Nguyên nhân F0 điều trị tại nhà chưa được nhận hỗ trợ bảo hiểm xã hội
Nhiều người lao động mắc Covid-19 (F0) điều trị tại nhà chưa thể tiếp cận với hỗ trợ từ Bảo hiểm xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TP HCM - cho hay, hiện nay, các trường hợp bị F0 chưa được thanh toán chế độ ốm đau chủ yếu là các trường hợp mắc Covid-19 cách ly điều trị tại nhà.
Theo quy định, chứng từ làm cơ sở để thanh toán chế độ ốm đau là giấy ra viện (nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở có thẩm quyền cấp (ngoại trú).
Tuy nhiên, các giấy tờ mà người lao động là F0 điều trị tại nhà cung cấp không đúng theo quy định của Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-.2017 của Bộ Y tế và Luật Bảo hiểm xã hội.
Vị này lấy ví dụ ở TP HCM, thì là giấy xác nhận hoàn thành cách ly của UBND xã phường cấp. Còn lại các trường hợp điều trị tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến đều được cấp giấy tờ đúng theo quy định.
Phó Giám đốc BHXH TP HCM cho hay, trên cơ sở Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19-11-2021 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, ngày 2-12-2021 Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 9000/STY-NVY hướng dẫn về việc Cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động là F0.
Theo đó, đối với trường hợp người lao động là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0): Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, bệnh viện điều trị Covid-19 cấp giấy ra viện đúng quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT .
Đối với trường hợp người lao động là F0 cách ly tại nhà, Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Trong trường hợp Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận vào vị trí "người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh", đơn vị chủ quản là Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.
Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày.
Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Theo BHXH TP HCM, kể từ ngày 24-11-2021, đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu, chưa đúng cho người lao động nghỉ ngoại trú quá 30 ngày cho một lần khám bệnh, chữa bệnh, người lao động liên hệ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Thông tư số 56/2017/TT-BYT .
"Như vậy, các trường hợp đã cấp các giấy tờ không đúng quy định trước 24-11-2021 vẫn còn vướng mắc" - ông Hà nói. Về những vướng mắc trên, hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với Bộ LĐTBXH, BHXH VN và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT để đảm bảo các quy định phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, sẽ xử lý luôn các vướng mắc về các giấy tờ đã cấp cho F0 trong thời gian vừa qua.