Người trẻ chật vật với ước mơ mua nhà: Lương 40 triệu vẫn làm 15 tiếng/ngày, tậu được chung cư thì lo tiền trả nợ
Mua một căn nhà để "an cư lạc nghiệp" ở thành phố lớn không phải điều người trẻ nào cũng dễ dàng đạt được.
Hiện nay, với giá bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, nhiều người trẻ phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực dành dụm tiền tiết kiệm mới đủ chi phí mua nhà. Một số người chấp nhận bỏ phố về quê, hay đến các ngoại thành xây nhà để đỡ đần chi phí hoặc chấp nhận thuê chung cư cả đời ở vùng trung tâm.
Vậy còn những người trẻ vẫn đang theo đuổi giấc mơ mua nhà ở thành phố lớn, họ đã đánh đổi những gì cho ước mơ "an cư lạc nghiệp"?
Người chưa có nhà: Lương 35 - 40 triệu đồng vẫn làm từ 7h sáng - 10h tối
Đó là câu chuyện của Minh Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) - một cô gái đặt mục tiêu mua nhà vào năm 30 tuổi. Cô nàng chia sẻ lịch trình làm việc: "Hiện tại mình làm từ 7h sáng đến 10h tối. Sau 10h tối thì học hành, hoặc cày sách vở, có hôm đến 2h sáng. Thu nhập hàng tháng cũng khoảng 35-40 triệu.
Nhưng không phải lúc nào mình cũng chỉ chăm chăm làm việc mà bản thân vẫn có thời gian hưởng thụ cuộc sống, hẹn hò cùng bạn bè. Kiếm tiền cực kỳ quan trọng, nhưng cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để nghỉ ngơi".
Minh Ngọc quan niệm, kiếm tiền là một trong những mục tiêu mà bản thân kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, hiểu được bản thân đang nỗ lực để dùng tiền vào việc gì càng quan trọng hơn. Bởi nếu như việc kiếm tiền chỉ là để thỏa mãn sở thích cá nhân tạm thời, thì sẽ rất nhanh thôi bạn mất đi động lực trong cuộc sống. Ngoài áp lực mua nhà, Minh Ngọc còn có nhiều gánh nặng tài chính khác trên vai, đó là lo việc học hành cho em gái, phụ giúp gia đình và tương lai còn muốn xây nhà cho bố mẹ.
Để có được thu nhập lý tưởng như hiện tại, Minh Ngọc không chỉ làm 1 công việc duy nhất. Bên cạnh thời gian 8 tiếng ở công ty, Ngọc còn nhận làm thêm dự án ngoài và rất năng nổ trong công việc. Bên cạnh cường độ làm việc cao, cô nàng còn liên tục cập nhật kiến thức mới vì quan điểm "lương chỉ cao khi mình có giá trị". Có những ngày, 2h sáng Ngọc vẫn miệt mài "cày sách vở".
Kiên trì như vậy, nên chỉ khoảng sau 4 năm đi làm thì mức lương cứng của Ngọc đã cao hơn mặt bằng chung. Bên cạnh đó, cô cũng được cấp trên cất nhắc lên các vị trí cao hơn trong công việc chính thức. Tuy có mức lương cao song Ngọc chỉ dành tối đa 20% thu nhập để chi tiền cho sở thích cá nhân và duy trì các mối quan hệ. Đặc biệt, cô nàng luôn dành tối thiểu 30% tổng thu nhập để tiết kiệm.
Cô tâm sự: "Tháng nào cần tiêu nhiều tiền hơn, mà thâm hụt vào 30% tiền tiết kiệm, mình sẽ nghĩ cách để tháng sau bù vào. Biết kiểm soát chi tiêu trong cuộc sống giúp mình đến gần hơn với mục tiêu mua nhà trong tương lai. Nếu lỡ sinh ra không phải ở vạch đích, thì càng phải biết nỗ lực để cải thiện cuộc sống của bản thân. Đừng đòi hỏi xã hội phải công bằng với những người không biết cố gắng."
Người đã mua được nhà: Chật vật để trả nợ ngân hàng
Trong khi giá bất động sản quá cao so với túi tiền, nhiều dân văn phòng chấp nhận vay từ ngân hàng để thực hiện ước mơ có nhà nơi thành phố lớn. Điều này cũng dẫn đến họ phải mang trên vai món nợ lớn ở độ tuổi còn trẻ, ảnh hưởng cả sức khoẻ thể chất và tinh thần nếu chính chủ không biết cân đối tài chính.
Đó cũng là câu chuyện của Trọng Hoàng (31 tuổi, Hà Nội) . Anh chàng từng vay khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà vào năm 2016. Khi đó, thị trường bất động sản phất lên với nhiều dấu hiệu tích cực, nên Hoàng quyết định gom tiền tiết kiệm và vay trả góp ngân hàng căn nhà hơn 2 tỷ đồng. Được biết, căn nhà gồm 3 phòng ngủ và 1 phòng khách.
Dù làm trong ngân hàng, sở hữu mức lương cao hơn những ngành nghề khác song Hoàng cũng rất chật vật trong việc trả nợ.
Chàng trai tâm sự: "Tính toán sử dụng trong lâu dài nên mình mới mua nhà lớn như thế. Giờ nghĩ lại, quyết định vay tiền ngân hàng mua nhà và trả góp trong 20 năm quả thực có đôi chút sai lầm. Lúc đó, mình cũng chỉ nghĩ rằng việc chia món nợ nhỏ ra để giảm áp lực tài chính. Tuy vậy, trải qua vài năm trả nợ ngân hàng, mình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Dù sau khi nhận lương, trả nợ xong vẫn còn dư dả để tiêu.
Nhưng cái cảm giác lúc nào cũng có món nợ chực chờ, khiến bản thân không dám nghỉ việc. Bất cứ quyết định nào liên quan đến tài chính cũng phải nghĩ đến tiền lương, tiền nợ. Tinh thần đôi lúc không tránh được rệu rã, muốn bán luôn nhà."
Cũng vì thế, chàng trai cho rằng bản thân có mức lương trung bình của 1 dân ngân hàng, lại nắm rõ về đất đai và lãi suất như thế mà còn còn thấy chật vật với chuyện mua nhà. Thì những người khác, giả sử lương tháng 10 triệu, khi nào có đủ tiền mà mua?
Trọng Hoàng cũng đưa ra lời khuyên với người trẻ dự định vay tiền mua nhà: "Thành thử ra bây giờ, dù mọi người nói rằng bất động sản đang 'ế', ai muốn mua nhà có thể vay trả góp, tranh thủ lúc giá nhà, giá đất thấp thì mua. Không để thêm thời gian nữa, giá tăng lại lỡ mất cơ hội tốt. Mình nghĩ thầm, hẳn là chỉ ai có tiền nhàn rỗi không làm gì mới nên 'hốt'. Chứ những người làm công ăn lương tháng, nên suy nghĩ thật kỹ."