Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách

20/10/2018 19:24 PM | Kinh doanh

449 trang sách Cẩm nang kinh tế học của GS. Ha Joon Chang (Hàn Quốc) là kết quả 3 tháng dịch của TS. Nguyễn Tuệ Anh. Cuốn sách chứa đựng mong muốn giúp kinh tế học "dễ nuốt" hơn cho những người mới bắt đầu.

Nguyễn Tuệ Anh là chuyên gia nghiên cứu bậc sau Tiến sĩ tại Trung tâm Phát triển quốc tế, Đại học Harvard. Năm 2018, cô là chuyên gia nghiên cứu và giảng viên Chính sách công tại trường chính sách Blatvanik School of Government thuộc Đại học Oxford.

Tuệ Anh được nhiều người biết đến tại Việt Nam với vai trò đồng sáng lập Trường hè nghiên cứu Việt Nam – Vietnam Summer School in Research (VSSR) cùng Châu Thanh Vũ, và là dịch giả cuốn "Cẩm nang kinh tế học". Những hoạt động này, như cô giải thích, là để hỗ trợ những bạn trẻ yêu thích kinh tế học được tiếp cận dễ dàng hơn.

Trong lĩnh vực sách, Tuệ Anh được Blackwells Oxford, hiệu sách truyền thống 200 năm, nơi đọc và mua sách của sinh viên, giáo sư tại Đại học Oxford lựa chọn hợp tác. Tuệ Anh nằm trong nhóm nhỏ người được nhận những cuốn sách chưa xuất bản, đọc, nhận xét và giới thiệu sách đến công chúng.

Môn khoa học chìa khoá cho vận hành xã hội

Tại sao chị lại chọn lựa ngành kinh tế học, cụ thể hơn là nghiên cứu về chính sách công?

Từ nhỏ, tôi đã luôn có những câu hỏi về đời sống và xã hội. Cảm giác lúc đó là tôi muốn tìm hiểu về những vấn đề xã hội và cách những con người hay tổ chức trong xã hội tương tác với nhau. Riêng đối với kinh tế, tôi được tiếp xúc khá sớm vì bố tôi là Giáo sư kinh tế còn mẹ là chuyên gia tài chính kế toán.

Tôi nghĩ rằng mọi thứ trong xã hội liên quan rất nhiều đến kinh tế, do đó, để hiểu hơn về xã hội, tôi cũng cần biết về cách vận hành của nền kinh tế cũng như các chính sách, vấn đề liên quan. Hiểu được kinh tế, sẽ hiểu hơn được xã hội.

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 1.

Trong kinh tế học, tôi nghiên cứu cụ thể về kinh tế dịch vụ công và cơ sở hạ tầng đặc biệt là ngành năng lượng. Dịch vụ công tạo nên nền móng căn bản của một xã hội, là phần quan trọng đảm bảo chất lượng sống căn bản trong mỗi đất nước.

Một quốc gia, nếu không có hệ thống điện, nước, giáo dục... tốt thì cho dù có nhiều người giàu đi chăng nữa cũng khó phát triển bền vững được. Đó chính là lý do khiến tôi chọn nghiên cứu lĩnh vực này .

Kinh tế học thường được hình dung với bộ dáng buồn chán, khô khan, đối với chị thì như thế nào?

Kinh tế học có vẻ đẹp của sự logic và tôi thì lại thích mọi thứ logic. Mặt khác, nó còn kết hợp cả cái đẹp của sự phức tạp trong cuộc sống thực tế của những môn khoa học xã hội. Kinh tế học có rất nhiều mảng và mỗi mảng lại đòi hỏi cách tư duy lý luận và kiến thức riêng. Và có nhiều kỹ năng học trong kinh tế học có thể áp dụng trong công việc và đời sống.

Tại sao chị lại cùng Châu Thanh Vũ sáng lập Vietnam Summer School in Research?

Tôi gặp Vũ lần đầu tiên ở Đại học Harvard. Lúc đó chúng tôi là hai người nghiên cứu kinh tế học nhưng theo hai hướng hoàn toàn khác hẳn nhau, từ suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, chủ đề... Chính vì thế, chúng tôi muốn học hỏi từ nhau.

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 2.

Mặt khác, Vũ và tôi cảm giác rằng phương pháp nghiên cứu được dạy ở Việt Nam có thể đa dạng và cập nhật hơn. Việc đăng ký vào chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) hay xuất bản những bài báo khoa học cần đến những phương pháp nghiên cứu mới, được cập nhật liên tục. Phương pháp nghiên cứu là công cụ giúp phân tích dữ liệu và giải đáp câu hỏi. Mà nắm trong tay nhiều công cụ thì càng có thể tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng hơn, đa dạng và sâu sắc hơn.

Do vậy, chúng tôi muốn mang những cái mà mình đã học, đã biết để chia sẻ cho các bạn. Trường hè của chúng tôi không chỉ riêng về kinh tế. Chúng tôi còn mời được chuyên gia, đồng nghiệp ở các kĩnh vực nghiên cứu và hỗ trợ nghiên cứu tại các trường đại học lớn trên thế giới giảng dạy. Đương nhiên, những kiến thức học ở đây không chỉ sử dụng cho kinh tế mà còn các ngành khoa học khác.

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 3.

Chúng tôi cũng có một mục tiêu nữa, là học phí thu được từ Trường hè sẽ được đóng góp toàn bộ cho các bệnh nhân ở Viện nhi Trung ương. Chúng tôi muốn được góp phần giúp đỡ các gia đình khó khăn và các bênh nhân nhi phần nào và góp phần hỗ trợ cho bệnh viên Nhi máy móc thiết bị dùng cho điều trị lâu dài.

Người điểm sách và câu chuyện kết nối Anh – Việt

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 4.

Lý do nào khiến chị chọn dịch cuốn Cẩm nang kinh tế học của GS. Ha Joon Chang?

Thực ra tôi không phải dịch giả chuyên nghiệp. Tiếng Việt chuyên ngành của tôi cũng không hoàn toàn tốt..

Từ lúc mới học kinh tế, tôi đã đọc sách của thầy Ha Joon. Sau này, tôi được tiếp xúc nhiều hơn, nghe và làm việc với thầy. Tôi nhận ra thầy luôn luôn mong muốn kiến thức kinh tế được gần gũi, mang tính ứng dụng cao với mọi người hơn là những học thuyết "mơ màng". Thầy cho rằng nếu người dân được trang bị kiến thức kinh tế, họ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội.

Tôi đã rất tâm đắc khi đọc được cuốn sách này bởi lúc ban đầu học kinh tế, không một ai viết về các trường phái kinh tế khác nhau với cái nhìn công bằng. Cũng không một cuốn sách nào dẫn giải một cách cặn kẽ đến vậy. Nhiều khái niệm, trước đây tôi đọc, đã được "vây hãm", bởi những cụm từ khó hiểu.

Do vậy, khi được các bạn sinh viên hỏi nếu muốn bắt đầu tìm hiểu về kinh tế học thì nên bắt đầu từ đâu, tôi đều hướng đến cuốn sách của thầy Ha Joon. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ngoại ngữ đủ tốt để đọc sách bằng tiếng Anh .

Trao đổi với thầy, thầy đã bảo hay tôi dịch đi. Lúc đó, tôi không chắc chắn lắm nhưng tôi nghĩ mình sẽ thử. May mắn thay, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ bác Nguyễn Đôn Phước với vai trò hiệu đính và các bạn editor từ NXB Omega và Broaden Economics Vietnam.

Tôi hi vọng cuốn sách được dịch một cách dễ hiểu, đúng, đủ ý để người đọc có thể nắm bắt được những thuật ngữ kinh tế căn bản thường xuất hiện. Có thể nói đây là một thử nghiệm mạo hiểm đối với tôi. Đến giờ, tôi nhiều lúc không dám nghe ai review về chất lượng dịch sách (cười).

Khó khăn lớn nhất của việc chuyển ngữ Cẩm nang kinh tế học là gì?

Điểm thứ nhất, đây không phải là tiếng Việt trong trao đổi hàng ngày, nó chứa đựng rất nhiều cụm từ, thuật ngữ. Nhiều cái, tôi không biết từ tiếng Việt tương đương là gì. Một số thuật ngữ khác thì chưa có tại Việt Nam, vậy phải dịch như thế nào để giữ nguyên bản chất của nó?

Điểm thứ hai, cuốn sách được thầy Ha Joon viết bằng tiếng Anh với những ví dụ từ đất nước này. Do đó, nhiều dẫn chứng thầy đưa ra, với sự hài hước và những kiến thức ngầm về văn hoá mà người Anh biết, người sống ở Anh lâu năm biết nhưng người Việt thì không. Công việc của tôi là làm thế nào để truyền tải cho độc giả hiểu được sự thú vị, dí dỏm trong ví dụ của thầy hay tại sao thầy lại viết như vậy.

Do đó, trong cuốn sách, tôi sử dụng rất nhiều ghi chú. Tôi cảm giác nếu mình không giải thích, độc giả sẽ khó hiểu được.

Bên cạnh dịch sách, chị có thêm dự án gì để lan toả, hỗ trợ kiến thức kinh tế cho các bạn trẻ Việt Nam?

Vừa qua, tôi đã được Blackwells Oxford, hiệu sách truyền thống 200 năm, nơi đọc và mua sách của sinh viên, giáo sư tại Đại học Oxford chọn hợp tác. Tôi nằm trong nhóm nhỏ người được nhận những cuốn sách chưa xuất bản, đọc và rnhận xét chúng, đồng thời trao đổi với các tác giả để giới thiệu sách đến độc giả.

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 5.

Với sự hợp tác này, một mặt tôi có thể đưa ra những ấn tượng, những nhận định của bản thân cho Blackwells về những cuốn sách được độc giả, trong đó có độc giả Việt Nam quan tâm. Những cuốn sách này không chỉ là về kinh tế mà ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Ví dụ, tôi rất thích sách giáo dục cho trẻ em. Do vậy, tôi sẽ cùng các chuyên gia giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên tại Blackwells lựa chọn đến độc giả là phụ huynh và thanh niên những đầu sách phù hợp lứa tuổi, phát triển tư duy và ôn thi phù hợp với giáo trình Anh quốc.

Mặt khác, tôi sẽ giới thiệu ngược lại cho người yêu thích sách tại Anh những cuốn sách mà tôi nghĩ là tiêu biểu cho văn hoá, lịch sử Việt Nam. Độc giả Anh có sự tò mò nhất định về đất nước chúng ta nhưng phần nhiều, họ chỉ biết Việt Nam là nơi đã từng xảy ra về chiến tranh.

Khởi nguồn của đam mê đọc sách

Sách luôn ngập tràn trong những bức ảnh của chị. Khởi nguồn từ đâu khiến chị gắn bó với sách?

Từ nhỏ, tôi đã thích sách. Ông ngoại tôi là người yêu quý, trân trọng sách. Ngày bé ở với ông, trước lúc đi ngủ, ông thường đọc Cổ học tinh hoa cho tôi mỗi tối. Những mẩu truyện đấy đã dạy tôi cách sống, cách làm người.

Bố mẹ tôi cũng là người đọc rất nhiều sách. Bố mẹ chọn cho tôi những cuốn sách hay như "Không Gia Đình’, "Binh pháp Tôn Tử" hay "Chiến tranh và Hoà Bình".  Nhớ lại thì mỗi lần tôi đòi bố mẹ mua sách, chưa bao giờ họ nói không, kể cả với cuốn dày nhất, đắt tiền nhất (ví dụ như bộ sách "Lịch sử Thế giới" năm tôi lớp 8). Tôi nghĩ mình thích, tôn trọng sách cũng là điều gì tự nhiên thôi.

Sau này có những thời điểm tôi cũng tự cảm thấy không có thời gian đọc sách hoặc chi phí mua sách tốn kém quá nhưng trước một cuốn sách hay, khi được đọc, tôi lại thấy mình học được một điều gì đó, cảm giác vui khó tả. Vì thế cứ lao vào.

Cũng nói thật là tôi sống trong học thuật, do đó, những câu chuyện với bạn bè, đồng nghiệp cũng nhiều là chia sẻ về sách và kiến thức.

Nhận học bổng năm lớp 10, hiện giờ lập gia đình và sống ở Anh, bố mẹ chị nghĩ gì khi xa con gái lúc mới học phổ thông?

Không một gia đình nào có thể đưa ra quyết định dễ dàng được cả. Thực ra từ hồi cấp 2, tôi đã liên tục tham gia các cuộc thi nhưng chỉ để cọ xát. Tôi chưa nghĩ đến chuyện đi hay không đi du học. Tôi nhớ lúc nhận được học bổng, tôi đã hỏi bố mẹ thấy thế nào?

 Nguyễn Tuệ Anh: Nữ Tiến sĩ Oxford phổ biến kinh tế học bằng sách  - Ảnh 6.

Bố tôi ngày đó hỏi là con đã hiểu được cái gì sẽ chờ đợi mình không, đó là nơi không ai chăm sóc con ngoài con cả, môi trường hoàn toàn mới, liệu con con có sẵn sàng không?  Vì bản thân bố tôi cũng có thời gian đi học nước ngoài rồi nên ông hiểu.

Đầu tiên tôi cái gì cũng ừ cả. Tôi quyết định đi vì tin tưởng mình sẽ làm được. Tất nhiên, sau này tôi hiểu là nó không hề đơn giản như mình nghĩ. Nhưng tôi luôn cảm thấy bố mẹ ở bên cạnh, cùng tôi tìm ra giải pháp.

Nguyễn Tuệ Anh tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Greenwich, vương quốc Anh với học bổng toàn phần và được trao giải "Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất" (Best Postgraduate Dissertation) năm 2012. Cô được công nhận là thành viên của Viện Hàn Lâm Giáo Dục bậc Đại học và sau Đại học của Vương Quốc Anh với hơn 6 năm giảng dạy tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, và châu Âu. Từ năm 2015, cô là Trưởng điều phối viên nhóm nghiên cứu Kinh Tế Phát triển, của mạng luới các nhà kinh tế trẻ toàn cầu (Young Scholars Inititative) tại Viện Phát Triển Tư Duy Kinh Tế Mới, New York.

Theo Phương Ánh - Hương Xuân

Từ khóa:  thạc sỹ
Cùng chuyên mục
XEM