liên, chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, bộ trưởng Bộ thương mại nhằm trục lợi cho người khác.

Từ năm 2000- 2012, Bạc Hy Lai nhận hối lộ hoặc thông qua vợ là bà Cốc Khai Lai và con trai Bạc Qua Qua để nhận hối lộ từ tổng giám đốc Đường Tiêu Lâm của công ty TNHH phát triển quốc tế Đại Liên và chủ tịch hội đồng quản trị Từ Minh của tập đoàn Thực Đức Đại Liên với số tiền lên đến 21,79 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu USD).

Theo đó, ông Bạc nhận hối lộ ba lần từ tổng giám đốc Đường Tiêu Lâm với tổng số tiền vào khoảng 1,1 triệu nhân dân tệ (khoảng 180.000 USD).

Cũng theo cáo trạng, từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2012, bị cáo Bạc Hy Lai (khi đó là bí thư thành phố Trùng Khánh) lạm dụng chức quyền trong việc xử lý vụ án giết người của bà Cốc Khai Lai và vụ chạy trốn bất thành của thuộc cấp Vương Lập Quân.

Tuy nhiên, theo tường thuật từ trang mạng Weibo của Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tế Nam, ông Bạc đã phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng của ông này từ giám đốc Đường Tiêu Lâm.

“Tôi hy vọng các thẩm phán có thể xét xử phiên tòa một cách hợp lý và công bằng, theo đúng thủ tục pháp lý của đất nước chúng ta”, Tân Hoa xã trích phát biểu của ông Bạc.

Ký hiệu lạ của Bạc Hy Lai

Trong một bức ảnh về Bạc Hy Lai tại phiên tòa sáng 22/8, một điểm kỳ lạ ở bàn tay nhân vật này đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Trong ảnh, ngôi sao chính trị một thời ở Trung Quốc không bị còng tay và được hai cảnh sát kèm hai bên.

Hai bàn tay bắt chéo phía trước của ông Bạc đã gây chú ý đặc biệt bởi các ngón tay ở bàn tay trái co gập một cách khác thường và chúng dường như thể hiện một dấu hiệu nào đó."
 

Bàn tay trái của Bạc Hy Lai gây nhiều thắc mắc cho các cư dân mạng Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Bàn tay trái của Bạc Hy Lai gây nhiều thắc mắc cho các cư dân mạng Trung Quốc - Ảnh: Reuters


Bức ảnh về hai bàn tay của ông Bạc hiện được các cư dân mạng lan truyền trên trang Weibo. Một số cho rằng đó là ký hiệu của chữ OK.

Trong khi đó, chiều cao “khủng” của hai viên cảnh sát đứng hai bên ông Bạc cũng là chủ đề gây bàn tán. Theo các cư dân mạng, hai người này phải cao hơn 1,9m bởi ông Bạc đã cao hơn 1,8m. Một số ý kiến cho rằng việc chọn lựa hai viên cảnh sát có chiều cao “khủng” là có ý đồ bởi nhà chức trách Trung Quốc muốn ông Bạc trông có vẻ bé nhỏ trước tòa.

Con trai Bạc Hy Lai và dân Trung Quốc nói gì về “phiên tòa thế kỷ”

Hãng thông tấn CNN đã tiến hành một phóng sự để khảo sát ý kiến của người dân Trung Quốc về phiên tòa và những tình tiết xung quanh vụ án Bạc Hy Lai.

Những người ủng hộ ông Bạc xuất hiện trước tòa án Tế Nam từ một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, mặc cho lực lượng cảnh sát dày đặc có mặt ở đây. Những người này nhanh chóng chia sẻ suy nghĩ của mình với phóng viên báo chí, đặc biệt là với những phóng viên nước ngoài.

Một bà cụ biểu tình ủng hộ cựu chính trị gia Bạc Hi Lai bên ngoài tòa án sáng 22/8
Một bà cụ biểu tình ủng hộ cựu chính trị gia Bạc Hy Lai bên ngoài tòa án sáng 22/8

“Trong suốt thời kỳ của Chủ tịch Mao, mọi người đều bình đẳng và chúng tôi không thấy có vụ tham nhũng nào”, bà Li, 66 tuổi, nói, ám chỉ tới chiến dịch khôi phục lại lý tưởng Mao Trạch Đông và trấn áp tội phạm của ông Bạc.

“Ông ấy không phải là thánh hay là con người hoàn hảo nhưng đa số người dân ủng hộ ông ấy. Họ không thể nào chỉ ra sức lên án ông ấy được. Tôi muốn ông ấy được xét xử công bằng”, bà Li nói.

“Có gì phải thắc mắc đâu? Ông Bạc là nạn nhân của đấu tranh chính trị nội bộ mà thôi”, ông Liu, 62 tuổi ngồi cạnh bà Li, nói.

Trả lời báo chí về phiên tòa xét xử cha mình, Bạc Qua Qua – con trai Bạc Hy Lai, cho biết: “Tôi hi vọng rằng trong phiên tòa này, cha tôi có cơ hội trả lời và bào chữa cho mình mà không bị bất cứ ràng buộc nào gây ảnh hưởng.”

Người dân tập trung theo dõi phiên tòa xét xử Bạc Hi Lai
Người dân tập trung theo dõi phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai

Bạc Qua Qua cũng bình luận về việc mẹ anh ta là Cốc Khai Lai nhận làm chứng chống lại chồng để đổi lấy sự an toàn cho con trai: “Tuy nhiên, nếu như tôi cũng bị mang ra trao đổi lấy sự phục tùng của cha và sự hợp tác của mẹ, thì bản án đó rõ ràng không có trọng lượng về đạo đức”.

“Tất cả đều mâu thuẫn với những gì tôi biết về cha mình trong suốt cuộc đời tôi. Mặc dù những chính sách cha tôi đưa ra gây nhiều tranh cãi nhưng tôi luôn tin rằng, cha tôi ngay thẳng và cống hiến hết mình cho công việc… Tôi hi vọng, quá trình xét xử diễn ra công bằng và tôi sẽ chờ đợi kết quả”. Bạc Qua Qua nói thêm.

Vụ “ngã ngựa” của cựu chính trị gia Bạc Hy Lai với những tình tiết của một vụ giết người, của tham nhũng và của sự phản bội – là vụ bê bối chính trị lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

An ninh tại tòa án xét xử Bạc Hy Lai ở Tế Nam, Sơn Đông
An ninh tại tòa án xét xử Bạc Hy Lai ở Tế Nam, Sơn Đông

Theo Minh Tú

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM