Nguy cơ châu chấu sa mạc tấn công, Việt Nam lên kịch bản dùng radar, máy bay ứng phó
Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình và các kịch bản ứng phó với dịch châu chấu sa mạc có nguy cơ vào Việt Nam, trong đó đề xuất phương án dùng radar thời tiết, quân sự để phát hiện sớm, sử dụng máy bay để phun thuốc phòng trừ.
Theo Bộ NN&PTNT, dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi, Nam Á.
Dịch chấu sa mạc đã gây hại tại Pakistan, cuối tháng 5 đã xâm nhập vào phía Bắc và phía Tây Ấn Độ và có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Bangladesh, Myanmar, Lào hoặc các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và vào Việt Nam.
Nếu dịch bùng phát tại các khu vực kể trên, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, theo dõi việc hình thành đàn, thời gian và hướng di cư của đàn châu chấu sa mạc ở Pakistan và tình hình xâm nhập của chúng trên lãnh thổ Ấn Độ, Bangladesh, đặc biệt là Myanmar, Trung Quốc và Lào là rất quan trọng đối với Việt Nam.
Trong kịch bản báo cáo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần đặt mốc cảnh báo xa là khi dịch xâm nhập vào phía Nam Ấn Độ, Bangladesh và cảnh báo gần là khi chúng xâm nhập vào Myanmar, Trung Quốc (Vân Nam) và Lào.
Trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam mà không qua các nước kể trên thì lập tức chuyển sang phương án phòng chống trực tiếp.
Đối với phương án cảnh báo gần, Bộ NN&PTNT đề xuất huy động radar thời tiết, phối hợp với Bộ Quốc phòng sử dụng radar quân sự phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam. Thử nghiệm sử dụng các máy móc, thiết bị phun thuốc BVTV trong các điều kiện, môi trường tương đồng với châu chấu sa mạc (như châu chấu tre lưng vàng).
Trong trường hợp dịch châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam, nếu dịch trên diện rộng, khả năng phải huy động quân đội (Binh chủng hóa học, không quân), sẽ báo cáo Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban.
Cùng đó, cần huy động radar thời tiết, radar quân sự phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam hoặc di chuyển trong nội địa; ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu để cảnh báo các địa phương.
Khi đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc BVTV hóa học.
Châu chấu sa mạc nguy hiểm thế nào?
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đàn châu chấu sa mạc tại Đông Phi với số lượng ước tính hàng trăm triệu con (gồm nhiều đàn với số lượng khoảng 150 triệu con/đàn) bao phủ khoảng 2.400 km2.
Đàn châu chấu di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ khoảng 13 km/h, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không.
Nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng, 1/5 diện tích đồng cỏ, hoa màu trên thế giới bị tàn phá, đe dọa an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người.
Theo bản tin 27/5 về tình hình gây hại và dự báo về hướng di chuyển của châu chấu sa mạc của FAO, tại khu vực Đông Phi và bán đảo Ả Rập châu chấu sa mạc vẫn đang tiếp tục sinh sản và nhân đàn.
Tại khu vực Tây Nam Á châu chấu đang hình thành các đàn nhỏ tại khu vực đẻ trứng hàng năm. Đặc biệt tại Ấn Độ do chịu ảnh hưởng của những đợt gió mạnh bởi siêu bão Andama trong tháng 5/2020 nên một số đàn châu chấu đã di chuyển từ khu vực sinh sản tại khu vực giáp biên giới Pakistan tới phía Bắc và miền Trung Ấn Độ.
Theo Bộ NN&PTNT, khi mật độ quần thể châu chấu sa mạc trưởng thành tăng cao, chúng thường sống tập trung thành đàn lớn và di cư. Các đàn châu chấu được hình thành với bán kính khoảng một vài km và bay theo hướng gió thổi. Với đàn số lượng lớn, châu chấu sa mạc bay giống như những đám mây với độ cao trên 1.500-2.000 mét so với mặt đất.
Châu chấu xa mạc thường bay theo đàn, bay xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km. Chúng có thể bay đạt đến độ cao 2.000 mét. Với số lượng châu chấu lớn, dày đặc như một đám mây đen khổng lồ.
Một đàn châu chấu sa mạc trưởng thành có thể di chuyển nhiều hơn 100 km trong một ngày. Chúng có thể bay nhiều hơn 4.000 km trong một tháng và có thể bay một mạch 2.000 km ở độ cao trên 2.000m (quan sát từ Radar, FAO) với tốc độ 12-15 km/giờ và thời gian bay trung bình 9-12 tiếng mỗi ngày. Trong điều kiện không có gió, đàn châu chấu trưởng thành có thể bay 3 - 4 m/s.