Nhận 30 tỷ đồng từ Shark Thuỷ nhưng phá sản sau Covid, "ông trùm" game nhập vai tái sinh: Nhận 1.000 lịch đặt trước sau 30 ngày mở lại, lợi nhuận gấp 3-4 lần mô hình cũ
Sau khi phá sản hậu Covid-19, founder Vương Nhân xoá mọi dữ liệu, quyết tâm "một đi không trở lại" với mô hình game nhập vai. Nhưng anh không giữ được lời hứa với chính mình, vì chẳng còn đam mê nào khác. Anh trở lại với Genesis Escape cùng những chiến thuật cẩn trọng hơn nhưng lợi nhuận cũng cao hơn.
Cơ sở của Genesis Escape nằm trên tầng 4-5 của một tòa nhà mới xây tại phố Hoàng Cầu (Hà Nội). Khi thang máy chầm chậm lên tới tầng 5, cánh cửa mở ra một không gian thiếu sáng, ám màu u tối với các hình ảnh mang hơi hướng kinh dị dày đặc trên tường. Trái ngược với không gian, bầu không khí xung quanh lại vô cùng náo nhiệt, rộn ràng tiếng cười nói của các bạn trẻ đang ngồi chờ thanh toán để vào phòng chơi. Dù là ngày trong tuần, dòng khách liên tục ra vào, duy trì sự huyên náo ấy suốt cả buổi chiều.
Anh Vương Nhân - “cha đẻ” Genesis Escape hiện giờ và We Escape trước kia, chào đón tôi vào một căn phòng nhỏ chỉ khoảng 15m2, tường sơn trắng, không có gì nhiều ngoài bàn làm việc và chiếc máy tính màn hình lớn, nơi các bạn nhân viên đang chuẩn bị dụng cụ, hoá trang vào phòng chơi. Đây đang là phòng làm việc lâm thời của CEO và đội ngũ, trước khi họ chuyển tới một căn phòng lớn hơn tại tầng 7 của tòa nhà.
Trở lại mô hình kinh doanh mà chính mình đã phá sản từ 2 năm trước, anh Nhân hào hứng nói về đứa con tinh thần "mới mà cũ" sôi nổi như thuở ban đầu.
Nhận được tới 30 tỷ vốn đầu tư từ Shark Thuỷ nhưng cuối cùng phải đóng cửa toàn bộ 8 cơ sở sau đại dịch Covid-19. Cảm xúc lúc đó của anh thế nào?
Tôi bị burn-out (kiệt sức - PV), quá thất vọng vì Covid và phải đấu tranh tâm lý xem có nên giữ lại công ty hay không. We Escape từng là lý do khiến tôi rời bỏ công việc lương cao ở Singapore để trở về, làm và nghĩ về nó 24/7. Bản thân tôi là người khá cực đoan, nếu muốn giữ thì phải giữ hết cả 8 cơ sở chứ không muốn chỉ duy trì 1-2 địa điểm. Giữ thì giữ hết, đóng thì đóng hết! Đó là lý do mà tôi bắt buộc phải đóng cửa toàn bộ, vì không đủ sức giữ hết. Đưa ra quyết định phá sản, tôi đã tự nhủ, sẽ không bao giờ mở lại nữa.
Sau đó, tôi mở một game studio, huy động được khoảng 1,5 triệu USD. Trong đó, có 600.000 USD đến từ CEO của một quỹ đầu tư, cũng là người có tên tuổi trong giới công nghệ, blockchain. Tuy nhiên sau đó, gamefi thoái trào, công ty của tôi cũng đóng cửa. Đến tháng 11/2022, cũng chính nhà đầu tư này mời tôi về làm COO tại quỹ đầu tư do cậu ấy sáng lập. Nói thật lòng, làm ở vị trí của một COO, tôi có thu nhập rất tốt. Xuất phát là người học tài chính, trước kia là học sinh chuyên toán nên công việc liên quan đến con số không có gì thách thức với tôi. Tuy nhiên, những công việc này chỉ đem lại tiền, không cho tôi cảm giác đam mê như thời xây dựng We Escape.
Khởi nghiệp với mô hình mới đã cần nhiều can đảm. Khởi nghiệp lại với mô hình mà chính mình đã từng thất bại, có lẽ còn khó khăn hơn. Thời điểm, khoảnh khắc nào khiến anh quyết định rằng mình phải trở lại?
Đầu năm 2023, cứ thỉnh thoảng, các nhân viên cũ lại tag (nhắc đến) tôi vào những mô hình nhà ma xuất hiện trên mạng xã hội và bảo: “Ước gì We Escape hồi sinh", “Buồn quá, Hà Nội chẳng có gì chơi anh ơi!”. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm. Tôi đã từng thành công, đã xây dựng được một thương hiệu có tên tuổi trong lĩnh vực này trên thị trường. Ngày ấy, các bạn trẻ không nói “Đi nhà ma không?" mà nói “Đi We Escape không?”.
Nhìn lại, tôi nhận ra kể từ ngày bắt đầu có ý tưởng về We Escape đến khi công ty phá sản và ngay cả hiện tại, các bạn trẻ vẫn có quá ít chỗ chơi, vẫn chỉ loanh quanh xem phim, đi cà phê. Giờ đây, khi các mạng xã hội như TikTok nổi lên, con người vẫn tiếp tục thiếu sự kết nối, tương tác thực tế. Tôi nghĩ những mô hình trò chơi nhập vai thực tế vẫn có đất để phát triển, là một hình thức giải trí lành mạnh, giúp mọi người teamwork, hiểu nhau hơn, vui cùng vui, sợ cùng sợ.
Và quan trọng là, khi đi làm ở các doanh nghiệp khác, tôi nhận ra mình chẳng có đam mê gì ngoài trò chơi nhập vai. Đó là niềm đam mê lớn nhất và duy nhất của tôi. Dù đi làm công việc khác, đầu óc tôi vẫn không thể thoát khỏi suy nghĩ về những ý tưởng mới, cốt truyện hay kỹ thuật mới trong các phòng chơi. Đến tháng 4/2023, tôi nghỉ việc, quyết định trở lại và quyết không để thất bại lần nữa.
Ai đồng hành với anh trong lần trở lại này, với Genesis Escape?
Tôi chưa có ý định mở lại cho đến khi một người em thân thiết ngỏ lời. Cậu em có biệt danh Monday - một game designer, xuất phát là khách hàng thân thiết của We Escape từ 2014, rồi trở thành cộng sự của tôi khi We Escape mở rộng tại TP.HCM. Chúng tôi có cùng đam mê với ngành, làm việc cũng rất ăn ý. Thời điểm quyết định đóng cửa toàn bộ, tôi tặng lại cho Monday một cơ sở tại TP.HCM (đã đổi tên thương hiệu). Nói thật, tôi cũng không tin cơ sở này có thể sống sót nhưng bất ngờ là đến giờ, cơ sở ấy vẫn làm ăn rất tốt.
Khoảng đầu năm, Monday bảo: “Em muốn hợp tác với anh trong một dự án mới bởi anh vẫn luôn là người thầy, là sư phụ của em. Anh không cần lo lắng về vốn, không cần bỏ nhiều tiền, chỉ cần có anh trong sản phẩm, chúng ta nhất định sẽ thành công”. Tôi rất cảm động khi thấy sản phẩm của mình vẫn được nâng niu. Cậu ấy giữ cho cơ sở cũ sống tốt qua Covid, còn tôi thì không, chứng tỏ cậu ấy thậm chí còn đam mê hơn tôi.
Tôi nghĩ, tiền là điều kiện cần - vì đầu tư rất tốn kém, còn Monday là điều kiện đủ để tôi tự tin quay trở lại. Với Genesis Escape, tôi tập trung nhiều vào kinh doanh, còn Monday rất giỏi về sản phẩm. Đi cùng với cậu ấy, tôi cảm giác mình luôn được đẩy về phía trước, được động viên và ủng hộ.
Ngoài ra, tôi may mắn vì có nhiều nhân viên cũ từ thời We Escape tiếp tục quay trở lại đồng hành cùng. Có bạn bắt đầu vào We Escape khi là sinh viên năm thứ nhất, giờ trở lại khi đã là sinh viên năm cuối. Các bạn đều là những người trẻ nhiệt huyết, không có ca làm việc cũng lên công ty hỗ trợ việc.
Quyết định vào tháng 4 và mở cửa ngay từ đầu tháng 6, hẳn là một quá trình chuẩn bị thần tốc. Ngày mở cửa của Genesis Escape đã diễn ra thế nào, thưa anh?
Nói là trở lại nhưng tôi phải xây mọi thứ từ đầu, vì mọi tài sản trước kia của We Escape đều đã “đi tong”. Ngay cả dữ liệu khách hàng cũ cũng không có, vì tôi rất cực đoan, đã tự xóa hết từ hai năm trước. 30 ngày chuẩn bị cho sự trở lại là 30 ngày tôi làm từ 9h sáng tới 3h đêm, tự đi kiếm đồ cũ khắp nơi để trang bị cho phòng chơi, xây dựng đội ngũ mới, tự chạy quảng cáo, viết content,...
Đến khi mới khai trương, cứ mỗi sáng mở mắt ra lại thấy tin nhắn, email khách hàng gửi khiếu nại. Chuyện là vì chúng tôi tự code một nền tảng để khách đặt vé trước nhưng bị lỗi, khách này đặt đè lên slot của khách khác. Rồi khách cũng so sánh Genesis Escape với We Escape. Rất may là sai sót cũng dần được sửa.
Ngoài cái tên, các trò chơi của Genesis Escape có khác gì so với We Escape?
Thời We Escape, chúng tôi có rất nhiều trò chơi và phát triển rất nhanh, đặc biệt sau khi anh Thuỷ (Shark Thuỷ) đầu tư vào. Trong đó, có loại sản phẩm chỉ thuần giải đố, không có cốt truyện. Sản phẩm này có ưu điểm là tạo cho người chơi tư duy logic, phô bày các công nghệ và đã khá phổ biến, thành công tại nước ngoài. Tuy nhiên, loại sản phẩm này không được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất bởi mọi người khá lười giải đố. Thứ hai, tỷ lệ khách hàng quay lại với sản phẩm này không cao. Trò chơi mà không có cốt truyện, không có nhân vật, không có gì đọng lại mà chỉ thuần giải đố thì khó khiến khách hàng chơi lại.
Với Genesis Escape, chúng tôi tập trung vào loại sản phẩm có cốt truyện, có nhân vật phụ, có nhiều diễn biến và thách thức, cùng với đó là các câu hỏi khó. Tôi tự xây dựng một tập hàng nghìn câu hỏi này. Ví dụ, các bạn sẽ được nhập vai, hòa mình vào cốt truyện, “được" ma lùa, tương tác với các nhân vật phụ trong phòng chơi, cùng nhau giải bài toán khó. Cùng một phòng chơi, người tham gia có khi phải chơi đi chơi lại nhiều lần thì mới giải hết được các câu đố.
Các phòng chơi, cốt truyện, nhân vật tại Genesis Escape được xây dựng từ đâu?
Các cốt truyện, câu đố trong các phòng chơi của Genesis Escape đều do tôi sáng tạo, dựa trên chính những câu chuyện, trải nghiệm của bản thân: tệ nạn, áp lực học hành, bạo lực gia đình, những thói xấu trong xã hội,... Tôi cũng là người dạy các bạn nhân viên diễn xuất, thần thái, cử chỉ ra sao. Nhân viên diễn đạt trước mặt tôi thì mới được vào phòng chơi.
Tôi từng là một học sinh nghiện trò chơi điện tử, từng bị ép học đến chống đối lại bố mẹ. Tôi học Chuyên toán Chu Văn An nhưng bị trượt đại học vì quá mải chơi điện tử. Bố mẹ quyết đẩy tôi một mình sang Singapore, không gửi tiền để tự lập, tự học. Ngày ấy, tôi rất giận bố mẹ: Tại sao bố mẹ đẩy con đi khi con mới 18 tuổi? Tại sao bố mẹ bắt con học trong khi các bạn được ngồi xem phim? Nhưng sau này tôi hiểu rằng, nếu bố mẹ không làm vậy, có lẽ giờ tôi vẫn ngập trong trò chơi điện tử.
Thế hệ của tôi, của bạn hay các GenZ bây giờ, ít nhiều cũng sẽ vẫn phải đối mặt với những câu chuyện như vậy. Tôi mong có thể tạo ra một không gian vừa chơi vừa học, các bạn đến đây không chỉ để giải đố mà đâu đó có thể nhìn thấy câu chuyện của mình trong đó. Khi nhập vai, mỗi quyết định của các bạn sẽ dẫn đến một kết quả khác nhau. Cuối mỗi trò chơi, chúng tôi chiếu một đoạn phim nhỏ, truyền tải những thông điệp tích cực, để cùng chiêm nghiệm, đồng hành các bạn trẻ. Tôi muốn khi bước ra khỏi phòng chơi, các bạn không chỉ nhớ về trải nghiệm “sợ ma” mà còn đọng lại cho các bạn một thông điệp, giá trị giáo dục nào đó.
Ngoài sản phẩm, chiến lược kinh doanh của anh sẽ thay đổi thế nào?
Tôi sẽ không mở ồ ạt như trước. Nhìn lại, một sai lầm lớn của tôi trước kia khi nhận đầu tư từ Shark Thủy đó là nghĩ rằng mình có nguồn tiền vô hạn nên mở triền miên mà không có kế hoạch dự phòng. Khi ấy, có những cơ sở chịu lỗ nhưng vẫn phải mở để đạt chỉ tiêu về độ phủ. Nhưng với lần trở lại này, tiền là tiền của tôi, tôi không chịu áp lực từ nhà đầu tư lớn nào cả, chỉ có tôi và Monday. Vì thế mà tôi cứ làm dần dần, làm vừa sức với số vốn của mình.
Ví dụ với cơ sở đầu tiên này, chiến lược ban đầu tôi là chỉ mở 3 phòng chơi tại tầng 4 của tòa nhà. Tôi chỉ góp vốn đủ để xây 2 phòng, là 2 trò chơi đã có tiếng từ trước, giá cả phù hợp để nhanh chóng thu hồi vốn. Tôi đặt mục tiêu rõ ràng, phải đạt doanh thu hằng tháng ở một mức nhất định mới mở tiếp phòng mới. Tiếp theo, 3 phòng phải đạt được chỉ tiêu doanh thu đề ra mới tiếp tục mở lên tầng 5. Tất cả các quyết định, khi nào xây thêm phòng chơi, diện tích bao nhiêu,... đều phải dựa trên con số.
Hiện, sản phẩm của Genesis Escape có tỷ suất sinh lời gấp 4 lần so với We Escape. Nếu như trước kia các Shark từng lo lắng về chi phí mặt bằng cao thì hiện tại, chi phí mặt bằng của chúng tôi chỉ chiếm 10% doanh thu. Chúng tôi đã hòa vốn rồi, sau hai tháng mở cửa. Genesis Escape đã nhận 1.000 lịch đặt trước (có đặt cọc) chỉ trong 30 ngày, tỷ lệ lấp đầy 70%. Trong đó, 70% là khách mới, 30% đội chơi có nhiều hơn một suất chơi.
Không mở ồ ạt mà không có lãi như trước nhưng chắc hẳn Genesis Escape sẽ không dừng lại ở một cơ sở này?
Giữa tháng 8, tôi sẽ mở thêm rộng thêm một tầng nữa, cũng tại cơ sở này. Tôi muốn Genesis chiếm được “ngôi vương”, trở thành đơn vị lớn nhất ở Hà Nội. Khi đã có uy tín và quy trình vận hành bài bản, tỷ suất sinh lời ổn định, tôi sẽ đưa Genesis Escape đến TP.HCM vào trước Tết Nguyên đán.
Sau đó, điểm đến là các tỉnh thành khác, theo mô hình nhượng quyền. Tôi cho rằng đây là thị trường tiềm năng vì ở các tỉnh thành, các bạn trẻ, học sinh cũng rất thiếu chỗ chơi lành mạnh, có tính giáo dục. Đương nhiên, tôi không nhượng quyền theo kiểu đem con bỏ chợ, chỉ hòng lấy doanh thu. Đội ngũ của Genesis sẽ phải kiểm soát, đóng gói thành một bộ quy chuẩn vận hành, đảm bảo chất lượng cho toàn bộ cơ sở. Tôi xác định, sản phẩm của mình là một sản phẩm khó, người mua nhượng quyền phải chịu sự kiểm soát từ công ty mẹ nhưng đổi lại, tỷ suất sinh lời rất cao.
Không ai muốn viễn cảnh một đại dịch như Covid-19 lại xảy đến. Nhưng thế giới luôn biến động và khó dự đoán. Nếu lại xuất hiện một “thiên nga đen” như Covid-19, anh nghĩ lần này mình sẽ đứng vững?
Mô hình kinh doanh giải trí như Genesis Escape hay We Escape luôn bị đóng đầu tiên và mở cửa cuối cùng. Nhưng lần này sẽ khác.
Thứ nhất, tôi sẽ không bao giờ để tỷ lệ của mình dưới 50%. Ngày xưa khi làm We Escape, tôi chỉ có 14% cổ phần, không có tiếng nói. Tôi muốn giữ nhưng các cổ đông khác bảo bỏ, tôi không làm gì được. Hiện tôi nắm giữ 70% cổ phần, cỏ đủ động lực, quyền hạn để phát triển sản phẩm và đưa ra quyết định. Không có founder nào mà chỉ góp tiền. Đó là bài học lớn mà tôi học được.
Thứ hai, tôi bắt buộc luôn phải giữ cho công ty một khoản tài chính và kế hoạch dự phòng để nếu có biến động xảy ra, công ty có thể chi trả tiền mặt bằng và các chi phí khác trong ít nhất một năm. Trước kia, chúng tôi mở tràn lan 8 cơ sở, mỗi tháng chúng tôi phải trả 2 tỷ đồng tiền thuê, đóng cửa 15 tháng tương đương mất không 30 tỷ đồng. Kể cả lúc đó có 30 tỷ, cũng không biết khi nào sẽ được mở cửa trở lại. Covid-19 là bài học lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi rất tự hào về khả năng kinh doanh của tôi nhưng cũng thật xấu hổ khi mà We Escape đóng cửa trong khi nhiều đơn vị khác đã vượt qua. Mình học về tài chính nhưng lại không thể kiểm soát tài chính đủ tốt trong công ty. Và tôi không muốn thất bại, không muốn lặp lại sai lầm đó một lần nữa.
Gia đình phản ứng thế nào khi anh trở lại?
Ngày xưa, thời điểm bắt đầu với We Escape, gia đình không hài lòng lắm vì tôi đang có công việc rất tốt ở Singapore. Tuy nhiên sau đó thấy công việc của tôi cũng lành mạnh, được mọi người tôn trọng nên gia đình đã hỗ trợ. Lúc We Escape đóng cửa, gia đình còn sợ buồn mà làm những việc dại dột, vì họ biết tôi là một người rất cực đoan.
Giờ trở lại, gia đình vui. Dù tôi và gia đình chưa bao giờ phải đối mặt với khó khăn tài chính nhưng tôi giờ cũng đã 35 tuổi, không còn phiêu lưu nhiều nữa, theo đuổi đam mê cũng phải kiếm ra tiền để nuôi mình, nuôi gia đình, nuôi nhân viên. Bạn bè của tôi, nhiều người đã làm sếp lớn, mua mấy mảnh đất rồi còn tôi thì cứ “lông bông” (cười). Nhưng tôi không xấu hổ vì biết bản thân có con đường riêng, đồng tiền của tôi kiếm ra phù hợp với khả năng.
Cảm ơn anh! Chúc anh và Genesis Escape sớm đạt được mục tiêu!