Nguyên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nặng đến thị trường tiêu dùng Việt Nam: Đơn hàng laptop, smartphone tăng vọt không có mà bán, giá "nhảy số" từng ngày

08/10/2021 20:18 PM | Kinh doanh

Dịch covid-19 và khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đối với việc sản xuất, nhập hàng hóa của các hãng công nghệ từ laptop đến smartphone.

Kể từ đầu năm 2021, tình trạng khan hàng, tăng giá đã xảy ra với một số mẫu laptop. Theo đó, các thương hiệu như Acer, Dell, HP đều tăng 5-10% giá máy. Ở thị trường smartphone không có tình trạng tăng giá nhưng một số sản phẩm mới liên tục gặp tình trạng thiếu hàng.

Theo đại diện các hãng, nhà bán lẻ, thị trường laptop, smartphone tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 sẽ diễn ra căng thẳng leo thang. Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu mua sắm của người dùng tăng cao nhưng việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện tại thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là khu vực châu Á, đại công xưởng của thế giới. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam là các nước sản xuất thiết bị phụ trợ và linh kiện thành phần laptop. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta.

 Nguyên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nặng đến thị trường tiêu dùng Việt Nam: Đơn hàng laptop, smartphone tăng vọt không có mà bán, giá nhảy số từng ngày  - Ảnh 1.

Nhiều thiết bị điện tử bị khan hàng, tăng giá tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, các nhà máy tại những quốc gia này đang hoạt động không đạt tối đa công suất vì thiếu lao động và các quy định giãn cách. Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu thô cũng tăng giá đáng kể vì dịch bệnh ảnh hưởng đến quá trình khai thác và vận chuyển. Do đó, giá toàn bộ các linh kiện cấu thành một chiếc laptop như CPU, GPU, màn hình, tụ nguồn, RAM, ổ cứng đều có mức giá tăng đáng kể.

Nhiều đơn đặt hàng laptop bị hủy

Theo đại diện hệ thống Thế Giới Di Động, ngành hàng laptop tháng 9 đã tăng 117% so với tháng 8 và doanh thu tăng 120%. Phần lớn các hãng đều thiếu hàng hóa trầm trọng, nguồn cung toàn cầu không đủ do nhu cầu quá lớn từ làm việc và học online tại nhà. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, thiếu nguyên liệu sản xuất như màn hình và chipset cũng ảnh hưởng nhiều.

Đại diện hệ thống FPT Shop, CellphoneS, GearVN cũng xác nhận tình trạng này. “Nguồn cung vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cả giai đoạn tháng 8, tháng 9 do việc phòng chống dịch. Trong khi cầu trong giai đoạn cuối tháng 9 ,đầu tháng 10 tăng đột biến do việc nới lỏng giãn cách và nhu cầu bị ‘nén’ trong thời gian dài”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám Đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop chia sẻ.

 Nguyên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nặng đến thị trường tiêu dùng Việt Nam: Đơn hàng laptop, smartphone tăng vọt không có mà bán, giá nhảy số từng ngày  - Ảnh 2.

Ngành hàng laptop tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch bệnh và khủng hoảng năng lượng.

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS, cho biết hiện tại các nhà phân phối mới đáp ứng được đơn đặt hàng từ quý III/2021. Trong khi đó, các hãng và nhà phân phối đã gửi đơn đặt hàng tới hết quý I/2022. Điều này cho thấy hiện tại năng lực sản xuất đang đi chậm cho với nhu cầu nửa năm. “Rất nhiều đơn đặt xong sẽ bị hủy và phải đặt lại do hiện tại giá linh kiện đầu vào không còn đáp ứng được với giá đặt hàng. Nhà phân phối sẽ phải lựa chọn đặt lại giá cao hoặc không có hàng”, ông Huy nói.

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng thiếu hàng laptop diễn ra ở hầu hết thương hiệu. Đặc biệt ở phân khúc laptop văn phòng dùng chip Intel Core i3. Nhìn chung, giá laptop đã tăng từ 5% - 10% tuỳ phân khúc từ đầu năm đến nay. Thậm chí, vào tháng 4, mẫu Macbook Air M1 được bán với giá 24,5 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên mức 29 triệu đồng nhưng nhiều nơi còn không có hàng để bán.

Theo ông Thái Lê Tú, Trưởng phòng truyền thông GearVN, trong thời gian tới, các thương hiệu máy tính như Dell, HP, Asus, Acer... đều có động thái tăng giá đối với tất cả dòng laptop. Các dòng laptop mới ra mắt cũng có mặt bằng giá cao hơn so với thế hệ trước.

“Dịch Covid-19 rõ ràng ảnh hưởng đến việc cung ứng. Dù nhà máy đã cơ bản đã ổn sau dịch, nhưng việc nhập hàng hóa thì vẫn đang khó khăn do thiếu nhân lực tại các khâu vận chuyển. Còn về khủng hoảng năng lượng thì không ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất của Acer. Dự kiến laptop sẽ tiếp tục khan hàng trong thời gian tới. Nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm nên nhiều khả năng là giá bán ra cho người dùng cuối sẽ tăng nhẹ. Trong trường hợp dịch được kiểm soát tốt thì phải đến hết quý I/2022 tình hình mới mới ổn định trở lại”, đại diện Acer Việt Nam nhận định.

Smartphone bắt đầu tăng giá

Theo các hệ thống bán lẻ, tình trạng khan hàng, tăng giá đã bắt đầu xuất hiện trên nhiều dòng smartphone. “Đối với iPhone 11, toàn bộ đơn hàng đặt từ quý III/2021 đã bị bị huỷ đơn và dời lại giao hàng sau năm 2022. iPhone 12 hiện tại đang khoá chưa đặt được thêm. Trong khi đó, iPhone 13 có lượng cung ứng về hàng rất, chỉ đáp ứng 50% so với nhu cầu đặt hàng. iPad, Macbook thời gian giao hàng bị kéo dài hơn 2-3 tuần so với trước đó. AirPod cũng đang thiếu hàng, hiện tại các nhà phân phối ở Việt Nam đã hết tồn kho”, ông Huy chia sẻ.

Bà Hoàng Minh Tâm, đại diện hệ thống Hoàng Hà Mobile cũng cho rằng trong giai đoạn đầu, số lượng hàng iPhone 13 Series chỉ đáp ứng được khoảng 9-10% nhu cầu tại thị trường Việt Nam. Điều này xảy ra là vô cùng đáng tiếc và ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàn. Do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 trên toàn cầu nên Apple gặp phải những vấn đề về nguồn cung linh, phụ kiện và nhân công lắp ráp. Một số thị trường khác ở Đông Nam Á như Singapore hay Malaysia thì nguồn cung iPhone 13 Series cũng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, theo dự kiến thì vào giai đoạn 2 (cuối tháng 11) thì lượng hàng hóa iPhone 13 sẽ dần ổn định hơn.

 Nguyên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nặng đến thị trường tiêu dùng Việt Nam: Đơn hàng laptop, smartphone tăng vọt không có mà bán, giá nhảy số từng ngày  - Ảnh 3.

Smartphone dần tăng giá và khan hàng.

Các hệ thống cho biết khá nhiều hãng smartphone Android cũng gặp tình trạng thiếu hàng như Apple. Không chỉ Xiaomi mà các hãng khác như Realme, Vivo, Nokia, cũng đang điều chỉnh lại giá của những dòng smartphone giá rẻ cho phù hợp với thị trường.

“Sản phẩm bán rất tốt như Xiaomi Redmi 9A lên kệ được 1 năm nhưng vẫn bị tăng giá niêm yết từ 2 triệu đồng lên mức 2,2 triệu đồng. Đây là điều gần như chưa từng xuất hiện ở ngành smartphone”, ông Nguyễn Lạc Huy nhận xét.

Các sản phẩm mới cũng chủ động nâng giá bán lẻ và đưa 1 lượng hàng về rất ít so với kế hoạch ban đầu. Đối với ông lớn Samsung thì 2 mẫu Galaxy Z Flip3 và Z Flod3 cũng thiếu hàng trầm trọng, lượng máy về cung cấp cho đại lý nhỏ giọt.

“Theo dự báo, lượng cung ứng chip bán dẫn và linh kiện trên toàn cầu của các hãng điện thoại sẽ càng thiếu hụt nghiêm trọng và kéo dài ít nhất đến hết năm nay. Bên cạnh đó, một phần do tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn đang căng thẳng, chúng tôi cho rằng việc này cũng sẽ làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến giá bán của các hãng sẽ đội lên đôi chút”, đại diện Realme Việt Nam nói.

Lê Trọng

Cùng chuyên mục
XEM