Nhân lực Việt Nam, Philippines "hấp dẫn" nhiều doanh nghiệp Úc thời COVID-19: Những ai có cơ hội?

04/07/2021 09:40 AM | Xã hội

Một doanh nghiệp Úc cho biết hiện tại họ đã có đến hơn 350 nhân sự ở thành phố Hồ Chí Minh.

Một bài viết vừa được Business Insider đăng tải hôm 29/6 vừa qua đã nói về một xu thế mới của các doanh nghiệp Úc trong bối cảnh dịch bệnh khiến biên giới quốc tế phải tiếp tục đóng chặt: tuyển dụng lao động thuê ngoài (outsource) từ Đông Nam Á.

XU THẾ TUYỂN DỤNG MỚI "BÙNG NỔ" GIỮA MÙA DỊCH

Tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng ở trong nước cùng xu thế làm việc từ xa đang phát triển mạnh trong mùa dịch đã khiến nhiều công ty của Úc quyết định lựa chọn tuyển người lao động ở Philippines và Việt Nam .

Mặc dù việc tuyển lao động nước ngoài không mới, nhưng phải đến khi đại dịch bùng phát thì xu hướng này mới thực sự bùng nổ ở Úc, theo ông Jason Ritterman, giám đốc công ty gia công phần mềm Away Teams có trụ sở tại Melbourne.

Ông Ritterman cho biết công ty của mình đã tăng gấp 3 quy mô nhân sự trong vòng 12 tháng qua, và hiện đang quản lý hơn 350 nhân sự ở thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.

"Các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đa quốc gia đều muốn tuyển dụng nhân lực địa phương, nhưng họ đã gặp khó hoặc chi phí để trả lương cho người lao động địa phương quá cao, đặc biệt là trong ngành IT", ông Ritterman chia sẻ với Business Insider Australia.

Việc tuyển dụng nhân sự cho ngành công nghệ đã khiến không ít doanh nghiệp "đau đầu", vì trong một số trường hợp, mức lương có thể lên đến 6 chữ số (tính theo tiền USD).

"Tôi đã trò chuyện với CEO của một công ty IT lớn, và ông ấy nói với tôi rằng vào khoảng 3 năm trước, lương kỹ sư vào khoảng 80.000USD/năm. Nhưng giờ đây người chủ doanh nghiệp phải trả 150.000 USD/năm cho cùng vị trí đó", theo ông Ritterman.

Trong khi đó, ông Ritterman ước tính rằng việc thuê nhân lực tại Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp Úc tiết kiệm "từ 30% đến 70% chi phí lương", kể cả sau khi đã tính cả các khoản chi phí phụ.

Nhưng vấn đề không chỉ là tiền. Trong tất cả các lĩnh vực, khoảng 25% số doanh nghiệp ở Úc nói rằng họ không thể tìm được ứng viên phù hợp, và con số này thậm chí càng có xu hướng tăng lên khi số ứng viên phù hợp dần tìm được công việc cho mình.

Ông Aidan Wollner, giám đốc của một nhánh khác thuộc công ty Away chia sẻ: "Tôi từng cố gắng tuyển kỹ sư điện toán đám mây AWS và chi tận 900 USD cho quảng cáo trên trang tuyển dụng, cuối cùng tôi chỉ nhận được 4 hồ sơ và tất cả bọn họ đều không đạt yêu cầu.Sau đó tôi đã thử tuyển dụng ở Việt Nam và tìm được người phù hợp chỉ trong vòng 2 tuần".

 Nhân lực Việt Nam, Philippines hấp dẫn nhiều doanh nghiệp Úc thời COVID-19: Những ai có cơ hội? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

CÁC DOANH NGHIỆP BUỘC PHẢI THÍCH NGHI

Không chỉ ngành công nghệ, mà nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng buộc phải thích nghi với xu thế mới do sự thiếu hụt lao động có kỹ năng trong nước.

Tất nhiên việc sử dụng nguồn nhân lực ở nước ngoài không phải là mới, nhưng trước dịch bệnh nó thường chỉ tập trung vào một số ngành nhất định như tiếp thị từ xa. Giờ đây, xu thế này đang được mở rộng trên quy mô lớn hơn do đại dịch.

Giống như Away, Emapta cũng tuyển dụng lao động thuê ngoài từ Philippines. Giám đốc điều hành của công ty này, ông Tim Vorbach nói rằng xu hướng tìm kiếm "tài năng chất lượng cao hơn" đang bùng nổ trên toàn cầu, trong lĩnh vực tài chính, công nghệ-thông tin, kỹ thuật và bán hàng.

Ông Vorbach cho biết sau khi Emapta tuyển dụng khoảng 150 lao động mỗi tháng tại Philippines trong vòng 12 tháng qua, công ty này đã tăng trưởng khoảng 50% kể từ tháng 9/2020.

Ông Vorbach đánh giá cao nguồn nhân lực ở những nước như Philippines vì nhiều lí do như: họ giỏi tiếng Anh, khả năng thích ứng tốt và chi phí bỏ ra thấp hơn đáng kể.

"Hiện nay ở Úc đang có tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, và điều đó sẽ không biến mất ngay cả sau khi biên giới được mở lại", ông Vorbach cho hay.

Giám đốc điều hành Emapta đánh giá rằng xu thế này sẽ còn tiếp tục sau đại dịch vì việc tuyển lao động thuê ngoài ngày càng được nhiều công ty của Úc chấp nhận như một phần chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp./.

Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM