Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này

30/11/2017 08:24 AM | Kinh doanh

Trong khi các đại gia bia Thế giới như Heineken, Carlsberg, AB Inbev những năm qua tăng trưởng doanh thu khá chậm chạp, thậm chí tăng trưởng âm thì Sabeco vẫn tăng trưởng khá tốt với CAGR giai đoạn 2009 – 2016 lên tới 11%.

Ngày 29/11, Bộ Công thương đã chính thức công bố mức giá tối thiểu đợt chào bán cổ phần Sabeco (SAB). Đây là thông tin được giới đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi từ lâu.

Theo đó, Bộ Công thương sẽ bán 343,66 triệu cổ phiếu SAB, chiếm 52,39% số cổ phiếu lưu hành của Sabeco với mức giá khởi điểm là 320.000 đồng/cp. Ước tính Bộ Công thương có thể thu về tối thiểu 109.971 tỷ đồng (tương đương tỷ 4,8 tỷ USD) từ đợt chào bán này.

Ông Võ Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài như ThaiBev, Asahi Group, Kirin Holdings…đã bày tỏ sự quan tâm tới Sabeco và mong muốn trở thành cổ đông chiến lược sau khi Bộ Công thương thoái vốn.

Tuy vậy, đâu đó vẫn có những quan ngại rằng mức giá Sabeco hiện khá cao và đây sẽ là một trong những rào cản trong đợt thoái vốn của Bộ Công thương.

Những lo ngại trên là có cơ sở khi tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu SAB đã tăng hơn 70% lên 339.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất TTCK Việt Nam. Tại mức giá này, P/E Sabeco đã lên tới gần 49, bỏ xa các “đại gia” bia trên Thế giới như Heineken (P/E 27), Carlsberg (P/E 22), ThaiBev (P/E 18), Asahi Group (P/E 24), Kirin Holdings (P/E 21), San Miguel (P/E 15), Sapporo (P/E 28)…

 Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này  - Ảnh 1.

P/E Sabeco vượt xa hầu hết các "đại gia" bia trên Thế giới

Việc tăng giá quá “nóng” trong năm 2017 đã khiến vốn hóa Sabeco hiện lên tới 9,6 tỷ USD, vượt qua vốn hóa một số doanh nghiệp tầm cỡ ngành bia như Sapporo Holdings (2,5 tỷ USD), San Miguel (5,3 tỷ USD). Trong khi đó, quy mô của Sabeco lại quá nhỏ bé so với các doanh nghiệp kể trên.

Cụ thể, trong năm 2016, doanh thu Sabeco chỉ đạt 1,35 tỷ USD, trong khi những doanh nghiệp trong khu vực như ThaiBev là gần 6 tỷ USD, Sapporo gần 5 tỷ USD, San Miguel gần 13 tỷ USD… Thậm chí, doanh thu Heineken Việt Nam trong năm 2016 cũng lên tới 2,5 tỷ USD, bỏ xa Sabeco ngay trên sân nhà. Những con số thống kê trên đã cho thấy vì sao Sabeco bị “chê” đắt là có cơ sở.

 Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này  - Ảnh 2.

Ngoài ra, một yếu tố khác là thị trường hoạt động. Sabeco mặc dù đã xuất khẩu bia nhưng vẫn khá khiêm tốn và thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là trong nước. Trong khi đó, các tên tuổi bia kể trên đều mang tầm quốc tế và chinh phục nhiều thị trường, thậm chí đánh bại Sabeco ngay tại Việt Nam.

Mức giá trên trời và cái lý của Bộ Công thương

Mặc dù những con số tài chính cho thấy Sabeco đang được định giá khá cao, tuy nhiên mức giá tối thiểu 320.000 đồng/cp mà Bộ Công thương đưa ra cũng không phải không có lý.

Đầu tiền là về triển vọng thị trường. Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia nhanh hàng đầu Thế giới với tổng sản lượng bia dự kiến tăng trưởng bình quân là 9% trong 5-10 năm tới. Không những vậy, với quy mô dân số 93 triệu người, Việt Nam đươc coi là một trong những thị trường bia lớn cuối cùng mà hầu hết các thương hiệu quốc tế còn chưa thâm nhập sâu.

Sabeco trong những năm gần đây gặp không ít áp lực cạnh tranh từ các hãng bia ngoại như Heineken, AB Inbev…nhưng vẫn đang nắm giữ thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam với mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước cũng như hàng loạt nhà máy hiện đại và đây là lợi thế không nhỏ. Với mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc, Sabeco mang lại nhiều giá trị cho một thương hiệu bia quốc tế với danh mục sản phẩm đa dạng.

Về hiệu quả kinh doanh, Sabeco cũng có nhiều điểm tích cực hơn so với các đối thủ cùng ngành trên Thế giới. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận ròng trong những năm qua của Sabeco liên tục được cải thiện, từ mức 13% năm 2014 đã tăng lên 16% trong năm 2016 và hoàn toàn có thể nâng cao trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, tỷ suất lãi ròng các doanh nghiệp như ThaiBev chỉ là 12%, Heineken là 10%, thậm chí AB Inbev, Carlsberg, San Miguel, Kirin Holdings, Asahi Group…còn dưới mức 10%.

 Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này  - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, trong khi các đại gia bia Thế giới như Heineken, Carlsberg, AB Inbev những năm qua tăng trưởng doanh thu khá chậm chạp, thậm chí tăng trưởng âm thì Sabeco vẫn tăng trưởng khá tốt với CAGR giai đoạn 2009 – 2016 lên tới 11% và đây cũng là lợi thế lớn của Sabeco khiến Bộ Công thương tự tin với mức giá tối thiểu 320.000 đồng/cp.

 Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này  - Ảnh 4.

SAB là cổ phiếu có thị giá lớn nhất TTCK Việt Nam

Theo Hoàng Anh

Từ khóa:  sabeco , cổ phiếu
Cùng chuyên mục
XEM