Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai: Kiến nghị việc cần làm ngay để giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong
PGS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai - cho biết để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 song song với hướng dẫn điều trị của Bộ Y Tế ban hành thì cần chú ý về vấn đề chăm sóc bệnh nhân.
BS Duệ cho rằng việc điều trị Covid-19 tầng 3 tại TP.HCM do thiếu nhân lực nên người bệnh chưa được chăm sóc chu đáo nhất là về dinh dưỡng, tâm lý.
Thực tế, theo bác sĩ Quan Thế Dân – Đại học Y Hà Nội đang làm việc hỗ trợ TP.HCM cho biết, nhân viên y tế vô cùng thiếu, họ phải "quay như chong chóng" trước diễn biến của bệnh. Thiếu nhất là điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc.
Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào. Vì vậy để duy trì công việc và giúp đỡ lẫn nhau, sau khi khám bệnh xong các bác sĩ đều làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước.
Nhiều bệnh nhân SpO2 tụt nhưng chỉ cần kiên trì cho ăn từng miếng thì SpO2 tăng lên, điều đó cho thấy người bệnh có thể bị suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng. Những người nặng đã có thể ăn bằng xông, hoặc nặng hơn truyền tĩnh mạch nhưng bệnh nhân thở oxy qua mask khó ăn, uống hơn.
Vì vậy, PGS Duệ đã gửi kiến nghị các biện pháp giảm số ca tử vong trong số đó cần ngay là tăng số người chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM.
Cần tăng số người chăm sóc để thực hiện 3 việc:
Thứ nhất, chú ý đến cho bệnh nhân ăn uống đủ tránh đói dẫn đến suy kiệt. Với những bệnh nhân khó thở, thở gấp suốt ngày, cùng với thở oxy dòng cao, mất nước rất dữ, người khô lại, máu cô đặc, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Người bệnh tất cả đều rất khát. Người nào còn khỏe thì còn tự uống được, và uống rất nhiều nước.
Nếu tình trạng này diễn ra lâu sẽ dẫn đến cô đặc máu và tăng đông máu, tụt huyết áp, suy thận với nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Thứ hai, thường xuyên động viên tinh thần bệnh nhân bằng lời nói, bằng sự tận tình chăm sóc ân cần trong suốt thời gian nằm viện, tránh cảm giác bị bỏ rơi, hoang mang tuyệt vọng và các biến chứng khác khi lực lượng nhân viên y tế đã quá tải, thiếu và kiệt sức.
PGS TS Phạm Duệ
Thứ ba, cho bệnh nhân kháng sinh sớm. Khi bệnh nhân có ho, sốt , khó thở và được uống corticoide thì virur và corticoide cùng làm giảm sức đề kháng của người bệnh dẫn đến rất dễ bội nhiễm vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Việc tăng người chăm sóc, PGS Duệ cho rằng có thể tăng thêm từ nguồn các tình nguyện viên tại địa phương đặc biệt là người nhà bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin.
Ngoài ra, chúng ta có thể huy động lực lượng đoàn viên thanh niên. Với tinh thần truyền thống thanh niên xung phong, theo PGS Duệ lực lượng này sẵn sàng lên đường.
Các lực lượng này có thể được bác sĩ và y tá cao cấp tổ chức tập huấn cho họ rồi đưa họ vào làm hộ lý dưới sự hướng dẫn của y tá tại các bệnh viện Covid-19.
Những nhân lực này sẽ giúp người bệnh ăn uống, trò chuyện tâm lý… Họ có thể hỗ trợ bệnh nhân ăn uống qua đường miệng nếu tỉnh và tự ăn được hoặc ăn qua ống hút; đưa thức ăn qua ống thông dạ dày nếu hôn mê, thở oxy hoặc thở máy; cùng y tá cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn bác sĩ, giúp bệnh nhân thay đổi tư thế chống loét, thực hiện liệu pháp vỗ rung chống tắc đờm, xẹp phổi, lau rửa cho bệnh nhân, chườm hạ nhiệt cho bệnh nhân. Họ có thể làm các biện pháp tâm lý cho người bệnh từ trò chuyện, động viên, tâm sự cùng bệnh nhân.
Tuy nhiên, để thực hiện điều trên PGS Duệ cho rằng cần có biện pháp và người hỗ trợ phù hợp tránh nguy hiểm cho bệnh nhân nếu đang thở oxy qua mặt nạ hoặc máy thở, rất dễ tăng nặng suy hô hấp nếu sơ suất khi cho ăn.
Khi nhân viên chăm sóc người bệnh đang thiếu, nhân lực y tế đã và đang làm việc quá tải thì việc tìm thêm nhân lực tình nguyện viên hỗ trợ người bệnh hoàn toàn hợp lý.