Người khai hoang nổi tiếng của vùng Nam Bộ thành tỷ phú tôm, tỷ phú bò, tỷ phú chuối như thế nào?

29/01/2017 13:07 PM | Kinh doanh

Ông Út Huy (tên thường gọi của ông Huy và là tên ông Huy thích được gọi nhất) là một tấm gương điển hình với phương thức làm nông nghiệp hiện đại, trở thành tỷ phú tôm, tỷ phú bò, tỷ phú chuối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc đến ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, trong cuộc gặp các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tháng 12/2016: Tôi từng tiếp xúc với anh Huy ở Long An, rất ấn tượng. Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc như cái khó của anh Huy đang lo lắng, cũng là cái trói buộc nền nông nghiệp Việt Nam.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cũng nhắc tới ông Huy trong một sự kiện về nông nghiệp tại tỉnh Tây Ninh ngày 6/1: Hãy làm nông nghiệp như Út Huy (tên thường gọi của ông Huy và là tên ông Huy thích được gọi nhất), tỷ phú tôm, tỷ phú bò, tỷ phú chuối.

Không phải ngẫu nhiên, ông Huy được biết đến nhiều trong nông nghiệp. Ông Huy có những dấu ấn rất đặc biệt: Ông đang sở hữu 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau. Làm tôm, bò hay chuối, ông đều trở thành tỷ phú. Ông được cho là đại diện của thế hệ nông dân lái xe hơi đi thăm cánh đồng bạt ngàn, thay vì đạp xe hay đi bộ như vẫn thường thấy.

Người khai hoang nổi tiếng ở vùng đất Nam Bộ.

Ông Huy đang sở hữu khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh miền Nam. Người ta gọi ông với rất nhiều biệt danh như người khai hoang, tỷ phú tôm, tỷ phú bò, tỷ phú ớt và giờ đây là tỷ phú chuối. Cái tên người khai hoang không phải ngẫu nhiên mà có.

Vùng đất ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An – nơi chúng tôi trò chuyện cùng doanh nhân này vào dịp cuối năm 2016, cách đây nhiều năm, vốn là vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, cây cối mọc um tùm. Ông Huy không tìm những vùng đất nhỏ lẻ vài hecta, mà tìm đến những khu đất rộng lớn, hoang sơ như thế và biến nó thành cánh đồng chuối trù phú như ngày hôm nay.

Là người con thứ 9 trong một gia đình nghèo ở Long An, giờ đây bên cạnh tài sản quý nhất của ông là 2 người con trai, một người du học về và một người học nông lâm theo sự nghiệp làm nông của cha, là bạt ngàn chuối, bưởi, là gần chục nghìn con bò giống nhập từ Úc về. Và hơn cả, là người truyền cảm hứng cho những người làm nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang là mối lo ngại lớn.

Nhìn vào cơ ngơi của ông Út Huy, tôi chợt nhớ tới câu thơ của Hoàng Trung Thông:

Bàn tay ta làm nên tất cả.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Mỗi năm một lần khởi nghiệp

Ông Út Huy gắn với tôm, với ớt, với bò, và giờ là với chuối, với bưởi. Thời thế thay đổi, ông lại đi tìm con khác, cây khác để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

“Từ tháng 6/2013 tín hiệu nuôi tôm bắt đầu khó. Tôi đi tìm giống khác để hậu thuẫn tôm. Ở Việt Nam, chăn nuôi không ổn định. Người này làm, người kia làm theo. Không có căn cứ vào nhu cầu thị trường. Thí dụ, người ta thi nhau trồng một giống cây, bán rồi bể chợ thì nghỉ. Có người trồng mía, thấy mì bán được thì nghỉ mía, trồng mì, bao giờ không bán được lại nghỉ, không có chiến lược phát triển”, ông Huy chia sẻ.

Ông chia sẻ với chúng tôi, tính ra cứ một năm, ông lại khởi nghiệp lại khi thị trường thay đổi.

Khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai, ông nói: Tham vọng của tôi còn rất nhiều. Tôi đang xây dựng chương trình tiến tới hữu cơ hoá sản phẩm từ giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ, chứng nhận và thị trường mà nếu chạy đua từ bây giờ thì 3-5 năm nữa mới hoàn thành được.

Người đưa chuối đến quốc gia khó tính bậc nhất thế giới

Trong một lần sang Philippines, ông Huy nhận thấy quốc gia xuất khẩu chuối lớn thứ hai thế giới có nhiều điểm tương đồng với khí hậu của Việt Nam.

Năm 2014, ông nhận thấy cơ hội đầu tư vào loại trái cây này tới và ông đã trở lại Philippines tham quan học hỏi. Ông bỏ ra 3 ngày để gặp nông dân trồng chuối. Ông cũng mời chuyên gia nổi tiếng của Philippines về loại cây này tư vấn cho ông. Và chuối Fohla đã ra đời.

“Fohla là Fruits of Huy Long An hay Food of Huy Long An cũng được”, ông vừa cười vừa nói.


Vườn chuối công nghệ cao của ông Út Huy tại Tây Ninh.

Vườn chuối công nghệ cao của ông Út Huy tại Tây Ninh.

Ông chia sẻ, năm 2016 sản lượng chuối vào khoảng 4.000 tấn. Vừa lái xe, ông vừa say sưa giải thích cho chúng tôi về loại cây ông đang trồng. Khu vườn rộng bao la có hệ thống ròng rọc tự động để chuyển trái cây về kho, có hệ thống tưới tiêu hiện đại và nhà kho để có thành phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn đẹp mắt.

Tháng 4/2016, chuối Fohla đã chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới – Nhật Bản. 15 tấn chuối đã chính thức được bày bán tại siêu thị Don Kihote. Ngoài thị trường Nhật, ông còn đang xuất loại trái cây này sang Trung Quốc và Malaysia. Hiện, công ty của ông đang đàm phán để bán cho Hàn Quốc.

Giá chuối Fohla rơi vào khoảng từ 2.500 đồng đến 10.000 đồng/kg. Nếu tính 10.000 đồng/kg thì 4.000 tấn sẽ là 40 tỷ. Nếu chuối giá 5.000 đồng/kg thì doanh thu năm 2016 là 20 tỷ.

Mục tiêu của ông Út Huy năm 2017 là đạt 7.000 tấn chuối và xuất 70% tới thị trường Nhật, thay vì 40% như hiện nay.

Hai con trai của ông là Võ Quang Thuận và Võ Quang hoà đang cùng cha gánh vác “giang sơn” mà ông đang quản lý. Ông dí dỏm: Lúc đầu tôi định nghỉ hưu năm 2015 nhưng giờ vẫn đang cố gắng làm việc tốt để “xin” các con gia hạn thời gian làm việc. Còn sức thì vẫn làm.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM