Người Nhật ngại sinh con, tổ chức xếp hạng tín dụng cũng "quan ngại" theo

25/06/2019 10:51 AM | Kinh doanh

Tỉ lệ sinh luôn thấp hơn tỉ lệ tử trong dân số đã khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ suốt 25 năm qua. Sự sụt giảm dân số dẫn đến nhiều hệ luỵ kinh tế xã hội. Đáng chú ý là gần đây, tổ chức Moody’s Investors Service hạ bậc tín nhiệm ngân hàng Nhật Bản từ mức "ổn định" sang "tiêu cực"

Nhật Bản bị hạ bậc tín nhiệm tài chính vì "đẻ ít, nợ nhiều"

Năm 2018, số trẻ em sinh ra (sinh suất) ở quốc đảo 126 triệu dân này chỉ có 918.397 bé, thấp nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó, số người mất đi ở Nhật (tử suất) lên đến 1.362.482 người.

Như vậy, nước Nhật đã trải qua 8 năm liên tiếp sụt giảm dân số, đánh dấu sự bế tắc của chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo (Chính phủ Nhật yêu cầu từ nay về sau ghi tên Thủ tướng theo cách họ trước tên sau - phóng viên ghi chú) kể từ khi ông công bố dự án cải thiện tình trạng dân số Nhật Bản năm 2012.

Các biện pháp cải cách thuế khóa, tăng cơ hội tiếp cận hệ thống chăm sóc trẻ em và giảm thiểu chi phí giáo dục nhằm kích thích người dân Nhật sinh con dường như không đem lại hiệu quả đáng kể.

Vấn đề giảm sút dân số đi cùng tình trạng nợ công gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến niềm tin vào kinh tế Nhật Bản càng lớn dần. Nợ công của chính phủ Nhật lên đến 250% GDP năm 2018. Bên cạnh đó, chương trình đàm phán thuế quan Mỹ- Nhật càng khiến tương lai xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản ảm đạm.

Nếu tình trạng giảm dân số còn kéo dài thì nước Nhật càng có ít người lao động hơn và mỗi lao động phải gánh trách nhiệm tài chính nặng nề hơn so với thế hệ hiện nay.

Tác động chung kéo dài các yếu tố này dẫn đến việc tổ chức Moody’s Investors Service hạ bậc tín nhiệm ngân hàng Nhật Bản từ mức "ổn định" sang "tiêu cực". Họ tuyên bố vào tháng 6/2019 rằng khả năng đáng tin cậy trả nợ của các ngân hàng Nhật Bản sẽ suy giảm trong 12 - 18 tháng.

Mặc dù việc bị hạ bậc tín nhiệm không đồng nghĩa Nhật Bản đang bước vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, nhưng nó mang tính chất cảnh báo các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo về các rủi ro kinh tế Nhật đang mắc phải, trong đó có vấn đề nợ công.Nếu khoản nợ công ở Nhật phình to vượt quá giới hạn mà giới chuyên gia gọi là "khoảnh khắc Minsky", kinh tế Nhật sẽ đứng trước bờ vực sụp đổ.

Sự thu hẹp quy mô GDP Nhật Bản suốt nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2012-2017 khi GDP Nhật giảm từ 6.203 tỷ USD xuống còn 4.872 tỷ USD, dẫn đến hệ lụy không có nhiều tập đoàn dám đánh cược tài chính vào việc mua lại nợ công của chính phủ Nhật Bản.

Người Nhật ngại sinh con, tổ chức xếp hạng tín dụng cũng quan ngại theo - Ảnh 1.

Hiện tại, nước Nhật đang đứng trước thế lưỡng nan giữa việc phải tìm ra cách tăng trưởng trong bối cảnh suy giảm dân số, nhưng động lực tăng trưởng đến từ thể chế điều hành lại rất hạn chế.


Những giải pháp không thấm vào đâu

Vào đầu năm nay, Đại học Tokyo kết hợp cùng Viện nghiên cứu Karolinska Thụy Sỹ đã công bố kết quả nghiên cứu xã hội học ở Nhật từ 2015, theo đó một phần tư người Nhật dưới 40 tuổi chưa hề có trải nghiệm tình dục – tỷ lệ này tăng gấp đôi sau hai thập niên qua.

Nhiều lý thuyết giải thích vấn đề này xuất hiện, ví dụ như ngày làm việc quá dài đã bào mòn sức lực và tâm trí của hầu hết mọi người.

Việc hạn chế sinh sản cộng thêm xu hướng cắt giảm chi tiêu toàn xã hội trở thành nan đề của nền kinh tế Nhật Bản hiện tại.

Chính phủ Nhật đứng trước nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng dân chúng không mặn với sinh sản như thúc đẩy tăng trưởng GDP, cho phép nhiều lao động nước ngoài đến Nhật và cắt giảm chi tiêu không cần thiết của chính phủ.

Quyết tâm ngăn chặn nạn giảm phát là ưu tiên số một của các đời Thủ tướng Nhật Bản suốt 25 năm qua nhưng thành quả gặt hái rất nhỏ. Nhật Bản đã cởi mở hơn với các lao động ngoại quốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động song họ chưa thể ngăn chặn sự rò rỉ tài chính từ Nhật Bản.

Tăng thuế là một biện pháp song song. Hồi năm 2014, Nhật Bản đã nâng thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) từ 5% lên 8% nhằm trả nợ công. Đến tháng 10/2018, chính phủ Abe lại tăng thuế VAT từ 8% lên 10%, mức cao nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản. Kết quả Nhật vẫn chìm trong nợ công và kinh tế vẫn tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nhật Bản. Theo các chuyên gia kinh tế từ cơ quan nghiên cứu Dai-Ichi Life, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục co lại 0,5% trong quý II năm 2019.

Vấn đề thực sự mà Nhật Bản đang đối mặt có lẽ từ cách tiếp cận chính sách. Những chính sách kinh tế của chính phủ Abe Shinzo vẫn đang tập trung vào việc mở rộng tài khóa ngắn hạn.

Điều đó cũng giải thích tại sao Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan – BOJ) đã trở thành chủ nợ lớn nhất của chính phủ Nhật. Hiện tại BOJ đang nắm ít nhất 50% thị trường chứng khoán Nhật và 80% các quỹ trao đổi thương mại.

Vào cuối năm 2018, BOJ trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm G7 nắm giữ khối tài sản lớn hơn GDP của quốc gia – với hơn 5.000 tỷ USD (so với 4.872 tỷ USD GDP Nhật năm 2018).

Hiện tại, nước Nhật đang đứng trước thế lưỡng nan giữa việc phải tìm ra cách tăng trưởng trong bối cảnh suy giảm dân số, nhưng động lực tăng trưởng đến từ thể chế điều hành lại rất hạn chế.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM