Nhà đầu tư hoảng loạn khiến chứng khoán Trung Quốc gặp cơn địa chấn lớn, một loạt 'ông trùm' mất trắng hàng trăm triệu USD

26/07/2021 16:03 PM | Xã hội

Đợt bán tháo mạnh đối với cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ gia sư đã gây ra cơn địa chấn lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhà đầu tư đang lo ngại trước những rủi ro ngày càng lớn đối với động thái gắt gao từ phía Bắc Kinh.

Cả thị trường đại lục và Hồng Kông đều giao dịch trong sắc đỏ, khi CSI 300 và Hang Seng Index đều giảm hơn 3%. Cổ phiếu các công ty giáo dục lao dốc sau thông báo đầy bất ngờ của Bắc Kinh, có nguy cơ khiến lĩnh vực trị giá 100 tỷ USD và ảnh hưởng đến hàng tỷ USD dòng vốn ngoại.

Castor Pang - trưởng bộ phận nghiên cứu của Core Pacific Yamaichi, cho hay: "Tôi nhận thấy thị trường đang hoảng loạn và bán ra, khi nhà đầu tư cho rằng Bắc Kinh sẽ thắt chặt quy định đối với tất cả các lĩnh vực vốn đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tôi không cho rằng nhà đầu tư nên bắt đáy ở thời điểm này, bởi chưa biết đâu sẽ là đáy."

 Nhà đầu tư hoảng loạn khiến chứng khoán Trung Quốc gặp cơn địa chấn lớn, một loạt ông trùm mất trắng hàng trăm triệu USD  - Ảnh 1.

Cổ phiếu các công ty gia sư của Trung Quốc rơi tự do.

Cổ phiếu New Oriental Education & Technology Group tại Hồng Kông mất 40%, kéo dài mức giảm 41% từ thứ Sáu. Trong khi đó, Koolearn Technology cũng giảm 35%, là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Hang Seng Tech Index. China Maple Leaf Educational Systems rơi 16%.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết trong một lưu ý rằng, trường hợp tồi tệ nhất đã thành sự thật và nhận định không chắc liệu các công ty này có thể tiếp tục niêm yết hay không. Ngân hàng cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi, hiện vẫn chưa rõ các công ty này phải tái cấu trúc ở mức độ nào, do đó cổ phiếu của họ gần như không thể đầu tư được."

Cổ phiếu ngành giáo dục của Trung Quốc đã mất hơn 100 tỷ USD vốn hóa kể từ đầu năm nay, khi TAL Education và New Oriental mất tổng cộng 65 tỷ USD.

Theo Bloomberg Billionaires Index, Larry Chen - nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Gaotu Techedu Inc., hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 336 triệu USD và không còn là tỷ phú . Cổ phiếu của công ty ông đã giảm gần 2/3 trong phiên giao dịch tại New York hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi các truyền thông đưa tin về việc Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với ngành này.

Việc Trung Quốc đã ban hành các quy định mới, cấm các công ty gia sư hoạt động kiếm lời, huy động vốn hoặc niêm yết là "cú đánh" mới nhất đối với Chen, khi ông chứng kiến khối tài sản giảm hơn 15 tỷ USD kể từ cuối tháng 1. Chen chia sẻ trên Weibo hôm thứ Bảy: "Gaotu sẽ tuân thủ các quy định và hoàn thành trách nhiệm xã hội."

Tài sản của Zhang Bangxin - CEO của TAL Education Group, đã mất 2,5 tỷ USD, hiện còn 1,4 tỷ USD. Chủ tịch của New Oriental Education & Technology Group Inc. - Yu Minhong, cũng mất 685 triệu USD và khối tài sản chỉ còn 579 triệu USD sau khi cổ phiếu rơi 54%.

Ngoài ra, đây cũng là tin xấu mới nhất trong sự nghiệp thăng trầm của Chen. Khi niêm yết vào năm 2019 với tên GSX, cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 13 lần lên mức cao nhất vào ngày 27/1. Tuy nhiên, Gaotu ngay lập tức mất 98% giá trị, một phần là do sự sụp đổ của Archegos Capital Management.

Hôm thứ Bảy, Bloomberg dẫn lời nguồn tin thân cận, theo các quy tắc đang được xem xét, các công ty cung cấp dịch vụ gia sư của Trung Quốc sẽ không còn được phép huy động vốn hoặc niêm yết. Trong khi đó, các công ty đã niêm yết có thể sẽ không còn được phép đầu tư vào, hoặc thâu tóm các công ty gia sư theo môn. Hoạt động gọi vốn ngoại cũng bị cấm thực hiện ở lĩnh vực này.

Nguồn tin cho biết, các nhà quản lý địa phương sẽ ngừng phê duyệt các công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm ngoài giờ học trên trường và yêu cầu giám sát gắt gao hơn đối với các nền tảng trực tuyến hiện có. Ngoài ra, việc học thêm vào kỳ nghỉ và cuối tuần đối với các môn học đã có trên trường cũng bị cấm. Song, các quy định này cũng có thể sẽ thay đổi vì hiện chưa được chính thức ban hành.

Những quy định cải cách mới của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực thắt chặt hoạt động kinh doanh đối với các ngành từ công nghệ đến bất động sản. Động thái nhằm hạn chế sự bành trướng của các công ty như Alibaba hay Didi đã khiến nhà đầu tư sợ hãi tháo chạy. Theo số liệu được Bloomberg tổng hợp, nhà đầu tư đại lục đã bán ròng cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông mạnh nhất kể từ tháng 5/2019.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM