Nguyễn Công Phượng: Đón chào tuổi 24 trên đỉnh cao phong độ
Tuổi 24 là một bước ngoặt, khi người ta chông chênh giữa những đổi thay cuộc đời. Nhưng Công Phượng thì khác. Anh đủ trưởng thành để sẵn sàng cho những thử thách, dấn thân vào những cuộc chinh phục mới, theo đuổi giấc mơ vĩ đại hơn.
Ở một trận đấu lớn, bạn sẽ không có nhiều cơ hội. Để chiến thắng, cách duy nhất là chớp lấy ngay khi nó đến. Và Công Phượng đã làm thế trong buổi tối ở Dubai, vào phút 51.
Vài tiếng trước khi chính thức bước sang tuổi 24, tiền đạo xứ Nghệ tìm thấy không gian giữa hai trung vệ Jordan. Những bước chạy của anh hoàn toàn đồng bộ với cú tạt bóng của Trọng Hoàng, để rồi tung ra cú dứt điểm một chạm tung nóc lưới đối phương.
Một bàn thắng tuyệt vời, góp phần đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019 , đỉnh cao chói lọi trong lịch sử bóng đá nước nhà. Và đồng thời, đưa Phượng vào tuổi 24 với những cuộc chinh phục mới, theo đuổi giấc mơ vĩ đại hơn.
Khi những tia nắng cuối cùng tắt hẳn, rất nhanh, bóng tối ập đến cùng tiếng ếch đồng, côn trùng rỉ rả. Giữa âm thanh hỗn tạp, người ta vẫn nghe rõ tiếng bình bịch phát ra từ sân bóng. Ở đó, một cậu bé vẫn miệt mài chơi đùa với quả bóng, đá vào bức tường loang lổ, bong tróc hoặc rê dắt qua những đối thủ tưởng tượng.
“Thằng Phượng nó nhởi (chơi) kệ nó, đi về!”
Cứ thi thoảng lại một tiếng nạt vang lên, và đám trẻ rơi rụng dần để rồi cuối cùng chỉ còn lại một mình Công Phượng , như mọi khi.
Phải đến khi tối mịt, cậu mới trở về bên căn nhà xiêu vẹo bên ngọn đồi. Và cậu tiếp tục chơi bóng, ngoài cươi (sân), vẫn chỉ một mình.
Ở thôn Vồng Vổng, hay hầu hết các gia đình thuộc Đô Lương, đều chung một cảnh nghèo. Không ai có thể quên đi thực tế đó để chiều theo sở thích của con như nhà bà Hoa, ông Bảy. Thời gian có ích hơn nếu dành nó cho việc đi tru (chăn trâu), mần rọng (làm ruộng), hay lên nương.
Vì vậy, Phượng thường chỉ có một mình, đánh bạn với trái bóng.
Cho tới một hôm, cậu nói với mẹ: “Con buồn lắm mệ ơi! Con muốn có bạn”.
Và Phượng gia nhập trung tâm VHTT huyện Đô Lương, bắt đầu hành trình khó nhọc để trở thành cầu thủ. 3 ngày mỗi tuần, Phượng sẽ ngồi trên chiếc yên xe đạp cọc cạch để mẹ đưa tới trung tâm, trải qua quãng đường 17 cây số.
Vào những ngày nắng, mồ hồi ướt sũng áo, cả mẹ lẫn con. Gặp ngày mưa, con đường đất trở nên lầy lội đầy những sống trâu khiến chiếc xe tròng trành chực ngã, đồng thời bùn quấn chặt bánh xe khiến hai mẹ con khi tới nơi, khắp người lấm lem bùn đất.
Nhưng bất chấp, nắng hay mưa, dưới gió Lào bỏng rát hay giá lạnh ghê người, hai mẹ con vẫn cứ đi. Phượng không nghỉ ngày nào. Để sau mỗi khi trở về, lại khoe với mẹ, rằng đã tâng bóng được bao nhiêu quả không rơi, hay được thầy tập cho chơi cánh.
“Chơi cánh là răng?”, mẹ hỏi. “Là chạy hai bên đó mệ”, Phượng đáp, “Mệ phải lai con đi, nỏ (không) bỏ được mô (đâu)”. Rồi cậu nhóc lại đùa: “Mệ chở phải chở cho chuyên (chăm), nghỉ là thầy nỏ cho tập nữa đó”.
Nếu biết trước tương lai, rằng một ngày Công Phượng sẽ trở thành ngôi sao và niềm tự hào của đất nước, hẳn bà Hoa sẽ có thêm động lực để vượt qua tháng ngày gian khổ ấy. Tiếc là bà không có khả năng đó. Thậm chí cũng không nghĩ rằng cuộc đời của con trai sẽ gắn với trái bóng.
Thời điểm ấy, bà chỉ biết Phượng sẽ chỉ là Phượng khi được chơi cùng trái bóng. Nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt cậu con trai, bà lại quên hết mệt mỏi.
Nhiều lần, bà cũng không nỡ giục con ra về khi Phượng lay tay mẹ, “từ từ đã mệ ơi”. Hắn tiếc mà, dù khi ấy đã 8 giờ tối. Để sau đó, hai mẹ con lại lai nhau, mò mẫm đi 17 cây số để trở về, trên con đường tối đen không một ánh đèn.
Khi Phượng lớn hơn một chút để có thể tự đi xe đạp, cậu nói rằng sẽ đi một mình để mẹ đỡ vất vả. Nhưng nhìn cái dáng loắt choắt của con, bà Hoa không thể yên tâm. Bà mượn thêm cái xe đạp và lụi cụi theo sau. Cứ thế, hai mẹ con lại tiếp tục cùng nhau.
Họ chỉ tạm rời xa khi Phượng bị lò đào tạo Sông Lam Nghệ An trả lại, dù đã trúng tuyển, vì nhẹ cân. Một hành trình mới lại bắt đầu, từ lúc Phượng ngồi nhà và tìm kiếm cơ hội qua… TV.
Đó là một buổi chiều muộn, ông Bảy về nhà sau buổi đi xây, Phượng níu lại và nói: “Cha à, con thấy TV họ nói, Hoàng Anh Gia Lai đang tuyển người vào Học viện của Arsenal, lại chỉ chú trọng năng khiếu chứ không phải thể trạng. Cha cho con đi nhé”.
Vậy là cha anh, thay chân mẹ, giúp con chắp cánh ước mơ.
Mọi thứ diễn ra không hề dễ dàng. Thậm chí bây giờ nghĩ lạ, cha Công Phượng cho rằng đó là một kỳ công.
Qua người cháu ở Gia Lai, ông biết được lịch thi tuyển của HAGL - Arsenal JMG. Và nó diễn ra ngay mốt, trong khi ông nhận tin vào lúc 9h tối. Hai cha con lập tức thu vén đồ đạc, dắt vào người chút tiền rồi vội vã rời Đô Lương. Tới Vinh là hơn 4h, sau đó được người bến xe báo tin sét đánh: không có xe vào Gia Lai.
Trong sự tuyệt vọng, có người mách rằng, hãy bắt xe đi Đắk Lắk, bởi nó đi qua Gia Lai. Không nghĩ ngợi nhiều, hai cha con ông Bảy lấy vé, bị nêm chặt cứng trên chiếc xe khách suốt 20 tiếng đồng hồ để đến Gia Lai vào lúc 3h sáng.
Xuống xe rồi, họ mới thấy rằng những gì mình vừa trải qua mới thực sự hạnh phúc. Bởi khi ấy ngoài trời mưa như trút nước. Chú bé Công Phượng nép chặt vào cha, còn cha thì nép vào ngôi nhà ở lề đường, hy vọng mái hiện bé nhỏ giúp cả hai đỡ ướt hơn đôi chút.
Phải đến tảng sáng, một chiếc xe ôm mới xuất hiện để giải cứu hai cha con, sau khi nhận lại 150 ngàn, thâm hụt khá lớn vào số tiền mang theo.
Không có gì để tiếc nuối cả, bởi chỉ sau đó ít lâu, Phượng đã có mặt ở sân bóng Hoàng Anh Gia Lai để cho tất cả thấy anh có thể làm được những gì.
Câu chuyện sau đó, như đã biết, chỉ vài năm sau cậu bé nhỏ bé làng Vồng Vổng đã vươn mình trở thành tài năng lớn nhất đất nước hình chữ S và cùng với các đồng đội, liên tiếp đưa người hâm mộ vào những cuộc “đi bão” thâu đêm. Như đêm Chủ nhật, bàn thắng vào lưới Jordan khiến 90 triệu dân đất Việt mê đắm, bay bổng và cuồng quay.
Nhưng, Công Phượng vẫn thế. Vẫn cô đơn.
Trong lứa U23, hay đội hình tuyển Việt Nam hiện tại, không ai trải qua nhiều sóng gió như Phượng. Có những lúc, tưởng như anh sẽ bị nhấn chìm bởi tranh cãi tuổi tác, chuyện tình ồn ào đến phong độ giảm sút. Rất nhiều lần Phượng trở thành đề tài chế giễu. Và chỉ cần một pha bỏ lỡ, lập tức hàng ngàn lời lăng mạ hướng vào anh.
Không một lời giải thích hay biện minh, những khi ấy Phượng hoàn toàn im lặng. Anh nhận lấy cho riêng mình tất cả những đắng cay. Ngay cả với cha mẹ, anh cố tỏ ra mình ổn và trấn an họ bằng cách bông đùa.
“Đá bóng thì phải rứa (thế) chứ mệ, phải lúc nào muốn là đá vào mô?”, Phượng nói. Cũng giống như khi mẹ hỏi, “răng (sao) mà gầy rứa con?”, hắn chỉ cười: “Nỏ sao mô mệ. Mệ biết con một ngày chạy bao nhiêu cây số, đổ bao nhiêu mồ hôi không? Ở nhà vài ngày lại béo ra ngay đó”.
“Nỏ có chi mô, kệ người ta nói mệ ơi” trở thành câu cửa miệng để Phượng xử lý áp lực. Và chàng trai từng chơi bóng một mình trong đêm tối ở sân bóng Đô Lương chọn cách tập luyện để tốt hơn, tốt hơn nữa, nhằm đáp trả những chỉ trích bằng phong độ sân cỏ.
Độ tuổi 24 thường được mô tả là cái tuổi chông chênh giữa những đổi thay, lựa chọn cuộc đời, khi người ta chưa đủ chín chắn và còn vụng dại.
Phượng thì khác. Từ năm 16 tuổi anh đã đối mặt với áp lực, bắt đầu chống chọi với muôn vàn sóng gió. Và bây giờ, đủ trưởng thành để bình thản bước vào tuổi 24. Không có màu hồng, chỉ có thử thách. Nhưng Phượng đã sẵn sàng.
“Có chi mô mà”, anh sẽ nói. Và tiếp tục dấn thân, chỉ một mình.