img

Có rất nhiều việc tôi làm, người ta nghĩ không thể. Năm 2001 khi startup với vỏn vẹn 60 triệu đồng, một chị trong ngành đã giễu cợt, nói cùng lắm chỉ được 6 tháng tôi phá sản.

Hồi ấy từ Hải Phòng di cư vào Sài Gòn, tôi bỡ ngỡ mọi thứ. May mắn, Sài Gòn hay Hải Phòng đều là thành phố biển nên văn hoá cũng gần gũi với nhau. Tôi làm việc cho một cơ quan Nhà nước rồi sau đó bỏ ngang, tự mở công ty chuyên xuất khẩu hạt tiêu rồi đến gia vị. Giai đoạn đó phải nói vô vàn thách thức.

Vậy mà chỉ sau đúng 5 năm, Phúc Sinh đứng số 1 về xuất khẩu hồ tiêu. Chuyện đó vĩ đại đến nhường nào! Các công ty hoành tráng từ khắp nơi: Hà Lan, Singapore, Pháp, Anh, Mỹ… đổ về đây. Họ có tiềm lực tài chính to lớn, đã tham gia thị trường hàng mấy chục năm. Thế mà cuối cùng, một công ty bé nhỏ vốn cực kỳ khó khăn như Phúc Sinh có thể len lỏi, vượt qua.

Suốt quá trình đó, tôi chưa từng đặt mục tiêu đứng số 1. Chúng tôi vật lộn từng ngày để tồn tại, cho đến khi cái tên Phúc Sinh bỗng hiện lên đứng số 1 và ngồi vững trên “ngai vàng” hàng chục năm về sau. Doanh số lúc đó chỉ khoảng 120-130 triệu USD/ năm, còn bây giờ, chúng tôi đã xuất khẩu lên tới 320 triệu USD/ năm.

Những gì đã làm được, chính tôi cũng không ngờ lại truyền cảm hứng cho nhiều công ty tư nhân, startup khác vươn lên. Các tập đoàn đa quốc gia cũng tỏ ra ngỡ ngàng. Họ luôn thắc mắc: Thứ nhất, lấy tiền đâu để làm? Thứ hai, suốt ngày “ngủ trên internet” ư? Tôi trả lời xong họ cũng chưa hết ngạc nhiên.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 1.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 2.


Ngủ trên internet là đúng. Vì lúc đó tôi còn trẻ, làm việc liên tục hơn 20 tiếng/ ngày không mệt. Tiền ở đâu? Tôi nghĩ nằm ở sự thuyết phục. Tất cả khách hàng đã cấp tín dụng, hay các nhà cung cấp thay vì lấy đủ tiền thì họ cho mình nợ.

Tôi từng đến gặp anh Phó Tổng giám đốc ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam và nói về những dự án muốn làm. Sau cuộc gặp ấy, họ cấp cho Phúc Sinh lượng tiền rất lớn. Mười mấy năm trước mà vay được 70 tỷ tín chấp là chuyện không tưởng.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 3.

Chúng ta phải tin vào bản thân và con đường đã chọn. Chỉ khi có niềm tin như thế, bạn mới thuyết phục được người khác. Có đôi lúc, thông minh quá cũng không giải quyết được vấn đề. Mọi thứ phải từ sâu trong trái tim bạn. Bởi vì rốt cuộc, chuyện kinh doanh vẫn chỉ là vấn đề giữa con người với nhau.

Ngày tôi khởi nghiệp, ai cũng nghĩ đến bán hàng trong nước hoặc nếu bán ra nước ngoài cũng là bán cho các văn phòng đại diện của các tập đoàn đa quốc gia. Họ thậm chí coi việc được công ty nước ngoài mua hàng là may mắn.

Tôi nghĩ khác. Mặc dù lúc đó chưa từng đọc cuốn “Thế giới phẳng” nhưng tôi tin vào điều đó. Tôi muốn buôn bán khắp năm châu và đã xách ba lô lên, đi khắp nơi. Điều đúng đắn nhất là tôi đã tìm tới châu Âu - miền đất phát triển bền vững. Dù tôi mở công ty, xây nhà máy ở đâu thì vẫn muốn được làm ăn với họ nhiều năm trời.

Quay về Việt Nam, tôi cũng muốn sống với người dân và tất cả điều đẹp đẽ, hùng vĩ của non sông trong nhiều chục năm về sau. Chúng tôi làm điều gì cũng không chỉ vì chính mình, mà còn suy nghĩ cho cả vùng trồng nguyên liệu rộng lớn. Tư duy đó đã giúp Phúc Sinh phát triển bền vững để hôm nay thu hái nhiều trái ngọt.

Chẳng những đưa ngoại tệ về cho đất nước, Phúc Sinh còn tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm cho nhân viên, công nhân và nông dân vùng trồng… trong khi vẫn bảo vệ sông suối, núi rừng. Mừng hơn nữa là tất cả thành quả đều vượt xa so với doanh nghiệp không thực hành ESG.

16 năm trước, khách hàng lớn của Phúc Sinh ở châu Âu đã nói rằng họ muốn chúng tôi thực hành ESG. Đến năm 2015, họ muốn 1/2 sản phẩm của họ bày trên kệ phải đạt chứng nhận phát triển bền vững.

Yêu cầu của họ khi ấy quá mới mẻ, nhưng chỉ 2 năm sau, năm 2010, chúng tôi đã bắt đầu làm ESG với số vốn 5 tỷ, tương đương 250.000 USD. Hồi ấy, đó là một khoản rất lớn. Các công ty tư nhân làm chương trình gì cũng kêu gọi tài trợ hoặc viện trợ không hoàn lại. Riêng Phúc Sinh tự bỏ tiền túi ra làm mọi thứ. Có những lần, công ty thuê chuyên gia tới 800 triệu đồng. Nhưng chỉ 2 năm sau… chúng tôi thất bại.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 4.

Ai cũng nói, số tiền đó nếu mua 4-5 năm mảnh đất ở Phú Mỹ Hưng thì bây giờ, tôi đã có cả triệu USD/ mảnh, có thể bán đi, sống cuộc đời nhàn tản. Nhưng tôi không muốn thế và luôn tin, ở những thời khắc phải đưa ra quyết định, mình đã lựa chọn đúng, mặc dù không phải lúc nào cũng thành công. Có những thất bại lớn, bế tắc trong vòng nhiều tháng, có khi cả năm trời nhưng chúng tôi vẫn kiên định con đường mình đã chọn.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 5.

Thất bại trong 2 năm đầu thực thi ESG không phải là mất hết. Chúng tôi chỉ mất tiền, còn những kinh nghiệm, trải nghiệm đã đi sâu, thấm vào máu người Phúc Sinh. Kiên trì và hiểu tại sao mình thất bại, 2 năm sau, năm 2014, chúng tôi là công ty đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận phát triển bền vững Rainforest Alliance - RFA (RA) từ tổ chức uy tín của Hà Lan.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 6.

Có 5 vấn đề lớn giúp chúng tôi thực hành ESG thành công. Thứ nhất, hiểu văn hóa vùng trồng. Thứ hai, kiên định. Thứ ba, tài chính vững vàng. Thứ 4, tầm nhìn. Thứ 5, minh bạch. Bây giờ các doanh nghiệp Việt vẫn nghĩ làm với Big4 rất đắt đỏ, nhưng Phúc Sinh 20 năm làm kiểm toán thì 18 năm làm với Big4. Khi kiểm toán qua đó, uy tín công ty tăng lên hàng trăm lần. Chúng tôi cũng số hoá từ rất sớm giúp việc quản trị công ty hiệu quả, tiết kiệm. Toàn công ty chỉ có 5 kế toán mà họ vẫn có thể nghỉ phép cả tuần, không ảnh hưởng việc chung.

Lùi lại hơn 10 năm trước, thực hành ESG hay không có lẽ chưa đem đến kết quả nhãn tiền. Nhưng 2024 sẽ là năm mọi người nhìn rõ sự khác biệt. Thị trường châu Âu đang đặt ra 2 thách thức, đó là phải phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và truy xuất nguồn gốc chống phá rừng.

10 năm trước, EU chỉ quy định khoảng 220 loại chất cấm thì bây giờ là 850 chất. Họ cũng đang thực hiện vô cùng nghiêm túc luật chống phá rừng và yêu cầu các nước xuất khẩu nông thuỷ sản vào đó phải đáp ứng. Đã có những lô hàng lên tới cả trăm tấn của Việt Nam tới châu Âu bị trả về vì không truy xuất được nguồn gốc.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, những hàng rào mới sẽ giúp người dân Việt Nam được sử dụng đồ ăn, thức uống lành mạnh hơn. Bởi người làm nông nghiệp hiểu rất rõ, phải đảm bảo diện tích vùng trồng rộng lớn để tránh nhiễm chéo. Khó khăn đồng thời cũng mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) - những nơi lấy tiêu chuẩn châu Âu để nhập khẩu. Chúng ta sẽ được hưởng lợi và cái khó thì cả hệ thống cần vào cuộc giải quyết.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 7.

Tôi yêu nông nghiệp và rất mê cà phê. Năm 2008, khi ra siêu thị mua trúng gói cà phê toàn mùi hương liệu, tôi đã nhen nhóm ý tưởng phải xây nhà máy chế biến để chính mình, bạn bè, đối tác được uống cà phê thật.

Vì ý tưởng đó, tôi bị “gạch đá” vùi dập không biết bao nhiêu phen. Khẩu vị lâu nay của chúng ta về cà phê được xây dựng trên nền tảng hóa chất nên khi uống cà phê thật, mọi người thấy nó nhạt.

Tôi nghĩ, ở Việt Nam - nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu - mà mọi người lại không được ăn ngon thì thật có lỗi. Người nước ngoài vẫn nói, một công ty như Phúc Sinh còn không thể sản xuất cà phê thật cũng như định hướng lại thị trường thì mong gì người khác sẽ làm thay?

Bắt nguồn từ những điều ấy, năm 2017, tôi có kỉ niệm đáng nhớ với Sơn La khi đưa ra quyết định chớp nhoáng nhưng có tính bước ngoặt với Phúc Sinh.

Năm đó, tôi cùng bạn đi chơi Tây Bắc và vô cùng choáng ngợp vì Sơn La bạt ngàn cà phê arabica. Đi hết Sơn La, chúng tôi về Sapa. Trong cuộc nhậu, có một người bạn 22 năm trong ngành ngân hàng và đã ở một chức vụ rất cao. Khi tôi hỏi: Hay là bỏ béng ngân hàng đi để về đây làm chủ công ty cà phê với mình? Lúc say rượu, cả hai đã thống nhất và chỉ nghĩ ấy là chuyện chém gió.

Nhưng ngay sau chuyến đi, tôi kết nối lại với bạn - chính là anh Việt Thắng, TGĐ Phúc Sinh Sơn La bây giờ. Tôi nói: “Thắng ơi, hôm nọ mình đã nói thế đấy và bạn hứa sẽ bỏ ngân hàng…”. Không ngờ, Thắng bỏ thật...

Con đường tới Sơn La cực lắm! Đi từ Sài Gòn, bay ra rồi lại đi ô tô 7-8 tiếng mới tới nơi. Dân Hà Nội còn không biết Sơn La có cà phê mà một người từ xa xôi như tôi lại mò tới. Rất may, chính quyền ở đây thật tuyệt vời. Tôi còn chưa kịp hiểu về họ thì họ đã thấu triệt Phúc Sinh. Họ nói bao nhiêu năm qua, họ đi vào Sài Gòn tìm nhà đầu tư cho Sơn La nhưng không thành. Gặp tôi, họ mừng lắm. 6h sáng, tôi còn chưa tỉnh ngủ, họ đã gõ cửa, chủ động dẫn tôi đi xem các khu di tích, vùng trồng, nói về năng suất, những thuận lợi và sau đó, giục mình làm biên bản ghi nhớ đầu tư ngay trong chuyến đi đó.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 8.

Ngay lập tức, Chủ tịch và Bí thư tỉnh giới thiệu các lô đất mà họ có thể giao cho tôi xây nhà máy. Từ Sài Gòn xa xôi lên đó xây nhà máy khó khăn biết bao nhiêu. Nhưng lúc ấy, tôi không nhìn thấy bất cứ rào cản, cực nhọc nào, ngay cả chuyện phải dậy từ 4-5h sáng đi ô tô, ra sân bay, lên máy bay, rồi lại tới Hà Nội bắt xe lên Sơn La... Thậm chí khi chị bạn là trưởng đại diện công ty cà phê to đùng ở Đức khuyên ngăn, tôi cũng bỏ qua.

Xây nhà máy 10 tháng mà trong thời gian đó, rất nhiều lần Chủ tịch tỉnh gọi cho tôi: “Thông ơi, anh chưa nhìn thấy cái gì thành hình cả…”; “Thông ơi, anh chưa thấy máy móc…”; “Thông ơi, làm sao 10 tháng nữa có thể khánh thành nhà máy…”? Lãnh đạo tỉnh sát sao, nóng ruột còn hơn chủ đầu tư.

Tháng 2/2018, nhà máy được cấp giấy phép thì tới tháng 11 khai trương. Không ai tin có thể xây nhà máy to như thế chỉ trong vòng 10 tháng.

Máy móc nhập khẩu từ Colombia xa xôi, đi đường biển về Hải Phòng. Mặc dù khó khăn nhưng tôi đã quyết định đúng khi chọn đứng trên vai người khổng lồ. Nguồn lực từ Colombia, với máy móc và chuyên gia hàng đầu… đã giúp Phúc Sinh nhanh chóng đi lên, trở thành doanh nghiệp có vị thế trên thị trường.

Khi nhà máy khai trương, tôi mời 250 khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đi 7 xe lớn, 8h tối mới tới nơi. Đến thì đã thấy một đoàn, có cả Chủ tịch tỉnh ngồi ở khách sạn, không biết đã chờ từ bao giờ. Thấy đoàn khách, các bác lãnh đạo tỉnh vô cùng sửng sốt. Họ chưa từng tiếp nhiều khách nước ngoài như thế.

Đoàn khách say mê và không thể hình dung ở nơi xa ngút ngàn lại có một nhà máy sản xuất cà phê đẹp, hoành tráng nhất thế giới. Thành quả đó đáng tự hào lắm. Nhưng nhà máy xây xong, đến khâu bán hàng thì cực kỳ khó. Người ta đi trước chúng tôi hàng 30-40 năm, họ không muốn một công ty mới lên phá vỡ mọi thứ. Tôi bị cô lập. Nhà máy như rơi vào thế đeo vòng kim cô.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 9.

Làm sao để thoát khỏi vòng vây? Cái hay của Phúc Sinh là chúng tôi có thể vươn ra, bắt tay với các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới. Cái hay nữa là chất lượng sản phẩm, nhân sự giỏi, hệ thống vững vàng, tài chính tốt… của Phúc Sinh - một công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm buôn bán đủ mọi thứ khắp năm châu.

Chúng tôi đã làm truyền thông, tìm kiếm khách hàng rất bài bản. Chúng tôi cũng xây dựng vùng trồng theo hướng bền vững ngay từ đầu, thuyết phục các hộ nông dân đi theo mình. Sau 5 năm, hệ thống cà phê biến đổi lớn. Tôi gặp toàn những công ty hàng đầu thế giới đang tìm kiếm doanh nghiệp như Phúc Sinh Sơn La: Chất lượng tốt, sản xuất ổn định, phát triển bền vững. 100% cà phê Phúc Sinh Blue Sơn La đạt chứng nhận phát triển bền vững RainForest. Tôi dám chắc, trên thế giới cũng không một dự án cà phê nào đạt 100% như thế trên quy mô lớn chứ đừng nói ở Việt Nam.

Năm nay, tôi có hai thứ rất tự hào, một là cà phê đặc sản đến Chicago (Mỹ) bán sạch bách. Ở nhà máy, 8.000 tấn, 400 container không còn một hạt nào (quote 8). Thứ hai, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ vốn trong năm nay. Khách hàng rất yêu thích, truyền tai nhau lan khắp châu Âu, Trung Đông. Có những doanh nghiệp ở Dubai hay Saudi Arabia đã mê đắm Phúc Sinh. Khi nhìn thấy những điều đó, tôi nghĩ, trước khi chúng tôi đến Sơn La, rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại, không phải vì họ không bản lĩnh mà mình may mắn hơn họ. May mắn vì tôi đã liều, không nghe thấy những thông tin tiêu cực và được biết bao người giúp sức.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 10.

Khi làm trà cascara từ vỏ cà phê, ai cũng nói mình liều nhưng thực ra, loại này đã có lịch sử hơn 50 năm trên thế giới. Công ty tôi cũng đã làm 4 năm để phục vụ xuất khẩu trước khi sản xuất quy mô lớn.

Không phải vỏ cà phê nào cũng thành trà. Chỉ những trái cà phê đó chín đỏ, có lượng đường tự nhiên khoảng 20%, trên 1.000m2 trái cà phê siêu ngon mới chọn ra loại cho vỏ để làm trà cascara.

Ban đầu, trong thâm tâm tôi chỉ nghĩ người Việt xứng đáng được uống những thứ ngon lành. Nhưng khi làm thì rất hay vì nó lại tạo ra mô hình phát triển xanh. Thay vì thành phế phẩm, gây hại môi trường, vỏ cà phê lại được nâng tầm thành đồ uống đắt tiền gấp 4 lần so với loại cà phê ngon.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 11.

Sự phát triển bền vững của Phúc Sinh không chỉ đến từ các dự án, ý tưởng hay mô hình kinh doanh mà nó nằm sâu trong nội tại doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đã nói với tôi, một trong những giá trị của Phúc Sinh là có nhiều nhân sự gắn bó lâu năm (70% nhân sự gắn bó trên 10 năm). Họ mang theo kiến thức và giá trị văn hoá bền bỉ.

Muốn thu hút, giữ chân nhân tài thì phải trả thu nhập tương xứng với những đóng góp của họ. Phúc Sinh có rất nhiều phúc lợi, ví dụ chương trình cho nhân viên vay tiền để mua nhà không lãi suất trong vòng 10 năm, các khoản thưởng Tết, thưởng quý… rất hấp dẫn.

Một vế khác rất quan trọng là người lãnh đạo phải đồng hành, chia sẻ với nhân viên. Họ phải thấy được sự tôn trọng, phát triển nghề nghiệp. Nhân viên vẫn nói vui: Sếp là cái thùng rác của họ. Bất cứ ai, khi gặp khó khăn đều có thể đến đó trút bỏ, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19, khi mọi người đều hoang mang, căng thẳng.

Phòng làm việc của tôi nhỏ lắm, và toàn là cửa kính trong suốt. Và vì nó trong suốt như thế, tôi làm gì, kể cả ngủ trưa thì mọi người đều biết và tôi nghĩ chuyện đó rất con người. Ai cũng thích riêng tư nhưng tôi lại thích kết nối với mọi người.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 12.

Tôi thích sáng tạo. Sự sáng tạo đã len lỏi khắp ngõ ngách công việc của Phúc Sinh, đưa chúng tôi đến những thành quả bất ngờ. Ví dụ, công ty vừa nhận rót vốn 25 triệu USD từ quỹ &Green (Hà Lan) và cuối tháng 9 này sẽ tiếp tục nhận viện trợ không hoàn lại từ một quỹ khác của Hà Lan, cũng là vì ESG. Nếu không sáng tạo, chúng tôi sẽ không thể làm được những chuyện như thế.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
- PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

- Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

- Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

- Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok

Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.

Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhà máy cà phê “đẹp nhất thế giới” ở Sơn La và người từ chối cơ hội kiếm hàng triệu USD từ đất Phú Mỹ Hưng- Ảnh 13.


Nhịp sống thị trường