Nhà sáng lập WolfFun Game - công ty game được Google vinh danh: Để sống sót sau 3 lần khởi nghiệp thất bại, phải có một đội nhóm tốt chứ không phải vốn hay sản phẩm!
Với Nhà sáng lập Nguyễn Đình Khánh, một đội nhóm – team tốt cần 3 yếu tố sau: thành viên phù hợp, có văn hóa công ty – văn hóa team, có người dẫn dắt tốt.
WolfFun Game hiện là một startup có tiếng trong giới làm game online mobile ở Việt Nam và theo Nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Đình Khánh, thì để đi được đến ngày hôm nay, anh đã vượt qua vô số thất bại trong quá trình khởi nghiệp.
Năm 2010, Khánh bắt đầu đi vào con đường khởi nghiệp với công ty tên Bika Solutions – chuyên về outsourcing và đóng cửa chỉ sau 1 năm. Sau khi dẹp Bika, anh không hề nản chí, tiếp tục khởi nghiệp lần 2 với Sstore.vn, chuyên về thương mại điện tử giống Tiki, song số phận của dự án thứ hai chẳng khác gì đầu tiên, cũng bị ‘dẹp tiệm’ sau 1 năm. Năm 2012, Khánh tiếp tục thử sức ở mảng ứng dụng - app; tuy nhiên, startup thứ 3 này cũng tồn tại trong 2 năm.
WolfFun Game là công ty khởi nghiệp thứ tư của Khánh – chuyên về game online trên mobile và đã tồn tại được 5 năm. Theo chia sẻ của anh, sở dĩ dự án này không ‘chết yểu’ như 3 cái trước là nhờ may mắn và rất nhiều kinh nghiệm thu được sau 3 lần thất bại. Anh nghĩ câu danh ngôn 'chúng ta học điều nhiều thứ từ thất bại nhưng rất khó học được gì từ thành công', luôn đúng.
"Yếu tố quan trọng nhất để một startup sống sót – đặc biệt trong lĩnh vực game, là phải có một đội nhóm tốt chứ không phải vốn hoặc sản phẩm.
Vì sao lại vậy? Vì một người không thể giỏi mọi thứ, ví dụ như trong lĩnh vực game, tôi chưa từng thấy ai vừa vẽ đẹp, code tốt vừa bán hàng giỏi. Trong thời buổi bây giờ, sản phẩm/dịch vụ phải được phát triển và ra mắt thật nhanh để không bị lạc hậu so với thị hiếu của người dùng, mà một người không thể làm điều đó. Cuối cùng, một sản phẩm/dịch vụ chỉ tốt khi có sự đóng góp ý kiến từ nhiều người", Nguyễn Đình Khánh khẳng định.
Góc trưng bày của WolfFun Game tại G-Star Busan 2018.
Theo quan điểm của Khánh, một đội nhóm – team tốt cần 3 yếu tố sau: thành viên phù hợp, có văn hóa công ty – văn hóa team, có người dẫn dắt tốt.
Về vấn đề đầu tiên: các CEO hoặc các quản lý – manager, không chỉ trong giới startup mà nói chung, thường khá đau đầu khi lựa chọn giữa người giỏi và người phù hợp. Còn từ kinh nghiệm của mình, anh cho rằng nên ưu tiên sự phù hợp – tức là chọn người có chuyên môn mà team đang cần và phù hợp với văn hóa chung. Chúng ta chỉ chọn người giỏi song chưa phù hợp ở trong hoàn cảnh ‘không có không được’ cho vài dự án ngắn ngày. Ví dụ: một team tốt trong công ty game cần có người làm game, người bán game – marketer và người quản lý tài chính.
Ở vấn đề thứ hai: văn hóa là một thứ vừa vô hình vừa trừu tượng nhưng vô cùng quan trọng để tạo ra một team tốt. Nếu một team có văn hóa chạy trơn tru cũng giống như họ có chế độ tự động đẩy "thuyền", ví dụ : người mới vào sẽ tự động điều chỉnh để phù hợp với văn hóa của team, nên thỉnh thoảng họ không cần cả huấn luyện – coaching lẫn tư vấn – mentoring.
Do đó, chúng ta cần phải bảo đảm, tất cả mọi người – đặc biệt là nhân viên mới, cần hiểu rõ ràng văn hóa của công ty và team. Văn hóa sẽ nâng cao tính đoàn kết và sáng tạo, nó sẽ được điều chỉnh theo thời gian và giúp chúng ta đi đường dài mà không lạc lối.
Mỗi công ty ở lĩnh vực khác nhau, sẽ có văn hóa khác nhau. Văn hóa của WolfFun Game là trung thực, được phép tranh luận tích cực, phải hoàn thành sản phẩm đúng thời điểm ra mắt - release, tự chịu trách nhiệm, không có ‘người luôn đúng’ – Mr.Right, không sợ thất bại. Thậm chí, anh Khánh thỉnh thoảng còn cho nhân viên chửi thề, vì ‘em chửi thề không ảnh hưởng đến ai mà còn giảm stress".
Cãi sếp là một văn hóa được coi trọng ở các công ty làm game, vì nếu sếp luôn đúng thì hiếm khi ra được sản phẩm hay; có tinh thần trách nhiệm cũng là một văn hóa bắt buộc ở mảng này, vì vào ngày công bố sản phẩm cho khách hàng – ngày release, thì sống chết gì cũng phải hoàn thành kịp lúc.
Về vấn đề thứ ba, với CEO WolfFun Game, thì ‘tướng giỏi’ cần có những kỹ năng - phẩm chất sau: coaching và mentoring – ngoài hướng dẫn những vấn đề chuyên môn thì cần gần gũi nhân viên, lắng nghe và chia sẻ các tâm tư – nguyện vọng của họ; trao quyền chứ không nên ôm hết việc vì lo lắng nhân viên sẽ làm sai, người Nhật luôn kiên nhẫn chấp nhận sai lầm của nhân viên cho đến khi thành công; không quản lý quá chi tiết bất cứ công việc nào, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo; xây dựng lòng tin với nhân viên, hãy luôn chứng tỏ mình là một người đáng tin cậy.
Tank Raid - tựa game nổi tiếng nhất của WolfFun Game.
Ngoài ra, muốn nhân viên 'yên tâm công tác', các founder startup cần nêu rõ với nhân viên của mình về mục tiêu nghề nghiệp, trong 5 đến 10 năm tới, công ty sẽ như thế nào và nhân viên đó sẽ thăng tiến ra sao (cả về tiền bạc lẫn chức vụ). Lãnh đạo giỏi phải xác định được tầm nhìn nhất định, rằng công ty sẽ đi đến đâu và đi bao xa, ví dụ như làm game nhỏ sau đó sẽ làm game lớn. Cuối cùng, muốn lãnh đạo tốt, người dẫn đầu cần có chuyên môn giỏi và là nguời ra quyết định đúng – cuối cùng trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
"Tại Việt Nam, không hiếm công ty startup về game, hôm nay làm sản phẩm này mai lại thử nghiệm sản phẩm khác, đó là biểu hiện của việc lãnh đạo công ty không biết đi đâu về đâu.
Mặt khác, hiếm người vừa giỏi vừa chuyên môn vừa giỏi quản lý, nên nếu cảm thấy mình không thể kham một lúc hai việc thì nên đi thuê, tức là chỉ làm CEO hoặc manager", Nguyễn Đình Khánh đề nghị.
Trước khi ra khởi nghiệp, anh Khánh đã từng làm thuê cho công ty Nhật gần 10 năm, theo cảm nhận của anh, làm startup khổ cực và stress gấp mấy lần làm nhân viên. Tuy nhiên, nếu không sợ khổ và muốn có sự nghiệp gì đó riêng cho bản thân, các bạn trẻ cứ tự tin khởi hành. Bí quyết để có thể tuyển người giỏi khi không thể trả lương cao là bạn phải "có hoài bão, sự nhiệt thành, thành thật và giấc mơ đủ lớn".