Người đàn ông gần 40 tuổi đến đồ lót cũng để mẹ giặt: Cha mẹ không dạy con tự lập là những người ích kỷ và tàn nhẫn
Dạy trẻ khả năng đối mặt với cuộc sống là tài sản quan trọng đồng hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời.
Một cô gái tên Lại Quế Quyên, 19 tuổi đã khiến tôi thực sự cảm động. Khi cô còn nhỏ, ông bà và mẹ cô lần lượt ra đi. Quế Quyên sống một mình với bố, nhưng cách đây 3 năm, ông cũng rời bỏ cô về bên kia thế giới. Không phụ lòng người thân, Quế Quyên nỗ lực học hành và được nhận vào học tại Đại học Y Quảng Đông với kết quả xuất sắc.
Không có sự che chở, lo lắng cho người thân, Quê Quyên phải tự dựa vào bản thân, hoàn toàn tự lập trong cuộc đời. "Cuộc đời tôi vẫn còn cả một chặng đường dài. Tôi vẫn phải học cách tự mình đối mặt với khó khăn và tự lập hơn", Quế Quyên trả lời trong một buổi phỏng vấn.
Nhà văn Anna Kundland đã nói: "Tình yêu thương thành công nhất của cha mẹ không phải là giữ con bên mình mà là vun đắp cho con tính tự lập và biết buông tay con".
Không có gì sẽ đảm bảo được bạn sẽ bên cạnh con cả đời bởi bao điều bất trắc có thể kéo đến bất kì lúc nào. Vậy nên, nuôi dưỡng lòng can đảm và sự tự tin, độc lập của trẻ để đối mặt với cuộc sống một cách độc lập là tài sản tốt nhất mà cha mẹ để lại cho con cái.
Việc một đứa trẻ không có khả năng tự lập là sự tàn nhẫn lớn nhất của cha mẹ đối với con. Ai đó đã nói: "Cha mẹ không bao giờ dạy con tự lập là những người ngu dốt và độc ác nhất. Họ giống như đại bàng không dạy mèo con bay, nhưng lại đẩy nó ra khỏi vách đá khi chúng trưởng thành".
Trong chương trình "Xin hãy tha thứ cho tôi", một bà mẹ 64 tuổi đã lên sân khấu nói lời xin lỗi cậu con trai 37 tuổi vì chính bà đã nuôi nấng con một cách bao bọc đến mức quá đáng.
Khi con trai ăn trái cây, mẹ rửa và đưa lên miệng cho con; con trai đi vệ sinh, mẹ cũng giúp đỡ; bữa ăn, mẹ phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, bát đũa cho con trai; ngay cả đồ lót của con, mẹ cũng giặt hộ.
Kết quả của việc làm như thế này là cậu con trai 37 tuổi chẳng biết làm gì cả. Giờ đây, khi gần tuổi thất thập, người mẹ lo sợ đến một ngày nào đó, khi bà lìa trần thì không biết ai sẽ chăm sóc con mình, không biết con mình sẽ sống ra sao.
Cha mẹ đã tự tay chặt đứt đôi cánh của đứa trẻ, khiến nó giống như một đứa trẻ sơ sinh bị xã hội ruồng bỏ, không thể tồn tại trên trần gian.
Tôi nhớ đến câu chuyện của nghiên cứu sinh tiến sĩ Lý Minh Lượng 37 tuổi. 8 năm ở nhà, không tìm việc làm, cả ngày Minh Lượng nhốt mình trong phòng và chỉ ra ngoài để ăn uống. Cha mẹ anh sức khoẻ đã yếu vẫn phải làm những công việc lặt vặt, cực nhọc để kiếm tiền nuôi cậu con trai gần 40 tuổi, thông minh nhưng không biết làm gì cả.
Lý do khiến Lý Minh Lượng như thế là bởi khi anh còn đi học, bố mẹ đã nói với anh rằng: "Con chỉ cần tập trung học, không cần quan tâm đến gì cả". Thậm chí, để con tập trung học, để đầu tư cho con trai, bố mẹ anh đã cho em gái bỏ học. Họ tập trung mọi nguồn lực để lo cho con trai.
Sự nuông chiều, bao bọc của bố mẹ đã khiến Lý Minh Lượng trở thành một Tiến sĩ có chỉ số IQ cao nhưng mãi mãi là một người trưởng thành không thể tốt nghiệp ở trường đời.
Nhà triết học người Mỹ Fromm tin rằng: "Để kiểm tra bố mẹ có thực sự thương con hay không hãy nhìn vào việc liệu người mẹ có sẵn sàng buông tay con đúng lúc, và liệu họ có sẵn sàng thúc đẩy tính tự chủ và độc lập của đứa trẻ hay không".
Sự bao bọc của bố mẹ đã cướp đi cơ hội rèn luyện sức khỏe của con cái, và cách cha mẹ dìu dắt con đã cướp đi khả năng độc lập mà đứa trẻ sẽ phát triển trong tương lai.
Cách nuôi dạy khiến đứa bé không bao giờ lớn được, để sau này nó không thể tồn tại trong xã hội, đó không phải là tình yêu của cha mẹ dành cho con, mà là sự ích kỉ, là sự tàn nhẫn lớn nhất đối với đứa trẻ.
Tự lập là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ để lại cho con cái. Đừng lúc nào cũng dắt tay đứa trẻ đi dạo mà hãy để con tự bước đi bằng khả năng của mình.
Cha mẹ cho con tự lo liệu những công việc vặt trong nhà từ khi còn nhỏ, tự cho con giải quyết các vấn đề phù hợp lứa tuổi, đó là cách để con đối phó với những biến cố lớn trong cuộc sống, để con biết tự xử lý những vấn đề khó khăn.
Chỉ khi cha mẹ biết buông tay, con cái mới có cơ hội và dũng khí đứng một mình.
Dạy trẻ khả năng đối mặt với cuộc sống là tài sản quan trọng đồng hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời.
(Nguồn: Zhihu)