"Nhả vía mua nhà năm Giáp Thìn" bằng kinh nghiệm từ 3 nhân vật: Tự tin tích cóp, không ngại bận rộn và biết vay ngân hàng tỉnh táo
Mua được căn nhà trong năm mới là mục tiêu của nhiều người trẻ, song không phải ai cũng biết cách đạt được.
Một trong những mục tiêu năm mới của nhiều người trẻ là mua được nhà. Song 2023 đi qua với nhiều biến động trong nền kinh tế, thu nhập giảm sút trong khi lãi suất vay ngân hàng giảm khiến ước mơ sở hữu nhà riêng càng trở nên khó khăn.
“Tiền đâu để mua được nhà?”, cũng vì thế trở thành câu hỏi của nhiều người. Đầu năm mới Giáp Thìn, hãy cùng gặp những người đã thành công mua được nhà riêng và cùng học hỏi bí quyết của họ nhé!
Mua vàng hơn 15 năm, hàng tháng sắm 1 chỉ để mua nhà
Nhà là một tài sản lớn, do đó nhiều người đã phải lên kế hoạch chuẩn bị tài chính từ cách đây nhiều năm mới sở hữu được chúng. Thanh Thuý (39 tuổi, kinh doanh) là một trong số đó.
Được biết, vợ chồng Thanh Thuý đã chi đứt 8 tỷ đồng mua căn hộ 110m2 ở quận Thủ Đức, TP. HCM. Sau đó, họ còn đầu tư thêm tiền nội thất khoảng 1 tỷ đồng. Đây là căn hộ trả theo tiến độ xây dựng, khi mua nó vẫn chỉ là nhà dự án. Ban đầu, cô đặt cọc 30% giá trị căn hộ, tức 2,4 tỷ đồng. Sau đó, mỗi tháng cô trả 5% giá trị căn hộ cho đến lúc nhận bàn giao vào ở. Sau cùng, cô hoàn tất trả 5% khi chủ đầu tư bàn giao sổ đỏ.
Trong số tiền cọc 2,4 tỷ đồng để mua nhà, cô đã lấy vàng tích lũy từ trước để mang đi bán. Thanh Thuý có thói quen hàng tháng là trích 10% thu nhập để mua vàng và cất đi. Cô đã bắt đầu tích lũy vàng từ năm 2017. Thời điểm đó, cô mua từ 0,5 - 1 chỉ vàng tuỳ theo thu nhập. Cho đến nay, khi thu nhập dư dả hơn, hàng tháng cô đều mua ít nhất 1 chỉ vàng.
“Mình mua vàng tích lũy nên không để ý giá vàng đi lên xuống. Tuy nhiên, bởi vì mình mua vàng thường xuyên nên có mức sinh lời khá tốt. Hàng năm, ước tính khoản lời từ vàng là khoảng 10 - 15%/năm, cao hơn lãi suất ngân hàng”, Thanh Thuý cho hay.
Thanh Thuý quan niệm, không bàn chuyện bạn tích lũy tiền bằng vàng hay gửi tiết kiệm, điều quan trọng nhất là cần có tính kỷ luật. Với riêng chuyện mua vàng, cô tuân thủ nguyên tắc là mua vàng ngay sau khi nhận lương để cất đi, không coi trọng giá vàng lên xuống để bán nhanh nhằm sinh lời. Khi Thanh Thuý đã có đủ 30% giá trị bất động sản từ vàng thì sẽ bán chúng đi để mua nhà, đồng thời tiếp tục tích lũy cho mục tiêu mới.
Còn về phía khoản trả vay ngân hàng 5% giá trị căn hộ hàng tháng, tức 500 triệu đồng thì vợ chồng cô dùng tiền lợi nhuận từ công việc kinh doanh. Trước đó, Thanh Thuý có công ty sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản. Hiện tại, cô đang kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn bất động sản, cho thuê 5 căn hộ, xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng quà tặng và phụ kiện.
Lên kế ho ạch mua nhà từ năm 18 tuổi
Một trường hợp khác, Trinh Dương (28 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) đã mua căn hộ 65m2 ở quận 7, TP.HCM. Cô mua căn hộ vào năm 2022, khi giá chuyển nhượng khoảng 3,4 tỷ đồng.
“Mình mua để ở nên ưu tiên các dự án đã hoàn thiện và bàn giao toàn bộ, không chọn các dự án mới, đóng tiền theo tiến độ để đảm bảo an toàn. Vì là dự án đã hoàn thiện, hầu như căn hộ đã được bán hết, không thể mua từ chủ đầu tư. Giá mua chuyển nhượng sẽ cao hơn nhưng an toàn", cô lý giải.
Điều đặc biệt là Trinh Dương đã lên kế hoạch mua nhà từ năm cô 18 tuổi - thời điểm mà cô mới bắt đầu lên TP.HCM để học tập và quyết định ở lâu dài. Khi tích lũy được 1/3 giá trị căn hộ, Trinh Dương mới quyết định mua chúng. Phần còn lại, cô đi vay nợ từ ngân hàng và gia đình. Về khoản vay ngân hàng, Trinh Dương chọn vay trả góp trong vòng 20 năm, dựa theo mức thu nhập hàng tháng để không quá áp lực trong trường hợp lãi suất thả nổi tăng cao.
Sau khi mua nhà, thói quen tài chính của cô cũng có nhiều sự thay đổi lớn. Cụ thể hơn, trách nhiệm khi mang những khoản nợ khiến cô có thêm động lực để đa dạng hoá nguồn thu nhập. Được biết, cô đã nhận thêm nhiều công việc, bắt đầu tìm hiểu các kênh đầu tư phát triển nguồn thu nhập thụ động ngoài những nguồn tiền chủ động chính. Bên cạnh đó, cô sẽ ưu tiên cho việc trả nợ trước sau đó mới lên kế hoạch chi tiêu, tích lũy, tái đầu tư dựa trên khoản thu nhập còn lại.
Trinh Dương cho hay: “Lúc trước mình là người khá truyền thống về mặt tài chính, ưu tiên tiết kiệm hơn đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục như hiện tại, mình cảm thấy may mắn vì đã bắt đầu hành trình đầu tư - “điểm sáng” giúp mình giảm bớt áp lực về vấn đề trả nợ mua nhà”.
Chuẩn bị tài chính mua nhà từ trước khi kết hôn
Đó là câu chuyện của Thái Hà (31 tuổi, nhân viên truyền thông), đã mua một căn hộ hơn 60m2 ở vùng ven Hà Nội từ cách đây 3 năm. Khi đó, vợ chồng cô chọn mua căn hộ cũ, với giá thành 1,7 tỷ đồng. Căn hộ này được vợ chồng cô mua bằng số tiền kiếm được từ công việc văn phòng, kết hợp với tiền bố mẹ hai bên hỗ trợ là khoảng 200 triệu đồng.
Trước khi về chung một nhà, cặp đôi đã có thời gian tìm hiểu kéo dài 4 năm. Đây cũng là quãng thời gian họ dùng để tích lũy tài chính nhằm có được một căn hộ an cư lạc nghiệp tại Hà Nội.
Để mua được nhà, vợ chồng cô không chịu đòn bẩy tài chính nên không mang áp lực. Điều này cũng đến từ sự chuẩn bị tiền nong kỹ càng của vợ chồng Thái Hà trước khi mua được nhà, đặc biệt là công sức chắt bóp và tiết kiệm.
Thái Hà cho hay: “Điểm chung của vợ chồng mình là từ khi còn trẻ, cả hai đã luôn xác định mua nhà ở Hà Nội. Thời điểm mua nhà, thu nhập của hai vợ chồng đều là 40 triệu đồng/người mỗi tháng. Nhưng không vì thế chúng mình tiêu xài phung phí, hay đầu tư vào quần áo hàng hiệu, mua sắm không suy nghĩ. Một năm chúng mình chỉ đi du lịch 2-3 lần, ăn ở hàng quán vỉa hè bình dân, không tham gia vào các hình thức sinh lời nhanh nhưng dễ mất tiền".
Sau khi mua được nhà, cặp đôi còn có khoản tích luỹ vừa đủ để đầu tư tiền vào cửa hàng kinh doanh. Được biết, kể cả sau khi kết hôn, họ vẫn quản lý tài chính chặt chẽ, chỉ mua sắm khi cần thiết. Bên cạnh đó, họ giữ thói quen phân chia thu nhập hàng tháng và tiền lương sẽ do Thái Hà giữ bởi cô là người biết quản lý tiền nong tốt hơn.
Đâu là thời điểm thích hợp để mua nhà?
Nhà là tài sản lớn, do vậy nhiều người cho rằng vay nợ là lựa chọn phù hợp, là đòn bẩy tài chính giúp người trẻ dễ dàng mua nhà hơn. Tuy nhiên, cũng có người muốn sở hữu số tiền đủ để mua nhà mà không cần vay nợ thêm từ người thân, bạn bè.
Còn về phía Trinh Dương, một người mua căn hộ khi có ⅓ giá trị bất động sản thì cho rằng nếu số vốn bạn có ít hơn thì sẽ tạo gánh nặng tài chính lớn.
Trinh Dương giải thích: “Mình tính toán nếu tích luỹ ít hơn ⅓, gánh nặng trả nợ rất lớn. Song, nếu muốn tích lũy nhiều hơn, mình sợ tốc độ gia tăng tài khoản tiết kiệm không thắng nổi mức tăng giá của căn hộ. Gia đình mình không quá khá giả nên không thể hỗ trợ mình hoàn toàn. Cá nhân mình cũng không thoải mái nếu dựa vào bố mẹ quá nhiều nên gia đình mình đã thống nhất chỉ hỗ trợ một khoản vay không lãi suất”.
Cuối cùng, Trinh Dương cho rằng quá trình mua nhà có rất nhiều điểm cần lưu ý, cả trước - trong - và sau khi mua. Việc quản lý tài chính ở mỗi giai đoạn đều sẽ có cái khó riêng.
Trinh Dương rút ra rằng nếu chỉ đơn thuần tích lũy, vay và trả nợ, mua nhà rất dễ trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người trẻ. Nhưng một khi bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, biết phát triển những kênh đầu tư nói riêng và thu nhập thụ động nói chung, “gánh nặng" đó đã nhẹ hơn phần nào. Bạn cũng cần kết hợp với một kế hoạch chi tiêu bài bản, hạn chế tối đa việc mua sắm quá đà.
“Mình đã học cách kiểm soát thói quen mua sắm online vô tội vạ bằng cách áp dụng ‘quy tắc 5 ngày’ cho tất cả những món đồ mà mình bỏ trong giỏ hàng. Nếu sau 5 ngày vẫn còn cảm thấy nó cần thiết, mình mới quyết định chốt đơn, chứ không đơn thuần chỉ mua theo cảm xúc”, Trinh Dương nói.
Trong khi đó, vợ chồng Thái Hà lại cho rằng, thời điểm thích hợp mua nhà còn phụ thuộc vào “duyên số" của bạn với căn hộ đó. Tất nhiên là trước khi mua, bạn cần hiểu rõ về dự án chung cư, chủ đầu tư và xem xét có thể chấp nhận được những nhược điểm của căn hộ đó hay không. Song, việc tìm mua một căn hộ luôn xuất hiện nhiều biến số. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chốt đơn một căn hộ mà trước đó, bạn chưa từng nghĩ sẽ mua chúng, hoặc thời gian mua nhà có thể kéo dài lâu hơn hoặc sớm hơn với dự kiến.
Đơn cử như trong quá trình tìm mua nhà cách đây 3 năm, trước đó họ đang thuê một căn hộ ở quận ven Hà Nội. Khi đó, họ không đánh giá cao việc mua nhà ở đây. Vì thấy tiện ích không quá chất lượng, khu vực nằm ở vùng ven nên yên tĩnh và cách xa chỗ làm của hai vợ chồng.
Họ dự tính sẽ mua một căn hộ nằm ở quận Hai Bà Trưng hay khu vực xung quanh để thuận tiện cho sinh hoạt của họ. Với tình hình tài chính bấy giờ, họ dự tính mua một căn hộ có giá thành 2 - 2,5 tỷ đồng, sau đó có thể vay mượn thêm từ người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, trong quá trình đi khảo sát các dự án bất động sản ở khu vực Hai Bà Trưng, vợ chồng Thái Hà đều thất vọng và sốc với những căn hộ được rao bán trong tầm tài chính của họ. Có những căn hộ đã xuống cấp, có những căn hộ lại cũ hay thiếu tiện nghi… Ngay sau vài buổi đi xem nhà, họ quay lại với dự án đang thuê và quyết đoán sẽ mua luôn một căn hộ ở đây.
Thái Hà giải thích: “Khi đi khảo sát các căn hộ, mình lại thấy các tiện ích ở dự án chung cư đang sinh sống còn đầy đủ và tiện nghi gấp bội. Ban đầu, mình không muốn mua nhà ở đây vì cách xa chỗ làm của chồng. Tuy nhiên, sau khi đi xem thử các căn hộ khác, chính anh là người bị sốc và về giục vợ phải mua nhà ngay.
Sau đó, chúng mình tìm được căn hộ hiện tại. Một không gian sống không quá lớn nhưng gần với nhà một người thân khác cũng đã mua căn hộ ở dự án chung cư này. Hướng gió, ánh sáng và chất lượng nhà đều ổn. Người chủ cũ nhiệt tình và còn tình nguyện giảm giá cho vợ chồng mình 100 triệu đồng. Bù trừ lại các ưu và nhược điểm, mình thấy chọn mua căn hộ hiện tại là phù hợp nhất với vợ chồng mình".
Thêm nữa, Thái Hà cho rằng dù hiện tại căn hộ có nhỏ, nhưng về tương lai chắc chắn có thể tăng giá. Do đó, sau này nếu không phù hợp họ có thể bán đi hoặc tích luỹ 1 khoản tiền để chuyển về quê sinh sống.
“Tại thời điểm bấy giờ, sau khi mua nhà thì mình cần tiền kinh doanh luôn nên thú thực không muốn vay nợ từ những người xung quanh. Do đó, mình chọn một căn nhà vừa tiền, không tạo áp lực tài chính quá nhiều là phù hợp nhất".