Người đàn ông gần 80 tuổi làm dép cao su độc nhất ở Hà Nội
Bên hành lang rộng khoảng 10 m2 là "xưởng" làm dép cao su của người đàn ông gần 80 tuổi.
Người đàn ông đó là ông Phạm Quang Xuân ở phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình (Hà Nội) năm nay gần 80 tuổi, và đã có hơn 50 năm theo nghề làm dép cao su.
Ở Hà Nội hiện có nhiều địa chỉ bán dép cao su, tuy nhiên ông Xuân là người duy nhất mở xưởng làm dép tại gia. Sản phẩm của ông thường được làm theo 5 mẫu khác nhau để đáp ứng cho các lứa tuổi, giới tính. Trong đó, ông đặt tên cho 2 mẫu dép của mình là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp.
"Đây là 2 loại dép được làm theo kiểu mà Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sử dụng", ông chia sẻ trên báo chí.
Ông Xuân bắt đầu làm dép cao su từ năm 1960 tại xí nghiệp dép lốp trường Sơn số 45, Hàng Bồ. Năm 1970, ông là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Hiện những đôi dép này đang được trưng bày tại Phủ chủ tịch và bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau năm 1975, nhu cầu dép cao su không còn nhiều nên Xí nghiệp dép lốp giải thể. Ông Xuân làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, nhưng cuối cùng đã trở lại với nghề dép lốp.
"Xưởng dép cao su" của ông Xuân ở bên hành lang và diện tích chưa đầy 10 m2. Ông cho hay, để có chiếc dép bền và đẹp thì trước hết phải chọn loại lốp cao su có chất lượng tốt; tỉ mỉ trong từng công đoạn để làm sao quai ôm vừa chân người đi.
Chiếc máy cắt sợi cao su đã gắn liền với gia đình ông Xuân hàng chục năm nay. Dép cao su do ông Xuân làm có giá từ 200 đến 500 nghìn đồng mỗi đôi.
"Nếu làm liên tục thì một đôi dép cao su mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Năm nay tôi đã già rồi nên cứ làm nhẩn nha, mệt thì nghỉ, làm sao ra được đôi dép đẹp, khách hài lòng là mình cũng thấy vui", ông Xuân tâm sự.
Tâm sự trên Zing, ông nói: dép cao su vốn là đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ. Để làm ra dép cao su ông phải cất công tìm mua lốp (chủ yếu là lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở mỏ đã hỏng) có đủ độ dày cần thiết rồi mang về xén thành từng phần, từng đoạn. Dụng cụ của ông Xuân đều được đặt làm riêng theo yêu cầu bằng những loại thép đặc biệt bởi thợ rèn dao kéo giỏi của làng Đa Sỹ, quận Hà Đông.