Người đàn ông bị mù mắt, hỏng gan vì thói quen thường ngày: Bác sỹ BV Bạch Mai cũng "bó tay" nếu nhiều người không chịu thay đổi
Những ngày qua Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), trong đó có những trường hợp bị mất thị lực hoàn toàn.
Như trường hợp ông Kiên (59 tuổi, Thanh Hoá) vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mất thị lực. Trước đó ông từng đi khám tại Bệnh viện mắt Trung ương vì mất ánh sáng. Kết quả thăm khám không cho ra kết quả, nên các bác sĩ giới thiệu sang Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì nghi ngờ ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
Ông Kiên uống rượu nhiều năm nay, mỗi ngày vào bữa sáng ông thường uống 3 ly rượu (mỗi ly khoảng 100-120ml).
Trước khi vào viện, ngày 12/12 ông mua rượu uống tại quán cách nhà hơn cây số, tối đến thấy người mệt mỏi nên ông lên giường nằm nghỉ. Hai ngày sau, ông không uống rượu nhưng tình trạng ngày một nặng hơn. Ông Kiên đi ngoài liên tục, kèm nôn mửa, đến tối 14/12 thì mất hẳn thị lực, không nhìn thấy bất kỳ thứ gì xung quanh.
Ông được chẩn đoán mất thị lực do ngộ độc methanol. Ngoài ra, do bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài dẫn tới xơ gan, mất chức năng tủy.
Một trường hợp khác cũng bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn methanol, là ông Nam (69 tuổi, ở Vĩnh Phúc). Ông Nam uống trung bình 1 lít rượu/ngày.
Trước một ngày nhập viện, ông nhờ cháu gái đi mua rượu tại một quán gần nhà. Sau khi uống say, ông lên giường đi ngủ. Ngày hôm sau tỉnh dậy, bệnh nhân bị mất thị lực.
Ông được đưa tới viện cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc methanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao. Bệnh nhân Nam xuất hiện những cơn vật vã, kích thích ảo giác do nghiện rượu.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cả 2 trường hợp bệnh nhân đều uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol gây ra ngộ độc.
"Đối với 2 trường hợp bệnh nhân này, tiên lượng phục hồi xấu do quá trình tổn thương nhiều ngày mới tới bệnh viện", bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ Nguyên, methanol khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành axit formic. Đây là chất gây tổn thương não, mù mắt và loạt hậu quả khác. Quy trình chuyển hóa gây độc của methanol thường diễn ra chậm và sẽ càng đặc biệt chậm khi trong máu có cả thành phần rượu ethanol (rượu tự nấu) do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn công nghiệp methanol.
"Cồn công nghiệp methanol được đào thải rất chậm, kết hợp với chuyển hóa bị chậm nên chất độc tồn tại trong cơ thể tới hàng tuần sau và nguy cơ gây tổn thương mắt và não ở nhiều ngày sau nếu không được điều trị", vị bác sĩ cho hay.
Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất khó có thể phân biệt được rượu chứa methanol và rượu thông thường. Chỉ một điểm là rượu pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.
Uống rượu chứa methanol cũng gây say giống như rượu thông thường. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải rượu có methanol.
Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn. Đây cũng là lý do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Sau khi methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như mờ mắt, lơ mơ, lú lẫn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
Bác sĩ Nguyên chia sẻ, trong dịp cuối năm và sau kỳ nghỉ tết số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng. Mọi người cần nâng cao cảnh giác, đề phòng tác hại của rượu nói chung và ngộ độc rượu methanol nói riêng
Để phòng ngừa ngộ độc methanol, bác sĩ khuyến cáo:
- Hạn chế uống rượu để tránh uống phải rượu có methanol
- Nếu uống rượu, cần uống rượu có nguồn gốc rõ ràng, nên mua rượu tại những nơi có địa chỉ phân phối, siêu thị.
- Bên cạnh đó cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Không bán các loại cồn đốt tại các hiệu thuốc.