Nhận con dao từ tay con trai, người mẹ biết mình đã dạy dỗ con nên người
Người con trai không hề biết mình đang được mẹ ngầm kiểm tra về nhân cách bằng một hành động tưởng chừng như rất đơn giản này.
Có 1 điều không thể phủ nhận, đó là nhân cách, tài năng và sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục của cha mẹ. Có thể nói, cha mẹ như thế nào thì sẽ sinh ra những đứa con như vậy và 2 câu chuyện dưới đây là minh chứng cho điều đó.
Câu chuyện thứ nhất: Phép thử với Vivekananda
Swami Vivekananda (1863 – 1902, tên thật là Narendranath Datta), một tu sĩ ẩn dật người Ấn Độ có vốn kiến thức sâu rộng về cả văn hóa của phương Đông lẫn phương Tây.
Vivekananda (ở giữa, phía trên) và các thành viên trong gia đình, trong đó có mẹ, bà Bhubaneswari Devi (phía trên, bên phải). (Nguồn ảnh: Internet)
Ông có kỹ năng đàm thoại siêu việt cũng như hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực như tôn giáo, tâm linh nên vào năm 1893, ông đã được bầu làm người đại diện cho đạo Hindu tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới được tổ chức tại Chicago, Mỹ.
Trước khi Vivekananda lên đường một ngày, mẹ của ông, bà Bhubaneswari Devi đã gọi con trai tới để ăn tối cùng mình. Vivekananda đã ăn uống một cách ngon lành những món mẹ ông đã chế biến với cả tâm huyết và tình yêu dành cho con trai.
Sau bữa tối, bà đã đem ra một đĩa hoa quả tráng miệng và đưa cho ông cùng một con dao để cắt chúng thành từng miếng.
Vivekananda ăn hoa quả xong thì mẹ ông bảo ông đưa lại con dao cho bà. Đột nhiên, mẹ của ông lên tiếng: "Con đã vượt qua được bài kiểm tra của mẹ. Mẹ chúc con lên đường may mắn và bình an".
Vivekananda vô cùng ngạc nhiên nên đã hỏi lại: "Mẹ, mẹ đã kiểm tra con như thế nào và vào lúc nào thế?"
Đến lúc này, mẹ của Vivekananda mới mỉm cười và nhẹ nhàng trả lời ông: "Con trai, khi ta bảo con đưa con dao cho ta chính là lúc ta kiểm tra con. Có thể con không nhận ra, nhưng con đã cầm phần lưỡi dao sắc nhọn, và đưa phần cán dao về phía ta để ta được an toàn hơn, để ta không sơ ý làm mình bị đứt tay.
Chỉ một hành động nhỏ, nhưng nó cho thấy con là người luôn biết nghĩ đến người khác thay vì chính bản thân con, con luôn biết đặt lợi ích của người khác lên trước tiên. Vì thế, con đã đủ điều kiện bước ra thế giới".
Lời bàn: Có lòng trắc ẩn và biết quan tâm, lo lắng đến người khác là những phẩm chất tuyệt vời của mỗi con người và là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về mặt tâm hồn của người đó. Muốn một đứa trẻ lớn lên có được những điều này hẳn phải nhờ đến sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình và nghiêm khắc từ cha mẹ.
Câu chuyện thứ 2: Thấy con trai thường xuyên bị điểm kém, bà mẹ thực hiện 3 sự thay đổi và nhận được kết quả ngoài mong đợi
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, có một cậu bé học lớp 5 tên là Benjamin nọ luôn bị coi là kẻ đần độn nhất lớp. Điểm số cậu nhận được thường thấp hơn các bạn nên chính cậu cũng nghĩ mình là kẻ đần độn và chẳng thể làm nên trò trống gì.
Mặc dù vậy, vẫn luôn có một người tin rằng thành tích học tập của cậu chưa cao là do cậu bé chưa biết phát huy hết khả năng của mình mà thôi, đó chính là mẹ của cậu, bà Sonya.
Cậu bé Benjamin Carson khi trưởng thành cùng mẹ - bà Sonya, vợ và 3 cậu con trai. (Nguồn ảnh: Internet)
Sau khi liên tục nhận được giấy báo điểm thấp dưới mức mong đợi từ con trai, bà Sonya đã quyết định thay đổi. Bà đặt ra 3 quy tắc trong gia đình, yêu cầu Benjamin mình phải tuân thủ.
Thứ nhất, cậu bé sẽ chỉ được xem 2 chương trình trên tivi trong 1 tuần với các chương trình được lựa chọn trước.
Thứ hai, cậu bé phải hoàn thành tất cả bài tập ở nhà trước khi muốn xem tivi hay ra ngoài chơi.
Thứ ba, mỗi tuần cậu phải đọc 2 cuốn sách mượn ở thư viện và viết cảm nhận của mình về các cuốn sách đó.
Ngay khi được mẹ thông báo về 3 quy tắc này, Benjamin đã tỏ ra vô cùng thất vọng. Cậu cố gắng thuyết phục mẹ, nhưng đã thất bại trước sự kiên quyết của bà. Cuối cùng, không còn cách nào khác, cậu học sinh lớp 5 đành phải làm theo.
Một thời gian sau, vào một tiết học, khi thầy giáo ra một câu hỏi khó, cả lớp không có học sinh nào trả lời được, ngoại trừ cậu. Tất cả mọi ánh mắt ngạc nhiên đều đổ dồn vào cậu. Không ai tin được rằng mới chỉ cách đó không lâu, cậu còn là học sinh dốt nhất lớp.
Đến chính bản thân cậu cũng ngạc nhiên về sự thay đổi tích cực này. Hóa ra, những cuốn sách cũ kỹ mà cậu đọc được ở thư viện lại chứa đựng mọi đáp án cho những câu hỏi như vậy. Từ đó, cậu say mê đọc sách vì sự tò mò và niềm yêu thích, chứ không còn đọc vì bị mẹ bắt buộc nữa.
Chẳng bao lâu, từ học sinh có điểm số thấp nhất lớp, cậu bé đã trở thành người học giỏi nhất trường, rồi sau này lớn lên, đã trở thành một người vô cùng giỏi giang và thành đạt.
Cậu bé mà ngày còn nhỏ đã bị mọi người coi là "không có tương lai" đó chính là Benjamin Carson, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tài ba kiêm nhà văn và chính trị gia vô cùng nổi tiếng của Mỹ.
Tất cả là nhờ vào phương pháp giáo dục đúng đắn và niềm tin lớn lao mà một người mẹ dành cho đứa con trai yêu quý của mình.
Lời bàn: Không có đứa trẻ nào đáng bị coi là kẻ ngu dốt, không thể học hành và không có tương lai. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc bạn có nhìn ra tiềm năng và biết cách hướng chúng đi theo một con đường mà chúng có thể phát huy hết khả năng của mình hay không.
Theo Moral Story