Người Việt ăn nhiều mì gói thứ 2 thế giới trong thời Covid, Masan, Acecook, Vifon... hưởng lợi ra sao?

31/07/2021 08:30 AM | Kinh doanh

Nếu so sánh với thời điểm năm 2016 khi thế giới và Việt Nam chưa biết Covid-19 là gì thì các doanh nghiệp này có mức độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng từ 30% đến 90%.

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, thói quen người tiêu dùng thế giới và Việt Nam có những sự chuyển dịch nhất định, phân hóa và định hình những xu hướng chính như chi tiêu thắt chặt do giảm hoặc mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Việc này dẫn đến nhu cầu lựa chọn các sản phẩm thiết yếu hàng ngày với giá rẻ, hợp lý được ưu tiên trong giỏ hàng hàng ngày của người tiêu dùng. Một trong những sản phẩm được họ lựa chọn là mì ăn liền.

Số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỉ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.

Những nước đứng đầu trong danh sách tiêu thụ mì gói lần lượt là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói),…Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới, xếp sau là Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8%.

Xu hướng tiêu dùng và tích trữ này này khiến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong ngành hưởng lợi lớn. Dữ liệu thống kê của Retail Data cho biết, ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam có hơn 50 nhà sản xuất nhưng đang được chiếm lĩnh bởi 4 cái tên, theo thứ tự về độ lớn lần lượt là: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods. Ngành hàng mì ăn liền bao gồm mì ly và mì gói, đạt doanh thu 28.000 tỷ đồng trong năm 2020, với 85% từ mì gói và phần còn lại từ mì ly, các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh, v.v.

Người Việt đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ mỳ ăn liền thời Covid, Masan, Acecook, Vifon,.. hưởng lợi ra sao từ nhu cầu tích trữ thời giãn cách xã hội? - Ảnh 1.

Báo cáo thường niên năm 2020 của Masan Consumer cũng khẳng định điều này. Masan Consumer cho biết đại dịch COVID-19 dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ hơn trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, điều này được thể hiện qua doanh số bán hàng, đạt mức tăng trưởng cao ở cả thị trường thành thị và nông thôn. Tăng trưởng doanh số không chỉ tập trung ở phân khúc trung cấp mà còn ở phân khúc cao cấp. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm tiện lợi tăng cao hơn trên toàn quốc và trên tất cả các phân khúc giá.

Năm 2020, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi Masan Consumer đạt 6.882 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. Doanh số Omachi tăng 32% so với năm 2019, thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần, trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mì tô bán chạy nhất cả nước. Ở phân khúc trung cấp, mì Kokomi cũng vượt trội hơn hẳn, tăng trưởng 42,8% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện là nhãn hiệu mì bán chạy nhất miền Bắc.

Số liệu doanh thu lớn nhất phải kể đến cho thấy ông lớn Acecook với mức gần 12.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ tờ Nikkei năm 2019, Acecook có kế hoạch tăng doanh số bán mì ly tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu phần vào năm 2022, gấp đôi so với 2017. Với diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian qua, kế hoạch của ông lớn này có lẽ sẽ sớm cán mốc đề ra.

Ba tên tuổi khác trên thị trường cũng gặt hái được quả ngọt trong thời gian qua là Asia Food, Uniben, Vifon. Doanh thu của Asia Food đạt gần 6.000 tỷ đồng trong khi đó Uniben và Vifon cũng thu về cỡ 3.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Người Việt đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ mỳ ăn liền thời Covid, Masan, Acecook, Vifon,.. hưởng lợi ra sao từ nhu cầu tích trữ thời giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Nếu so sánh với thời điểm năm 2016 khi thế giới và Việt Nam chưa biết Covid-19 là gì thì các doanh nghiệp này có mức độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng từ 30% đến 90%.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM