Thanh An: Chúng ta đang trò chuyện với nhau về một chủ đề rất thời sự vào lúc này thưa ông, câu chuyện sản xuất vaccine (vắc xin) ngừa virus Corona. Thế giới đang đi rất nhanh trên con đường này. Và chúng ta có quyền hy vọng về một sản phẩm vắc xin cứu giúp loài người sẽ sớm xuất hiện chứ?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Không đơn giản thế. Lịch sử mấy trăm năm phát triển, vắc xin đã đi từ công nghệ sản xuất thô sơ lên đến những tiến bộ vượt bậc mà ngay cả cha đẻ của ngành như Edward Jenner hay Louis Pasteur cũng không thể tưởng tượng được. Gần đây nhất, như với virus Corona này, các nhà khoa học trên thế giới đều đang hướng đến việc sử dụng công nghệ gen để phát triển vắc xin. Nó là giải pháp mang tính đột phá bởi các nhà khoa học sẽ chỉ sử dụng bản chất gen di truyền của con virus để làm vắc xin mà không hề cần đến những con virus sống nữa. Nó giúp chúng ta tạo nên vắc xin nhanh chóng hơn rất nhiều so với các công nghệ cũ.
Loại vắc xin cao cấp này khi được sử dụng, cơ thể người tiêm sẽ tự lấy các gen đấy tổng hợp ra các protein trong cơ thể mình để kháng bệnh. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng vắc xin về gen chưa hề có trên thế giới. Tức là hiện nay, có thể trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tạo ra vắc xin bằng công nghệ gen, nhưng rõ ràng chưa có bất kỳ một sản phẩm thương mại hóa nào từ công nghệ này đi ra thị trường.
Thanh An: Có nghĩa là những thành tựu từ phòng thí nghiệm hoàn toàn xa cách với một lọ vắc xin hữu hình để tiêm phòng cho cơ thể người?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Những ngày gần đây chúng ta thấy các nhà khoa học, một số cộng đồng, công ty sản xuất vắc xin lên tiếng về việc họ đã đạt được những bước tiến quan trọng để sản xuất ra vắc xin phòng virus Corona. Nghe có vẻ như chúng ta sắp nhìn thấy lọ vắc xin đó luôn rồi. Tuy nhiên thực tế là chưa có một nhà sản xuất nào đứng ra xác nhận sẽ sản xuất vắc xin kiểu như thế cả. Muốn thì có, nhưng phương án sản xuất thì chưa hề.
Vì họ đứng trước vấn đề gì?
Thứ nhất công nghệ gen là quá mới. Nó cần một thời gian rất dài nữa, những đầu tư rất nhiều nữa để nghiên cứu trên động vật, đánh giá và thử nghiệm trên người. Cái thứ hai là công nghệ mới như thế, đòi hỏi mức đầu tư cực lớn nhưng khi hết dịch rồi thì việc đầu tư đó không còn giá trị nữa.
Để phòng tránh những mất mát khủng khiếp do dịch bệnh gây ra đến thời điểm này, con người mới tìm thấy thứ vũ khí duy nhất là vắc xin. Muốn phòng bệnh cho hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu người thậm chí hàng tỷ người… ta chỉ có thể trông chờ vào vắc xin. Cho nên không lạ gì khi xảy ra dịch bệnh, việc đầu tiên người ta nghĩ đến là nhanh nhanh chóng chóng tìm vắc xin. Ai cũng sẽ hỏi vắc xin đâu? Nó chính xác là câu chuyện thời sự. Nó như phao cứu sinh giữa dòng nước lũ ấy. Tuy nhiên, thường thì vắc xin lại không có ngay ở thời điểm con người hoang mang nhất.
Corona không phải là virus mới xuất hiện. Corona phát tán thành bệnh lý mang tính chất toàn cầu được ghi nhận đến lần này có thể tính là lần thứ 3 rồi. Trước đây là SARS năm 2003, Mers_CoV năm 2012... hai dịch bệnh có nguyên nhân từ virus Corona này đều đã dẫn đến tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, ta để ý mà xem, khi dịch biến mất thì như thế nào?
SARS chẳng hạn, virus đó biến mất luôn, trong vòng từ 6 - 9 tháng, không ai nói gì đến vắc xin nữa. Tất cả các công ty dược trên toàn cầu dù đang bước vào giai đoạn thử nghiệm phát triển vắc xin chống virus này đều gần như là nghiên cứu xong để đấy.
Khi dịch bệnh Mers_CoV nổi lên, ai cũng nhao lên đòi tìm ra vắc xin. Tất cả các nhà khoa học, các hãng sản xuất vắc xin đều lao đầu vào nghiên cứu, đã có những bước tiến rất rõ ràng. Sau đó thì cũng… để đấy. Không ai thương mại hóa các sản phẩm vừa được nghiên cứu nữa. Vì sao?
Người ta thường quên ngay vai trò của vắc xin ở thời điểm hết dịch. Tức là chúng ta nên hiểu rằng, rồi theo thời gian, những mất mát, căng thẳng sẽ bị quên lãng thôi. Vắc xin phòng bệnh đó cũng sẽ bị lãng quên như chưa từng bao giờ nóng bỏng. Câu chuyện của vắc xin thường là như vậy. Hết dịch rồi thì người ta sẽ không bàn đến nó nữa.
Thanh An: Liệu có phải vì lúc đó nhu cầu của thị trường đã hết thưa ông?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Chính xác là bởi không có nhu cầu của thị trường. Mình phải nhìn ra được vấn đề rằng, nghiên cứu là một phần, nhưng đứng trên vai trò nhà sản xuất thì doanh nghiệp chỉ sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu, và người ta thu lại được tiền. Doanh nghiệp không đầu tư sản xuất tất cả các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm luôn thể hiện ước mơ và năng lực của con người. Nhưng nó lại có thời hạn cho nên khi nhà đầu tư không nhìn thấy giá trị thương mại, thường nghiên cứu xong người ta sẽ ngừng lại. Coi như đóng một dự án.
Duy nhất thời gian qua có một đại dịch nổi lên rồi cả thế giới lao đầu vào làm vắc xin, và một nhà sản xuất của Mỹ đã ra vắc xin được, hoàn toàn thật. Trên thị trường có thể nhìn thấy, nó được lưu hành và ta có thể đặt mua. Đó là Ebola. Thực ra là vì Ebola có đặc điểm cứ tái đi tái lại. Nó không chấm dứt hẳn sau một lần bùng phát như SARS.
Hoặc những vắc xin về Cúm chẳng hạn. Cúm mùa có tần suất xuất hiện thường niên. Đại dịch Cúm H1N1 năm 2009 sau khi chấm dứt nó chuyển thành Cúm mùa. Người ta quyết định sản xuất vắc xin đó hàng loạt vì giá trị thương mại của nó mang lại rất tốt.
Thế nhưng H5N1 lại khác. Dù nó cũng có những thời điểm bùng phát từ gia cầm sang người, nhưng người ta không nghĩ đến việc phát triển vắc xin đấy ở mức độ thương mại. Vì người ta nhận thấy lâu lắm nó mới quay trở lại, mà chỉ bùng phát trên một diện nhỏ thôi. Do đó, người ta không nghĩ đến chuyện phát triển vắc xin ấy nữa.
Cho nên câu chuyện một loại vắc xin nào đó xuất hiện trong thực tế đời sống xã hội loài người thì rõ ràng ta phải nhìn thẳng vào bài toán thương mại. Phải có sự đồng lòng và tham gia của nhà sản xuất chứ không chỉ dừng ở mức độ hăng hái của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học có thể thực hiện đủ thứ nghiên cứu, nhưng vấn đề là các nhà sản xuất có đồng ý với những công trình nghiên cứu đó hay không? Các nhà sản xuất có đồng lòng với giải pháp vắc xin ấy không? Đó mới là bài toán đau đầu của các nhà dịch tễ học cộng đồng.
Phải có vắc xin! Ai cũng biết là phải có vắc xin. Vắc xin sẽ được quan tâm từng ngày từng giờ khi có dịch. Ví dụ hôm nay trên mặt báo sẽ xuất hiện thông tin hãng dược phẩm này khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ thử nghiệm trên động vật, hứa hẹn 1 - 2 tháng sau đó sẽ có vắc xin… Thế nhưng mà người ta không nhìn thấy câu chuyện đằng sau đó, rằng tất cả chỉ là thành tựu của quá trình nghiên cứu. Chỉ khi được sản xuất thương mại rồi vắc xin mới phát huy tác dụng trên một cộng đồng xã hội rộng lớn.
Thanh An: Đây chính là sự ngạc nhiên của tôi. Ai cũng đang kỳ vọng rằng khoảng mười mấy tháng nữa thôi sẽ có vắc xin phòng virus Corona. Tuy nhiên, điều này chưa hề chắc chắn. Theo đánh giá của ông, liệu những nghiên cứu về vắc xin lần này có được thương mại hóa?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Câu trả lời là vẫn chưa biết được đâu. Câu chuyện chạy đua nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm đôi khi chỉ phản ánh sự quyết tâm của các nhà khoa học, hay năng lực của các trung tâm nghiên cứu, của các nhà sản xuất... Nhưng rồi chỉ có nhu cầu của cuộc sống, của thị trường mới quyết định được, nó có thành hình thành dạng hay không.
Thực ra có thể thế giới đang nghĩ khác hơn khi Covid-19 xuất hiện lại. Dịch bệnh nó mang đến đang hiện hữu, đang hoành hành, đang cướp đi sinh mạng của mấy nghìn con người, đang có nguy cơ đưa nhiều quốc gia đến những suy thoái chưa lường trước. Sợ hãi mà nó mang đến là có thực. Sự hiểu biết của chúng ta về Covid-19 lại đang khá mơ hồ. Đặc tính của loài người là luôn muốn vượt qua thử thách. Thử thách càng lớn, chúng ta càng cố gắng vượt qua.
Cho nên trong giới dược phẩm quốc tế đã có nhà sản xuất phát biểu rằng, dù dịch bệnh này có biến mất đi chăng nữa, ít nhất họ cũng sẽ phải sản xuất được một vắc xin Corona thực sự. Vì sao? Vì họ muốn từ sản phẩm vắc xin hữu hình đó, đã được thử nghiệm lâm sàng, đánh giá tác động đầy đủ, được phép lưu hành, có thể có thị trường hoặc không; nhưng chẳng may một dịch bệnh nào đó bất ngờ xảy ra từ chủng virus này thì nó sẽ minh chứng cho họ được rất nhiều vấn đề. Và từ đó, con người sẽ có con đường đi nhanh nhất để tạo ra vắc xin bảo vệ chính mình.
Thông thường một vắc xin trước khi được sử dụng trên người phải mất từ 5 - 10 năm trải qua tất cả các quy định kiểm định ngặt nghèo. Bởi vì vắc xin không phải chỉ được sử dụng trên một người cụ thể như thuốc điều trị, nó là giải pháp chủng ngừa cho cả một cộng đồng, thậm chí là cả một thế hệ. Cho nên ngoài việc phát triển nó trong phòng thí nghiệm, người ta phải thực hiện đầy đủ 3 giai đoạn thử nghiệm đánh giá. Mỗi giai đoạn ở từng nhóm người khác biệt để thu được kết quả sử dụng loại vắc xin đó cho mỗi nhóm. Nhóm người nào sẽ có tác dụng? Nhóm người nào sẽ không có tác dụng hay tác dụng thấp?... Nó có rất nhiều số liệu phân tích cụ thể cần câu trả lời.
Càng ngày thế giới càng hiểu vắc xin là cần thiết và cấp thiết. Ở những trường hợp cấp bách WHO đang cho phép rút ngắn bớt quá trình thử nghiệm và đánh giá. Thuật ngữ của ngành vắc xin gọi là "fast-track" (hoàn thành trước kế hoạch - PV dịch). Tức là người ta cho phép thử nghiệm nhanh, tạo con đường thật nhanh cho ra đời một loại vắc xin, giúp người dân có thể tiếp cận nhanh chóng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm. Hiện nay, phòng Ebola là một trong những vắc xin thương mại được sản xuất theo phương án fast-track.
Thời điểm hiện tại với dịch bệnh Covid-19, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học và công nghệ tiên tiến đã giúp chúng ta giải quyết rất nhanh nhiều công đoạn sản xuất vắc xin. Những công nghệ về gen, rồi việc người ta ứng dụng thuật toán, tích lũy kết quả từ các nghiên cứu đi trước… con đường đến với vắc xin phòng bệnh chưa bao giờ nhanh như bây giờ.
Báo chí vừa chia sẻ thông tin hãng dược phẩm Inovio của Mỹ chỉ trong có 3 giờ đã ra được một sản phẩm vắc xin đặt ở trên bàn, nhìn thấy có thể phòng được Covid-19. Thế nhưng mà người ta cần 6 - 9 tháng đánh giá trên động vật. Sau đó lại 6 - 9 tháng nữa đánh giá trên người. Nhanh nhất về mặt lý thuyết, người ta đang tính khoảng 18 tháng sẽ xuất hiện loại vắc xin đã được thử nghiệm trên người hoàn toàn. Đấy là công nghệ nhanh nhất thời điểm này. Các loại vắc xin truyền thống đúng là chưa có một loại nào vượt qua quãng thời gian đó để ra đời.
Và chính bản thân những nhà sản xuất vắc xin như chúng tôi luôn muốn rằng sẽ có một loại vắc xin cụ thể dành cho Corona được thương mại. Để bất kỳ khi nào dịch bùng phát do tác nhân Corona, loài người sẽ không bị mất nhau. Ngay lúc dịch mới lây lan, nhà sản xuất sẽ sử dụng mẫu bệnh phẩm mới nhất tại vùng dịch thử nghiệm với vắc xin sẵn có, rồi nghiên cứu hoàn thiện cho tình hình thực tế lúc đó. Có thể sẽ thay đổi gen hay thay đổi một yếu tố nào đó về kháng nguyên thôi để sản xuất và tiêm ngừa luôn cho người ở vùng dịch. Đấy chính là câu chuyện của Corona hiện nay. Hy vọng lúc đó loại vắc xin mà bây giờ chúng tôi và các đồng nghiệp đang nghiên cứu sẽ còn có tác dụng chứ một khi dịch bệnh biến mất đi thì chả ai nhớ đâu mà. Có chăng trong các tàng thư y khoa sẽ lưu lại.
Thanh An: Ông vừa nói rằng ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu vắc xin này? Vậy có nghĩa là Việt Nam cũng đang phát triển vắc xin phòng Corona?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Đúng ra là tôi và cán bộ nghiên cứu của công ty đã ngồi với nhau nguyên một buổi chiều ngay sau khi nghỉ Tết. Lúc đó chính các bạn ấy đã đặt vấn đề thách thức tôi rằng: "Bây giờ anh có muốn làm hay không? Nói rõ luôn!" Vì ở công ty này tôi là người ra đề bài, các bạn ấy là người thực hiện chính. Họ muốn hiểu mức độ quan tâm của tôi với vấn đề này như thế nào? Tham gia vào cuộc đua này, tôi đặt mục đích gì cao nhất?
Thật ra 20 năm làm vắc xin rồi nên tôi nói rất thật với nhân viên của mình, nếu chỉ kiếm tiền, đây là canh bạc mờ mịt nhất. Nếu chỉ để tạo danh tiếng, ta phải chọn cái gì là thế mạnh để vuốt nó nhọn hơn cơ. Vậy ta làm vì cái gì? Vì trách nhiệm. Qua 3 lần dịch bệnh do Corona hoành hành rồi, ta phải có trách nhiệm gì đi chứ. Mà trách nhiệm nó thể hiện ở thái độ trong công việc. Mà công việc thường ngày của chúng tôi là nghiên cứu và tìm ra vắc xin mới. Chúng tôi chốt vấn đề của buổi trò chuyện ấy bằng quyết định làm.
Thống nhất rồi chúng tôi đi tìm giải pháp ngay, chúng tôi trao đổi với các nhà khoa học đầu ngành về vắc xin trên thế giới ngay. Rất may chúng tôi có hợp tác với trường đại học Bristol và Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Imperial College London) của Vương quốc Anh để nghiên cứu các vắc xin khác, Corona chỉ là câu chuyện thời sự phát sinh.
Viết thư cho đồng nghiệp ở Anh, tôi nói luôn: "Tại sao chúng ta không làm cái này?"
Họ trả lời ngay: "Tao ủng hộ mày hết sức!"
Vậy là chúng tôi bắt tay tìm hiểu luôn về Corona. Tinh thần thì thế đấy, nhưng mà chưa xong đâu. Chúng ta phải hiểu rằng dịch bỏng rát ở Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, hay Australia… chứ ở tận châu Âu người ta chưa thấy được sức nóng đó. Đồng nghiệp ở dưới Bristol tương tác rất nhanh nhẹn, gần như ngay lập tức. Còn giáo sư ở Đại học Hoàng gia Luân Đôn, ông này rất nhiệt tình, nhưng thực tế là ông ấy đang rất bận với dự án vắc xin về gen của ông ấy. Chờ câu trả lời của ông ấy về việc phải chọn chuỗi gen nào, làm vùng kháng nguyên nào... mãi không thấy.
Lúc ấy tôi cũng rất bực mình, nhưng vẫn cố gắng kiên trì đợi đúng sau 1 tuần, tôi viết thư lại cho ông giáo sư tại Đại học Bristol với đại ý: Này, tôi thật sự hết cách rồi. Tôi viết thư rất nhiều cho ông ấy rồi, tôi giục rồi. Hay nhờ ông gọi điện tìm giúp.
Tôi cảm động lắm khi nhận được email trả lời: "Bằng mọi cách tao sẽ giúp mày! Yên tâm!"
Rồi động thái lập tức là Giáo sư của Đại học Bristol viết thư cho London với thông điệp: Bọn tao đang săn đuổi mày đây. Mày phải nghĩ đến thằng Đạt nó ở Việt Nam. Việt Nam và cả châu Á đang rất cần vắc xin chứ không chỉ là vấn đề nước Anh của mình hay các thứ liên quan đến danh tiếng.
Tuyệt vời! Ngay lập tức ông giáo sư kia trả lời luôn, và cung cấp chuỗi gen cho cán bộ mình làm việc. Đấy là những chia sẻ, hỗ trợ nhau giữa các đồng nghiệp khiến tôi xúc động. Trong quá trình làm việc, có những đối tác, những đồng nghiệp mình trao đổi mà họ hiểu được ngôn ngữ của mình ấy. Thực sự là thích! Vì trong nghề này có những ngôn ngữ trò chuyện với nhau mà đến khi thành thân thiết lúc nào không biết. Chúng tôi tôn trọng nhau vì thấu hiểu nhau, thấu hiểu mục đích chung của nhau. Phải công nhận các đối tác mà chúng tôi đang làm tại Anh lần này, họ rất tốt. Tôi luôn luôn kỳ vọng vào sự hợp tác này.
Hồi đầu tháng vừa rồi một cán bộ nghiên cứu của công ty đã sang Luân Đôn để trực tiếp làm việc. Chắc khoảng vài hôm nữa, đúng lịch thì ngày 24/2 nghiên cứu viên thứ 2 của chúng tôi sẽ sang được bên Anh để hỗ trợ các đồng nghiệp tăng tốc sao cho ra được kết quả nhanh nhất.
Tôi vẫn luôn bảo rằng niềm vui lớn của mình có thể đang nằm ở phía trước, phía xa hành trình tôi đi. Nhưng tôi tin tưởng rằng với những giá thể rất tốt mà đại học Bristol và Đại học Hoàng gia Luân Đôn chia sẻ cho chúng tôi, vắc xin mới này sẽ là một tương lai sáng cho ngành sản xuất vắc xin Việt Nam mình.
Thanh An: Rất hy vọng sẽ sớm có tin vui báo về. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhân đây hiểu rõ hơn về thực tế phát triển của ngành vắc xin Việt Nam, theo ông, chúng ta đang ở đâu trên bản đồ sản ngành xuất vắc xin của thế giới?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Phải nói thật là nhắc đến lịch sử của ngành vắc xin Việt Nam, ai cũng phải tự hào và khâm phục các bậc tiền bối, các thế hệ đi trước. Đến bây giờ tôi vẫn rất nể phục Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên - ông tổ của ngành vắc xin Việt Nam vì trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như thế, ngay từ năm 1962, ông đã phối hợp với các đồng nghiệp Liên Xô nhận chuyển giao thành công chủng virus Sabin để sản xuất ra được vắc xin phòng Bại liệt Sabin OPV. Ông là người đầu tiên mang vắc xin về Việt Nam, cũng đồng thời mang luôn nghề sản xuất vắc xin về cho đất nước. Đó là bước tiếp cận rất tốt, đặt nền móng rất vững chắc để chúng ta có ngành này hôm nay.
Các thế hệ kế tiếp phải nhắc đến như là GS. Đặng Đức Trạch, GS. Nguyễn Thu Vân, GS. Huỳnh Phương Liên, GS. Lê Thị Luân, … với sự xuất sắc của những cá nhân này, khi hết chiến tranh rồi, Việt Nam đã ngay lập tức có được quá trình hợp tác quốc tế rất hiệu quả để ngành phát triển. Từ đó có những vắc xin quan trọng như Viêm gan B, Viêm Não Nhật Bản, Vắc xin tả uống, vắc xin Rota… đã ra đời và góp phần chấm dứt rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở Việt Nam.
Trước đây chúng ta làm việc và sản xuất trên tinh thần chuyển giao công nghệ và tự sản xuất được vắc xin cần thiết cho đất nước, nhưng qua quá trình tích lũy, đến nay chúng ta đã chủ động sản xuất các loại vắc xin mới. Và đương nhiên rồi, chúng tôi sẽ nghĩ, sẽ hướng mơ ước đến những điều mới mẻ hơn. Đặc biệt là sau cột mốc năm 2015, Việt Nam được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn NRA về hệ thống giám sát và quản lý vắc xin quốc gia, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để vắc xin Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu.
Chứng nhận này đã tạo tiền đề cho các nhà sản xuất như chúng tôi đưa các tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm của mình đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó mà chúng tôi đã xuất khẩu vắc xin viêm não Nhật Bản cho Ấn Độ từ lâu rồi. Gần đây chúng tôi xuất khẩu vắc xin Tả uống cho Philippene, rồi vắc xin Viêm gan A xuất khẩu cho Li băng…
Tuy nhiên câu chuyện xuất khẩu là một câu chuyện dài.
Thanh An: Con đường dài đó chắc phải vượt qua không ít khó khăn như cái thời cha ông chúng ta đã vượt qua chiến tranh để xây dựng ngành chứ?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Rất khó khăn. Doanh thu bán hàng cho chương trình TCMR mang về chỉ đủ cho chúng tôi nuôi quân, duy trì sản xuất thôi. Còn muốn có tiền đầu tư máy móc và công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế thì mình buộc phải có lợi nhuận từ việc tạo ra vắc xin mới và nhập khẩu các sản phẩm thương mại khác.
Còn về lâu dài, các công ty của Việt Nam cần phải làm được những vắc xin mới hơn, có giá trị hơn và cổ phần hóa để tăng nguồn lực, tham gia cuộc chơi lớn.
Ngày xưa chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ cần bản chất của vắc xin tốt là đủ rồi. Bây giờ mà nghĩ và làm như thế là thua ngay từ trong nhà xưởng.
WHO đang thường xuyên hỗ trợ chúng tôi về mặt kỹ thuật để có thể đưa hệ thống quản lý sản phẩm vắc xin made in Vietnam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tham vọng của chúng tôi là Việt Nam sẽ có sản phẩm đầu tiên trở thành sản phẩm tiền thẩm định. Tức là một sản phẩm đấy nếu chúng ta đạt được tất cả các tiêu chuẩn quốc tế thuộc dạng tiền thẩm định thì nó có thể được cung cấp cho những tổ chức lớn trên thế giới. Họ sẽ mua sản phẩm của mình để cung cấp cho toàn thế giới. Đó mới chính là mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi hội nhập, chứ mình không thể cứ mãi làm việc với từng quốc gia để đàm phán riêng lẻ. Chúng tôi chọn con đường làm lớn, bán với số lượng lớn cho các tổ chức lớn.
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực vắc xin toàn cầu cũng rất khốc liệt. Các hãng lớn họ vừa có kinh nghiệm lại tích lũy được tiềm lực, họ thường xuyên có thể đặt ra các rào cản kỹ thuật cực khó cho các doanh nghiệp nhỏ. "Ông muốn cạnh tranh với tôi là hơi khó đấy", luôn là thông điệp mà chúng tôi nhận được. Đấy chính là bài toán kinh doanh rất hóc búa.
Tôi biết nhiều doanh nghiệp để có được đơn hàng xuất khẩu thậm chí họ phải chấp nhận lỗ, nhưng lâu dài và lớn hơn, họ nâng tầm được thương hiệu của mình. Phép giải này chính là Trung Quốc khởi xướng đấy: Tập trung đầu tư vào những sản phẩm vắc xin chủ lực để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Họ chấp nhận xuất khẩu giá thấp hơn bán trong nước, để bán nhiều đơn hàng cho thế giới, để khẳng định Trung Quốc không có sản phẩm vắc xin nào kém chất lượng cả. Và chúng ta chắc cũng phải cân nhắc cách đấy nếu muốn ra biển lớn.
Thanh An: Chúng ta đang đầu tư rất nghiêm túc để xuất khẩu, vậy còn thị trường trong nước? Người dân Việt Nam cũng cần những sản phẩm được đầu tư và kiểm soát sản xuất chặt chẽ như trên toàn thế giới chứ thưa ông?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Tôi đã từng nói vắc xin là sản phẩm đòi hỏi sự đồng nhất ở mọi thị trường, ở Việt Nam cũng phải vậy. Thật ra bao nhiêu năm nay vắc xin Viêm não Nhật Bản là sản phẩm thương mại rất tốt của chúng tôi. Nó vừa cung cấp cho chương trình TCMR, lại gần như chiếm lĩnh hơn 90% thị trường tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam. Có những thời điểm 100% trung tâm tiêm chủng dịch vụ sử dụng vắc xin này và hiệu quả bảo vệ rất tốt. Thậm chí về mặt hiệu quả, vắc xin của chúng tôi còn chứng minh sự vượt trội so với sản phẩm ngoại nhập.
Do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn các sản phẩm vắc xin trong chương trình TCMR mà không cần thiết phải tìm kiếm các sản phẩm vắc xin ngoại nhập về. Trừ những chủng loại vắc xin Việt Nam chưa sản xuất được.
Ba đứa con tôi, từ nhỏ đến giờ cũng chỉ tiêm vắc xin của chương trình TCMR. Khi lớn rồi hàng năm các cháu cũng chỉ tiêm cúm mùa là vắc xin của Pháp thôi.
Tuy nhiên cũng phải nói cho hết nhẽ. Sẽ có một vài sản phẩm vắc xin có sự chệnh lệch giữa việc sản xuất trong nước với nhập ngoại. Sự chênh lệch ấy nằm ở công nghệ sản xuất vắc xin và công nghệ giúp cho việc tiêm trở nên thuận tiện hơn. Nếu đầu tư công nghệ này, giá vắc xin rất đắt mà chương trình TCMR miễn phí không gánh nổi.
Ngoài 2 yếu tố đó, vấn đề còn nằm ở tâm lý của người dân nói chung. Bất cứ sản phẩm ngoài nào mang thương hiệu từ Mỹ, từ Châu Âu… ai cũng sẽ thấy thích dù cho phải trả số tiền lớn.
Thanh An: Nhưng rõ ràng đã có những tai tiếng, những vụ sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin. Nhà sản xuất vắc xin có trách nhiệm gì ở đây thưa ông?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Có một điều chắc chắn rằng người sản xuất vắc xin không bao giờ cố tình đi sản xuất thuốc độc cho người sử dụng. Đó là nguyên tắc đầu tiên của ngành này.
Vai trò của vắc xin là bảo vệ cả cộng đồng, chứ không chỉ một cá thể riêng lẻ. Nhưng cộng đồng thì lại luôn luôn rất quan tâm đến những cá thể đặc biệt. Vì thế chúng ta luôn có sự nhanh nhạy với thông tin: "Ừ nhỉ, trường hợp này nó đã gây chết người đấy! Nguy hiểm quá! Vắc xin như thế là nguy hại."
Khi đi tiêm ở thực địa, tôi nhận thấy hiểu biết về tiêm chủng vắc xin của người dân đang vô cùng sai lệch. Các bà mẹ chẳng hạn, đến ngày hẹn mang con ra trạm xá tiêm, về gửi ngay cho ông bà hay người khác trông rồi đi làm. Cũng có trường hợp bố mẹ bận quá gửi gắm ông bà đưa trẻ đi tiêm. Con thế nào cũng không quan tâm, không theo dõi. Họ đâu biết rằng tiêm vắc xin có nghĩa là hôm đó đứa trẻ trở thành một đối tượng rất nhạy cảm. Cơ thể trẻ vừa được truyền một tác nhân gây bệnh dù là rất yếu vào… Nó cần sự chăm sóc và theo dõi sát sao hơn rất nhiều.
An toàn vắc xin không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Đó phải là sự an toàn từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, rồi kỹ thuật tiêm, người tiêm, thời điểm tiêm, và cả cơ thể tiếp nhận, năng lực xử lý sự cố như sốc phản vệ… Nhưng khi có sự cố, người ta chỉ thường đổ tội cho chất lượng vắc xin. Những lúc nghe tin sự cố, dù là từ nguyên nhân nào, chúng tôi cũng vô cùng đau lòng.
Thanh An: Chắc ông đã phải trải qua những thời khắc căng thẳng đó chứ?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Công ty có một câu chuyện rất lớn vào đúng thời điểm tôi vừa mới lên làm Giám đốc. Chính xác là năm 2013 xuất hiện thực tế rằng có 3 cháu bé chết ở Quảng Trị sau mũi tiêm sơ sinh vắc xin Viêm gan B. Lúc đó thực sự là cú sốc quá lớn đối với bọn tôi. Cú sốc cho toàn ngành chứ không phải riêng nhà sản xuất. Trường hợp đó về sau được minh oan, nhưng mà phải sống trong thời điểm có dư luận như thế thì thực sự không biết tìm lối nào để thấy sự giải thoát.
Dù mình rất yên tâm về chất lượng sản phẩm, mình đã làm tất cả các kiểm tra cần thiết, nhưng rõ ràng đó là sản phẩm của mình. Đúng thời điểm ấy gây ra 3 cái chết cho 3 đứa trẻ. Chúng tôi trực tiếp vào tận nơi để tìm hiểu, thời điểm đó thật sự hoang mang. Thế nhưng mà sau quá trình điều tra độc lập người ta phát hiện ra chị y tá đã tiêm nhầm một loại thuốc khác cho 3 cháu bé đó, dẫn đến cái chết.
Khi mà được minh oan, nó cũng giống như dịch bệnh chấm dứt ấy, những tang thương mà nó để lại lâu quá rồi thì người ta sẽ quên thôi. Nhưng cộng đồng không hiểu được rằng những người làm vắc xin đã chịu áp lực lớn cỡ nào. Nó như là tác nhân gây bệnh mà chính chúng tôi cũng chưa có được vắc xin để cứu chữa cho mình.
Cảm giác ấy rất khó tả. Chúng tôi luôn phải làm đúng, làm đúng tất cả các bước, nhưng nếu nguyên nhân là do chất lượng vắc xin, thì sự trả giá của chúng tôi không chỉ là một cá nhân, một chức danh hay thậm chí là một bản án. Nó sẽ như dịch bệnh có thể giết chết cả ngành y tế dự phòng. Hơn nữa, toàn bộ chương trình TCMR đứng trước viễn cảnh có thể bị đổ bể. Lúc đó bi kịch sẽ diễn ra không chỉ với ngành y tế, mà là sức khỏe của cả cộng đồng. Trong cơn hoang mang đó, chúng tôi đã nghĩ đến những sự sụp đổ sâu xa và lớn hơn như thế rất nhiều. Thật sự đấy! Tại vì chị phải hiểu rằng đó là 3 đứa trẻ liền. Tức là chùm ca bệnh.
Khi nhắc đến yếu tố chùm ca xảy ra biến cố, chúng tôi đã tiên đoán rồi. Trong đầu những người làm vắc xin biết rằng không bao giờ có thể xảy ra tình huống như vậy liên quan đến chất lượng vắc xin. Vì ta biết vắc xin luôn luôn là cá thể. Nếu có xảy ra biến cố thì chỉ có thể xảy ra ở 1 - 2 cá thể, ở 1 - 2 lọ vắc xin thôi chứ không bao giờ nó xảy ra thành chùm như thế cả. Nếu tiêm đúng vắc xin, thì chùm biến chứng như thế có nghĩa là cả lô vắc xin ấy có vấn đề. Mà lô vắc xin ấy đã được tiêm rất nhiều ở các các tỉnh thành rồi, không sao cả. Điều lo lắng của mình là đang có vấn đề gì đằng sau đấy? Liệu có xác định rõ được nguyên nhân ấy ra hay không? Đấy là điều lo lắng và dằn vặt nhất.
Từ lo lắng đó, chúng tôi đã phải kiểm tra, rà soát lại cả chuỗi đường đi, hành trình của sản phẩm. Chúng tôi chỉ có thể minh chứng được rằng không bao giờ chúng tôi sản xuất thuốc độc để người dân sử dụng cả. Chúng tôi muốn bảo vệ sinh mạng của những đứa trẻ thì phải bảo vệ sản phẩm của mình, bảo vệ chương trình TCMR cũng như tôn chỉ nghiêm ngặt của ngành. Tất cả những điều ấy đều quan trọng lắm chứ. Nó quan trọng hơn so với cá nhân mình.
Thanh An: Có một xu hướng đã có lúc tôi băn khoăn, hay là thôi không dùng vắc xin nữa vì những nguy hiểm không lường trước được. Vậy nếu chúng tôi không tiêm vắc xin cho con mình, việc gì sẽ xảy ra thưa ông?
TS. Đỗ Tuấn Đạt: Việc cực kỳ nguy hiểm là dịch bệnh và những ác mộng mà chúng ta tưởng như chỉ có trong truyền thuyết, có thể sẽ quay trở lại. Những cái chết của bệnh nhân từ dịch sởi Hà Nội năm 2014 rất thương tâm. Hơn 86% trẻ nhiễm bệnh sởi trong dịch chưa được tiêm chủng hoặc không xác định nổi trẻ đã được tiêm phòng hay chưa. Khi bố mẹ hối hận, thì đã muộn.
Ta phải biết rằng virus, vi khuẩn là những vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường để mà cảnh giác. Nếu ta không tiêm chủng, một lúc nào đó, chính chúng ta có thể là bệnh nhân số 0 làm lây bệnh cho cả cộng đồng. Đừng chỉ nghĩ đến mỗi mình. Hãy nghĩ đến trách nhiệm với đồng loại.
Chị thử nhìn sang thế giới đi. Ở những quốc gia đã phát triển, vắc xin đã làm tốt vai trò phòng bệnh của nó đến mức thời điểm hiện tại nhiều thế hệ người dân đã không còn nhìn thấy dịch bệnh nữa. Từ lâu lắm rồi châu Âu không nhìn thấy bệnh sởi là như thế nào. Nó chỉ xuất hiện trong các tài liệu y học hay truyền thuyết thôi. Đương nhiên, người ta cho rằng nó biến mất rồi.
Thế nhưng năm 2018 - 2019, cả châu Âu bàng hoàng nhìn thấy hình dáng và sự tàn phá của dịch sởi. Sự bùng phát rất lớn lan rộng từ châu Âu sang Mỹ khiến cho chính quyền nhiều quốc gia giật mình và buộc phải siết chặt biện pháp tiêm phòng ở trẻ em. Những người lớn sinh sau năm 1970 và chưa từng mắc sởi cũng được kêu gọi đi tiêm chủng…
Vậy chị sẽ lựa chọn cho con mình giải pháp bảo vệ sức khỏe nào đây?
Thanh An: Chắc chắn bây giờ tôi đã có sự lựa chọn cho chính mình. Xin chúc ông và cộng sự thành công với con đường mình đã chọn, góp phần vì một tương lai lớn mạnh của ngành vắc xin Việt Nam.
Tri thức trẻ