Nhà khoa học Mỹ: Báo cáo nguồn gốc Covid-19 WHO thực hiện với Trung Quốc có sai sót

19/11/2021 21:25 PM | Xã hội

Nghiên cứu mới cho thấy bệnh nhân đầu tiên là một người bán hàng trong chợ tươi sống lớn ở Vũ Hán, không phải là một nhân viên kế toán như trong báo cáo trước đó.

Một nhân viên kế toán đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, được cho là bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 , thực tế xuất hiện các triệu chứng muộn hơn 8 ngày so với báo cáo ban đầu.

Sự nhầm lẫn là do biến chứng từ việc chữa răng khiến người đàn ông 41 tuổi bị ốm vào ngày 8/12. Tuy nhiên, sốt và các triệu chứng khác do Covid-19 gây ra khởi phát vào ngày 16/12, sau khi nhiều công nhân tại chợ Hoa Nam có dấu hiệu nhiễm bệnh, bao gồm cả người bán hải sản có các triệu chứng bắt đầu vào ngày 11/12, theo một nghiên cứu trên tạp chí Science.

Người kế toán sống cách chợ 30 km và không có mối liên hệ nào với chợ hải sản này. Ông Michael Worobey, Đại học Arizona, Mỹ là tác giả của nghiên cứu, cho biết nhân viên kế toán có thể đã bị nhiễm bệnh do lây truyền trong cộng đồng sau khi virus bắt đầu lây lan ở Vũ Hán.

Phân tích mới này dẫn đến việc một phụ nữ bán hải sản tại chợ Hoa Nam hiện nay trở thành trường hợp nhiễm Covid-19 sớm nhất được ghi nhận.

Jesse Bloom, nhà virus học ở Trung tâm nghiên cứu ung thu Fred Hutchinson lưu ý, đây không là lần đầu tiên báo cáo của WHO thực hiện với các nhà nghiên cứu Trung Quốc có sai sót, trong đó có mối liên hệ của bệnh nhân ban đầu với chợ hải sản.

Nghiên cứu của Worobey cho thấy chợ hải sản Hoa Nam là nguồn gốc của đợt bùng phát ban đầu.

Hầu hết các trường hợp có triệu chứng ban đầu đều liên quan đến chợ Hoa Nam, đặc biệt là khu vực phía tây nơi cầy hương được nhốt, cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về nguồn gốc đại dịch từ chợ động vật sống, ông Worobey nói.

Báo cáo, được công bố trên tạp chí Science, khơi lại cuộc tranh luận về nguồn gốc đại dịch. Việc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch lớn nhất trong một thế kỷ đã thúc đẩy các cuộc chiến chính trị giữa các nước.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định được nguồn gốc của SARS-CoV-2. Hiện các cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus chủ yếu xoay quanh 2 giả thiết: rò rỉ từ phòng thí nghiệm hoặc lây lan từ động vật.

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM