Nhà văn Khải Đơn: “Burn-out là trạng thái là cứ sau một khoảng thời gian làm việc, bạn không còn động lực để cố gắng nữa. Bạn kiệt sức trong sáng tạo!”
Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Khải Đơn là cách đây khoảng 3 năm. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Khải Đơn là một nhà văn, một cựu phóng viên vô cùng sắc sảo, logic và đáng tin cậy.
Khải Đơn viết rất nhiều cuốn sách và chia sẻ nhiều chủ đề trên blog cá nhân của mình. Có những đề tài dường như vượt ra khỏi biên giới những điều mọi người muốn hỏi tới, như sẽ ra sao nếu chúng ta "ly hôn" với ước mơ, cứ sống mà không có một căn nhà, cuộc đời sẽ chẳng cho phép nếu chúng ta "cứ sai đi", về ô nhiễm môi trường…
Hiện tại, Khải Đơn vẫn đang tiếp tục hành trình đi và viết của mình tại nhiều nơi trên thế giới mà như chị nói là "toàn thời gian". Khi tôi viết bài phỏng vấn này, Khải Đơn cũng đang rong ruổi trên những nẻo đường ở Chile. Với lịch trình bận rộn, đầu năm mới này, tôi đã "tranh thủ" hỏi Khải Đơn về 3 vấn đề mà người trẻ hay gặp phải đó là: Kiệt sức trong sáng tạo, Làm việc Freelance và Gap Year.
Được biết chị từng làm ở những tập đoàn truyền thông lớn và các cơ quan chuyên nghiệp khác, tại sao chị quyết định nghỉ làm full-time?
Làm ở BBC là một giai đoạn quan trọng giúp tôi điều chỉnh kỹ thuật nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi làm việc ở một hãng tin lớn thì cường độ tường thuật chính trị quá nhiều, tôi bị kiệt sức. Người ta gọi là "burnout", nghĩa là làm việc gì nhiều quá đến mức không còn hi vọng, không còn niềm tin vào nó nữa, không cảm thấy có sự cảm thông hay nhiệt tình để hoàn thành công việc nữa, đồng thời sự kiệt sức về mặt thể chất nếu căng thẳng trong công việc kéo dài triền miên. Đó là lý do tôi nghỉ việc và chuyển sang làm tự do.
Đây có phải vấn đề mà người trẻ ngày nay thường gặp phải khi làm một công việc nào đó quá lâu?
Khi tôi đi Mỹ một thời gian dài. Tôi nghe người ta nói rất nhiều về "burn-out", tức là cứ làm một công việc sau một thời gian nào đó ta không còn động lực để cố gắng nữa. Ta sẽ thấy ở vị trí làm của mình tất cả đều quen thuộc, số tiền ta kiếm được làm ta cũng hài lòng, không đến nỗi tồi tệ và thế là ta cứ dính vào đó trong nhiều năm. Những dấu hiệu đó cho thấy dù chúng ta không kiệt sức về thể chất nhưng kiệt sức về mặt sáng tạo trong nghề nghiệp.
Nhưng ở quốc gia đang phát triển như mình thì người ta nhìn nhận bạn có một vị trí ổn định, có thể ngồi công ty đó cả đời là hạnh phúc rồi. Trong nền kinh tế có công nghệ cao, "burn-out" là dấu hiệu chúng ta không còn tiến bộ nữa, nó có xảy ra ở Việt Nam chứ không phải chỉ ở nước phát triển nhưng mình không nhìn nhận đó là một vấn đề nên vẫn hài lòng ngồi đó nhìn từ năm này sang năm khác.
Có thể rất nhiều người trẻ ở trạng thái "burn-out" nhưng họ lại nghĩ rằng đó là khó khăn trước mắt và họ không muốn bỏ cuộc. Theo chị thì lời khuyên dành cho họ như thế nào?
Phải phân định rõ giữa "thử thách nhỏ mà đã bỏ cuộc" với "việc không có thử thách và việc đó lặp đi lặp lại hoài và không có tiến bộ trong nghề nghiệp đến mức gây nhàm chán". Còn trạng thái "kiệt sức" là khi làm một việc gì đó mình quen và biết cách làm nhưng không còn cảm hứng với nó nữa, hoặc mất giá trị đạo đức với công việc đó.
Theo chị thì chúng ta nên làm gì nếu rơi vào trạng thái "burn-out"?
Đầu tiên, tôi đã cố gắng tìm lại giá trị trong công việc, đó là yếu tố đầu tiên kéo động lực, cảm hứng và sự cảm thông để tiếp tục làm việc. Nếu không định vị lại và không tìm thấy giá trị trong công việc nữa, như trong trường hợp của tôi, là đổi hoàn toàn công việc.
Người bị kiệt sức cũng có thể chia sẻ với bạn đồng nghiệp có thể cảm thông với họ. Vì trao đổi này có thể giúp hàn gắn cảm giác tổn thương trong nghề, hoặc giúp họ có thêm niềm tin công việc, làm họ cảm thấy có chỗ dựa và tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, cuối cùng với người kiệt sức, quan trọng nhất là thay đổi hoàn toàn định vị của bản thân về lối sống, công việc và cách tương tác với các mối quan hệ trong công việc.
Ví dụ, bạn phải có chừng mực hơn trong thời gian làm việc quá giờ. Bạn cần thay đổi thói quen ăn uống, ngủ và nghỉ ngơi, trả lời email. Bạn cần tìm thấy sự cân bằng nơi công việc có thể "mọc" khỏe mạnh trên mảnh đất đời sống của bạn. Có như vậy thì sự kiệt sức mới có thể thay đổi được.
Với 3 năm trải nghiệm làm freelancer, chị đã được và mất gì?
Cái mất đầu tiên là thu nhập. Thu nhập hiện thời chỉ bằng một nửa so với trước đây tôi đi làm. Và thời gian đầu khi làm freelancer, thu nhập của tôi rất eo hẹp, bằng 1/3 thu nhập cũ. Và chính thời điểm khi thu nhập chỉ còn 1/3 hoặc ¼ mọi người thường sẽ bỏ không làm freelancer nữa và quay lại công việc chính.
Với tôi thì vượt qua được thời gian này. Trước khi nghỉ việc chính thức, tôi bắt đầu nói chuyện với tất cả bạn bè - những ai đang làm việc và hỏi họ có công việc gì không? Tôi thông báo với họ rằng mình rảnh, có thời gian và biết làm những thứ này… và họ bắt đầu đưa cho tôi những jobs. Và số lượng việc của tôi nhiều lên và gần như mỗi ngày tôi đều phải làm việc. Khi đó, thu nhập của tôi bắt đầu lên lại bằng một nửa so với trước đây.
Làm freelancer cho mình một nửa thu nhập và việc được đi chơi theo ý mình. Thực ra bây giờ gần như toàn thời gian tôi không ở Việt Nam. Tôi chỉ về Việt Nam khi có giấy tờ cần phải giải quyết, còn lại tôi cố gắng tiết kiệm và đi từ nước này qua nước khác. Đó là cái được rất lớn!
Theo chị những khó khăn lớn nhất của một người làm freelancer là gì?
Khó khăn thứ nhất là quản lý dòng tiền ra - vào. Tức là chúng ta cần tiêu sài mỗi tháng nhưng không biết khi nào tiền sẽ về ta không biết khi nào khách hàng sẽ trả tiền, cần mất khoảng 3 tháng đầu áng chừng tiền sẽ về khi nào. Cũng có những công ty trả lương đúng hạn, mình sẽ tính được dòng tiền mình vào như thế nào.
Thứ hai là quản lý thời gian làm việc. Nếu như chúng ta cùng ở Việt Nam thì mọi việc vẫn đơn giản vì cùng múi giờ với đồng nghiệp, họ gọi lúc nào cũng là giờ làm việc. Nhưng có thời gian tôi ở Chile và Mỹ - những nước cách Việt Nam tới 13 tiếng, đêm đang ngủ tôi phải bật dậy làm lúc 2h sáng. Vậy là có những khách hàng nào muốn giữ, mình phải tính hết những múi giờ ở nơi đó. Rồi chi phí Internet, mình làm ở ngoài là mình phải tự trả hết những chi phí này, mình phải tính xem như thế nào.
Có một điểm tôi muốn lưu ý - Thời gian đầu các bạn đi làm tự do ở Hà Nội và TP.HCM thường rất thích ra Co-working Space để làm bởi vì cảm giác nó rất sang, rất phong cách, rất năng suất. Nhưng cộng hết số tiền dành cho Co-working space sẽ tốn rất nhiều, vì vậy tôi không bao giờ làm việc ở Co-working Space. Tôi cũng không ngồi ở quán cà phê bởi vì tiền cà phê cộng lại với tất cả mọi chi phí rất là tốn kém. Thay vào đó, tôi đã thiết kế chỗ làm việc tại nhà để mình cảm thấy khi mình ngồi dậy, mình phải đi làm ngay chứ không "lăn" ra đi ngủ luôn. Khi tôi ở nước ngoài, tôi cũng tính gói Internet nào nên dùng. Như ở Mỹ, tôi dùng gói cước của Google, gói cước đó đi khắp thế giới chỉ có 25 USD, đến nước nào nó tự nối mạng nước đó. Tất cả những thứ đó phải tính.
Tiếp theo là quản lý thời gian cho phần công việc. Có những freelancer mới bắt đầu sẽ bị một lỗi là các bạn báo giá không hợp với sức lao động của các bạn. Ví dụ như bài đó các bạn làm mất 5 tiếng nhưng các bạn báo giá rẻ quá sau đó bạn làm trong trạng thái không vui và cũng không làm tốt. Cách của tôi là bấm giờ với dự án đầu tiên - tính xem mình mất bao nhiêu giờ làm, sau đó sẽ căn cứ trên số giờ làm mình báo giá. Từ đó mình sẽ thỏa mãn với số tiền kiếm được và cũng biết được rằng khi nào là deadline để mình trừ thời gian ra làm. Đó là cách freelancer có thể quản lý thời gian.
Chị đánh giá như thế nào về xu hướng làm việc freelancer và "du mục công nghệ" trên thế giới?
Ở Mỹ là cực nhiều. Có một lần tôi ở trong quán Startbuck của Mỹ và thấy một bạn đang ngồi trên xe hơi. Bạn đó có một cái micro đặt ở trước vô-lăng lái xe. Tôi mới hỏi tại sao có cái vô-lăng đó. Bạn ấy kể rằng bạn ấy làm nghề voice-talent tức là sẽ ghi âm cho khách hàng và làm Youtuber. Ngoài ra, bạn người Mỹ này còn chạy Uber thế nên bạn ấy gắn luôn cái micro vào vô - lăng. Khi cần thu âm, bạn đóng cửa kính lại và biến cái xe thành phòng thu. Tôi thấy người làm freelancer ở Mỹ, đặc biệt ở California cực kỳ nhiều và họ làm rất năng suất và rất giỏi.
Lời khuyên của chị dành cho bạn trẻ đang làm việc full-time chuyển sang freelance?
Bạn phải trả lời được các câu hỏi:
Thứ nhất, bạn có khách hàng khi muốn làm freelance chưa?
Thứ hai, bạn có 6 tháng tiền tiêu sài để phòng bị chưa?
Thứ ba, bạn đã sẵn sàng cho việc thu nhập thấp đi cho một công việc chưa?
Chị từng phát biểu "Từ thực tế một năm gap year, tôi muốn nhắn nhủ bạn trẻ: Đừng ảo tưởng, nếu mang quá nhiều kỳ vọng, bạn sẽ biến năm này thành khốn khổ và sau đó sẽ hoảng loạn". Chị có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm này?
Khác với phương Tây, các bạn "gap year" khi các bạn 18 tuổi hoặc khi học xong đại học, nói chung là có một khoản tiền, không có mục đích nào hết, đi chơi thôi gọi là "gap year" ở phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, ý tưởng này còn rất là mới, nó chỉ diễn ra ở những bạn tương đối dư giả về kinh tế hoặc là có quyền chọn lựa. Vì vậy, nó thường diễn ra ở lứa tuổi như mình chứ không phải sinh viên đại học. Tức là khoảng 29-30 tuổi.
Và khi chúng ta quyết định "gap-year", chúng ta thường cho nó ý nghĩa rất đẹp là mình sẽ làm một cái gì đó rất to, mình sẽ có một bước tiến quan trọng, mình sẽ có một dự án vô cùng màu sắc – thường là những ý tưởng "lifestyle" học từ phương Tây. Thế nhưng khi chúng ta có quá nhiều kỳ vọng và không có kế hoạch cho nó thì bắt đầu của việc "gap year" là mọi người bừa phứa ra và không có kế hoạch gì hết, mọi người sẽ sài hết tiền rất là nhanh và sau đó vội vàng đi kiếm việc. Tức là quay trở lại vòng xoay cũ.
Khi đấy, chúng ta thật ra không có "gap year". Chúng ta chỉ sài hết tiền trong vài tháng và lại đi làm. Đó là hoảng loạn. Để không hoảng loạn thì phải có kế hoạch và lịch trình, sau đó mình mới thấy an tâm là mình có việc để làm. Não của con người rất "kỳ cục", nó mà không có việc gì để làm nó sẽ tự nghĩ ra những chuyện bất an. Nó sẽ tự tưởng tượng ra những điều xấu, nguy hiểm sắp ập tới. Và nếu chúng ta để đầu óc và cơ thể rơi vào trạng thái đó thì ta sẽ rơi vào hoảng loạn, không cần bất cứ lý do gì.
Chị định nghĩa gap year là như thế nào?
Đó là một năm mình tự trả lương cho chính bản thân để làm những thứ mình thích mà không thể làm được khi đang đi làm.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!