Nguồn tiền để Masan Group thực hiện hàng loạt thương vụ M&A, xây dựng hệ sinh thái “đồ sộ”
“Cô đọng” trong một chuỗi WIN, nhưng sau vô số những lần mua bán vốn, trải dài mọi lĩnh vực từ khai thác mỏ đến ngân hàng, hệ sinh thái của Tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sáng lập tính đến tháng 9/2022 đã rất “đồ sộ”.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng đa tiện ích WIN tại Hà Nội và TP. HCM. WIN phục vụ các nhu cầu cơ bản hàng ngày của người tiêu dùng như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi).
Xuất phát điểm từ một nhà máy sản xuất gia vị tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm, Masan đã chi hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chiến lược M&A (mua bán và sáp nhập), xây dựng hệ sinh thái để hiện thực hóa điều mà họ gọi là tầm nhìn Point of Life: Sở hữu chuỗi giá trị từ sản xuất thực phẩm, bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện ích và dịch vụ tài chính đáp ứng 80% nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.
“Cô đọng” trong một chuỗi WIN, nhưng sau vô số những lần mua bán vốn, trải dài mọi lĩnh vực từ khai thác mỏ đến ngân hàng, hệ sinh thái của Tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sáng lập tính đến tháng 9/2022 đã “đồ sộ” như sau:
Thiết kế: Đức Hải
Tóm tắt hệ sinh thái Masan Corp
Masan Group là doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, đứng ra thực hiện các thương vụ M&A nổi tiếng và thường được gọi "tắt" là Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Nhưng nói chính xác thì ông Quang nắm cổ phần tại Masan Corp – doanh nghiệp này nắm 31,2% cổ phần của Masan Group, đồng thời sở hữu công ty Hoa Hướng Dương – đơn vị nắm 13,32% cổ phần của Masan Group.
Một tỷ phú khác góp vốn trong Masan Corp là Hồ Hùng Anh, có sự nghiệp riêng gắn với Techcombank, One Mount và Masterise Group. Ông Hồ Hùng Anh hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Techcombank – ngân hàng do Masan Group nắm gần 15% cổ phần và một công ty con của MSN là Masan Horizon nắm gần 5% thông qua Mapleleaf.
Masan Horizon, The SHERPA và The CrownX là 3 pháp nhân chính quản lý các nhóm thành viên trong hệ sinh thái to lớn của Masan. Trong đó, Masan Horizon nắm mảng thịt và khoáng sản. The CrownX nắm lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, The SHERPA nắm F&B và công nghệ (Phúc Long, mạng di động Reddi và Trustingsocial).
Nguồn tiền để hiện thực Point of Life của tỷ phú
Năm 2020, Masan Group phát hành trái phiếu trong nước, huy động 10.000 tỷ đồng qua 4 đợt. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023.
Vào tháng 1/2021, Masan Group tiếp tục thực hiện chào bán ra công chúng thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của riêng công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng. Trong số này có 14.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3-8/2023, tức trong vòng 1 năm tới và 4.000 tỷ đáo hạn vào tháng 1/2024.
Các công ty con của Masan cũng có dư nợ trái phiếu với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đang lưu hành 6.300 tỷ đồng, WinCommerce lưu hành 4.500 tỷ đồng, Masan Hightech Materials đạt giá trị 3.000 tỷ đồng, Masan Consumer Holdings là 2.100 tỷ đồng...
Gần 9.000 tỷ đồng cho M&A trong 9 tháng đầu năm 2022
Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, 3 thương vụ với tổng giá trị hơn 8.900 tỷ đồng đã tiếp tục nối dài công cuộc M&A của Masan Group trong nhiều năm qua.
Ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp, đã mua 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với tổng số tiền thanh toán là 3.617 tỷ đồng, nâng lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage từ 51% lên 85%.Trước đó, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỷ đồng, chuyển từ công ty liên kết thành công ty con sở hữu gián tiếp.
Sau 2 lần rót vốn, Masan tiếp tục nâng định giá của Phúc Long lên mức 10.640 tỷ đồng (450 triệu USD).
Ngay trước đó nửa tháng, H.C. Starck Tungsten Powders (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MHT) ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh (tương đương 52 triệu Euro - khoảng 1.300 tỷ đồng) cho 15% vốn chủ sở hữu Nyobolt Limited, một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất vào Nyobolt ở vòng Series B.
Vào tháng 4, Masan Group cho biết đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) mua 25% cổ phần của Công ty cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. (Singapore). Trusting Social sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2).
2 năm 2020 - 2021 bùng nổ M&A với nguồn tiền đầu tư từ các Tập đoàn ngoại
Vào những ngày cuối năm 2020, từ tay Vingroup, Masan mua lại 83,74% cổ phần của VinCommerce - đơn vị quản lý hệ thống VinMart, VinMart+. Giá trị thương vụ này khoảng 5.400 tỷ đồng.
Tiếp sau đó là dồn dập những hoạt động mua bán cổ phần, nhận vốn đầu tư của Masan và các công ty thuộc hệ sinh thái trong năm 2021.
Đầu tháng 4/2021, VinCommerce (nay là WinCommerce) bán 16,26% cổ phần trị giá 410 triệu USD cho SK Group.
Đến tháng 5, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
Cũng trong tháng này, The SHERPA mua Phúc Long Heritage lần đầu tiên với tỷ lệ 20% cổ phần, giá 346 tỷ đồng.
Tháng 9, Masan mua lại 70% cổ phần Mobicast - công ty sở hữu mạng di động ảo Reddi.
Đến tháng 11, Masan chia tay mảng thức ăn chăn nuôi bằng việc bán mảng này cho De Heus Việt Nam với giá 600-700 triệu USD. Trong khi đó, SK Group chi thêm 340 triệu USD để mua lại 4,9% cổ phần The CrownX.
Tháng 12/2021, TPG, Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings tiếp tục đầu tư thêm 350 triệu USD vào The CrownX.
Tổng số vốn mà Tập đoàn Masan nhận được trong riêng năm 2021 ước tính gần 2,3 tỷ USD. Con số này gần bằng tổng vốn đầu tư Masan nhận được trong suốt 11 năm kể từ khi lên sàn chứng khoán (2009-2020) – khoảng 2,4 tỷ USD.
Trong lịch sử hoạt động của Masan Group, các thương vụ mua cổ phần nổi tiếng khác là Vinacafe Biên Hòa, Masan Resources, Nước khoáng Vĩnh Hảo, VISSAN, Cholimex, bột giặt NET...
Tại một lần phỏng vấn, ông Danny Le - Tổng giám đốc của Masan Group từng đề cập đến việc công ty đang xem xét các lĩnh vực gồm logistics, chuỗi cung ứng và fintech để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử của Masan.