Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ?

13/12/2021 17:30 PM | Công nghệ

Ông ấy đã làm vậy bằng cách nào, và tại sao ông ấy lại làm vậy?

Mọi định luật vật lý đều có thể sai trong phim Ấn Độ. Nhưng bây giờ, chúng ta phải nghi ngờ điều đó ngoài đời thực. VnExpress cho biết một người đàn ông Ấn Độ mới đây đã lập kỷ lục nhìn chằm chằm vào Mặt Trời suốt 1 tiếng đồng hồ mà không hề chớp mắt.

Đối với một người bình thường, cái nhìn thoáng qua Mặt Trời đã có thể gây lóa mắt. Nhìn chằm chằm vào khối cầu lửa đó trên 30 giây và bạn sẽ gây ra những tổn thương cho giác mạc và cả võng mạc của mình.

Trên 1 phút, bạn sẽ bắt đầu thấy rát mắt vì các tế bào giác mạc thực sự đã bị tia UV đốt cháy. Tới khi các tế bào võng mạc phía trong mắt cũng đã bị tổn thương, bạn sẽ mất đi một phần thị lực – tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn nếu tiếp tục ngoan cố đấu mắt với Mặt Trời.

Người đàn ông Ấn Độ thiết lập kỷ lục nhìn thẳng vào Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt  

Đó là những kiến thức cơ bản mà chúng ta được học từ thời phổ thông, thứ mà các bác sĩ nhãn khoa đã đúc kết được dựa trên nghiên cứu động vật, tai nạn của những người xem nhật thực và kinh nghiệm xương máu của chính những nhà thiên văn từng muốn nhìn rõ Mặt Trời trong quá khứ.

Vậy điều gì đã khiến người đàn ông Ấn Độ nhìn chằm chằm vào Mặt Trời suốt 1 tiếng đồng hồ, sau đó dường như không hề bị tổn thương?

Ông ấy đã luyện tập trong suốt 25 năm

Để bắt đầu, chúng ta có thể thấy đây không phải một màn ảo thuật. Video phía trên của Times of India cho thấy người đàn ông 70 tuổi tên là Verma đã trình diễn kỹ năng của mình trước sự chứng thực của các quan chức địa phương, nhân viên y tế và một đại diện của Sách Kỷ lục Ấn Độ.

Verma cho biết ông đã học theo một đạo sư để luyện tập nhìn thẳng vào Mặt Trời trong suốt 25 năm. Đây là một phần của kỹ thuật thiền có tên là "Surya Tratak", trong đó, người luyện tập nhìn vào Mặt Trời với niềm tin rằng ánh sáng sẽ đem lại cho họ "prana" hay năng lượng sống và sức khỏe.

Nhìn vào Mặt Trời được những người luyện tập nó coi là một "phương pháp trị liệu miễn phí". Thậm chí có người tin rằng với prana nhận được từ Mặt Trời, họ để duy trì cuộc sống của mình mà không cần ăn.

Khoa học phản đối tất cả các luận điểm này. Thứ nhất, nếu bạn nhìn vào Mặt Trời, các tia UV mang năng lượng rất cao xuyên vào mắt bạn có thể phá hủy các tế bào trên giác mạc (lớp ngoài cùng trong suốt của mắt) và khiến bạn thấy bỏng rát.

Đó là bởi giác mạc cũng có dây thần kinh cảm giác, và chúng phản ứng với năng lượng từ tia UV giống với một chiếc lông mi hay một hạt bụi bay vào mắt bạn. Một cách tự nhiên, bạn sẽ chảy nước mắt và có xu hướng chớp mắt để tránh cho giác mạc phồng rộp hoặc bị viêm.

Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 2.

Trong video, chúng ta có thể thấy người đàn ông Ấn Độ chảy rất nhiều nước mắt khi nhìn vào Mặt Trời. Verma rõ ràng đã phải sử dụng ý chí của mình để chống lại cơn đau và phản ứng nhắm mắt lại.

Tuy nhiên, đặc điểm của viêm giác mạc là nó có thể hồi phục khá nhanh, sau một vài giờ đến một vài ngày. Bởi người đàn ông Ấn Độ tự nhận đã luyện tập nhìn Mặt Trời trong suốt 25 năm, chúng ta có thể tin rằng giác mạc của ông ấy đã được củng cố để trở nên chai sạn, cho phép ông ấy nhìn vào Mặt Trời trong thời gian dài.

Nhưng võng mạc ông ấy có thể đã bị cháy

Đáng tiếc, khả năng mà Verma luyện tập được với giác mạc có thể sẽ không đúng với võng mạc của ông ấy. Võng mạc là phần trong cùng của mắt chứa các tế bào cảm giác ánh sáng. Nó được ví như chiếc cảm biến máy ảnh, thu nhận các photon và chuyển tín hiệu tới não bộ của bạn để tái hiện hình ảnh mà bạn nhìn thấy.

Không giống như tế bào giác mạc, tế bào võng mạc không có dây thần kinh cảm giác đau và một khi bị tổn thương, nó sẽ mất thời gian rất lâu mới có thể hồi phục, từ hàng tuần, hàng tháng cho đến hàng năm và thậm chí tổn thương vĩnh viễn tùy mức độ.

Tia UV trong ánh sáng Mặt Trời có thể làm tổn thương tế bào võng mạc và gây ra một bệnh được gọi là "solar retinopathy" hay viêm võng mạc Mặt Trời. Nó xảy ra khi tia UV, đặc biệt là UVA (bước sóng 320-400nm có khả năng đâm xuyên cao vào mắt) kích hoạt quá trình quang hóa và làm hỏng các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc.

Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 3.

Ảnh chụp cắt lớp cho thấy võng mạc tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời bị đen và lõm một lỗ.

Nghiên cứu đã ghi nhận nhiều trường hợp viêm võng mạc Mặt Trời do quan sát nhật thực bằng mắt thường dù chỉ trong một vài giây, hay những người thực hành nghi lễ tôn giáo đã nhìn vào Mặt Trời mỗi ngày trong nhiều năm liền như Verma.

Đặc điểm của viêm võng mạc Mặt Trời là nó thường chỉ phá hủy các tế bào ở trung tâm võng mạc được gọi là hoàng điểm. Điều này là do khi nhìn vào Mặt Trời, đồng tử sẽ tự động co hẹp lại nhất có thể, chỉ để một lượng nhỏ ánh sáng lọt vào trung tâm võng mạc.

Những người thiền theo trường phái Tratak (trong tiếng Phạn có nghĩa là nhìn chằm chằm) cũng thường luyện tập để có được ánh nhìn tập trung nhất có thể. Do đó, tổn thương trên võng mạc chỉ xảy ra cố định ở vùng trung tâm.

Về cơ bản, nó giống như một điểm chết ngay giữa cảm biến máy ảnh. Những người bị viêm võng mạc Mặt Trời sẽ vẫn giữ được tầm nhìn ngoại vi xung quanh, nghĩa là họ vẫn nhìn thấy bình thường, nhưng ở trung tâm tầm nhìn của họ thường bị mờ vì các tế bào cảm nhận ánh sáng ở hoàng điểm đã bị tổn thương dưới tác động của tia UV.

Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 4.
Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 5.

Võng mạc và tầm nhìn mô phỏng của một người đàn ông Ấn Độ nhìn Mặt Trời 10 phút mỗi ngày trong suốt 35 năm.

Bức ảnh trên đây chụp lại một ca bệnh như vậy được báo cáo trên tạp chí y học BMJ Case Reports. Người đàn ông này 62 tuổi, cũng đến từ Ấn Độ và cũng đã nhìn vào Mặt Trời 10 phút mỗi ngày trong suốt 35 năm.

Ông ấy thậm chí chỉ nhìn vào Mặt Trời lúc mới mọc và sắp lặn, hai thời điểm có cường độ UV thấp nhất trong ngày. Vậy mà võng mạc của người đàn ông này vẫn bị "đốt cháy" hai điểm và khiến thị lực của ông ấy suy giảm.

Trong trường hợp của Verma, người đàn ông mới lập kỷ lục nhìn vào Mặt Trời suốt 1 tiếng đồng hồ, chúng ta không biết ảnh võng mạc của ông ấy hiện trông như thế nào. Để kiểm tra điều này, các bác sĩ sẽ cần dùng đến máy chụp cắt lớp quang học.

Tuy nhiên, dường như vị bác sĩ trong video chỉ khám lâm sàng cho Verma để khẳng định thị lực của ông ấy còn tốt sau màn trình diễn và từng ấy năm nhìn vào Mặt Trời. Điều này không đảm bảo Verma vẫn có một võng mạc khỏe mạnh.

Đừng thử điều này ở nhà

Đó là lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn. Hành động nhìn thẳng vào Mặt Trời trong thời gian dài không chỉ có thể khiến giác mạc của bạn bị bỏng, võng mạc của bạn bị viêm mà còn có thể phá hủy gần như mọi bộ phận cấu thành lên mắt bạn.

Thủy tinh thể (phần thấu kính dưới giác mạc) của bạn có thể bị mờ đục theo thời gian nếu bạn để nó tiếp xúc với tia UV quá nhiều. Ngay cả những người không nhìn thẳng vào Mặt Trời mà chỉ tiếp xúc gián tiếp với tia UV Mặt Trời phản xạ trên tuyết hoặc sống trên vùng núi cao như Nepal cũng có thể bị đục thủy tinh thể và dẫn tới mù lòa.

Kế đó là một bệnh được gọi là "mộng thịt", xảy ra khi phần kết mạc (màng mỏng chứa mạch máu bao phủ nhãn cầu) của bạn xuất hiện các mô nhú gây che khuất tầm nhìn. Cuối cùng, tia UV cũng có thể chiếu vào mi mắt của bạn và tác động tới nó như các vùng da khác trên cơ thể.

Bạn có thể phát triển các nốt ruồi ung thư da trên mi mắt nếu nhìn chằm chằm vào Mặt Trời quá lâu và quá thường xuyên.

Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 6.
Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 7.

Mi mắt xuất hiện nốt ruồi ung thư da và một con mắt có kết mạc bị mộng thịt.

Tất cả các bằng chứng từ y học hiện đại đều chống lại phương pháp thực hành thiền "Surya Tratak", ngoại trừ một số ít lợi ích mà nó mang lại thực sự không thể bù đắp cho những nguy cơ gây ra.

Chẳng hạn như các nhà khoa học cho biết tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời có thể giúp bạn thấy tỉnh táo, điều chỉnh đồng hồ sinh học, giảm mệt mỏi, tăng cường vitamin D và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhận được tất cả các lợi ích này bằng cách thức dậy sớm, ra ngoài trời mà không cần nhìn trực tiếp vào Mặt Trời.

Còn việc hành thiền nhìn Mặt Trời có thể giúp bạn có năng lượng mà không cần ăn uống, điều này rõ ràng là một niềm tin sai lầm, nếu không muốn nói là bịa đặt. Trong mắt của chúng ta không có bất cứ cơ chế hấp thụ năng lượng Mặt Trời nào.

Niềm tin này từng được quảng bá mạnh bởi một người đàn ông Ấn Độ tên là Hira Ratan Manek – nhân vật trong bộ phim tài liệu "Eat the Sun" được phát hành tại Mỹ năm 2011. Manek nói rằng bằng cách thiền nhìn Mặt Trời mỗi ngày, ông ấy đã sống suốt 10 năm mà không cần ăn.

Trên thực tế, Manek thừa nhận ông ấy có uống nước, cà phê, trà và sữa. Tuy nhiên vào tháng 3 năm nay, một người nghi ngờ đã bí mật theo dõi Manek và phát hiện ông ấy trong một nhà hàng đồ Ấn tại Mỹ.

Người đàn ông nhìn Mặt Trời 1 tiếng đồng hồ không chớp mắt: Có phải khoa học lại sai ở Ấn Độ? - Ảnh 8.

Hira Ratan Manek, người đàn ông Ấn Độ quảng bá phương pháp thiền nhìn Mặt Trời lấy năng lượng bị bắt gặp đi ăn trưa trong một ngày đầy nắng.

Khi bị chất vấn trước máy quay, Manek bối rối nói rằng có một người đi dường đã trả tiền cho ông ấy để vào quán và giả vờ ăn thức ăn trong đó. Nhưng người chủ quán thì đã xác nhận Manek vào đúng bữa trưa và ăn tất cả các món ăn được bày bán.

Máy quay cũng đã ghi lại đĩa thức ăn trên bàn đầy ự khi Manek ngồi xuống và hết sạch khi ông ấy đứng lên. Toàn bộ đều là thức ăn rắn khiến chúng ta không hiểu: Tại sao hôm đó Manek lại ăn nhiều thế trong khi ngoài trời thì đầy nắng?

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM