Người Hoa có những công trình kiến trúc gì đặc biệt sau 300 năm ở TP HCM?
Sau hơn 300 năm, người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã để lại nhiều công trình kiến trúc, khác biệt và thành điểm đến của nhiều du khách.
Chợ Bình Tây (quận 6, TP. HCM) được xây dựng vào năm 1928, trên một mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000 m2, bởi một thương gia người Hoa tên Quách Đàm. Dù được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp, nhưng ngôi chợ lại mang đậm dấu ấn Á Đông.
Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn của thành phố và của quận 6. Khu chợ đã trở thành điểm tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Về văn hóa tín ngưỡng, nhà thờ Cha Tam (đường Học Lạc, quận 5, TP. HCM) - là nơi hành lễ của người Hoa ở Sài Gòn theo Công giáo. Người đứng ra xây dựng là linh mục Pierre d’ Assou, cũng là vị cha đầu tiên của nhà thờ. Ông có tên Hoa là Đàm Á Tố - phiên âm là Tam An Su. Vì vậy mọi người quen gọi là nhà thờ Cha Tam.
Tuy bên trong thánh đường được xây theo lối kiến trúc Gothic của phương Tây, phần cổng chào lại giữ những đặc điểm của văn hóa Trung Hoa như mái đầu đao, cá chép hóa rồng hay dạng cổng tam quan.
Chùa Ông được xây dựng cách đây gần 300 năm. Theo bước chân di cư, một bộ phận lớn người Hoa phát triển thành một cộng đồng đông đảo ở đất Sài Gòn, và xây dựng Hội Quán Nghĩa An vào khoảng trước thế kỷ 19 như một nơi hội họp, thờ cúng và thể hiện văn hóa tâm linh của họ.
Hội quán Thanh Chương tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi (quận 5) được xem là một trong những kiến trúc nổi bật mang đậm dấu ấn Trung Hoa với những chạm khắc chi tiết được nhiều người biết đến.
Đây còn là nơi thờ tự Thiên Hậu Thánh Mẫu, làm điểm tựa tôn giáo cho nhiều người dân sinh sống tại TP. HCM.
Từng được đánh giá bề thế bậc nhất khu vực Đông Nam Á, nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) được người Hoa ở Sài Gòn xây dựng vào năm 1960 thay cho nhà xác cũ vốn nhỏ hẹp.
Nhà tang lễ do hội người Hoa Quảng Đông sống tại TP. HCM đóng góp xây dựng. Các thương gia giàu có muốn xây dựng nhà tang lễ quy mô lớn, “hoành tráng” thuộc hàng nhất nhì trong khu vực nên đã thuê thợ lành nghề từ Trung Quốc sang thiết kế, thi công.
Nằm ngay trên trục đường Trần Hưng Đạo, rạp Lệ Thanh (quận 5, TP. HCM) được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bởi một thương gia họ Lý. Nhà hát Lệ Thanh đã từng tiếp đón rất nhiều ca sĩ diễn viên nổi tiếng khắp Châu Á, trong đó có nữ danh ca Đặng Lệ Quân.
Hiện tại, rạp Lệ Thanh đã không còn hoạt động. Rạp hát lâu đời nhất Sài Gòn giờ đây chỉ còn là “căn nhà vắng chủ”, những hạng mục nơi đây đã xuống cấp trầm trọng.
Ngoài những công trình “khủng”, người Hoa ở Sài Gòn còn gìn giữ, sinh sống trong các ngôi nhà cổ.