Nguyễn Tử Quảng: “Làm smartphone giống như bán phở, không sản xuất bánh nhưng phải nắm bí kíp gia truyền”
Trước hàng loạt câu hỏi Bphone có tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? giá trị nằm ở đâu? CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng điều này cũng giống như câu chuyện bán phở, họ cũng mua phở, hành… nhưng để ngon hay không là bí kíp gia truyền đó chính là giá trị gia tăng.
Tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức ngày 14/11/2018, có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho CEO Nguyễn Tử Quảng xung quanh việc sản xuất chiếc Bphone. Một khách mời đặt câu hỏi cho CEO Bkav: “Tôi thấy anh bán Bphone cỡ khoảng 7 triệu. Trong khi đó, phần thiết bị, linh kiện anh nói là nhập hoàn toàn của nước ngoài: Mỹ, Nhật với Hàn. Liệu Bkav có làm được linh kiện không? Giá trị của Việt Nam là gì trong chiếc smartphone đó?”. Thực tế sau khi Bkav bắt đầu đưa ra sản phẩm smartphone đã có rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Không chỉ có Bkav, mới đây VinFast đưa ra 3 mẫu xe ô tô và có nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra.
Trả lời các câu hỏi đó,, ông Nguyễn Tử Quảng chọn ví dụ rất hình tượng. “Câu chuyện này giống như Apple, Samsung hiện nay, họ cũng sử dụng linh kiện của các công ty trên thế giới. Ví dụ như tụ điện, điện trở thì nổi tiếng nhất là Nhật Bản là công ty Murata mà chúng tôi làm việc, họ có hàng trăm năm kinh nghiệm về những thứ đó và họ cung cấp cho cả thế giới, cung cấp cho Apple, cung cấp cho Samsung, cung cấp cho các công ty Trung Quốc và cho Bkav. Vậy thì gia tăng trong trường hợp đó giống như câu chuyện quán phở. Quán phở đông khách phụ thuộc vào bí quyết gia truyền. Thông thường quán phở này sẽ không sản xuất bánh phở, thịt, quẩy, hành… giống như chúng ta mua về dùng. Nhưng rõ ràng họ có thể làm ngon và có đông khách còn chúng ta thì chưa chắc. Và sản xuất smartphone cũng như vậy đó chính là giá trị của nhà sản xuất smartphone”.
CEO Bkav phân tích tiếp, phần lớn giá trị gia tăng của chiếc smartphone nằm ở các khâu nghiên cứu, ý tưởng, thiết kế, marketing, bán hàng, hậu mãi… còn phần linh kiện, phần gia công có giá trị gia tăng rất là thấp. Chiến lược của các công ty làm về linh kiện, về nguyên vật liệu là họ sẽ cung cấp cho tất cả nhà sản xuất.
Vậy câu hỏi Bkav có làm được linh kiện không? Và nếu làm được thì bao giờ làm được? CEO Nguyễn Tử Quảng khẳng định là không nên làm. Bởi vì là có những công ty họ cung cấp chip nổi tiếng chất lượng tốt như Qualcomm cung cấp cho tất cả mọi hãng smartphone, trừ Apple. Vì vậy, chúng ta không cần phải làm việc đó vì Qualcomm làm rất tốt, nếu chúng ta có làm cũng không thể bằng Qualcomm. Hay cái tụ điện, điện trở, doanh nghiệp ở Nhật Bản làm hàng trăm năm nay với giá rất rẻ cung cấp cho cả thế giới. Do vậy, chúng ta không nên cạnh tranh bằng việc sản xuất linh kiện kiểu này.
Bkav đưa ra mô hình chuỗi giá trị của Bphone, trong đó gia công nằm ở phần thấp nhất. |
CEO Nguyễn Tử Quảng cho rằng, câu chuyện quan trọng nhất đối với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ đó là làm chủ công nghệ. CEO Bkav đưa ra ví dụ chuyện làm chủ công nghệ của các hãng smartphone Trung Quốc tại chính thị trường này. Năm 2012 Samsung đang có thị phần số một tại Trung Quốc, nhưng đến năm 2018 thì Samsung chỉ còn chiếm chưa đến 1% ở thị trường này. Sở dĩ như vậy bởi những công ty nội địa của Trung Quốc đã có thể làm chủ công nghệ, sở hữu công nghệ để làm ra những sản phẩm có thể cạnh tranh. Câu chuyện này cũng có thể lặp lại với nhà sản xuất khác. Thị trường smartphone rất khắc nghiệt, có những công ty hôm trước còn đang rất lớn, hôm sau có thể biến khỏi thị trường. Có ai nghĩ rằng người khổng lồ Nokia đã không còn được nhắc đến và nếu không thay đổi, sáng tạo thì Samsung biết đâu được cũng có ngày như vậy.
|
"Đối với chúng tôi, Bkav vẫn thực sự mong muốn có thể góp phần xây dựng ngành sản xuất smartphone tại Việt Nam. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể là đến năm 2023 Bkav có thể giành 34.7% thị phần smartphone Việt Nam và tương đương với doanh thu là 2 tỷ USD. Từ đó, có thị trường nội địa thì chúng tôi sẽ phát triển ra thị trường thế giới. Giống như Samsung đã đi khắp mọi nơi trên thế giới và tạo ra hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, tạo ra thu nhập cho Hàn Quốc, chúng tôi rất là mong muốn làm được như vậy với sản phẩm công nghệ của Việt Nam", ông Nguyễn Tử Quảng nói.