Người cách ly phòng dịch Covid-19 được hưởng chế độ gì?
Những ngày qua, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, kêu gọi người nghi mắc, tiếp xúc gần với người mắc dịch Covid-19 chủ động khai báo để cách ly theo dõi thì vẫn có một số trường hợp có hành vi giấu dịch, khai báo không trung thực để thoát cách ly.
Để người dân hiểu rõ hơn quy định cách ly phòng dịch, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi liên quan, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A (trong đó có bệnh Covid-19) phải được cách ly. Việc cách ly thực hiện theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP.
Về quyền lợi, Thông tư 32/2012/TT-BTC quy định người bị cách ly y tế do nhiễm bệnh sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Đối với người bị cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cửa khẩu, cách ly tại địa điểm khác sẽ được cấp miễn phí các vật dụng y tế, vật dụng sinh hoạt cần thiết theo quy định; được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Đồng thời, miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác.
Kiểm tra sức khỏe 57 công dân trước khi rời cách ly Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ. Ảnh: Quang Luật
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi (đối với người có thẻ BHYT); hoặc ngân sách nhà nước chi trả. Người thực hiện cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ (nếu có).
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, người cách ly y tế tại các cơ sở y tế và khu tập trung sẽ tự chi trả tiền ăn nhưng thời gian qua, hầu hết các địa phương và khu cách ly tập trung như quân đội... dùng nguồn ngân sách của địa phương hoặc đơn vị để chăm lo đời sống tốt nhất cho người bị cách ly y tế.
Sáng 9-3, tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã tiến hành các thủ tục để đưa 57 công dân Việt Nam rời khỏi khu cách ly. Những người này trở về từ Daegu - Hàn Quốc trên cùng một chuyến bay hạ cánh xuống Đà Nẵng ngày 24-2, đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định 14 ngày sau khi trở về từ vùng có dịch. Sau khi được kiểm tra sức khỏe, 57 trường hợp trên đều ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện trở về với gia đình. Chị Hồ Thị Thủy (SN 1993; du học sinh tại TP Daegu - Hàn Quốc) cho biết khi mới được đưa vào khu cách ly, chị và nhiều người đi cùng đoàn không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sau đó mọi người đều cảm thấy thoải mái hơn vì "cách ly không có gì là đáng sợ". Theo chị Thủy, vì sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy tự giác, ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh.
Cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người bị cách ly
Đến ngày 9-3, khu phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã bước sang ngày thứ 3 cách ly, sau khi phát hiện 1 trường hợp dương tính tại số nhà 125. Để thực hiện cách ly theo quy định 14 ngày, UBND quận Ba Đình phối hợp với UBND phường Trúc Bạch đã cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân thuộc diện cách ly tại phố Trúc Bạch. Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết 195 người dân đang bị cách ly tại phố Trúc Bạch đã và đang tiếp tục được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, không để người dân trong khu vực bị thiếu hàng hóa thiết yếu.
M.Chiến