Người thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ thuộc diện hộ nghèo

31/12/2020 08:44 AM | Xã hội

Đây là mức dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2026. Còn chuẩn nghèo hiện tại đang áp dụng là những người có mức thu nhập bằng hoặc dưới 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.

Ảnh minh họa. BizLIVE/Văn Cao
Ảnh minh họa. BizLIVE/Văn Cao

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, diễn ra chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì xây dựng.

Theo đó, việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 được sử dụng để làm căn cứ để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, đây cũng được sử dụng làm cơ sở thực tiễn để xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Người thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ thuộc diện hộ nghèo - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 sẽ làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều bao gồm đủ tiêu chí thu nhập và tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để xác định, nhận diện chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều; tiêu chí thu nhập tiệm cận bằng chuẩn mức sống tối thiểu.

GIẢM NGHÈO Ở VÙNG "LÕI NGHÈO" LÀ VÔ CÙNG KHÓ KHĂN

Trước đó, thông tin tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian áp dụng chuẩn nghèo mới là khi cải cách tiền lương.

Theo Bộ trưởng Dung, Việt Nam là nước đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh, về đích trước 10 năm so với mục tiêu Thiên niên kỷ. Là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Kết quả giảm bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến nay là 2,75% năm 2020.

Người thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ thuộc diện hộ nghèo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại hội nghị Chính phủ với các địa phương.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 29/12, Bộ Lao động - Thương binh &Xã hội và Bộ Tài chính đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2026, dự kiến với mức 1,5 triệu đồng/người/ tháng tại khu vực nông thôn, mức 2 triệu đồng/người/tháng tại khu vực thành thị và đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu, thời gian áp dụng sẽ điều chỉnh cùng với cải cách chính sách tiền lương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Dung cũng cho biết thêm: Trước mắt năm 2021, theo quyết định của Bộ Chính trị và Quốc hội chúng ta chưa điều chỉnh chuẩn nghèo, như vậy cả nước tỷ lệ hộ nghèo hiên nay còn 2,7%. Trong khi đó, chỉ tiêu quyết định giảm 1,1 -1,5%.

"Chúng tôi cho rằng đây là việc vô cùng khó khăn do phần lớn số này khó có thể thoát nghèo, tuyệt đại bộ phận 2,75% này nằm ở lõi nghèo là vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số", ông Dung nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia.

Lần gần nhất, tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020" đã xác định các tiêu chí như sau:

Thứ nhất, tiêu chí về thu nhập: Người nghèo là những người có mức thu nhập bằng hoặc dưới 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; người cận nghèo là những người có mức thu nhập bằng hoặc dưới 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Thứ hai, tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản:

a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin;

b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Tuấn Việt

Cùng chuyên mục
XEM