Người 'sành đồ cổ nhất Bắc Kinh' chia sẻ 6 quy tắc khi sưu tầm cổ vật: Làm thế nào để không bị lừa?

27/04/2021 20:45 PM | Sống

Ở Trung Quốc, những người có tầm nhìn và dám đầu tư vào đồ cổ từ những năm 1980 đều có trong tay bộ sưu tập hàng triệu đô-la.

Từ những năm 1980, trào lưu chơi đồ cổ tại Trung Quốc phát triển rầm rộ và mang lại bội tiền cho những người chơi trong giới. Thời ấy, những người có tầm nhìn và dám đầu tư trong mảng này hiện nay đều có bộ sưu tập khổng lồ mang giá trị triệu đô-la song đây cũng là một ngành phức tạp, yêu cầu người ta phải hiểu rõ một vài quy luật.

Nhà sáng lập bảo tàng Quang Phục (Bắc Kinh) Ma Weidu, còn được mệnh danh là "nhà sưu tầm hàng đầu Bắc Kinh", sẽ chia sẻ 6 quy tắc cần phải biết khi mua đồ cổ. Những nguyên tắc này sẽ giúp việc mua bán thuận lợi, không làm mất lòng người bán hàng cũng như không để việc bản thân thiếu kinh nghiệm mà bị lừa.

Quy tắc 1: Đầu tiên động miệng, sau đó mới động tay!

Dù vào cửa hàng đồ cổ hay quầy hàng rong thì có một nguyên tắc ta buộc phải kiêng kỵ, đó là trực tiếp cầm đồ lên xem mà không nói lời nào.

 Người sành đồ cổ nhất Bắc Kinh chia sẻ 6 quy tắc khi sưu tầm cổ vật: Làm thế nào để không bị lừa? - Ảnh 1.

Không nên tùy tiện động tay vào một món đồ cổ trước khi hỏi chủ tiệm. Ảnh: Sohu

Nếu chủ cửa hàng dễ tính sẽ không quát mắng nhưng sẽ nhắc nhở ta bỏ đồ xuống và cân nhắc kỹ trước khi chọn món đồ muốn xem nhưng nếu gặp phải chủ tiệm nóng tính thì lúc đó bạn sẽ trở thành đối tượng có "dã tâm" cố ý huỷ hoại giá trị món đồ, hậu quả sẽ phải đền tiền, thậm chí là rất nhiều tiền.

Cách tiếp cận đúng là hãy chào chủ tiệm trước, sau đó hỏi thông tin đồ vật mà ta muốn xem. Điều này không chỉ giúp ta trông rất có hiểu biết mà còn chiếm được thiện cảm của chủ tiệm. Có thể chủ tiệm sẽ có nhã hứng cho ta xem một số bảo vật mà người khác không dễ được thấy.

Quy tắc 2: “Tay chuyền qua tay” là siêu cấm kỵ

Trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình cổ đại, các nhân vật luôn mắc phải sai lầm là chuyền tay khi xem đồ cổ, đây là điều mà những người trong giới chơi đồ cổ không ai làm. Bởi đồ cổ là thứ rất dễ bị hỏng, cách tốt nhất là hạn chế nhất có thể việc đụng tay vào, nếu nhiều người muốn cùng kiểm tra thì hãy đặt xuống để người kia lại cầm lên xem.

Tất nhiên, nếu bạn gặp phải tình huống mà người bán hàng chủ động cầm đồ cổ lên và đưa trực tiếp cho bạn, rất có thể đó là cái bẫy để bạn phải đền tiền.

 Người sành đồ cổ nhất Bắc Kinh chia sẻ 6 quy tắc khi sưu tầm cổ vật: Làm thế nào để không bị lừa? - Ảnh 2.

Đồ cổ là thứ rất dễ bị hỏng, chỉ một đường vân mờ cũng có thể mang giá trị rất lớn nên phải phải rất cẩn trọng khi dùng tay kiểm tra vật. Ảnh: Sohu

Quy tắc 3: Hỏi giá thì thoải mái, nhưng lúc mặc cả phải cẩn thận

Trong mua bán, giá cả luôn là yếu tố quan trọng nhất. Không ít người mới chơi đồ cổ mắc phải sai lầm này. Có một từ trong giới chơi đồ cổ gọi là “giá dạo”, hay còn gọi là “nói thách ”, nhằm chỉ hành động hét mức giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, nếu không cẩn thận định lượng đúng tầm giá, ta sẽ phải mua món đồ với giá trên trời.

Quy tắc 4: Sưu tập cũng phải biết tiết chế

Có một kiểu người khi đến các gian hàng đồ cổ, họ to tiếng, cố tỏ ra hiểu biết và sau đó mua la liệt những món đồ không có giá trị cao. Người sưu tầm chân chính phải là những người kiệm lời và thực dụng, đúng như người ta nói “phát tiếng trong tâm mới là phát đại tài”.

Quy tắc 5: Hãy thận trọng khi sưu tầm đồ cổ trực tuyến!

Thời đại Internet đã mang đến cho chúng ta sự tiện lợi và cơ hội phát triển mới cho việc sưu tầm, tuy nhiên Internet cũng mang đến những hiểm nguy mà ta phải đề cao cảnh giác. Thành ngữ: “Trăm nghe không bằng một thấy” rất phù hợp nói trong trường hợp này.

Quy tắc 6: Đừng ham rẻ!

Nếu săn đồ cổ với tâm lý “nhặt được của rơi” mà ham giá rẻ, chẳng bao lâu nữa bạn sẽ bị lừa. Những món đồ cổ giá trị đương nhiên sẽ đi kèm với số tiền không nhỏ. Vì vậy, dù chơi đồ cổ như một thú vui hay phương thức để kiếm tiền, trước tiên bạn phải trang bị cho mình khối kiến thức đầy đủ và tài chính vững chắc nếu muốn thử thú vui thượng lưu này.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Nguyễn Hoè

Cùng chuyên mục
XEM