Người Việt không lo tôm chứa kháng sinh nữa, 8X Bến Tre đã tạo ra chế phẩm "bài kháng sinh” từ phế phẩm bã mía

29/09/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Nếu so với việc sử dụng hóa chất, chi phí giảm khoảng 50%. Lợi ích mang lại là tôm khỏe và chất lượng tốt, không chứa kháng sinh, cải tạo đất bằng cách phục hồi vi sinh vật có lợi.

Đó là câu chuyện của anh Trần Phúc Hậu (29 tuổi, ở ấp Bình Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Năm 2006, Trần Phúc Hậu nhập học ĐH Y Dược. Nhưng được 2 năm, vì lý do thị lực kém, anh bỏ Y Dược rồi thi vào ĐH Kinh tế. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, Hậu về quê và công tác tại ủy ban Bình Đại. Gần 2 năm sau đó, anh nghỉ việc và bắt đầu dấn thân vào kinh doanh.


Anh Trần Phúc Hậu, chủ dự án bột bã mía trong nuôi tôm. Ảnh: BSA

Anh Trần Phúc Hậu, chủ dự án bột bã mía trong nuôi tôm. Ảnh: BSA

Sau đó không lâu, anh thuê mặt bằng mở cửa hàng kinh doanh thuốc và thức ăn thủy sản tại quê nhà. Qua những gì nghe và nhìn thấy, anh thấy thuốc thủy sản có chi phí cao, làm giảm thu nhập của người nuôi. Thêm vào đó, chất lượng tôm cũng bị ảnh hưởng, đất bạc màu. Năm ấy, có dịch bệnh nên tôm chết hàng loạt khiến anh từ chỗ có 20 triệu đồng thành nợ vài trăm triệu đồng.

Buồn, trăn trở với chính khó khăn của bản thân và bà con nuôi tôm, anh tìm hiểu và mày mò chế tạo ra loại chế phẩm sinh học từ bã mía, giá rẻ, hiệu quả cao mà chất lượng tôm lại đảm bảo.

“Khi tìm hiểu trên mạng internet thấy tác dụng của bã mía có một số chất có thể tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển, cải thiện môi trường nuôi nên tôi tìm tòi nghiên cứu”, anh Hậu kể

Từ bã mía đến chế phẩm phục vụ nuôi tôm, miễn dùng kháng sinh

“Tôi tìm mua cái máy xay nhỏ giá 6,5 triệu đồng, rồi thuê người đi mua gom bã mía đem về sản xuất. Bã mía sau khi xay rồi ủ với vi sinh vật trong 72 giờ thì có thể bán cho người nuôi tôm đem về sử dụng”, anh Hậu cho hay.

Theo anh, trong quá trình nuôi tôm, nông dân có sử dụng hóa chất để diệt khuẩn dẫn đến đất bị bạc màu. Và bột bã mía sẽ là giải pháp cung cấp hệ khoáng và tạo ra vi sinh vật có lợi cho đất. Đất sẽ phục hồi lại độ phì nhiêu, khi đưa nước vào ao sẽ tạo ra tảo giúp cho tôm sinh trưởng tốt.

Thông thường, tôm ăn xong sẽ thải ra lượng thức ăn đơn giản và kết thành lớp cặn dưới đáy ao. Lớp cặn này sẽ phát sinh khí độc gây hại cho tôm vì là môi trường để vi khuẩn có hại sinh sôi. Bột bã mía sẽ giải quyết bài toán đất bị “xuống cấp”, giúp tôm khỏe mạnh.

Anh đưa ra bài toán về một ao tôm 3.000m2. Với kích thước ao như vậy, trong vụ kéo dài 3 tháng, người nuôi tôm cần rải 10 lần, mỗi lần 30 kg bột bã mía. Chi phí mỗi lần là 150.000 đồng (5.000 đồng/kg). Vậy cả vụ là 1,5 triệu đồng.

Nếu so với việc sử dụng hóa chất, theo anh, chi phí giảm khoảng 50%. Lợi ích mang lại là tôm khỏe và chất lượng tốt, không chứa kháng sinh, cải tạo đất bằng cách phục hồi vi sinh vật có lợi.

Anh Hậu cho chúng tôi hay hiện mỗi tháng anh bán khoảng 1 tấn bột bã mía. Sản phẩm của anh đã có mặt tại nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Khó khăn trước đây là phải gom bã mía từ dân nay đã được cải thiện. Giờ anh mua bã mía từ các nhà máy sản xuất đường.

Chàng trai 8X hiện đang kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất vi sinh, nhằm giảm giá thành sản phẩm. Có vẻ như người con Bến Tre này đã nắm bắt đúng xu hướng thị trường, ưa chuộng những sản phẩm thân thiện môi trường, tốt cho sức khỏe con người mà tôm là món ăn được nhiều người Việt yêu thích.

Dự án của anh Hậu lọt vào vòng chung kết khởi nghiệp năm 2017 do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM