Người Việt làm quen với giao dịch ngân hàng qua Facebook Messenger
Facebook Messenger được hàng triệu người Việt Nam sử dụng hàng ngày để nhắn tin, thực hiện cuộc gọi, chia sẻ dữ liệu,… . Nay, họ còn có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng như mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… bằng Facebook Messenger trên một kênh giao dịch mới ra mắt của Ngân hàng MB.
Facebook Messenger đang làm thay đổi dịch vụ ngân hàng. Nền tảng này mở ra nhiều cánh cửa cho tương tác kỹ thuật số. Khi khách hàng gửi đến một yêu cầu bằng tin nhắn, doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý yêu cầu này, sau đó phản hồi trở lại với khách hàng của họ bằng những chỉ dẫn ngôn ngữ. Đây là trải nghiệm nhanh hơn và thú vị hơn so với ứng dụng di động (app), vốn thường đòi hỏi người dùng phải click vào nhiều đường dẫn, tải trang mới, và chờ xác thực.
Ngay từ tháng 9/2016, ATB Financial – một định chế tài chính ở khu vực Bắc Mỹ, đã tiên phong triển khai một “chatbot” (tác nhân đàm thoại có thể đọc hiểu tin nhắn, rồi trả lời) trên Facebook Messenger với tiện ích khởi đầu là kiểm tra số dư tài khoản và các giao dịch gần nhất. Tới đầu năm 2017, ngân hàng Ấn Độ HDFC Bank cũng dựa vào nền tảng tin nhắn của Facebook để giúp khách hàng thanh toán hoá đơn, đặt xe taxi. Cùng thời điểm, ngân hàng lâu đời nhất Singapore là POSB cho phép người dùng Facebook Messenger thực hiệng giao dịch chuyển khoản. Những bước đi tiếp theo thuộc về các ông lớn như TransferWise, Mastercard, Paypal,… qua việc sử dụng Facebook Messenger để cung cấp dịch vụ tiện ích cho khách hàng.
Ngân hàng và khách hàng hưởng lợi gì?
Theo nhận định của trang Business Insider, báo điện tử nổi tiếng tại Mỹ chuyên về doanh nghiệp và công nghệ thông tin, có trụ sở tại New York, sử dụng chatbot trên Facebook Messenger giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, bởi vì triển khai chatbot rẻ và nhanh hơn việc phát triển ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh. Chatbot cũng linh hoạt hơn so với dịch vụ mobile banking nhờ khả năng hiểu và trả lời các câu hỏi bằng văn bản hoặc giọng nói. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể giảm số lượng trung tâm dịch vụ khách hàng (call center), dẫn tới giảm chi phí hoạt động. Business Insider tính toán được rằng, chi phí trung bình của một giao dịch khách hàng qua điện thoại là khoảng 2,5USD, trong khi chi phí trung bình của một giao dịch kỹ thuật số (online hoặc mobile) chỉ vào khoảng 0,17USD.
Về phía khách hàng, tiện ích từ mô hình “Facebook Messenger banking” (dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn Facebook) là rất rõ ràng. Không phải tìm đến chi nhánh ngân hàng, cũng không cần mất nhiều thời gian cho trình duyệt hoặc ứng dụng di động nữa, chỉ cần vài tin nhắn trên Facebook là các giao dịch cơ bản đã được hoàn tất. Trên bình diện nền kinh tế, tổng lợi ích và chi phí tiết kiệm được từ sự kết hợp giữa nền tảng công nghệ và dịch vụ tài chính là con số rất lớn.
Người Việt không đứng ngoài cuộc chơi
Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã có những chuyển dịch theo hướng số hóa, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đem đến một đột phá, với việc ra mắt kênh giao dịch tài chính qua Facebook - dịch vụ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Được xây dựng trên giao diện Facebook, trang MB Facebook Fanpage tương tác rất dễ dàng với khách hàng bằng công cụ Messenger. Chỉ cần thao tác “chat” với nhân vật đại diện của Fanpage là chú ong eMBee, khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch tài chính - ngân hàng một cách dễ dàng, đơn giản thuận tiện, từ tra cứu số dư; chuyển tiền; gửi tiết kiệm; thậm chí là mua chứng chỉ quỹ; mua bảo hiểm; hay vay vốn…, và tại bất kỳ đâu khi sử dụng thiết bị di động/máy tính có kết nối Internet và truy cập Facebook.
“Chúng tôi đã mất ba tháng để chuẩn bị cho sự ra mắt của MB Facebook Fanpage với nhiều nguồn lực, trí tuệ và tài chính. Trong thời gian tới, dự kiến thị trường sẽ được chứng kiến một “tuyển tập” các sản phẩm số mới lạ được MB tung ra. Tôi chưa thể công bố, và cũng xin giữ bí mật đến phút cuối, song có thể khẳng định đây là những dịch vụ rất thú vị”, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số của MB cho biết.