Người phụ nữ U50 ở nhà nuôi 3 con, tổng chi phí 65 triệu đồng/tháng: Sau dịch COVID-19 kinh tế bết bát, cuộc đời tôi chưa bao giờ mua món đồ 85.000 VNĐ mà căng não mấy ngày

09/07/2024 17:23 PM | Sống

"Tôi đã ngoài 40, giờ có thêm con nhỏ, không nhiều mối quan hệ lắm vì đã ra làm riêng nhiều, không có sức khoẻ, không tiền, không nhà, không nghiệp vụ chuyên môn lại thêm 3 đứa con dại. Nghĩ đến tương lai một màu xám xịt khiến tôi bải hoải người. Mỗi sáng thức dậy, tôi chỉ ước đêm dài mãi", chị H. trải lòng.

Mới đây, câu chuyện của người phụ nữ tạm gọi là H. đăng tải trên nhóm "Vén khéo" đã nhận được nhiều đồng cảm. Không ít người bày tỏ cuộc sống gia đình cũng đang áp lực tiền bạc như chị H. Mỗi ngày mở mắt ra đối với họ là trăm thứ tiền cần chi: Tiền học cho con, tiền nhà, tiền xe, phí sinh hoạt,... Các khoản vẫn phải chi nhưng không có nguồn thu khiến họ mệt mỏi, chán chường, thất vọng.

Mệt mỏi vì không có tiếng nói trong nhà...

Chị H. chia sẻ, sau dịch COVID-19, gia đình gánh nợ ngập đầu, tài sản quy đổi ngang quay về tay trắng. Hai đứa con học trường tư hết 30 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà là 15 triệu đồng, tiền ăn uống, điện nước khoảng 20 triệu đồng.

Chị H. đã ngoài 40 tuổi, lỡ có bé gái thứ ba nên đang nuôi con nhỏ, không đi làm được. Cửa hàng đang kinh doanh thu chi chỉ hoà, chứ không lãi, thậm chí còn lễ nhẹ. Chị nhiều lần bàn với chồng tinh giản mặt hàng để tăng hiệu quả kinh doanh nhưng chồng toàn làm ngược lại: Nhập thêm hàng mới, không bán được lại huỷ. 

Người phụ nữ U50 ở nhà nuôi 3 con, tổng chi phí 65 triệu đồng/tháng: Sau dịch COVID-19 kinh tế bết bát, cuộc đời tôi chưa bao giờ mua món đồ 85.000 VNĐ mà căng não mấy ngày- Ảnh 1.

Hiện tiền tiết kiệm của gia đình chị H. sắp tiêu hết khiến chị vô cùng lo lắng. Chị cũng bàn với chồng cho 2 con về học ở trường công, chuyển từ thuê nhà 15 triệu đồng sang căn khác 10 triệu đồng để đỡ gánh nặng tài chính nhưng chồng gạt đi.

Chị H. chán chường: "Cuộc đời tôi chưa bao giờ vì mua một món đồ trị giá 85.000 VNĐ cho con mà phải căng não, chần chừ đến mấy ngày. Tôi biết, giờ con về học ở trường công, thuê cái nhà khác ít tiền hơn sẽ giảm được 2/3 gánh nặng. Nhưng tôi không quyết nổi bởi chồng tôi ngang ngược.

Tôi đã ngoài 40, giờ có thêm con nhỏ, không nhiều mối quan hệ lắm vì đã ra làm riêng nhiều, không có sức khoẻ, không tiền, không nhà, không nghiệp vụ chuyên môn lại thêm 3 đứa con dại. Nghĩ đến tương lai một màu xám xịt khiến tôi bải hoải người. Mỗi sáng thức dậy, tôi chỉ ước đêm dài mãi".

Chị H. ước rằng bản thân kiên quyết hơn với chồng từ nhiều năm trước để bây giờ có thể tự lập trong mọi quyết định. "Sáng nay, tôi cho con 30.000 VNĐ để đi mua kem, con bé rơm rớm nước mắt vì biết mẹ không có tiền. Lòng tôi đau như xát muối", chị H. tủi thân cho biết.

Câu chuyện của H. nhận được nhiều đồng cảm, nhưng không ít người bày tỏ gia đình chưa biết "liệu cơm gắp mắm", khi thấy kinh tế đi xuống cần chuyển nhà và cho con sang học trường công. Mọi người thắc mắc, gia đình chị H. tuy chưa có nhà nhưng lại sẵn sàng chi 30 triệu đồng/tháng cho 2 con học trường công? 

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, chị H. thuê căn nhà 15 triệu đồng để ở có thể tận dụng tầng dưới để kinh doanh. Còn chuyện vì sao không con sang học trường công thì đây không phải là điều có thể làm "một sớm, một chiều". Việc xin vào trường công khá khó, hơn nữa khi thay đổi môi trường học tập có thể khiến trẻ bị sốc. 

Người phụ nữ U50 ở nhà nuôi 3 con, tổng chi phí 65 triệu đồng/tháng: Sau dịch COVID-19 kinh tế bết bát, cuộc đời tôi chưa bao giờ mua món đồ 85.000 VNĐ mà căng não mấy ngày- Ảnh 2.

Phía dưới bài viết, CĐM để lại nhiều ý kiến đóng góp:

- Chồng chị chưa biết nghĩ, chưa nhìn ra vấn đề của gia đình hay đang sĩ diện? Thiết nghĩ 2 vợ chồng cần nghiêm túc bàn bạc để có quyết định điều chỉnh sớm.

- Chúc chị nhiều sức khoẻ, thêm nghị lực để sớm vượt qua ạ. Sẽ không biết mình mạnh mẽ đến nhường nào cho đến khi mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất.

- Bạn ngoài 40 tuổi rồi mà tính toán chi tiêu cơ bản không quyết định được, mình thấy đáng lo ngại. Đàn ông lo kinh tế, đàn bà lo giữ của. Bạn không vun vén được thì trước hết khổ mình, sau là khổ con. 

Nguồn: Vén khéo 


Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM