Người dân cần làm gì khi bị lừa đảo qua mạng?
Cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, các chiêu thức lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi hơn. Nếu không may sập bẫy lừa đảo qua mạng, người dân cần làm gì?
Nở rộ các chiêu trò lừa đảo qua mạng
Thời gian vừa qua, công an các địa phương đã tiếp nhận nhiều vụ lừa đảo với các chiêu thức phổ biến như:
Các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, Zalo… của bị hại, sau đó sử dụng tài khoản này để nhắn tin đề nghị người thân, bạn bè chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn.
Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu nộp thuế hoặc đóng góp ủng hộ quỹ người nghèo, tàn tật…
Đăng tin tuyển dụng trên Facebook và dụ dỗ nạn nhân trở thành cộng tác viên bán hàng, sau đó yêu cầu bỏ ra một số tiền nhất định để mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nạn nhân được hứa hẹn sẽ được thanh toán tiền hàng và trả thêm phần trăm hoa hồng sau khi hoàn tất đơn hàng. Nhưng cuối cùng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt luôn số tiền mua hàng của nạn nhân…
Tất cả chiêu thức trên đều kết thúc quy trình bằng việc chặn liên lạc của nạn nhân. Khi đó, nạn nhân mới biết mình bị lừa mà không có cách nào tìm ra "tung tích".
Việc cần làm khi bị lừa đảo qua mạng
Thông thường, với những vụ lừa đảo qua mạng, người dân sẽ rất khó khăn để tự mình lấy lại số tiền mà cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Lừa đảo qua mạng thuộc tội danh Lừa đảo chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trình tự, thủ tục xử lý cũng được thực hiện theo quy định Bộ luật tố tụng Hình sự.
Theo đó, trước tiên, người dân cần chụp lại toàn bộ tin nhắn, giao dịch chuyển tiền để lấy làm chứng cứ; Soạn thảo đơn trình báo công an, chuẩn bị bản sao chứng thực của CMND/Căn cước công dân.
Mang toàn bộ các loại giấy tờ trên, cùng bản chính của CMND/Căn cước công dân đến nộp tại cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Từ bằng chứng và thông tin mà nạn nhân cung cấp, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, xác minh sự việc và truy tìm tội phạm.
Ngoài ra, người dân cũng có thể gọi điện đến cơ quan An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra của Bộ Công an để tố giác tội phạm.
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an
+ Tại Thành phố Hà Nội: 069.2342431
+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh: 069.3336310
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an:
+ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội: 069.2348560.
Đồng thời, đường dây nóng của Công an thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ tiếp nhận các thông tin tố giác lừa đảo.
Ngoài ra, nếu như gặp phải các tình huống lừa đảo qua mạng trên thực tế và muốn có thêm kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình, người dân có thể liên hệ đến tổng đài của LuatVietnam theo số: 1900.6192. Tại đây, các chuyên gia pháp lý sẽ giúp bạn nhận diện chính xác tình huống bạn gặp phải có là lừa đảo hay không, hướng dẫn bạn soạn đơn từ như thế nào để tố cáo hành vi lừa đảo…