Ngột ngạt phiên xét xử đằng sau 2 lớp kính chống đạn của sếp Huawei Mạnh Vãn Chu
Khi phiên tòa kết thúc, bà Mạnh bị dẫn đi, đầu cúi gằm. Những gì sẽ xảy đến với Huawei trong tương lai gần vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Phiên xét xử ngột ngạt
Khi Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei Mạnh Vãn Chu xuất hiện trong một phòng xét xử tại Vancouver vào ngày 5/12 trong bộ đồ xanh lá cây, chỉ một phóng viên của tờ Vancouver Sun để ý tới tên của người phụ nữ này trong danh sách những bị cáo phải ra tòa trong buổi sáng ngày hôm đó.
Chỉ vài giờ đồng hồ sau, vụ bắt giữ bà Mạnh tại Canada theo yêu cầu của Washington đã gây chấn động mạnh mẽ dư luận trong và ngoài nước.
Tới ngày 7/12, khi tòa xét xử tiếp đơn xin bảo lãnh tại ngoại, bà Mạnh bước vào phòng xét xử với sự có mặt của hơn 100 phóng viên quốc tế - tất cả đều chăm chú dõi theo từng cử chỉ nhỏ nhất của người phụ nữ này qua 2 lớp kính chống đạn.
Được biết, để đáp ứng sự quan tâm đặc biệt của truyền thông, tòa án đã chuyển hoạt động tố tụng sang phòng "Courtroom 20" vốn được xây dựng đặc biệt cho vụ xét xử khủng bố Air India 16 năm trước.
SCMP nhận định, những lớp kính bao quanh tòa án khiến bị cáo cùng các thành viên khác của hội đồng xét xử nhìn như "cá vàng ở trong chậu".
Bức vẽ phác họa Bà Mạnh Vãn Chu ngồi cùng phiên dịch viên tại phiên tòa ở Vancouver ngày 7/12/2018. Ảnh: AP/Jane Wolsak
"Chúng tôi đã đặt trước 20 ghế ở phòng xét xử," luật sư của bà Mạnh trả lời một cảnh sát trưởng, sau đó vẫy tay xua các phóng viên từ đằng xa để giữ chỗ cho đội ngũ các quan chức của Huawei và các luật sư của hãng này.
Tuy nhiên, hai họa sĩ của tòa án đã giành được vị trí tốt trong khán phòng.
"Chúng tôi cần phải quan sát được mọi thứ và chúng tôi đã tới đây đầu tiên," một họa sĩ vừa nói vừa lấy dụng cụ ra. Các luật sư Huawei thở dài.
Cảnh sát trưởng chỉ vào một chiếc ghế mà Huawei giữ chỗ ở hàng ghế trước.
"Đây là ghế dành cho chồng bà Mạnh phải không?" - cảnh sát trưởng hỏi. Vị luật sư không đáp. Chiếc ghế sau đó bị bỏ trống trong cả buổi xét xử.
Có nhiều người thuộc những nhóm khác nhau tới ủng hộ bà Mạnh trong phiên tòa. Một số là nhân viên và đối tác của Huawei, bao gồm phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề của công ty Scott Bradley. Một số khác là các luật sư - cả Canada và Trung Quốc - trong trang phục chỉnh tề, thỉnh thoảng bắt chuyện với các phóng viên ngồi cạnh.
Những lời khai của bà Mạnh đều không đi qua được hai lớp kính chống đạn. Luật sư Canada David Martin chào đón bà vào buổi sáng, hai tay siết chặt tay thân chủ.
Như một cảnh trong phim câm, hai người cười nói mà không phát ra âm thanh nào, cũng không có chuyên gia "đọc môi" nào ở đó để diễn giải nội dung cho những người quan sát bên ngoài.
Nhưng những ngôn ngữ cơ thể của bà Mạnh đã nói lên tất cả. Khi cáo buộc được đưa ra, bà Mạnh bị lên án với tội danh gian lận ở Mỹ, cụ thể là liên quan đến các hành vi vi phạm cấm vận nhằm vào Iran. Bản án được đưa ra lên tới 30 năm tù giam.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.
Sau đó, luật sư của bà Mạnh khẳng định bà sẽ không trốn chạy và xứng đáng được hưởng bảo lãnh tại ngoại.
Luật sư nói việc bà Mạnh tẩu thoát chắc chắn làm xấu mặt cha bà - ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei - và tất cả người dân Trung Quốc.
Khi phiên tòa kết thúc, bà Mạnh bị dẫn đi, đầu cúi gằm. Những gì sẽ xảy đến với Huawei trong tương lai gần vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nỗi ám ảnh mang tên Huawei
Theo các chuyên gia, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu chỉ là một trong số những động thái "dương đông kích tây" nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và ZTE.
Nguyên nhân đích thực trong các cáo buộc có khả năng cao không phải chỉ bởi vì bà Mạnh vi phạm cấm vận của Mỹ với Iran, mà còn vì Mỹ lo ngại hoạt động do thám qua thiết bị điện tử của đồ công nghệ Trung Quốc.
Hồi tháng 2 vừa qua, tình báo Mỹ đã thúc giục người dân trong nước không sử dụng điện thoại của Huawei hoặc ZTE.
Australia và New Zealand đã tiếp bước, cấm Huawei tham gia xây dựng mạng không dây 5G với lí do lo ngại về an ninh.
Nỗi lo về Huawei và ZTE vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Nhật Bản hôm 7/12 đưa tin Tokyo chuẩn bị cấm tất cả các cơ quan chính phủ mua và sử dụng sản phẩm viễn thông của hai công ty nói trên.