Bước vào một khu xưởng nằm gần Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình với đầy những thuyền và cano xếp ở ngoài, chúng tôi không nghĩ đây lại là nơi “ra lò” những chiếc motorhome đang gây xôn xao cộng đồng mạng trong thời gian qua. Đi sâu vào trong là một chiếc GAZ phong cách gần giống VW Kombi đang độ dở và một chiếc Hyundai Solati với logo “Phê phượt” quen thuộc. Ở phía xa là một chiếc GAZ khác vừa được hoàn thiện và đang chờ bàn giao cho vị chủ xe chịu chơi hiện sở hữu đến vài chiếc motorhome khác.
Đón chúng tôi tại xưởng là một người đàn ông trung tuổi, luôn xuất hiện với áo cộc tay, quần đùi và đôi dép lê đơn giản. Người đàn ông ấy là anh Nguyễn Hồng Sơn, một người có cả chục năm kinh nghiệm kinh doanh, sửa chữa cano, du thuyền và bắt đầu xây dựng mô hình thi công motorhome chuyên nghiệp tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Không chỉ là người làm nghề kỹ thuật và kinh doanh, anh Sơn còn thường sống với đam mê là những chuyến du lịch và trải nghiệm cùng thuyền và cano. Chiếc xe nào ở garage của anh Sơn cũng có móc phía sau để kéo cano đi theo, kể cả chiếc motorhome mà anh sở hữu. Có lẽ cũng vì niềm đam mê này mà anh mới bắt tay vào làm chiếc motorhome cho riêng mình.
Chiếc motorhome đầu tiên mà mình làm là chiếc Ford Transit. Ý tưởng làm motorhome là xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân thôi. Hồi đó mình vẫn đang làm cano, du thuyền. Sau những lúc làm việc thì trưa nào cũng phải nghỉ ngơi. Khi đó mới phát sinh nhu cầu là cần một chỗ ngủ trưa thoải mái, lại linh động, muốn ngủ lúc nào là được lúc đó. Hơn nữa, mình là người đam mê trải nghiệm du lịch, thích motorhome cũng lâu rồi.
Phong trào làm motorhome cũng đã có một thời gian rồi nhưng mình thấy nó không đúng là motorhome, anh em làm mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Mọi người không nghiên cứu cẩn thận, cứ bê nguyên đồ nội thất của nhà lên xe rất cồng kềnh và làm cho vận hành không ổn định. Nhà vệ sinh chẳng hạn, loại cho gia đình sóng sánh rất bẩn còn loại làm riêng cho motorhome nó không có nước, xả đóng gioăng kín luôn, không hề có mùi.
Mình lên Facebook cũng có thấy một số nhóm trao đổi về dòng xe này. Ngay từ cách dùng từ “mobihome” là mình thấy sai rồi, vì nước ngoài chỉ có khái niệm “motorhome” chứ không có “mobihome”.
Khi đó, mình xác định đã làm motorhome là phải ra motorhome đúng nghĩa nên chỉ tham khảo các nguồn tư liệu từ nước ngoài, xem YouTube thôi.
Ai cũng vậy thôi, khi mới bắt tay vào làm cái gì cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Về chiếc Transit, ban đầu để thiết kế tối ưu được không gian nội thất đã khó rồi, đến khi đưa được vật tư lên thì nó còn khó gấp bội. Điều hòa, tủ lạnh, nhà vệ sinh… không phải cứ món đồ nào ra mua ở ngoài cũng gắn được lên xe giống như gắn trong nhà đâu.
Mua đồ nào cũng cần phải quan tâm đến điện áp của nó. Điện trên xe phức tạp lắm, từ 5V, 12V, 48V, 220V rồi ai thích chơi đồ nội địa Nhật thì phải có 110V nữa. Hồi đầu có đưa thử tủ lạnh 220V lên xe nhưng không phù hợp lại phải đổi về tủ 12V. Bình nóng lạnh phải là 12V. Điều hòa, bếp từ thì dùng 220V. Nói cụ thể hơn về kỹ thuật thì dài dòng lắm, nói chung là thiết bị nào phải dùng nguồn điện phù hợp thì mới tối ưu nhất.
Mà điện lý thuyết cũng không giống thực tế đâu, không phải cứ nhìn thông số kỹ thuật rồi ráp lên xe là được. Ví dụ như trước đây mình đưa máy bơm lên xe, công suất máy ghi 100W, mình nghĩ trong đầu là bộ đổi nguồn dư sức tải, nhưng đến lúc lắp vào mới vỡ ra rằng nó không tải nổi. Con số 100W đó thực ra chia đều cho mỗi giờ chứ ở thời điểm khởi ban đầu, nó sẽ đẩy cao hơn rất nhiều. Rồi điều hòa cũng thế, chiếc điều hòa 1 HP tính ra hơn 700W thôi nhưng khi mới khởi động nó đẩy lên tận 2.000W hay 3.000W là chuyện bình thường.
Rất may, điện lại là nghề của mình. Trước đây, mình làm sửa máy tính, từng là giám đốc công ty sửa chữa laptop lớn tại Hà Nội, tiếp xúc rất nhiều bo mạch cho đến pin… nên những thứ về điện lại là ưu điểm của mình. Đối với motorhome, hệ thống sạc từ máy phát điện (dynamo) chỉ có bên mình triển khai. Sau này, các bên khác cũng sẽ làm được thôi, nhưng mình với lợi thế về mảng điện nên đi đầu thị trường. Thêm nữa, mảng pin cũng là thế mạnh của bên mình. Trước đây, khi sửa laptop, mình đều hiểu về việc làm pin, làm từng cell pin… nên việc làm pin mặt trời cho motorhome cũng đơn giản lắm.
Ngoài điện thì một thứ cũng cực kỳ quan trọng nữa trên xe là nước. Với 10 năm trong nghề làm cano và du thuyền, mình tính toán được phải thiết kế bể nước trên ô tô thế nào để không bị sóng sánh khi di chuyển. Đây là thứ không phải ai khi mới bắt tay vào làm motorhome cũng hiểu được, trong khi nó rất quan trọng để đảm bảo an toàn khi vận hành.
Có nhiều thứ thay đi thay lại đến rất nhiều lần. Hàng thì sẵn ở Alibaba và eBay nhưng không phải món nào thực tế cũng giống như mô tả, đến lúc lắp lên xe mới thấy không vừa, không phù hợp, lại phải bỏ. Riêng máy bơm nước thôi đã phải thay 5 lần 7 lượt rồi mới ngộ ra rằng dùng chung loại với du thuyền là phù hợp nhất. Rồi đồ mua nước ngoài đắt lắm chứ không rẻ. Buồn cười, bồn cầu Dometic nổi tiếng dùng cho motorhome mình phải đặt từ nước ngoài với giá đắt đỏ trong khi nó lại sản xuất ngay tại Bình Dương. Người Việt không thể mua được những món đồ như vậy tại xưởng ở Việt Nam mà phải chờ nhập về, cho dù nó được sản xuất ngay tại quê nhà, cũng giống như Apple hay Adidas đặt sản xuất điện thoại, quần áo ở Việt Nam vậy, phải xuất đi rồi nhập ngược trở lại.
Chi phí thì không thể nhớ nổi vì thay thế quá nhiều. Thế nhưng nó lại là học phí để mình có kiến thức, có trải nghiệm thực tế để từ chiếc thứ hai trở đi, mình làm nó tốt hơn rất nhiều.
Nó là sự tình cờ và cũng là cái duyên với anh Dũng - một vị Chủ tịch rất đam mê motorhome, người đồng hành với mình trong công ty hiện tại và cũng là người đặt nền móng cho mô hình chuyên nghiệp hiện nay. Anh Dũng là CEO của một công ty truyền thông quảng cáo lớn tại Việt Nam và cũng là người sáng lập ra Phê phượt.
Hồi đó, sau khi làm xong chiếc Transit, mình có chia sẻ hình ảnh lên một nhóm người đam mê dòng xe này trên Facebook. Anh Dũng thấy được bài đăng của mình, thấy thích quá nên nhắn tin rồi gọi điện 5 lần 7 lượt. Tuy nhiên, tính mình khi nhìn thấy người lạ gọi hay nhắn thì không trả lời, sau đó mình sẽ kiểm tra thông tin người vừa liên lạc là ai. Khi thấy Facebook anh Dũng để ảnh ăn mặc bảnh bao, sang chảnh, mình chợt nghĩ “thôi ông này chắc đa cấp rồi, không tin được”, nên mình cáo bận liên tục. Mình cũng không để ý đến vị khách lạ này nữa.
Phải cái anh Dũng là người rất kiên trì, tìm bằng được địa chỉ của xưởng mình để đến tận nơi. Đến khi anh Dũng đến tận xưởng trên một chiếc BMW và có tài xế riêng thì mình mới thay đổi cái nhìn về anh.
“Vị khách” đầu tiên này khi đó rất máu, đòi mua luôn chiếc Transit của mình, trả tiền luôn. Mình cũng cứng lại, bảo không bán vì đây là chiếc xe mình làm riêng cho nhu cầu bản thân. Thế rồi hai anh em nói chuyện qua lại rồi cũng bắt sóng được nhau, đều là những người đam mê cả. Mình có khuyên anh Dũng nên mua một chiếc Hyundai Solati để làm lại từ đầu, chứ đừng dùng chiếc Transit này nữa.
Có kinh nghiệm với Transit rồi nên chiếc Solati được làm chuẩn chỉ và chuyên nghiệp hơn, có vẽ 3D, có tính toán thiết kế tới từng chi tiết nhỏ, hệ thống điện và nước cũng được làm cẩn thận. Đây cũng chính là chiếc xe dùng để chào hàng sau này, khi mình và anh Dũng bắt tay hợp tác xây dựng mô hình làm motorhome chuyên nghiệp. Mình có nền tảng về kỹ thuật, còn anh Dũng có nguồn lực tài chính, mối quan hệ và truyền thông.
Khi xây dựng mô hình hiện nay thì mình đã trải qua một giai đoạn ban đầu, đó là tham khảo các YouTuber ở nước ngoài độ motorhome. Hiện nay, bên mình đang ở giai đoạn hai, là không xem YouTube nữa mà thay vào đó là xem hãng độ chuyên nghiệp ở nước ngoài họ làm thế nào thì mình học hỏi theo. Mình đang tự tin là những chiếc motorhome bên mình làm ra chất lượng hơn nhiều so với các YouTuber ở nước ngoài làm.
Khách đầu tiên tìm đến mình là từ bạn thân anh Dũng. Cũng nhờ các mối quan hệ của anh Dũng nên khách hàng bắt đầu tìm đến ngày càng nhiều. Khách cá nhân thì đến nay phải có mười mấy cái đang xếp hàng chờ làm tới Tết rồi, còn khách hàng doanh nghiệp thì mình cũng nhận 30 xe của ngân hàng. Có nhiều đơn hàng nữa nhưng mình chưa dám nhận vì rất bận, đang hẹn khách sang năm sau.
Những người đã chọn mua xe và làm motorhome đều là những người chịu chơi cả và họ đặc biệt rất yêu quý, giữ gìn chiếc xe của mình. Có nhiều khách tìm đến mình là công an và bác sĩ. Với công an, yêu cầu của họ đơn giản thôi vì chỉ cần chiếc xe để ngủ nghỉ trong lúc trực. Còn với bác sĩ, có lẽ họ có bệnh nghề nghiệp nên kỹ tính và khắt khe trong việc thiết kế xe lắm, như là yêu cầu có giường khám, rồi vị trí đặt máy X-quang… sao cho phù hợp. Bác sĩ thì công việc áp lực lại hay phải trực đêm trực hôm, nên có chiếc motorhome để nghỉ lại sẽ thoải mái hơn là nghỉ trong bệnh viện.
Có nhiều trường hợp hiện nay thích motorhome nhưng chưa thể làm được vì những yêu cầu đặc thù về phương tiện. Ví dụ như có những người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, người mẫu) họ cũng quan tâm rồi, nhưng họ thích tự lái nên cần xe số tự động để thuận tiện đi lại, trong khi hầu hết các dòng minivan phổ biến dùng số sàn. Có trường hợp khác, khách hàng là dân đi camp chuyên nghiệp nên cần xe hai cầu, trong khi các mẫu minivan hiện nay đều là một cầu.
Ngoài ra, còn có loại hình rất thú vị trong thời gian tới là văn phòng di động. 30 chiếc xe ngân hàng đang thi công chính là văn phòng di động đó. Vị lãnh đạo ngân hàng này chơi trội, quyết định mua những chiếc Hyundai Aero Space 54 chỗ, tháo sạch nội thất, sau đó thiết kế lại hoàn toàn để biến thành văn phòng, vừa làm phòng họp, phòng tiếp khách, lại có chỗ ngủ nghỉ. Hơn nữa, những chiếc xe này còn được đặt cả cây rút tiền gọi là STM, có đầy đủ nhân viên quầy để hỗ trợ khi cần thiết. Tính đến nay, đây là dự án khủng nhất mà bên mình đang thực hiện.
Bây giờ vẫn nhen nhóm nhưng 2-3 năm nữa nếu các rào cản về pháp lý được dỡ bỏ thì nó sẽ cực kỳ phát triển đấy, và có thể vươn lên tầm chuyên nghiệp.
Hiện tại, bên mình đã có kế hoạch và cũng trao đổi với một số bên khác về việc triển khai các địa điểm cắm trại (camping site) cho motorhome. Ở đó có đầy đủ cơ sở hạ tầng cho motorhome như điểm sạc điện, tiếp nước hay đổ chất thải… Theo mình thấy thì loại hình du lịch này sẽ thay thế dần homestay truyền thống, hoặc là các homestay sau này phải thay đổi, xây dựng những khu vực riêng phục vụ motorhome. Đầu tư vào mô hình như vậy có chi phí thấp hơn nhiều so với xây homestay truyền thống, hơn nữa motorhome sẽ phát triển trong tương lai, và dịch bệnh thế này người ta sẽ chọn cách thức du lịch an toàn hơn là ở trong motorhome thay vì thuê homestay để ở. Những người chọn ở motorhome không phải vì họ không có tiền đâu, thường thì họ rất giàu có đấy, nhưng bởi những phòng homestay, phòng khách sạn không đáp ứng được yêu cầu, nhất là về độ sạch sẽ, nên họ mới chọn ngủ trên chiếc motorhome của họ.
Loại hình thứ hai có tiềm năng trên thị trường là cho thuê motorhome. Chỉ một vài năm nữa thôi, người ta sẽ bắt đầu quen dần với việc thuê motorhome, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam cũng sẽ chọn hình thức này. Ví dụ, họ thuê xe từ Hà Nội đi vào Đà Nẵng nhưng không cần phải quay lại Hà Nội hay cẩu xe ra thủ đô để trả xe mà để luôn xe tại chi nhánh trong Đà Nẵng. Chiếc xe đó sau đó sẽ được cho thuê tiếp. Tâm lý của người thuê xe đi du lịch bao giờ cũng chỉ thích trải nghiệm một chiều thôi, đến nơi sẽ nghỉ ngơi và sau đó bay máy bay về. Cách thức du lịch thuê motorhome như thế này cũng rất an toàn trong mùa dịch. Trong tương lai, các địa điểm nghỉ chân, tiếp nước cho motorhome sẽ được xây dựng trên nhiều tuyến đường.
Nếu được, loại hình thuê motorhome có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra trong khu vực Đông Nam Á, như sang Lào, Campuchia hay Thái Lan. Motorhome chạy ở nước ngoài còn thuận lợi hơn cả tại Việt Nam. Cái này thì khó triển khai trong tương lai gần nhưng không phải là không thể.
Một loại hình hứa hẹn cũng sẽ rất dễ tiếp cận trong thời gian tới mà chúng tôi đang triển khai là loại lắp lên thùng bán tải. Hiện nay, số lượng người sử dụng bán tải rất nhiều. Thay vì phải độ hết lại thùng sau, khi đó, họ có thể thuê “home” lắp ghép lên chính chiếc bán tải của họ để thành một dạng như motorhome. Xe của họ, còn thùng nhà là của mình. Sân chơi này sẽ lớn đấy, bởi vì theo mình khảo sát thì nhu cầu là rất nhiều.
Pháp luật & bạn đọc