Người Nhật: “Người Việt đừng tưởng dễ lừa được chúng tôi”
Nếu xu thế lừa đảo và gian dối của các công ty du học Việt Nam tiếp diễn, không loại trừ việc rồi người Nhật sẽ tự lập ra những công ty của riêng mình và tự đưa học sinh sang Nhật.
Những ngày mùa thu mát mẻ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Đại diện của khá nhiều trường tiếng tại Nhật đang rất bận rộn chuẩn bị cho các bài thuyết trình tại một số trường cấp 3 trên địa bàn để giới thiệu về trường của họ, hướng dẫn cho học sinh cách làm việc với công ty môi giới, giới thiệu về cuộc sống ở Nhật.
Và không chỉ Phú Thọ, đại diện các trường Nhật còn đến nhiều tỉnh khác ở Việt Nam để tuyển sinh. Vậy nên mới có chuyện ở nhiều miền quê, nhà nhà có người đi Nhật học. Du học có dăm bảy đường và du học sinh cũng có hàng chục kiểu người khác nhau.
Với bản tính cẩn thận trong làm ăn kinh doanh, làm giáo dục cũng được người Nhật coi như cách tốt để tạo nguồn lao động và có thêm doanh thu, chính vì vậy trong các bài thuyết trình trước học sinh, họ luôn cố gắng để nói càng chân thực càng tốt về đời sống, chi phí cũng như những vất vả mà học sinh có thể gặp phải.
Họ luôn muốn nhấn mạnh rằng Nhật không phải thiên đường để kiếm tiền theo kiểu “ăn xổi ở thì”, các em không nên nghĩ đến làm thêm nhiều hay ăn trộm ăn cắp kiếm tiền nhanh mà các em hãy học thật tốt để ra trường kiếm được việc làm toàn thời gian lương lậu tốt hơn.
Tuy nhiên từ các cuộc tiếp xúc với đại diện nhiều trường tiếng Nhật với người viết, họ cho biết họ cảm thấy rất khó chịu khi mà họ nhìn cử chỉ, nghe đoán từ là biết phiên dịch thường cố tình không truyền tải các ý về mặt xấu của Nhật đối với học sinh.
Chẳng thế mà những năm gần đây, các công ty môi giới du học Nhật tại Việt Nam cứ thế bùng nổ. Có những công ty chỉ ở vùng ven Hà Nội, thậm chí không mấy uy tín nhưng mỗi năm 4 kỳ tuyển sinh của các trường Nhật đã đưa cả nghìn học sinh sang Nhật. Tính trung bình mỗi học sinh lãi 50 triệu đồng, công ty đã thu về hàng chục tỷ mỗi năm. Trong khi trên thực tế, vốn liếng đầu tư cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Nhiều công ty môi giới du học làm giả bằng cấp, chứng chỉ cho học sinh và người Nhật không kiểm soát hết được, thế nên mới có chuyện không ít em học sinh sang Nhật mà thậm chí còn không học hết phổ thông trung học.
Khi đại diện công ty môi giới du học lừa dối, các trường tiếng cũng dễ thu hút học sinh hơn, kiếm về nhiều doanh thu, dễ tuyển học sinh và họ cũng có thể buông mặc cho các em “sống chết mặc bay” ở Nhật. Nhưng họ không muốn thế, họ muốn mang đến cho nước Nhật những nhân lực thực sự có ý thức học để tạo nguồn lao động tốt cho tương lai.
Từ trở ngại ngôn ngữ đó nên ngày một nhiều trường tiếng Nhật tuyển dụng thêm những người Nhật đã sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm để đi cùng với họ trong những chuyến tuyển sinh. Và bản thân những người sang Việt Nam làm ăn kinh doanh cũng rất nỗ lực học tiếng Việt.
Trong các cuộc giao tiếp, nhiều khi họ thường giả vờ ngây ngô như không biết gì, nhưng trên thực tế, họ hiểu khá nhiều những gì người Việt nói với nhau nhưng muốn để người Việt hãy cứ thoải mái trao đổi với nhau và họ sẽ xử lý thông tin theo cách khác.
Chúng tôi đã từng đề cập trong bài viết gần đây rằng có nhiều công ty môi giới du học Việt Nam ăn lãi từ 50 đến 100 triệu đồng với mỗi du học sinh tự túc tuyển sang Nhật, nhiều công ty Việt Nam ngỡ như người Nhật không biết việc đó. Sự thật hoàn toàn khác, người Nhật đã thuê/nhờ khá nhiều người mà họ tin tưởng đến dò hỏi thủ tục ở công ty đối tác để biết công ty trung gian lấy bao nhiêu tiền của học sinh.
Và đại diện một trường tiếng tại Tokyo trao đổi với người viết như sau: “Người Việt Nam đừng nghĩ sẽ lừa được chúng tôi, chúng tôi nắm không thiếu thông tin gì của đối tác, nhưng hiện tại hai bên đang cần nhau. Khi có đủ điều kiện, chúng tôi hoàn toàn có thể thay đối tác mới hoặc tự quản lý lấy quy trình.”
Ông này nói thêm: “Chúng tôi tìm hiểu được biết thu nhập của cả hộ gia đình nông dân Việt Nam nhiều khi mỗi tháng chỉ có vài triệu bạc, nhìn móng tay của học sinh cắt không gọn gàng, còn vương bùn đất cát, gót chân không trắng, chai lì cáu bẩn mà bảo rằng chứng minh tài khoản có hàng trăm triệu đi du học chúng tôi thấy buồn cười. Làm ăn với nhau lừa dễ thế sao.”
Chuyện người Nhật cẩn thận trong làm ăn kinh doanh tại nước ngoài không phải điều gì mới. Từ thập niên 1950, Sony là một trong những doanh nghiệp Nhật đầu tiên muốn vươn ra làm ăn ở thị trường nước ngoài. Nhà sáng lập Sony, ông Akio Morita, là một trong những doanh nhân hướng ngoại điển hình nhất của Nhật.
Để hiểu người Mỹ, ông đã chuyển cả gia đình đến Mỹ sống nhiều năm để hiểu văn hóa Mỹ và người tiêu dùng Mỹ. Cũng chính nhờ sống trong xã hội Mỹ mà ông nhận thấy nước Mỹ có nhu cầu cao với sản phẩm bán dẫn, sau đó vào năm 1957, Sony đã sản xuất sản phẩm bán dẫn để bán vào thị trường Mỹ.
Quay trở về Nhật, ông đã yêu cầu tất cả các quản lý từ cấp phòng của Sony buộc phải học và nói giỏi tiếng Anh theo đúng lộ trình cam kết với Sony nếu không sẽ không được hưởng lương thưởng theo chế độ. Đến thập niên 1980, gần như tất cả các quản lý của Sony đã giao tiếp bằng tiếng Anh cực tốt. Và trong thời gian khá dài, Sony là một trong những tập đoàn Nhật thành công nhất khi kinh doanh tại Mỹ.
Với câu chuyện của Sony, ta có thể thấy khi đã muốn làm ăn, người Nhật sẽ quyết liệt để tìm hiểu và nắm vững đối tác như thế nào. Quay trở lại chuyện tuyển sinh học sinh ở Việt Nam sang Nhật, như đã khẳng định trong bài viết trước, chắc chắn xu thế tuyển du học sinh Việt Nam sang Nhật sẽ còn vẫn tiếp diễn trong những năm tới.
Nhưng nếu xu thế lừa đảo và gian dối của các công ty du học Việt Nam tiếp diễn, không loại trừ việc rồi người Nhật sẽ tự lập ra những công ty của riêng mình và tự đưa học sinh sang Nhật.
Người Nhật có thể mở được doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động Việt Nam thì việc họ tự mở ra công ty du học để đưa học sinh sang Nhật, quản lý từ đầu đến cuối khâu tuyển học sinh và đào tạo học sinh. Lúc đó, ai mất miếng ăn chắc tất cả chúng ta đều hiểu.
Những năm gần đây, số lượng sinh viên Nhật theo học khoa tiếng Việt tại các trường ngoại ngữ tại Nhật cũng như số lượng sinh viên Nhật sang tận Việt Nam học khoa tiếng Việt tại các trường đại học Việt Nam ngày một nhiều hơn. Khi người Nhật làm chủ công cụ giao tiếp, họ sẽ tiến đến làm chủ mọi quy trình mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ "thiếu trung thực" từ các trung gian ở Việt Nam.