Người Trung Quốc 'khoái' kim cương
Cùng với sự phát triển của thời đại hiện nay, kim cương còn mang nhiều sắc thái ý nghĩa khác nữa đối với người Trung Quốc.
Người Trung Quốc mua kim cương thường xuyên hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Tỷ lệ cô dâu Trung Quốc nhận được một viên kim cương đã thay đổi từ 0 lên 47% trong vòng chưa đầy 30 năm, cho thấy kim cương đã được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt.
Kể từ năm 2015, các nhà chế tác trang sức xa xỉ đã nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với kim cương của thế hệ trẻ Trung Quốc, từ 18 đến 34 tuổi, những người đang thay đổi quan niệm rằng kim cương chỉ là biểu tượng của tình yêu được nhận khi đính hôn, kết hôn hoặc cho ngày kỷ niệm. Xu hướng lối sống thay đổi và văn hóa đô thị đang phát triển đã khiến người tiêu dùng trẻ lệch khỏi sở thích truyền thống đối với vàng và ngọc bích của Trung Quốc, và thay vào đó họ đã kết hợp trang sức nạm kim cương để trở thành một phần trang phục hàng ngày, một điểm nhấn mới trong phong cách thời trang.
Phụ nữ có trình độ học vấn cao sống và làm việc ở các thành phố cấp cao là một trong những người tự mua kim cương nhiều nhất. Theo Báo cáo Insight của De Beers, 25% phụ nữ ở Trung Quốc kiếm được nhiều tiền hơn so với đối tác của họ và 34% trong số họ mua kim cương để kỷ niệm các cột mốc cá nhân hoặc theo sở thích, trong khi chỉ 12% trong số họ đề cập đến việc mua trang sức cho lễ đính hôn hay lễ cưới.
Một viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Ảnh: theneweconomy.com.
Không giống như người phương Tây, đàn ông Trung Quốc tỏ ra rất thích đồ trang sức và kim cương. Theo một khảo sát của Hong Kong, 67% người tiêu dùng nam Trung Quốc ở độ tuổi 30-44 tuyên bố muốn sở hữu kim cương. Với họ, kim cương không phải là vật trang sức, nó trở thành biểu tượng của sự sức mạnh kinh tế và địa vị xã hội.
Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rộng rãi cho sự phát triển của ngành trang sức kim cương bằng cách giảm thuế và hỗ trợ nhu cầu trong nước. Lực lượng lao động rẻ, sự ra đời của các công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng năng động và phát triển cao để tiến hành kinh doanh kim cương và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt cho phép Trung Quốc trở thành một trong những trung tâm kim cương hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu.
Kim cương trở thành ngành công nghiệp tỷ đô tại Trung Quốc
Theo Báo cáo Insight của De Beers’, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ kim cương lớn thứ hai thế giới. Số liệu từ Tập đoàn Askci cho thấy nhu cầu kim cương của Trung Quốc liên tục tăng và đạt 70,7 tỷ NDT vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dù khối lượng nhập khẩu giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mức thuế thấp đối với kim cương (0‑4%) rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Thâm Quyến là trung tâm sản xuất và bán buôn kim cương ở đại lục, với khoảng 30 trung tâm mua sắm đồ trang sức và chợ bán buôn xung quanh thành phố. Sản lượng kim cương của Thâm Quyến, trong đó 90% là để đáp ứng nhu cầu trong nước, chiếm 70% tổng sản lượng của cả nước và có giá trị ước tính khoảng 150 tỷ NDT vào năm 2021.
Trung Quốc có trữ lượng kim cương lớn nhất ở châu Á. Trong 50 năm qua, hơn 100 mỏ kim cương được phát hiện ở Trung Quốc. Hiện trữ lượng kim cương của các mỏ được phát hiện ước tính khoảng 23 triệu carat, tập trung gần 90% ở hai tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất thế giới với hơn 600 công ty hoạt động trong ngành. Các nhà máy này sản xuất tới 400 triệu carat kim cương nhân tạo hàng năm.