Người Việt trong mắt chuyên gia nước ngoài: Đồng nghiệp chăm chỉ nhưng yếu tư duy chiến lược, sếp Việt thì tư duy toàn cầu và tính công bằng suýt chạm ngưỡng trung bình

22/08/2019 08:04 AM | Kinh doanh

Nếu chấm theo thang điểm 5, chân dung sếp Việt trong mắt các chuyên gia nước ngoài có thang điểm như sau: Đáng tin cậy (3,39 điểm); Khả năng xây dựng đội ngũ (3,3)… Hai yếu tố được đánh giá chạm ngưỡng trung bình là Tư duy toàn cầu (3,06); và Sự công bằng (3,03).

Theo báo cáo "Ứng viên nước ngoài: Thách thức và kỳ vọng khi làm việc tại Việt Nam" của Navigos Group, khi được hỏi về "điều tốt nhất khi làm việc tại Việt Nam", các chuyên gia nước ngoài cho biết top 3 các yếu tố đi đầu đều liên quan đến các điều kiện sống.

Trong đó, 18% cho rằng Việt Nam cho họ có những "trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống"; 17% cho rằng họ có "thu nhập cao hơn (so với nước họ đang sống) và chi phí cho mức sống thấp hơn; 17% cho rằng "Việt Nam có tình trạng an toàn (về mặt địa lý và chính trị).

Khi đánh giá các yếu tố khiến họ hài lòng nhất khi làm việc tại Việt Nam, xếp trên thang điểm 5, hai yếu tố đứng đầu danh sách lần lượt là: Mối quan hệ với các đồng nghiệp (4 điểm); Cảm giác "thuộc về" công ty và cộng đồng (3,77).

Đồng nghiệp Việt rất chăm chỉ nhưng chưa mạnh các kỹ năng tư duy

Người Việt trong mắt chuyên gia nước ngoài: Đồng nghiệp chăm chỉ nhưng yếu tư duy chiến lược, sếp Việt thì tư duy toàn cầu và tính công bằng suýt chạm ngưỡng trung bình - Ảnh 1.

Khi được hỏi về quan điểm nhìn nhận các "yếu tố kỹ năng của đồng nghiệp Việt Nam", top 3 các yếu tố được đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao lần lượt là: Làm việc chăm chỉ (3,93); Khả năng linh hoạt (3,45); Tính chính trực (3,39) (trên thang điểm 5).

Tuy nhiên, có 2 yếu tố nằm cuối danh sách và được đánh giá ở dưới mức trung bình đều liên quan đến kỹ năng tư duy, đó là: Tư duy suy nghĩ chiến lược (2,94); Tư duy toàn cầu (2,87).

Chân dung sếp Việt trong mắt người nước ngoài

½ ý kiến người nước ngoài cho biết "phong cách quản lý chỉ đạo từ trên xuống" là mô tả đúng nhất về cách Quản lý tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, nhóm lãnh đạo theo xu hướng mới của toàn cầu chỉ chiếm 18% ý kiến, trong đó có 10% cho rằng cũng tương tự như phong cách lãnh đạo trên toàn cầu, 8% cho rằng tại Việt Nam, người Quản lý có "phong cách lãnh đạo mang tính giao thoa văn hóa."

Người Việt trong mắt chuyên gia nước ngoài: Đồng nghiệp chăm chỉ nhưng yếu tư duy chiến lược, sếp Việt thì tư duy toàn cầu và tính công bằng suýt chạm ngưỡng trung bình - Ảnh 2.

Khi được hỏi đánh giá mức độ hài lòng khác nhau về các yếu tố trong phong cách lãnh đạo, hầu hết tất cả các yếu tố được đánh giá trên mức 3 điểm.

Theo đó 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là: Đáng tin cậy (3,39); Khả năng xây dựng đội ngũ (3,3); và Kỹ năng giải quyết vấn đề (3,21).

Hai yếu tố được đánh giá chạm ngưỡng trung bình là Tư duy toàn cầu (3,06); và Sự công bằng (3,03)

Navigos Group đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam nên có các chính sách thăng tiến rõ ràng và công bằng cho người nước ngoài. Mặc dù số ứng viên mong muốn được thăng tiến và làm việc tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng ¼, tuy nhiên, vẫn xuất hiện những dấu hiệu của việc thiếu sự công bằng cho các nhân viên nước ngoài, thông qua cách họ đánh giá về người lãnh đạo (thiếu sự công minh), và chính sách ưu tiên người bản xứ là rào cản đến việc thăng tiến hơn tại doanh nghiệp.

Các chính sách cởi mở và công bằng trong việc thăng tiến đối với những nhân viên nước ngoài thế hiện sự cam kết gắn bó với doanh nghiệp là điều cần thiết, nhằm hướng đến một môi trường đa dạng hóa và bền vững.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc mang phong cách lãnh đạo của toàn cầu.

"Hiện nay phong cách lãnh đạo "áp từ trên xuống" không còn thực sự hiệu quả đối với những môi trường làm việc có tính chất đa dạng hóa về văn hóa và quốc tịch. Nhằm tạo ra một môi trường làm việc hiệu suất hóa được năng lực của nhân viên, doanh nghiệp có thể hướng đến các mô hình quản lý mang tính trao quyền hơn như "đi từ dưới lên" (bottom up), "chỉ hướng đến kết quả" không giám sát chi tiết, đồng thời kết hợp những phong cách khác nhau để phù hợp với môi trường làm việc đa văn hóa", báo cáo của Navigos Group đề xuất.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM