Người Việt Nam làm chuối nếp nướng ngon nhất thế giới: Từ hộ nghèo bán rong đến doanh thu 400 triệu đồng/tháng
3 quán chuối nếp nướng của cô Út Lúa mỗi ngày bán hết 1.000 phần, đem lại doanh thu 15 triệu đồng. Đây là món ăn đường phố ngon nhất được vinh danh tại Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới tổ chức tại Singapore, do cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain trao tặng.
Trời Sài Gòn bữa nay nắng chang chang, nóng tới nỗi đứng không thôi, mồ hôi cũng rơi ướt lưng áo, nhưng cô Út Lúa (Ngô Thị Bích Thủy, 63 tuổi) vẫn bán chuối nếp nướng. Cô Út để tóc đen, cắt ngắn ngang vai và không bao giờ búi lên. Dáng người cô mảnh dẻ, lại luôn bận áo bà ba sặc sỡ, chân đi guốc mộc, đầu đội nón lá, nên nhìn xa xa, vẫn tựa như người phụ nữ còn trẻ.
Cao điểm buổi chiều lúc tan tầm, quán chuối nướng trên đường Phan Đăng Lưu (Sài Gòn) rất đông khách. Tiếng khách gọi đồ rộn rã, náo nhiệt. Cô Út vừa lo thu tiền, vừa lo làm chuối, tất tả chạy qua chạy lại, vậy mà mỗi khi nghe tiếng khách kêu đồ, người phụ nữ lớn tuổi như cô vẫn đáp tiếng "dạ" rất dễ thương.
Nhìn gương mặt vui vẻ, hay cười của cô Út Lúa bây giờ, ít ai nghĩ, cô lại có một quá khứ nhiều truân chuyên. Xuất thân trong gia đình giàu có, tốt nghiệp trường Marie Curie, nhưng cô Út không đi theo con đường ba má mong đợi. Năm thứ nhất ĐH Kiến trúc, cô Út bỏ ngang rồi đòi đi lấy chồng. Mà người cô thương lại nghèo, nên gia đình kiên quyết cấm cản.
"Cái hồi đó cô không nghe lời gia đình, thích lấy chồng nghèo mà đẹp trai. Nài nỉ mãi rồi khóc lên khóc xuống, gia đình mới chịu. Nhưng ba má thu hết tiền mừng cưới, cho cô đi lấy chồng với đôi bàn tay trắng".
Cứ nghĩ sau khi kết hôn, vợ chồng sẽ tu chí làm ăn, kiếm tiền nuôi nhau, nào ngờ hạnh phúc không bền lâu. Người chồng của cô Út thường xuyên rượu chè, đánh đập, chửi bới cô. Được mấy năm, cô Út ẵm người con trai duy nhất ra ở riêng rồi ly hôn với chồng.
Căn nhà chồng chia cho cô rộng vỏn vẹn 8m2 nằm trên đường Phan Đăng Lưu. Cô Út lúc đó đi bán rong đủ thứ, từ trứng vịt lộn đến đồ ăn vặt mà vẫn không đủ sống. Ngồi giữa căn nhà chật chội, không biết làm gì mưu sinh, cô Út bèn nghĩ ra nghề bán chuối nếp nướng trên chiếc xe đẩy dạo khắp phố.
Món này cô học từ nhà chồng. Nhưng từ công thức cũ, cô đã cải biến đi nhiều. Để có trái chuối nướng ngon, ngày nào cô cũng lặn lội đi chợ đầu mối từ lúc tờ mờ sáng, lựa chuối sim (chuối miền Tây) mỏng vỏ, ngọt lịm, ruột vàng ươm. Giá chuối này thường mắc hơn chuối miền Đông có vị chua và chát. Nhưng cô Út nghĩ, mình bán hàng, cần nhất là có khách quay lại.
Nước cốt dừa cô chọn làm từ dừa Bến Tre, ép ra nước cốt sánh, ngọt và rất béo. Bí quyết của cô là chọn nếp ngon, nấu lẫn với nước cốt dừa ngay từ đầu. Khi lấy loại xôi đó bọc vô trái chuối, cuốn lá chuối rồi nướng lên, thì sẽ dậy mùi rất thơm. Công đoạn cuối cùng là chờ chuối chín, cắt thành từng miếng nhỏ, tưới nước cốt dừa lên, rắc thêm dừa nạo, đậu phộng vào ăn kèm.
Món này dân dã và rất dễ làm, chỉ hơi lỉnh kỉnh vì phải chuẩn bị nhiều thứ. Tuy nhiên, muốn làm ngon lại không dễ. Nấu xôi sao cho dẻo, ngon, nướng chuối đến chừng nào là đủ thì phải người làm nhiều lần mới quen tay.
"Vậy nên công thức có bao nhiêu, cô lên truyền hình nói hết rồi. Cô không sợ mất thương hiệu, tại vì cô đã có thương hiệu rồi. Còn nếu mình không có thương hiệu, có nói ra hay không nói ra, thì mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục trái chuối, đâu phải giấu làm gì".
Dần dà khi theo nghề làm chuối nếp nướng, được khách hàng ủng hộ, cô Út thấy yêu cái nghề này và dồn hết tâm sức cho nó. "Nhiều người khi bán đông khách hơn một xíu là nghĩ tới chuyện bớt xén hoặc tăng giá để kiếm lời nhiều hơn. Cô không cần, cô chỉ muốn làm ra trái chuối thật ngon, giá vừa phải để ai ăn cũng thích".
Mặc dù với mỗi phần chuối giá 15.000 đồng, cô Út thu lời ít vì còn phải trả tiền nguyên liệu, nhân công. Nhưng cô tin, chỉ khi nào mình bán đắt khách thì mới lời, chứ ế hàng là lỗ. Mỗi ngày, cô đều tự mày mò, cố gắng nướng chuối sao cho ngày hôm nay, ngon hơn ngày hôm qua đã làm.
Cứ như thế, qua nhiều năm, xe chuối đẩy trên đường Phan Đăng Lưu dần nổi tiếng. Ở trên mạng, cô được bình chọn là người làm chuối nếp nướng ngon nhất Sài Gòn. Nhưng dù thế, cô Út vẫn nghèo, thuộc diện nghèo nhất của TP.
Quanh năm cô Út bán chuối giữa đường, dầm nắng phơi mưa, vừa bán vừa lo sợ bị công an đuổi.
Phải đến năm 2013, một sự kiện xảy ra như bước ngoặt, mới làm cuộc đời cô Út thay đổi. Từ gánh hàng rong, cô mua được căn nhà mặt tiền, tậu xe hơi và thuê địa điểm mở thêm 2 quán chuối nướng nữa. Bây giờ 3 quán chuối của cô đều đông khách, mỗi ngày bán hết 1.000 phần. Chưa trừ đi các chi phí, doanh thu mỗi tháng lên tới 450 triệu đồng.
Năm đó Singapore tổ chức Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới, mời 48 nước tham gia. Đại sứ Ẩm thực Việt Nam là anh Võ Quốc, được mời đứng chủ nhiều quầy hàng ẩm thực Việt (bánh canh, bánh đa cua, chuối nếp nướng…). Nhưng thay vì tự nấu tất cả các món, anh Quốc mời thêm nhiều đầu bếp nấu ngon ở Việt Nam qua Singapore, để cùng quảng bá ẩm thực.
Trong số nhiều người cùng đi, có cô Út Lúa. Ban tổ chức ở Singapore thỏa thuận, mọi chi phí ăn ở, vé máy bay và nguyên liệu, họ đều lo hết. Cô Út chỉ cần bán chuối 15 ngày, họ sẽ trả công 2.000 USD, bất kể quầy hàng của cô đông hay vắng khách.
"Lúc đó, con trai cô mới hỏi, kiểu gì cũng có 2.000 đô mang về. Vậy giờ má muốn bán đông hay vắng khách. Vì bán ít thì mình nhàn, còn bán đông thì mình mệt, trong khi tiền cũng chỉ có bấy nhiêu. Cái nghe xong cô mới nói: "Vất thì chịu vất chứ đã bán thì má chỉ thích đông khách, chứ không lẽ để người ta đi ngang đây, thấy gian hàng cắm cờ Việt Nam mà vắng hoe".
Con trai cô nghe vậy, liền nghĩ cách thiết kế gian hàng đúng chất đồng quê với những gánh lúa và hoa cỏ bày xung quanh. Cô Út Lúa xin với BTC cấp cho 4 bếp than hoa, đặt ngay ngoài gian hàng, cuốn chuối trực tiếp cho khách xem. Khi nướng chuối, khói bay nghi ngút, mùi chuối bốc lên thơm nức, khiến mọi người phải chú ý.
Vẫn như hàng ngày, cô Út bận áo bà ba, đi guốc mộc. Qua Singapore thì con trai cô mặc áo dài. Nhìn tổng quan mọi thứ, từ trang phục người bán đến thiết kế gian hàng, mùi vị món ăn, quầy chuối của cô Út nổi bật hơn hẳn những quầy hàng xung quanh. Khách kéo đến chụp hình, check-in rất đông. Người nọ truyền tai người kia, khiến hàng chuối của cô đông khách nhất trong Lễ hội năm đó.
Suốt 15 ngày bán chuối, khách kéo đến đông tới nỗi, có thời điểm, BTC phải giành ra 1 giờ để phân luồng, khuyên khách hàng tràn qua các gian khác nhưng họ không chịu. Rất nhiều khách tự nguyên chịu khổ, xếp hàng chờ cả tiếng để ăn thử món chuối nếp nướng độc lạ của Việt Nam.
"Cái hay là nhiều nước không sẵn nguyên liệu làm món này và họ cũng không biết kết hợp lạ như mình. Cô đi nhiều nước rồi thì cô thấy, họ chế biến chuối đơn giản lắm, thường sấy, chiên, làm caramen này nọ, chứ không biết bọc nếp nướng lên như mình. Cái món này của cô nó cũng mộc mạc nhưng dễ thương, từ hình thức đến mùi vị rất được khách ưa chuộng".
Ở Việt Nam, món này bán có 15.000 đồng/ phần nhưng qua Singapore, giá là 4,5 đô Sing, đắt hơn mấy chục lần. Vậy mà nó vẫn là món rất rẻ so với mặt bằng chung. Khách quốc tế ai cũng ngạc nhiên, không hiểu vì sao với giá rẻ như thế, người Việt lại làm ra món ăn ngon, chất lượng tới như vậy.
Bấy giờ các báo, đài nổi tiếng thế giới như CNN, BBC, RT… đều tới ghi hình ở gian hàng của cô Út Lúa. Con trai cô cũng khá rành về mạng xã hội, nên khi thấy đông khách thường phỏng vấn khách rồi quay video đưa lên mạng. Sau này khi về nước, các báo trong nước tìm tới phỏng vấn thì anh cung cấp lại những tư liệu đó. Vì thế, hàng chuối của cô tạo ra tiếng vang lớn, nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.
Kết thúc Lễ hội ẩm thực đường phố, món chuối nếp nướng của cô Út Lúa được trao giải món ăn đường phố ngon nhất, do chính tay cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain trao tặng kỷ niệm chương.
Sau này, các lễ hội ẩm thực đường phố tổ chức tại Trung Quốc, HongKong, Indonesia, Philipines…, cô Út Lúa đều được mời đi. Và vẫn như năm xưa, quán chuối nếp nướng của cô luôn là gian hàng đông khách nhất.
"Có một lần ở bên Philipines, có cô gái rất xinh qua ăn chuối của quầy cô. Con trai cô hỏi thăm mới biết cô đó là người nổi tiếng ở bển, vì từng ăn đồ Việt Nam và rất thích, nên khi thấy quầy hàng cắm cờ Việt Nam thì ghé ăn thử. Con trai cô nói chuyện, chụp hình rồi xin địa chỉ facebook cổ. Mấy bữa sau, thấy cô ấy đăng hình khen món chuối của nước mình rồi lần lượt các Đại sứ, Thị trưởng ở bển đều ghé gian hàng cô ăn chuối nướng. Lúc đó mình thấy tự hào lắm vì đâu nghĩ món mình làm có ngày được đãi quan khách nước ngoài".
Khi hàng chuối nổi tiếng, mẹ con cô Út Lúa bán đắt khách hơn, dần dần mở được cửa tiệm, mua được nhà, tậu được xe. Thấy cô làm ăn khá, nhiều người có tiền tìm tới hỏi mua lại thương hiệu với giá hàng tỷ đồng.
"Nhưng cô không bán. Cô nghĩ mình tạo ra tiền chứ tiền không tạo ra mình. Để có được thương hiệu này là sự giúp đỡ của bao nhiêu người, từ lúc còn là xe bán chuối dạo đến giờ, rồi bán đi, mình còn gì".
Cũng có người thấy mẹ con cô phất lên thì ghen tức. Ngay ở Lễ hội ẩm thực tại Singapore năm đó, nhiều chủ quầy hàng là người Việt, thấy cô bán đắt khách, phải sang xin thêm nguyên liệu thì gây lộn. Anh Võ Quốc biết chuyện, góp ý thì họ làm căng. Có người bỏ về, để trống một gian hàng.
"Có nhiều người mừng cho mình, nhưng cũng có người nói món này có gì đâu, chẳng qua là cô làm truyền thông quá lố, hoặc ăn may được ra nước ngoài… Nhưng cô nói thiệt, món này đơn giản vầy nhưng quan trọng có làm được ngon hay không. Rồi người mình có dám ra nước ngoài không, chứ mẹ con cô nghèo vậy đó nhưng cũng dám đi, và vì không có tiền nên mình quảng bá từ những món đơn giản nhất như vậy".
Bảy năm qua, cô Út Lúa theo chân những lễ hội ẩm thực đường phố và có cơ hội ra nước ngoài khá nhiều. Đến đâu, cô cũng thấy đồ ăn Việt được chào đón nhiệt tình. Những quán phở, bún chả, bánh mì… khách đông xếp hàng.
"Việt Nam có nhiều món lắm, chứ nước ngoài có gì hơn mình, họ làm sao phong phú đồ ăn như vậy. Mình thấy đồ nước mình được chào đón thì tự hào lắm chứ, nhưng rầu là ở chỗ, hỏi ra mới biết mấy quán đó, chủ toàn là người nước ngoài chứ không phải là người Việt".
Cho nên cô Út Lúa nói, quán chuối nếp nướng của cô giờ đông khách rồi, nhưng cô vẫn trăn trở với mong muốn mở cửa tiệm ở nước ngoài, để người bên các nước được ăn món này thường xuyên hơn và biết tới cái hay của ẩm thực Việt Nam./